Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Có nguy cơ xẩy ra chiến tranh vì đói ăn vào năm 2050

Trong 30 năm tới, dân số thế giới sẽ vượt quá 9 tỷ người. Liệu thế giới có sản xuất đủ lương thực để nuôi số lượng người này hay không ? Cơ quan viện trợ phát triển quốc tế Mỹ USAID tỏ ra nghi ngờ.

Nạn đói là nguy cơ chiến tranh ?
Nạn đói là nguy cơ chiến tranh ? REUTERS/Beawiharta
Quảng cáo

Trong ba thập niên tới, nạn khan hiếm lương thực, thực phẩm có thể dẫn đến các vụ nổi dậy và thậm chí chiến tranh, nhằm làm chủ các nguồn thức ăn này. Đây không phải là phim giả tưởng, mà là dự báo rất nghiêm túc của cơ quan phụ trách phát triển quốc tế Liên bang Hoa Kỳ (USAID U.S. Agency for International Development). Rất có thể vào năm 2050, không có đủ đất canh tác, nước và năng lượng để nuôi sống 9,6 tỷ người trên hành tinh của chúng ta.

Về mặt kỹ thuật, hiện nay, các nhà nông sản xuất đủ lương thực, thực phẩm để nuôi sống tất cả mọi người. Thế nhưng, cho đến nay, vẫn có gần một tỷ người trên trái đất bị đói ăn, cho dù ở những nơi đó không có chiến tranh. Bởi vì thức ăn quá đắt hoặc không có sẵn ở những nơi cần.

Vấn đề sản xuất lương thực, thực phẩm không phải là một con đường thẳng, tiệm tiến. Để tránh nạn đói, các nhà nông sẽ phải nâng sản lượng lên gấp đôi, từ nay đến 2050, cho dù dân số không tăng gấp hai lần. Bởi vì một nửa mức tiêu thụ thực phẩm tăng lên là do thu nhập tăng. Người dân các nước đang phát triển càng giàu thì thực phẩm của họ càng phong phú, nhiều thịt và sữa hơn. Trong khi đó, phải cần tới gần 6kg ngũ cốc để có được nửa cân thịt bò.

Phải chăng chúng ta không thể trồng trọt và sản xuất nhiều hơn ? Điều này có vẻ rất khó. Một nửa diện tích đất đai trên trái đất bao phủ thực vật đã được khai thác trong hoạt động nông nghiệp. Nếu tiếp tục khai hoang, nhất là phá các khu rừng nhiệt đới, thì sẽ gây ra một thảm họa thực sự về môi sinh. Do vậy, cần phải nâng cao năng suất, nhưng giải pháp này tốn kém, cần có thời gian để phổ biến kỹ thuật và ứng dụng ; bản thân các hoạt động cải thiện năng suất cũng là một mối nguy hiểm đối với môi sinh.

Ông Fred Davies, cố vấn khoa học văn phòng an ninh lương thực của USAID cảnh báo : « Các vấn đề lương thực, thực phẩm, về mặt chính trị, có thể cũng gây mất ổn định vào năm 2050, giống như các vấn đề năng lượng hiện nay ».

Vẫn theo chuyên gia này, việc phát triển công nghệ sinh học và phổ biến rộng rãi các kỹ thuật canh tác có thể không đủ để đáp ứng các nhu cầu của dân số ngày càng tăng. Hơn nữa, việc phổ biến các tiến bộ kỹ thuật đến các trang trại nhỏ tại các nước đang phát triển gặp nhiều khó khăn, cho dù chính các nước này có nhiều tiềm năng sản xuất lương thực và thực phẩm.

Một trong những giải pháp mà USAID đưa ra là hoán chuyển một phần sản xuất lương thực với các hoạt động canh tác truyền thống như trồng ngô, lúa mì, lúa gạo, thành canh tác rau quả, có năng suất cao hơn và đáp ứng trực tiếp nhu cầu của các thành phố lớn đang ngày càng đông dân hơn. Theo chuyên gia Fred Davies : « Cần chú trọng đến canh tác rau quả có giá trị gia tăng cao hơn ».

Có một giải pháp khác liên quan đến tỷ lệ tăng dân số, nhưng phụ thuộc vào mức độ phát triển. Việc nâng cao sức mua của người dân cũng như trình độ giáo dục, có tác dụng trực tiếp làm giảm tỷ lệ sinh đẻ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.