Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - NGA

Năng lượng : Liên Hiệp Châu Âu run tay trong việc trừng phạt Nga

Nga bảo đảm đến 30 % dầu hỏa và khí đốt của 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Những thất bại liên tiếp của Châu Âu về chính sách năng lượng khiến Bruxelles run tay khi hạ bút quyết định trừng phạt Matxcơva vừa thôn tín Crimée.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời báo chí khi tới Bruxelles dự Thượng đỉnh Châu Âu, 20/03/2014
Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời báo chí khi tới Bruxelles dự Thượng đỉnh Châu Âu, 20/03/2014 REUTERS
Quảng cáo

Hai chủ đề lớn phủ rộng các tờ báo Pháp hôm nay là hồ sơ Crimée –Ukraina và vụ tư pháp ra lệnh nghe điện thoại cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy. Dư luận Pháp bị « chấn động » sau khi một phần nội dung các cuộc điện đàm này đã được công bố hôm qua.

Về hồ sơ Ukraina - Crimée, dưới hàng tựa « Bruxelles sẵn sàng hợp tác với Kiev », báo L'Humanité cho rằng việc « vế chính trị » trong thỏa thuận hợp tác Ukraina –Liên Hiệp Châu Âu sẽ được đôi bên thông qua nhân Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu mở ra trong hai ngày 20 và 21/03/2014 là « một lời cảnh cáo Bruxelles gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin ». Chủ nhân điện Kremlin đang say men chiến thắng sau khi vừa thôn tính vùng Crimée.

Nhưng, nếu như Putin đang thuận buồm xuôi gió thì phương Tây và Liên Hiệp Châu Âu lại vô cùng lúng túng. « Khủng hoảng Ukraina, cuộc trắc nghiệm mang tính quyết định đối với NATO » tựa một bài báo của Le Monde.

Về phần Liên Hiệp Châu Âu, bề ngoài tỏ ra đoàn kết và mạnh dạn tuyên bố sẽ trừng phạt nước Nga. Nhưng ở hậu trường, như bài báo của tờ Les Echos cho thấy « Châu Âu do dự ». Ngay bản thân nước Pháp không hề muốn hợp đồng cung cấp tàu chiếu Mistral cho Nga bị đình chỉ vì sợ đe dọa trực tiếp đến công ăn việc làm của 1.000 nhân viên đóng tàu !

Le Figaro ghi nhận : Bruxelles vừa dọa Matxcơva nhưng lại vừa run. Nga có thể dùng khí đốt để bắt chẹt Châu Âu. Đức và các nước Đông Âu ý thức được điều đó hơn ai hết. Báo kinh tế Les Echos dành hẳn một trang để giải thích về mức độ lệ thuộc của Liên Hiệp Châu Âu vào khí đốt Nga. Đức mua vào đến 30 tỷ mét khối khí đốt của Nga. Ý hơn 13 tỷ. Pháp hơn 7 tỷ mét khối. Còn Rumani thì lệ thuộc đến 100 % vào khí đốt của Nga.

Từ năm 2009 tới nay, Liên Hiệp Châu Âu không hề giảm bớt mức độ lệ thuộc vào khí đốt của Nga. 36 % khí đốt tiêu thụ hàng năm tại 28 thành viên trong khối vẫn do Nga cung cấp. Sự lệ thuộc đó dẫn tới việc nhập siêu của Liên Hiệp Châu Âu đối với Nga lên tới 92 tỷ euro. Đành rằng kể từ khủng hoảng về khí đốt giữa Nga với Ukraina vào mùa đông năm 2009 gây tác động dây chuyền đến các nước Tây Âu. Từ đó, Bruxelles đã tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp, chẳng hạn như hướng tới khí đốt của Hoa Kỳ và tăng cường khả năng dự trữ của các nước thành viên trong Liên hiệp.

