Vào nội dung chính
NA UY - CÁ HỒI

Báo động về cá hồi nhiễm độc

Nhân lễ Giáng sinh, cá hồi là một trong những món ăn được rất nhiều người Pháp ưa thích. Thế nhưng, báo Le Monde lại dành hai trang để « Báo động đỏ về cá hồi ». Trong số các loại cá được tiêu thụ tại Pháp, cá hồi chiếm vị trí số một, với hơn 33 ngàn tấn rưỡi trong giai đoạn 2011-2012.

Trại nuôi cá hồi tại Na Uy (Getty Images)
Trại nuôi cá hồi tại Na Uy (Getty Images)
Quảng cáo

Theo Le Monde, người tiêu thụ Pháp bắt đầu lo ngại trước hàng loạt thông tin về tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng và lây nhiễm sang cá hồi, cho dù là cá nuôi hay cá đánh bắt trên biển. Có rất nhiều các chỉ trích, phê phán và đặc biệt là nhắm vào Na Uy, quốc gia có sản lượng cá hồi lớn nhất thế giới.

Sản lượng cá hồi của Na Uy trong năm 2011-2012 lên tới xấp xỉ 172 ngàn tấn, bỏ xa Anh Quốc, đứng hàng thứ hai, với sản lượng chỉ là 23 ngàn tấn rưỡi. Báo Le Monde cho biết, đối với Na Uy, nuôi trồng và đánh bắt hải sản là nguồn thu nhập đứng hàng thứ hai, 6,6 tỷ euro trong năm 2012, chỉ sau dầu lửa, trong số này, riêng xuất khẩu cá hồi là 3,8 tỷ euro. Chỉ trong vòng 3 thập niên, Na Uy đã thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường rất có lãi này. Hầu như không tồn tại đầu những năm 1980, giờ đây, sản lượng cá hồi nuôi trong các trang trại trên thế giới đã vượt qua ngưỡng 2 triệu tấn, trong số này, 60% là của Na Uy.

Nước Pháp là khách hàng số một của các trại nuôi cá hồi Na Uy. Khối lượng cá hồi được bán tại Pháp, trong hai thập niên qua, đã tăng vọt, từ 6 ngàn lên tới 20 ngàn tấn và dân Pháp hầu như ăn cá hồi quanh năm, chứ không chỉ trong dịp Noel.

Thế nhưng, các thông tin về mức độ nhiễm độc của cá hồi Na Uy được loan tải liên tục tại Pháp trong thời gian qua đã làm giảm mức tiêu thụ. Trong tháng 11 vừa qua, khối lượng cá hồi tươi được bán ra đã giảm 25% so với cùng thời kỳ này năm ngoái, loại cá hồi hun khói cũng bị giảm 10,8%.

Các tổ chức bảo vệ môi trường, như Green Warrior, tố cáo tình trạng nuôi cá hồi tại Na Uy : Mật độ cá trong mỗi lồng nuôi quá cao, hàng trăm ngàn thậm chí lên tới triệu con. Chúng thải ra một khối lượng lớn azote và phosphore. Mật độ nuôi dày đặc làm cho cá dễ bị nhiễm các loại bệnh, đặc biệt các loại ký sinh trùng. Để tẩy khử, người ta phải dùng đến chất diflubenzuron, một loại hóa chất làm tổn hại đến hệ động vật biển. Giới nuôi cá hồi khẳng định là liều lượng sử dụng hóa chất độc hại này vẫn nằm trong giới hạn cho phép của cơ quan y tế và an toàn thực phẩm Na Uy, nhưng điều này không làm cho người tiêu dùng trên thế giới yên tâm.

Ông Jérôme Ruzzin, chuyên gia về chất độc hại đối với môi trường, thuộc đại học Bergen, Na Uy cho biết : Trong cá hồi nuôi, mức độ tập trung một số hóa chất độc hại, cao hơn từ 7 đến 10 lần so với các loại thức ăn khác. Vậy tại sao Châu Âu lại chấp nhận cho tiêu thụ loại cá độc hại này ? Vẫn theo chuyên gia Ruzzin, bởi vì đối với các loại cá, Châu Âu không quy định mức độc hại tối đa cao như trong các sản phẩm khác, ví dụ sữa, trái cây…

Chính vì vậy, tháng Bẩy vừa qua, Cơ quan An toàn Y tế Thực phẩm Pháp – ANES – đã ra thông báo : « Chúng tôi khuyến nghị ăn cá mỗi tuần hai lần, chứ không phải « ít nhất » là hai lần, như chúng tôi đã từng khuyến nghị trước đây. Trong hai lần đó, có một và chỉ có một lần ăn cá béo ». Đối với ANES, Vượt quá mức này, các ích lợi dinh dưỡng, như phòng ngừa rủi ro tim mạch, không làm xua tan nổi những nghi vấn về rủi ro bị nhiễm các chất độc hại.

