Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG - NĂNG LƯỢNG

Than đá vẫn ăn khách dù gây ô nhiễm

Trong bối cảnh khí hậu bị hâm nóng, không khí bị ô nhiễm, do đó cần phải giảm khí thải CO2, nhật báo Pháp La Croix hôm 18/12/2013 lại quan tâm đến sự vươn lên trở lại của than đá, môt loại nhiên liệu mà tờ báo, trong hàng tựa, cho là « bẩn thỉu, gây ô nhiễm, nhưng càng ngày càng có giá ». Bài báo trang kinh tế còn khẳng định là « than không báo lâu sẽ là năng lượng hàng đầu thế giới ».

Một mỏ than lộ thiên ở Ấn Độ. Reuters
Một mỏ than lộ thiên ở Ấn Độ. Reuters
Quảng cáo

Theo La Croix, mức tiêu thụ than đang tăng lên trên thế giới và cả ở Châu Âu. Hơn 1200 nhà máy nhiệt điện sử dụng than nằm trong đề án của khoảng 60 quốc gia. Tại sao trong bối cảnh thế giới kêu gọi giảm khí thải lại có hiện tượng này ? Bài báo trên La Croix nêu 2 yếu tố : đây là một nhiên liêu dồi dào, và lại rẻ cho nên ‘không hết thời’. Dù muốn dù không người ta vẫn ưa chuộng.

Trích báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế AIE, tờ báo cho là chỉ 2 hay 3 năm nữa thôi, than sẽ là nguồn năng lượng tiêu thụ hàng đầu thế giới.

Theo số liệu của AIE, than ngày nay chiếm 28% năng lượng của thế giới, trong lúc dầu hỏa chiếm 32%, nhưng than đã đứng đàu trong lãnh vực sản xuất điện. Từ đây đến năm 2035, múc tiêu thụ than sẽ tăng thêm 17%.

Bài báo cho là chỉ riêng Trung Quốc, nơi mức tiêu thụ ngang bằng với mức độ của phần còn lại của cả hành tinh, sẽ chiếm đến 60% mức tăng trong nhu cầu trong 5 năm tới đây.

La Croix trích các chuyên gia, giải thích là đứng trên bình diện hành tinh, lý do hiện tượng nêu trên như mọi người đã biết, là than « dồi dào và an toàn » trên bình diện địa lý chiến lược, các nhà máy nhiệt điện có thể dễ dàng đưa vào trong các hệ thống hiện hữu, và đáp ứng được nhu cầu vô biên của các thị trường đang vươn lên.

Theo ước tính của World Energy Council (WEC), với trữ lượng than trên thế giới, xác nhận được vào năm 2008, thì có thể cung cấp trong 120 năm với mức khai thác hiện nay, trong khi đối với dầu hỏa chỉ có 40 năm và 75 năm đối với khí đốt. Và nhất là các trữ lượng này có hầu như đều khắp trên thế giới, khác với dầu hỏa, khí đốt v.v., như thế không lo ngại bị cấm vận !

Theo La Croix.những nước sản xuất than đứng đầu thế giới - Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga hay Ấn Độ - ngày nay cũng là những nước tiêu thụ chính.

Nhưng còn vấn đề ô nhiễm ? Trong phần kết, La Croix nhìn thấy có một tin vui đáng chú ý, đó là nỗ lực nhằm cải thiện năng suất các trung tâm nhiệt điện mới chạy bằng than, như các trung tâm mà tập đoàn Pháp GDF Suez sắp khai trương ở Đức và Hà Lan : với cùng một tấn than thì có thể sản xuất số lượng điện cao gấp hai lần so với cách đây 40 năm, như thế có nghĩa là khí thải giảm đi một nửa.

Giải độc Fukushima : Công việc đội đá vá trời

Về Châu Á, Le Monde và Les Echos đều đăng phóng sự về nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Le Monde đăng ảnh trang nhất với dòng tựa : « Ngay bên trong nhà máy bị nhiễm xạ Fukushima ».

Phóng sự chiếm cả một trang báo mục quốc tế, đưa đọc giả vào bên trong, đến từ phòng điều khiển, nơi trữ nước nhiễm xạ và ra đến tận địa điểm nhìn ra biển, cơ sở có 4 lò phản ứng bị hư hại.

Cảm nhận đầu tiên của phóng viên Le Monde, Pierre Le Hir, là có đi vào bên trong mới đo lường được công việc bao la, mà người ta không thấy làm cách nào sức người có thể hoàn tất, khắc phục được.

Bài báo cho là trước đây ai cũng đã thấy qua hình ảnh cảnh nhà máy hư hại nặng nề, tường sụp...bê tông vỡ tung, sắt thép cong quẹo… cũng như theo dõi ‘cuộc chiến’ của những người ‘khổ sai của nguyên tử’ hầu làm giảm độ nhiễm xạ. Thế nhưng nhìn gần mới thấy mức độ vô cùng to lớn và chằng chịt của công việc này.

Đi xa vào bên trong, tác giả bài phóng sự mô tả một khu vực rộng 3,5 cây số vuông, với thăm thẳm hơn 800 bồn chứa nước thải nhiễm xạ. Tập đoàn Tepco đã trữ 350.000 tấn nước nhiễm xạ và dự kiến nâng lên thành 800.000 tấn. Nhà báo của Le Monde cho là chứng kiến cảnh này thì mới hiểu vấn đề nước nhiễm xạ nan giải này.