Tiếc là « chính sách về năng lượng của Châu Âu đã có quá nhiều thất bại ». Thứ nhất, một lần nữa, hồ sơ năng lượng mà nhẽ ra phải là trọng tâm của cuộc họp Thượng đỉnh lần này, sẽ bị vấn đề Ukraina làm lu mờ. Mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng lồng kính của Liên Hiệp Châu Âu vốn đã là đề tài gây nhiều tranh cãi trong khối, lại càng không có hy vọng được các bên đả động đến trong những giờ sắp tới tại Bruxelles.

Thứ hai là khủng hoảng Ukraina –Crimée, lại càng củng cố cho lập luận của một số nước Đông Âu – đứng đầu là Ba Lan- là phải duy trì năng lượng than đá. 85 % năng lượng điện của Ba Lan sử dụng than, khiến quốc gia này trở thành nguồn phát khí CO2 và gây ô nhiễm không khí vào bậc nhất của Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng Les Echos cam chắc : Vào thời điểm này Bruxelles càng khó thuyết phục Vacxava thay đổi chính sách năng lượng ! Cách nay đã 6 năm, Liên Hiệp Châu Âu đề ra ba mục tiêu : Vào năm 2020, giảm 20 % CO2 thải ra so với thời điểm của năm 1990 ; đẩy mức sử dụng năng lượng tái tạo lên thành 20 % nhu cầu của Châu Âu và tăng thêm 20 % hiệu quả năng lượng sử dụng. Cả ba mục tiêu đó coi như đã bị thời sự ở Crimée và Ukraina nhận chìm tại Thượng đỉnh Bruxelles lần này.

Cả trên bàn cờ năng lượng lẫn chính trị, Liên Hiệp Châu Âu không có cùng quan điểm về vị trí cũng như ảnh hưởng của nước Nga. Le Figaro nêu lên khác biệt giữa các nước Đông và Tây Âu sau vụ Nga đã tách Crimée ra khỏi Ukraina. Các nước Đông Âu đang tranh thủ chuyến công tác của phó Tổng thống Mỹ Joe Biden để kêu gọi Washington nên có thái độ « cứng rắn hơn » với Matxcơva.

Anh, Pháp hay Đức vì những lý do kinh tế, tài chính đều đang có những tính toán riêng của mình trước một đối tác như nước Nga. Riêng Đông Âu thì từ các ước vùng Baltic đến nhóm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia đều lo sợ trước những tham vọng của Nga đang trong tay Putin. Nhóm này dù đã gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO - nhưng vẫn còn bị những đợt can thiệp quân sự của đội quân Liên Xô những năm 1956, 1968 hay 1981 ám ảnh. Dù các nước này đã là thành viên NATO, nhưng người dân Hungary hay Séc vẫn chưa quên rằng, từ cuộc nổi dậy ở Budapest đến phong trào mùa xuân Praha đều đã bị Hồng quân Liên Xô nhận chìm. Về phần các quốc gia vùng Baltic, nơi có một cộng đồng người nói tiếng Nga rất đông, thì số này lo sợ rồi cũng có một ngày, họ phải chung số phận như những gì vừa diễn ra ở Crimée.

Putin khai thác là bài dân tộc chủ nghĩa

Trong khi mà phương Tây lúng túng, báo Libération, trong số đặc biệt hôm nay nhường lời cho 38 nhà văn trên thế giới bình luận về thời sự, nhân hội chợ sách quốc tế Paris khai mạc. Tờ báo hóm hỉnh chạy tựa : « Thôn tính Crimée : Siêu sao Putin ».