Cá hồi Na Uy độc hại, nhưng Thụy Điển vẫn mua

Cũng trong hồ sơ về cá hồi, báo Le Monde còn có bài nói về việc « Thụy Điển buộc phải quay sang Na Uy » để nhập khẩu cá hồi, bởi vì, Thụy Điển đánh bắt cá hồi chủ yếu ở biển Baltic và các hồ Vanern và Vattern.

Các vùng đánh cá nói trên bị ô nhiễm nặng nề, với mức độ tập trung cao dioxine và các chất PCB (polychlorobiphényles). Cá đánh bắt tại những nơi này có mức độ nhiễm chất độc hại cao gấp 10 lần so với cá nuôi. Cơ quan an toàn thực phẩm Thụy Điển « khuyến nghị trẻ nhỏ, thiếu niên và phụ nữ trong độ tuổi sinh con không ăn cá hồi đánh bắt tại các vùng này quá hai hoặc ba lần mỗi năm ».

Thế nhưng, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, Thụy Điển đã phải nhập khẩu cá hồi của Na Uy, cho dù hồi tháng Sáu, chính cơ quan an toàn thực phẩm của Na Uy đã lưu ý là phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không nên ăn cá hồi nuôi quá hai lần mỗi tuần.

Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ môi trường Thụy Điển tố cáo chính quyền Stockholm đã coi nhẹ vấn đề tiêu thụ cá hồi.

Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực điện tử tại Việt Nam

Nhìn sang khu vực Châu Á, báo kinh tế Les Echos có bài « Samsung biến Việt Nam thành một người khổng lồ trong lĩnh vực điện thoại di động ». Theo tờ báo, để giảm giá thành, tập đoàn Samsung Hàn Quốc tái triển khai các đầu tư ra bên ngoài Trung Quốc. Nguyên nhân chính là giá nhân công.

Trong năm 2012, lương cơ bản của một công nhân làm việc ở ngoại ô Bắc Kinh là 466 đô la/tháng, trong khi đó, tại Hà Nội, mức lương tháng chỉ là 145 đô la. Để tranh thủ giá nhân công rẻ, tăng mức lãi đối với điện thoại di động Galaxy và các máy tính bảng, hai sản phẩm tạo ra nguồn lãi chính cho Samsung, tập đoàn này đã từng bước di chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Tuy nhiên, Samsung không từ bỏ Trung Quốc, nơi mà tập đoàn đã hiện diện từ năm 1992, và còn sử dụng tới 45 ngàn nhân công trong 13 nhà máy và 7 trung tâm Nghiên cứu & Phát triển. Tập đoàn Hàn Quốc chỉ tái bố trí lại đầu tư. Tháng Ba năm tới, Samsung sẽ khai trương nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất trên thế giới tại tỉnh Thái Nguyên, miền bắc Việt Nam. Samsung đã đầu tư vào đây 2 tỷ đô la và hy vọng cơ sở này sẽ sản xuất tới 120 triệu điện thoại mỗi năm.

Trước đó, Samsung đã xây dựng một nhà máy khổng lồ ở tỉnh Bắc Ninh, cũng ở miền bắc. Tham vọng của tập đoàn là vào năm 2015, khoảng 40% tổng số điện thoại di động Samsung sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Một số nhà phân tích cho rằng, trong một tương lai gần, tỷ lệ này có thể lên tới 60%, thậm chí 70%.

Theo Les Echos, mối quan tâm của Samsung đã làm thay đổi cảnh quan công nghiệp Việt Nam, nước trước đây chỉ có vai trò phụ trong lĩnh vực điện tử. Từ nay, khối lượng hàng sản phẩm của Samsung chiếm 10% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Từ năm ngoái, các nhà máy điện tử xuất khẩu nhiều hơn các cơ sở gia công hàng dệt may. Theo số liệu của hải quan Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2013, xuất khẩu điện thoại di động của Samsung đã tăng gấp đôi, tính theo tỷ lệ cả năm, và đạt mức 10 tỷ đô la.

