Vào nội dung chính
NHẬP CƯ - CHÂU ÂU

Thảm nạn thuyền nhân Lampedusa : Hệ quả chính sách nhập cư của Châu Âu

Chỉ trong một đêm, đảo Lampedusa của Ý biến thành nghĩa địa : Đêm hôm qua 03/10/2013 một chiếc tàu chở người 500 di dân châu Phi bị đắm chỉ cách bãi cát đảo Lampedusa vài trăm mét nhưng : 200 di dân mất tích, 130 người chết và chỉ có 150 người được cứu thoát. Thảm nạn này, không phải là vụ đầu tiên, đã gây xúc động lớn trong công luận. Chính sách di dân của châu Âu bị lên án mạnh mẽ.

Các tuyến đường nhập cư lậu chủ yếu vào Châu Âu.
Các tuyến đường nhập cư lậu chủ yếu vào Châu Âu. Latifa Mouaoued/RFI
Quảng cáo

Đức Giáo Hoàng Phanxico gọi thảm nạn thuyền nhân là « sự nhục nhã » và ngày hôm nay là ngày « nước mắt ». Tổng thống Ý Giorgo Napolitano kêu gọi châu Âu phải ngăn chận « nạn buôn người » và « canh chừng bờ biển châu Phi nơi xuất phát các chuyến du hành tuyệt vọng ».

Theo giới phân tích, thảm nạn thuyền nhân châu Phi trên đường đi tìm cuộc sống tươi sáng hơn tại châu Âu bị chết hàng loạt đã phản ảnh chính sách nhập cư khắc nghiệt của Liên Hiệp Châu Âu.

Theo Cơ quan di dân quốc tế, 25.000 di dân đã chết trên biển Địa Trung hải trong 20 năm qua gồm 2000 người trong năm 2011, 1.700 người trong năm 2012. Trong năm nay, trước khi xảy ra thảm nạn ở Ý, hơn 31.500 thuyền nhân vượt biển thành công.

Nhiều quốc gia Liên Hiệp Châu Âu như Ý, Chypre, Malta và Hy Lạp chịu áp lực dồn dập của làn sóng nhập cư, than phiền là các thành viên châu Âu khác thiếu tinh thần liên đới. Theo luật lệ hiện hành, khi thuyền nhân đến quốc gia nào thì chính phủ nước đó phải lo tiếp đón, lo chổ ăn chỗ ở xem xét hồ sơ xin tỵ nạn… Luật châu Âu không dự trù phân chia tự động gánh nặng quản lý hồ sơ xin tỵ nạn. Các nước Bắc Âu vẫn muốn toàn quyền định đoạt như Thụy Điển đang đón tiếp tất cả người tỵ nạn Syria nhưng không muốn chia trách nhiệm với Ý hay Tây Ban Nha hoặc Hy Lạp, cửa ngõ của Liên Hiệp Châu Âu.

Một vấn đề then chốt nữa là chính sách tỵ nạn của châu Âu vô cùng nghiêm khắc. Cơ may một người nước ngoài được một nước thành viên châu Âu cho visa nhập cảnh để xin quy chế tỵ nạn gần như bằng không. Đó là nguyên nhân thúc đẩy di dân châu Phi dùng thuyền vượt biển.

Trong 6 tháng đầu năm nay đã có đến 4000 thuyền nhân đặt chân lên đảo Lampedusa của Ý, một trong những cửa ngõ của châu Âu, nhiều gấp ba lần so với 6 tháng đầu năm ngoái.

Thãm nạn đắm tàu hôm thứ năm làm nổi dậy cuộc tranh luận về khả năng tiếp nhận di dân của Liên Hiệp Châu Âu và luật tỵ nạn của vùng đất trù phú này. Các nước Nam Âu muốn các đối tác trong Liên Hiệp hỗ trợ nhiều hơn. Trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, người xin tỵ nạn được đón tiếp một cách khác nhau. Pháp là một trong những quốc gia hỗ trợ y tế và pháp lý miễn phí cho người xin tỵ nạn, nhưng ở một số thành viên khác thì không. Vào tháng sáu vừa qua, Cơ quan Công giáo giúp đỡ người tỵ nạn (dòng Tên), tố giác tình trạng « thiếu nhân đạo » của hệ thống đặc trách tỵ nạn của châu Âu.

Để tránh xảy ra thiệt hại nhân mạng như thảm nạn Lampedusa, Ủy ban Châu Âu đã thành lập một kế hoạch mang tên « Eurosur » nhằm cải thiện phương thức phối hợp hành động giữa các thành viên theo dõi các tầu vượt biển, bài trừ các tổ chức xã hội đen và cấp cứu thuyền nhân.

Tuy nhiên, chương trình hành động này chỉ bắt đầu hoạt động kể từ đầu tháng 12 năm nay. Vấn đề là kế hoạch không dự trù tăng cường tầu tuần tra trong khu vực. Điểm son duy nhất là Châu Âu dự kiến sẽ ký những thỏa thuận với các nước Bắc Phi như Maroc và Tunisie để cấp visa cho thành phần ưu tú như sinh viên, nghiên cứu sinh và doanh nhân. Và cũng để làm bớt đi phần nào làn sóng vượt biển, châu Âu sẽ hợp tác với các nước bờ nam Địa Trung hải để diệt trừ các tổ chức buôn người.

Thật ra thì Liên Hiệp Châu Âu trong năm qua đã cấp quy chế tỵ nạn cho 102.700 người trong năm 2012 so với 84.300 người một năm trước đó, nhưng không thấm là bao với sự mong đợi của Ủy ban châu Âu và Liên Hiệp Quốc.

Trong khi chờ đợi một thay đổi lớn trong chính sách nhập cư tại châu Âu, báo chí Ý cho biết là tư pháp Ý dự định sẽ điều tra về thông tin có ba tầu đánh cá Ý đã làm ngơ không cứu giúp chiếc tàu bị nạn. Tội danh « không giúp người đang gặp hiểm nguy » được xem là tương đương với tội « sát nhân ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.