Le Monde tóm lược tình hình : « Putin đại thắng, Ukraina và phương Tây bất lực ». Thông tín viên của tờ báo từ Matxcơva mô tả cảnh lãnh đạo Nga « dàn dựng chiến thắng của mình như thế nào trước hàng chục ngàn người ». Trong rừng cờ ba sọc xanh trắng đỏ của Nga, đã xuất hiện những là cờ nền trắng, ở góc phải là bức chân dung của ông Putin. Còn ở góc trái là hình ảnh một bàn tay đang nắm chặt lấy một con rắn với hàng chữ « Chúng ta cùng nhau ».
Một nhà sử học giải thích : Hình ảnh một bàn tay bóp chết con rắn được lấy lại từ một tấm áp phích đã có từ năm 1937. Trong chiến dịch tuyên truyền của đảng Cộng sản Liên Xô thời với thông điệp chính là Matxcơva sẽ « bóp chết tất cả những tên gián điệp, những kẻ phản bội, phá hoại, những thành phần theo Trotski hay Boukharin ».

Trên khán đài ở quảng trường Đỏ, người hùng Putin đã dùng đòn tâm lý, khơi dậy tinh thần dân tộc của người Nga. Ông dõng dạc tuyên bố « Phương Tây đe dọa trừng phạt nước Nga và cảnh cáo là Nga sẽ phải đối phó với những vấn đề đến từ bên trong. Không hiểu là các nước Tây phương có những dụng ý gì. Hoặc là họ trông đợi vào một lực lượng nào đó do những tên phản bội lập nên, hoặc là quốc tế muốn khuấy động nội tình của nước Nga ». Theo phân tích của một nhà báo Nga được Le Monde trích dẫn, như để chuẩn bị dư luận trước khả năng Nga bị quốc tế trừng phạt vì đã thôn tính Crimée ông Putin đã trực tiếp nói với dân chúng rằng, từ thế kỷ thứ 18, quốc tế đã luôn có thái độ thù nghịch với nước Nga !

Libya bị bỏ rơi

Cũng về thời sự quốc tế, xã luận của Le Monde chú ý tới Libya : Cách nay đúng ba năm, liên quân quốc tế can thiệp vào quốc gia bắc Phi này, dẫn tới cái chết của nhà độc tài Kadhafi vào tháng 10/2011. Đối lập và quân nổi dậy Libya giành chiến thắng, nhưng từ đó tới nay, chưa một chính phủ nào được hình thành. Đầu tư vẫn dậm chân tại chỗ. Kinh tế Libya bị tê liệt.

Tại các thành phố lớn, tình trạng mất an ninh đã tràn lan. Các băng đảng tội phạm, các nhóm dân quân làm chủ đường phố. Anh Mỹ và Pháp kêu gọi các kiều dân nên tránh tới vùng đất nguy hiểm này. Nhưng đáng sợ hơn cả, theo nhận xét của một trong những chuyên gia hàng đầu về Cận Đông, là ngay cả những quốc gia từng hăng hái can thiệp quân sự nhất vào Libya, nay chẳng còn chút quan tâm đến quốc gia này. Trong bối cảnh đó, Le Monde nêu câu hỏi : Liệu cộng đồng quốc tế có thể dửng dưng hay không trước hoàn cảnh của một quốc gia, mà ít nhiều quốc tế phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra cho đất nước này ?

Vụ Tư pháp « nghe » điện thoại cựu Tổng thống Sarkozy

Về thời sự của Pháp, các tờ báo bình luận rất nhiều về vụ mạng truyền thông Mediapart công bố nội dung các cuộc điện thoại giữa cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy với luật sư của ông. « Cuốn tiểu thuyết tồi », tựa trên trang nhất báo Libération. Tờ báo sử dụng cụm từ « lạm dụng quyền lực » để chuộc lợi.