Mỗi ngày, theo bài báo, hàng trăm tấn nước được bơm vào làm nguội các lò phản ứng, tích tụ phóng xạ để rồi thất thoát, chảy xuống tầng hầm, nơi cũng có các mạch nước ngầm. Càng bơm nước để làm nguội lò phản ứng thì nước nhiễm xạ càng tích tụ. Với hàng cây số đường ống thì cũng khó ngăn chặn nước rò rỉ.

Phóng viên của Le Monde được đến nhà máy Fukushima cùng với một nhóm nhà báo nước ngoài khác vào ngày 16/12 vừa qua. Đây là lần đầu tiên tập đoàn Tepco cho nhà báo nước ngoài đến đây. Pierre Le Hir, cho là Tepco muốn chứng tỏ thái độ minh bạch trong hồ sơ Fukushima, và có thể là dấu hiệu Tepco bây giờ đánh giá là họ kiểm soát được tình hình.

Tuy nhiên để Fukushima xóa hết được những ‘vết sẹo’ thì phải mất 40 năm.

Báo Les Echos cũng nhìn thấy « thách thức to lớn trong việc tẩy độc ở Fukushima. Trước tiên, theo tờ báo, việc rửa dọn mặt bằng đã dẫn đến hàng triệu mét khối rác rưởi, và dọc theo các con đường có vô số ‘túi ‘đất nhiễm xạ, cực to, nặng cả tấn. Vấn đề rác nhiễm xạ nan giải không kém nước rò rỉ

Algérie : Paris bị Bắc Kinh qua mặt

Liên quan đến Trung Quốc, nhưng trên bình diện kinh tế, báo Libération nhìn thấy là « Bắc Kinh đã qua mặt Paris ở Algérie ». Tờ báo ghi nhận sự kiện là nhân chuyến đi Algérie vào hôm qua 17/12, Thủ tướng Pháp đã cổ vũ cho ngành công nghiệp Pháp, bị các nhà đầu tư Trung Quốc lần đầu tiên qua mặt trong năm nay.

Bài báo nhắc lại cho đến năm 2011, rồi 2012, Pháp vẫn là người cung cấp số 1 cho Algérie, nhưng trong 3 quý đầu 2013, thì Trung Quốc đã giành ngôi vị này. Đầu tư vào nước xem là vùng ảnh hưởng của Pháp từ 10 năm nay, Trung Quốc ngày càng vươn lên để rồi đạt thành tích nói trên trong năm nay.

Phía Pháp, theo Libération, có một chút đắng cay, công nhận là đã ‘chậm trễ ‘ trước Trung Quốc, và còn công nhận phải mất nhiều năm để giành lại ảnh hưởng.

Phân tích tình hình, Libération ghi nhận là giữa Paris và Alger vẫn còn một sự ngượng ngùng do lịch sử, khiến quan hệ kinh tế không ‘bình thường’ được. Mong muốn của Pháp rất rõ, nhất là khi các công ty Pháp ở Algérie thuê nhân công tại chỗ - khác với các tập đoàn Trung Quốc - và về chất lượng trong các ngành đào tạo, nông nghiệp hay y tế, Pháp vẫn có tiếng ở Algérie.

Nhưng Trung Quốc lấn chân hiện nay theo Libération là nhờ đã nhanh chân tranh thủ chương trình đầu tư 500 tỷ đô la mà chính quyền Algérie đưa ra cho giai đoạn 1999-2014.

Bắc Kinh đã giành được những hợp đồng ngoạn mục và mang tính biểu tượng cao như hợp đồng xây dựng đền Hồi giáo ở Alger, công trình tín ngưỡng lớn thứ 3 trên thế giới, trị giá 1 tỷ euro. Trung Quốc cũng giành được hợp đồng mở rộng phi trường Boumedienne và xây dựng một đoạn dài của xa lộ Đông Tây Algérie.

Libération lấy làm tiếc là trong khi đó thì nhiều công ty Pháp lại rời Algérie. Từ 2005 đến 2011, số công ty Pháp tại đây giảm đi 30%. Bây giờ thì phía Pháp công nhận, như lời dân biểu Marie Le Guen, ‘Pháp cứng nhắc trong lúc Trung Quốc mềm dẻo hơn’.

Tựa lớn trang nhất

Chủ đề được quan tâm và nêu bật trên trang đầu báo chí hôm nay khá tản mạn. Nếu báo La Croix nhìn ra thế giới thương xót cho ‘người tỵ nạn Syria trong mùa đông giá rét’, thì các đồng nghiệp tập trung trên thời sự Pháp, nhưng với những hồ sơ khác biệt.

Trên trang nhất Le Figaro cũng nhìn sang Syria, với bức ảnh màu phụ nữ bồng con chạy nạn, nói đến ‘cuộc chiến dơ bẩn’ của Assad vẫn tiếp tục... Nhưng tựa lớn thì tờ báo dành cho Pháp, và nêu bật trong hàng tít : « Tại sao cải cách thuế má sẽ không diễn ra ? ».

Les Echos nêu lên một thất bại khác : « Chi tiêu công cộng : Những thất bại của cải cách Nhà nước ».

Le Monde, Libération cũng chú tâm đến thời sự Pháp, nhưng theo dõi vụ tai tiếng tiền nong, khiến các quan chức cao cấp thời ông Sarkozy, Michel Gaudin, Claude Guéant bị tạm giam hôm qua, 17/12.

Le Monde nhìn thấy trong dòng tít là « ngành Tư pháp nhắm vào hệ thống Guéant », còn Libération nêu lên « các quỹ đen của phe Sarkozy ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.