Vào nội dung chính
TUNISIA

Tunisia mở đối thoại quốc gia, sau 3 tháng bế tắc chính trị

Ba tháng sau vụ ám sát một lãnh đạo đối lập, trong bối cảnh bạo lực khủng bố của các nhóm thánh chiến Hồi giáo gia tăng, đại diện đảng Hồi giáo cầm quyền và các đảng phái đối lập đã chính thức bắt đầu cuộc đối thoại vào chiều tối qua 25/10/2013, nhằm đưa Tunisia ra khỏi bế tắc chính trị kéo dài từ cuộc cách mạng tháng Một 2011 đến nay. Diễn biến mới này mang lại một không khí lạc quan có chừng mực tại Tunisia, cái nôi của phong trào Mùa xuân Ả Rập.

Tổng thống M. Marzouki (giữa) và đại diện các đảng phái tham gia đối thoại - REUTERS /Zoubeir Souissi
Tổng thống M. Marzouki (giữa) và đại diện các đảng phái tham gia đối thoại - REUTERS /Zoubeir Souissi
Quảng cáo

Không khí tại Tunisia những ngày gần đây rất căng thẳng với nhiều vụ khủng bố, đặc biệt là hai vụ sát hại bảy nhân viên cảnh sát ngày thứ Tư 23/10, mà nghi phạm là các phần tử khủng bố Hồi giáo khiến chính quyền Tunisia quyết định để quốc tang trong ba ngày. Các đàm phán giữa đảng cầm quyền và đối lập nhằm tìm ra lối thoát cho đất nước diễn ra từ nhiều tuần nay liên tục gặp trở ngại.

Cuối cùng, tối qua 25/10/2013, vào lúc 21 giờ, giờ địa phương (tức 20 giờ GMT), tại Tunis, sau bốn giờ thương thuyết, đại diện của nghiệp đoàn UGTT - môi giới chính cho các đàm phán giữa đảng cầm quyền Hồi giáo Ennahda và các đảng phái đối lập – thông báo các bên thương lượng chấp nhận thành lập « các nhóm làm việc » để thực thi ba mục tiêu : thành lập chính phủ mới, soạn thảo Hiến pháp và tổ chức các bầu cử Quốc hội và Tổng thống.

Lãnh đạo đảng Hồi giáo cầm quyền Rached Ghannouchi tuyên bố : « Con tàu (đưa đất nước) ra khỏi khủng hoảng đã được đặt lên đường ray hôm nay và trong vài tháng nữa tàu sẽ tới đích để vinh danh cuộc cách mạng của chúng ta, với các cuộc bầu cử tự do và chân thực, sẽ làm nên nền dân chủ đầu tiên của thế giới Ả Rập ».

Dưới áp lực của đối lập, Thủ tướng Tunisia đã viết giấy cam kết từ chức, trong vòng ba tuần lễ, để nhường chỗ cho một chính phủ gồm các thành viên trung lập. Song song với việc thành lập một chính phủ mới, một lộ trình thông qua Hiến pháp và chuẩn bị điều kiện cho các cuộc bầu cử cũng được dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng một tháng.

Khoảng sáu mươi nghị sĩ đối lập tẩy chay Quốc hội lập hiến từ tháng 7 cam kết sẽ trở lại làm việc. Nhiệm vụ khó khăn đầu tiên của các đảng phái Tunisia là tìm được sự đồng thuận về việc ai sẽ là tân thủ tướng của chính phủ trung lập này. Thời hạn để hoàn tất công việc này là một tuần. Nhật báo « Le Quotidien » bày tỏ lo ngại : « Cuộc đối thoại quốc gia này đòi hỏi phải hết sức nỗ lực. Các đảng phái chính trị phải nhất trí được với nhau trong vòng ba tuần, thậm chí một tháng, về những điều mà họ đã không thỏa thuận được sau hai năm làm việc ».

Vài nét về bối cảnh chính trị Tunisia

Đảng Hồi giáo Ennahda dành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 10/2011, sau cuộc cách mạng lật đổ nhà độc tài Ben Ali. Tuy nhiên, Quốc hội lập hiến do đảng này kiểm soát đã không thực hiện được nhiệm vụ của mình. Phái Hồi giáo cực đoan Salafiste, bị đè nén dưới thời Tổng thống Ben Ali, nhân lúc đảng Hồi giáo Ennahda lên nắm quyền, đã gia tăng ảnh hưởng trong xã hội, và nỗ lực áp đặt luật Hồi giáo lên toàn xã hội, theo cáo buộc của những người thế tục. 

Các căng thẳng giữa giới tôn giáo và giới thế tục đặc biệt gia tăng sau hai vụ ám sát nhắm vào các lãnh đạo đối lập hàng đầu, ông Chokri Belaid (một trong những người sáng lập Mặt trận bình dân, liên minh của các đảng cánh tả) và ông Mohamed Brahmi (nghị sĩ Quốc hội lập hiến, lãnh đạo đảng cánh tả Phong trào Nhân dân). Và mới đây nhất là vụ 7 nhân viên cảnh sát bị sát hại. Đối lập chỉ trích đảng Hồi giáo đã dung dưỡng cho phe Hồi giáo cực đoan Salafiste hoành hành, khiến an ninh tại đất nước trở nên tồi tệ hơn, cho dù về mặt chính thức Tunisia vẫn đang ở trong tình trạng khẩn cấp, kể từ cuộc Cách mạng tháng Một 2013.

Việc đàm phán cho một dự thảo Hiến pháp tại Quốc hội lập hiến rơi vào bế tắc, với các bất đồng căn bản giữa đảng chiếm đa số và đối lập. Đó là có chấp nhận đưa luật Hồi giáo vào Hiến pháp hay không và các đặc quyền của Tổng thống.

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.