Tờ Le Monde thì nói tới những nội dung vừa được công bố « đè nặng » thêm lên cựu Tổng thống Pháp. Ông bị nghi ngờ dùng thế lực để gây áp lực với một số lãnh đạo cao cấp của ngành tư pháp. Tờ Le Parisien thì nói tới những mối « nghi ngờ về đủ cả mọi mặt ». Báo cộng sản L'Humanité chạy hàng tựa đậm « Nền cộng hòa đang bị lăng nhục » khi mà dư luận biết được rằng « ngồi trên đỉnh cao quyền lực, ông Nicolas Sarkozy đã coi thường luật lệ, xem thường các vị thẩm phán và ngành tư pháp nói chung như thế nào ». Nếu nội dung các cuộc điện đàm giữa cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và luật sư của ông ta được kiểm chứng thì đây là vụ xì căng đang lớn nhất của nền Đệ ngũ Cộng Hòa.

Về phần tờ Le Figaro thiên hữu thì đã đẩy hồ sơ này xuống mãi tận trang thứ 8 và chỉ tập trung vào đơn khiếu kiện mang tính rất kỹ thuật của luật sư bảo vệ ông Sarkozy. Le Figaro đưa tin, nhưng không bình luận.

Còn nhật báo kinh tế Les Echos thì đã đưa ra những sự kiện và dường như muốn giữ khoảng cách với lối hành xử của cựu chủ nhân điện Elysée, Nicolas Sarkozy : « Nào là điện thoại sử dụng dưới một cái tên giả, nào là việc ông Sarkozy dùng bí danh khi nói chuyện với luật sư, dùng người chỉ điểm trong guồng máy pháp lý … Cựu Tổng thống Pháp như đã dựng ra cả một hệ thống để gây trở ngại cho các nhà điều tra. Với những tiết lộ đó, con đường trở lại phủ Tổng thống của ông Sarkozy càng trở nên cam go. Nicolas Sarkozy không còn làm chủ tình hình, không còn làm chủ thời gian. Tất cả như thể đang lệ thuộc vào những tiết lộ sắp tới » của các phương tiện truyền thông.

Hội chợ sách Paris

Hội chợ sách Paris 2014 mở ra từ ngày 20 đến 24/03/2014. La Croix dành trang nhất cho « Thú vui đọc sách » : Một niềm vui chung thủy gắn liền với bạn đọc suốt cuộc đời. Theo lời một nhà xã hội học được tờ báo trích dẫn, sách là phương tiện duy nhất đưa người đọc vào một thế giới riêng biệt, cho phép họ làm chủ môi trường mà không hề bị bất kỳ một yếu tố bên ngoài nào gây nhiễu hay áp đặt.

Vào lúc mà nhiều nhà xuất bản, nhà in hay hiệu sách tại Pháp phải đóng cửa do số bạn đọc ngày càng ít đi thì trên quê hương của Thánh Gandhi, sách lại là người bạn đồng hành trung thành chưa từng thấy. Nghiên cứu của tổ chức World Culture Score Index cho thấy Ấn Độ là nơi có nhiều « mọt sách » nhất !

Trung bình một người Ấn dành đến 10 giờ đồng hồ và 42 phút mỗi tuần đề đọc sách, báo. Ấn Độ cũng là nơi có tới 2.000 nhật báo ra mắt độc giả hàng ngày Chỉ riêng tờ Dainik Jagran có tới 15 triệu độc giả. Còn Times of India, ấn bản bằng tiếng Anh 7,6 triệu độc giả trung thành. Đây là nhật báo Anh ngữ được đọc nhiều nhất trên thế giới.

Nhìn đến thị trường sách, thì New Delhi được coi là địa điểm năng động nhất của ngành in ấn. Trung bình mỗi ngày có tới ba hay bốn tác phẩm mới được cho ra mắt độc giả tại các hiệu sách hay trung tâm văn hóa. Hầu như mỗi thành phố lớn ở Ấn Độ đều tổ chức hội chợ sách. Ấn Độ hiện là nguồn sản xuất sách lớn thứ 6 trên hành tinh và nếu nhìn đến những tác phẩm được sáng tác bằng ngôn ngữ của Shakespear thì Ấn Độ chỉ thua có Hoa Kỳ và Anh Quốc mà thôi !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.