Việt Nam sẽ trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực điện thoại di động, không chỉ nhờ vào các đầu tư của Samsung. Tháng 10 vừa qua, Nokia cũng đã khánh thành một nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh, sản xuất điện thoại di động N105. Sản phẩm bình dân này nhắm tới thị trường các nước đang trỗi dậy : 95% sản lượng của nhà máy Nokia tại Bắc Ninh sẽ được xuất khẩu.

Trước đó, tập đoàn Intel, Foxconn, LG, Nidec, đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Vì ở đây, họ được hưởng các điều kiện thuế khóa ưu đãi hơn tại Trung Quốc. Ví dụ, tại Thái Nguyên, tập đoàn điện tử Samsung không phải trả thuế doanh nghiệp trong vòng bốn năm đầu tiên và 50% so với mức thuế thông thường trong 12 năm sau đó.

Hệ thống ngân hàng Trung Quốc gây lo ngại

Vẫn liên quan đến Châu Á, nhiều tờ báo của Pháp đều có thông tin và bài nói về tình trạng đáng lo ngại của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Theo Le Figaro, « Tại Trung Quốc : Ngân hàng trung ương không làm cho các thị trường lắng dịu ».

Trong những ngày qua, chính quyền Bắc Kinh đã kiên quyết yêu cầu các nhà báo phụ trách vấn đề tài chính không nên đề cập quá nhiều đến tình trạng mong manh của hệ thống ngân hàng và không được nói đến những lo ngại thiếu thanh khoản.

Báo kinh tế Les Echos đưa tin : « Trung Quốc bận tâm về việc ổn định các ngân hàng ».

Còn phụ trang Kinh tế và Doanh nghiệp của Le Monde chạy tựa : « Báo động mới về tình trạng sức khỏe của hệ thống ngân hàng Trung Quốc ». Hôm thứ Sáu, 20/12, Ngân hàng trung uơng Trung Quốc đã bơm 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 36 tỷ euro) cho thị trường liên ngân hàng, nhằm tránh nguy cơ khan hiếm thanh khoản, bởi vì lãi suất cho vay giữa các ngân hàng đã tăng liên tục. Điều này cho thấy sự không tin tưởng lẫn nhau giữa các ngân hàng và những khó khăn trong việc tiến hành cải tổ hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc.

Khodorkovski và nước Nga của Putin

Về thời sự quốc tế, sự kiện nhà cựu tỷ phú Nga Khodorkovski được trả tự do được các báo Pháp quan tâm. Le Monde có bài viết : « Ba cuộc đời của Khodorkovski », nói về ba giai đoạn trong sự nghiệp của nhân vật này.

Xuất thân từ một gia đình bố mẹ là công nhân trong thời kỳ Liên Xô cũ, Khodorkovski đã nhanh chóng trở thành người giầu nhất nước Nga. Với sự tự hào, nếu không muốn nói là kiêu căng, ông đã từng so sánh mình với nhà tỷ phú Mỹ Rokefeller như sau : « Rokefeller không phải là người lương thiện nhất, con của ông ta khá hơn và cháu của ông ta thì hoàn hảo. Họ đã mất một thế kỷ để đạt được điều này. Trong khi tôi đi tới đích con đường này một mình trong không đầy một thập niên ».

Bài viết trên Le Monde cho thấy cách thức mà Khodorkovki đã nhanh chóng phất lên. Đây là một nhân vật có tài làm ăn : Vào năm 1985, khi Gorbachev bắt đầu cho các tổ chức của đoàn thanh niên công sản Liên Xô được tiến hành một số hoạt động kinh doanh, Khodorkovski nhẩy ra mở quán bán cà phê, rượu, nhập khẩu buôn máy tính điện tử.

Thế rồi, hai năm sau đó, khi luật pháp của Liên Xô cho phép lập các ngân hàng tư nhân, Khodorkovski đã lập ngân hàng Menatep. Vào thời điểm đó, Liên Xô có hai hệ thống tiền rúp : tiền mặt được dùng chủ yếu để trả lương và tiền hành chính, do cơ quan kế hoạch và tài chính của Liên bang phân bổ cho các doanh nghiệp. Nhờ vào các thao tác, quan hệ, Khodorkovski đã biết đổi tiền hành chính sang tiền mặt và ngân hàng của ông đã nhanh chóng huy động được một khối lượng tiền rất lớn. Đây là giai đoạn một trong cuộc đời của Khodorkovski.

