Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Thái độ của Putin ở Ukraina làm Đông Âu nhớ lại thủ đoạn của Hitler

Đăng ngày:

Nhiều căn cứ quân sự của Ukraina ở Crimée vẫn còn bị biệt kích Nga không mang phù hiệu bao vây. Trước áp lực quốc tế, chủ nhân điện Kremli tuyên bố không cần thiết phải đưa quân chiếm đóng Ukraina « vào thời điểm này», tuy nhiên vẫn dọa sử dụng « mọi biện pháp » để bảo vệ công dân nói tiếng Nga. Thái độ của Vladimir Putin bị xem không khác gì Hitler thời thế chiến thứ hai.

Biểu tình ủng hộ Ukraina trước sứ quán Nga tại Vacxava, Ba Lan, 02/03/2014
Biểu tình ủng hộ Ukraina trước sứ quán Nga tại Vacxava, Ba Lan, 02/03/2014 REUTERS/Przemyk Wierzchowski/Agencja Gazeta
Quảng cáo

Trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina và động thái can thiệp hung bạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, phản ứng mạnh nhất trong Liên Hiệp Châu Âu có lẽ phát xuất từ các thành viên Đông Âu.

Cựu ngoại trưởng Cộng hòa Sec, Karel Schwarzenberg, đã so sánh Vladimir Putin với lãnh đạo Đức Quốc Xã Adolf Hitler trước khi gây ra đệ nhị thế chiến. Trả lời nhật báo Áo Osterreich ngày 03/03/2014, cựu Ngoại trưởng Cộng hòa Séc nhận định là sự kiện Nga đưa quân vào Ukraina là một sự tái diễn của lịch sử. Hitler đưa quân chiếm đóng ba nước Áo, Tiệp Khắc và Ba Lan trong những năm 1938 và 1939 cũng dưới chiêu bài bảo vệ công dân Đức bị áp bức. Khi đưa biệt kích sang vùng Crimée của Ukraina, Tổng thống Nga Putin cũng lấy cớ bảo vệ « người nói tiếng Nga bị áp bức, nhưng thực tế người Nga tại Crimée không là nạn nhân của bất cứu tình trạng bất công nào ».

Các nước Đông Âu từng là nạn nhân của hai chế độ bạo ngược : Sau 5 năm bị Đức Quốc Xã chiếm đóng là thêm 45 năm bị Liên Xô thống trị. Với kinh nghiệm này, Ba Lan đã tỏ ra rất năng nổ hỗ trợ đối lập Ukraina và thuyết phục các thành viên Tây Âu, đặc biệt là hai đầu tàu Đức, Pháp cứng rắn với Matxcơva.

48 giờ sau khi biệt kích và xe bọc thép của Nga dàn quân tại Crimée thì Washington, qua tuyên bố của Ngoại trưởng John Kerry, mới lên án Nga « xâm lăng » Ukraina. Ngược lại, chính phủ Ba Lan đã có tuyên bố cảnh giác và hành động từ trước. Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski, vào ngày 25/02/2013, cùng hai đồng sự Pháp và Đức đã đến tận Kiev. Theo Reuters, thì chính Ngoại trưởng Ba lan, lấy kinh nghiệm đấu tranh thời ông còn là sinh viên trong phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan, thuyết phục đối lập Ukraina ký thỏa hiệp với Tổng thống Viktor Ianoukovitch, thay vì khăng khăng dồn đối thủ đến chân tường. Sau khi ký thỏa hiệp này thì Tổng thống Ukraina bỏ chạy sang Nga gây phẫn nộ trong giới dân biểu của đảng cầm quyền, Ianouvitch bị lên án là kẻ phản bội. Quốc hội Ukraina sau đó đã trao quyền Tổng thống và Thủ tướng lâm thời cho đối lập.

Ba Lan cũng là thành viên của NATO muốn Liên minh Bắc Đại Tây Dương phải có biện pháp mạnh đặc biệt là thiết lập kế hoạch, hoạt động tình báo, theo dõi động thái của quân đội Nga dọc theo biên giới phía đông của NATO mà Ba Lan nằm ở tuyến đầu.

Trên thực tế, Ba Lan không sợ Putin, nhưng e ngại hệ quả nếu Ukraina bị Nga xâm lược.

Từ Vacxava, nhà báo Mạc Việt Hồng, ban biên tập báo mạng Đàn Chim Việt (danchimviet. Info) phân tích : 

Sau cuộc họp báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 04/03/2014, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhận định là nhờ vào áp lực của cộng đồng quốc tế, đe dọa cô lập Nga từ ngoại giao, chính trị cho đến kinh tế, cho nên Ukraina tạm thời tránh được một « kịch bản u tối » mà ông cho rằng nguy hiểm cho cả Ba Lan.

Kinh nghiệm lịch sử đầy máu xương sau hai lần bị Đức Quốc Xã chiếm đóng và Liên Xô kềm kẹp đã làm cho Ba Lan cảnh giác cao độ. Thủ tướng Donald Tusk kêu gọi cộng đồng quốc tế phải luôn dè chừng Putin. Ông lưu ý, nếu trong cuộc họp báo, Tổng thống Nga « lùi một bước » thì ở một đoạn khác, chủ nhân điện Kremli quy buộc cho Ba Lan và Lithuania « huấn luyện » chiến thuật tranh đấu cho thành viên đối lập. Thủ tướng Ba Lan xem lời quy buộc này là « xa thực tế ». Ngoại trưởng Liiva Linas Linkevicius cũng cho rằng tuyên bố của Tổng thống Putin là lời « vu khống với mục đích kích động người Nga chống Litva ».

Đề phòng bất trắc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo tăng cường yểm trợ quân sự cho Ba lan và ba nước Baltic, đưa thêm chiến đấu cơ phản lực F15 vào khu vực. Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Martin Dempsey điện thoại cho đồng sự Nga Valery Gerasimov kêu gọi phía Nga « giữ thái độ chừng mực tạo cơ may giải quyết vấn đề bằng giải pháp ngoại giao ».

Trong khi đó, giới chuyên gia quân sự Tây phương thuộc các viện nghiên cứu Royal United Services và IISS của Anh Quốc thẩm định, Nga sẽ không tấn công đánh chiếm Ukraina.

Thứ nhất là Matxcơva đạt được mục tiêu kiểm soát Crimée, nơi có quân cảng chiến lược Sebastopol.

Thứ hai, tuy quân đội Nga mạnh hơn Ukraina nhưng không dễ đánh thắng đối thủ đáng gờm này.

Lý do thứ ba khiến Nga không dám động binh vì sợ phơi bày các nhược điểm khi phối hợp tác chiến ba binh chúng hải lục không quân. Dù sao đi nữa thì Tổng thống Nga cũng đã để lộ bộ mặt thật.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.