Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - ÚC

Liên Hiệp Quốc yêu cầu Úc xét lại chính sách với người tỵ nạn

Hôm nay, 21/02/2014, Phủ cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hối thúc chính quyền Úc xét lại chính sách đưa các thuyền nhân tỵ nạn sang giam giữ tại Papua New Guinea. Tuyên bố trên được đưa ra sau các bạo động mới đây tại một trại giam khiến một người thiệt mạng.

Thuyền nhân tỵ nạn là một vấn đề chính trị nhạy cảm hiện nay tại Úc.
Thuyền nhân tỵ nạn là một vấn đề chính trị nhạy cảm hiện nay tại Úc. REUTERS
Quảng cáo

Người phát ngôn Phủ cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Ravina Shamdasani tuyên bố bạo lực trong tuần vừa rồi tại một trung tâm giam giữ ở đảo Manus (thuộc Papua New Guinea) đã cho thấy đời sống tồi tệ mà các thuyền nhân xin tỵ nạn tại Úc phải chịu đựng. Trung tâm tạm giam tại Manus và tại một đảo khác đã nhiều lần bị Liên Hiệp Quốc và các tổ chức bảo vệ nhân quyền lên án.

Theo chính sách hiện hành, để làm nhụt chí những người muốn xin tỵ nạn tại Úc, chính phủ Úc quyết định đưa toàn bộ những thuyền nhân, đã đến Úc hoặc bị bắt giữ trên biển, về các trung tâm tạm giữ tại Manus và Nauru để xử lý. Ước tính, hiện tại có khoảng 1340 người xin tỵ nạn bị giam giữ tại Manus. 

Sống lâu dài tại các trại tam giữ, quan hệ giữa các thuyền nhân càng trở nên căng thẳng, đặc biệt sau khi họ biết, một khi yêu cầu tỵ nạn được chấp nhận, họ không được sang Úc, mà phải ở lại Papua New Guinea. Bạo động bùng lên tại một trại tạm giữ ngày Chủ nhật và Thứ Hai vừa rồi, khiến một người chết, khoảng 80 người bị thương, trong đó có ba người bị thương nặng. 

Theo phát ngôn viên Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Ravina Shamdasani, « mặc dù bối cảnh cụ thể của vụ việc còn chưa được làm sáng tỏ, điều này báo động về bạo lực nhắm vào chính những con người đang tìm kiếm chốn nương thân ». Theo bà Ravina Shamdasani, biến cố trên cho thấy cần phải có một sự giám sát an ninh độc lập tại các cơ sở tỵ nạn. 

Phát ngôn viên Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tuyên bố, Úc và các nước liên quan phải bảo đảm quyền của những người xin tỵ nạn và bảo vệ họ đúng theo các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Và các hành động vi phạm nhân quyền phải được điều tra, hậu quả phải được khắc phục và các thủ phạm phải bị trừng phạt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.