Đến năm 1995, ngân hàng Menatep được giao trách nhiệm tư nhân hóa, qua đấu thầu, tập đoàn dầu lửa Ioukos. Ngân hàng này đã biến báo và mua được tập đoàn này với giá bèo bọt : 350 triệu đô la, mà chỉ hai năm sau, trị giá Ioukos đã lên tới 9 tỷ đô la trên thị trường chứng khoán.

Như vậy, ở tuổi 32, Khodorkovski đã trở thành một trong những người giàu có nhất nước Nga. Sự kiện đáng chú ý là vào năm 1998, Quỹ Tiền tệ Quốc tế tài trợ cho Nga 4,8 tỷ đô la, nhưng sau đó, không ai biết số tiền này đi đâu. Và theo báo Le Monde, ngân hàng Menatep của Khodorkovski đóng vai trò quan trọng trong vụ biển thủ này.

Nhà tỷ phú này đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng dầu lửa như một vũ khí ngoại giao, đặc biệt trong quan hệ với Hoa Kỳ, làm mất mặt điện Kremlin. Ông Khodorkovski đã quên mất tuyên bố của ông Putin, hồi tháng 07/2000, theo đó, các tỷ phú của Nga có thể vơ vét làm giàu, với điều kiện tránh xa lĩnh vực chính trị. Thế nhưng, Khodorkovski vẫn tiếp tục thách thức Putin và theo một số nguồn tin, ông ta đã nắm trong tay một phần số dân biểu tại Hạ viện Nga. Đối với Tổng thống Putin, đây là điều không thể chấp nhận được. 2003 đánh dấu sự kết thúc giai đoạn hai cuộc đời tỷ phú huy hoàng của Khodorkovski.

Giai đoạn ba bắt đầu với việc tuyên chiến giữa Khodorkovski và Putin, ngày 19/02/2003, trước các ống kính truyền hình, tại điện Kremlin. Trước mặt các nhà tỷ phú Nga, ông Putin muốn chứng tỏ với thế giới biết rằng ông là chủ nhân, chỉ huy nước Nga. Thế nhưng, trong cuộc gặp này, Khodorkovski đã tố cáo nạn tham nhũng tràn lan trong xã hội. Vào tháng 10 năm đó, lực lượng đặc nhiệm Nga đã bắt giữ Khodorkovski ngay trên đường băng sân bay, như bắt một tên trộm. Những năm tiếp theo là cuộc sống tù đầy, lao cải, với các phiên xét xử liên miên. Tháng 03/2009, ông Putin còn tuyên bố rằng chỗ đứng của Khodorkovski là nhà tù.

Báo Le Monde trong bài phân tích mang tựa « Đằng sau việc tùy thích ân xá, đó là sự thắng lợi của Vladimir Putin », cho rằng Putin giống như Nga hoàng : Ban phát và lấy lại, kết tội rồi trả tự do. Vụ bắt giữ Khodorkovski cho thấy sự tùy tiện, quyết đoán của Putin, chứ không phải là hoạt động của Nhà nước pháp quyền. Có thể nói, trong 2013, ông Putin giành được nhiều thắng lợi, trong hồ sơ Syria, Ukraina, đè bẹp đối lập trong vụ bầu cử Thị trưởng thành phố Matxcơva.

Giáng sinh trên các báo Pháp

Hôm nay, 24/12, báo chí Pháp đều có các bài nói về Giáng sinh, Giáo Hoàng. Báo Công giáo La Croix chạy trên trang nhất : « Niềm vui Noel », với nhiều bài viết, nhân chứng nói về niềm tin nhân Giáng sinh.

Còn Le Figaro có bài viết về Đức Giáo Hoàng và những cải cách của Ngài với hàng tựa : « Phanxicô : Noel đầu tiên của vị Giáo Hoàng làm thay đổi Giáo hội ». Đồng thời, tờ báo cho biết là « Tại Bethléem, việc trùng tu Nhà thờ Giáng sinh bắt đầu ».

L’Humanité đề cập đến « Noel đoàn kết với Philippines », giúp đỡ nước này khắc phục hậu quả bão Haiyan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.