Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Biến đổi khí hậu: Các đảo quốc tí hon muốn lãnh đạo hành tinh

Đăng ngày:

Cho đến nay, những thách thức của Biến đổi khí hậu ngày càng là một thực tế được công chúng nhìn nhận. Biến đổi khí hậu mang lại những đe dọa nào đối với cư dân các quốc đảo nam Thái Bình Dương ? Cộng đồng các đảo quốc nam Thái Bình Dương có những động thái gì để tiếng nói của họ được cộng đồng quốc tế lắng nghe ? Bên cạnh đó, các xã hội ở khu vực này đã và đang chuẩn bị làm gì để khai thác các tiềm năng, nhằm hóa giải những thách thức sống còn hiện nay ?

Rạn san hô ở Nouvelle-Calédonie, kỳ quan thế giới, được Unesco xếp hạng di sản năm 2008.
Rạn san hô ở Nouvelle-Calédonie, kỳ quan thế giới, được Unesco xếp hạng di sản năm 2008. AFP
Quảng cáo

Biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao đe dọa trực tiếp sự tồn vong của một bộ phận lớn trong số khoảng 10 triệu cư dân của hơn một chục quốc đảo và vùng lãnh thổ nam Thái Bình Dương. Cùng với dải đất phía nam sa mạc Sahara ở Châu Phi, các đảo nhỏ Thái Bình Dương là nơi chịu nhiều hậu quả nhất của quá trình Biến đổi khí hậu. Điều cần ghi nhận là, cho đến nay, tiếng nói của cư dân các đảo quốc Thái Bình Dương, khu vực chiếm đến gần 1/5 diện tích bề mặt của hành tinh, dường như không nhận được sự chú ý thực sự thích đáng của cộng đồng quốc tế, trước hết là các cường quốc trên thế giới, tác giả chính của nạn phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong con mắt của một bộ phận công luận, các quốc đảo tí hon Thái Bình Dương có vẻ như là những nạn nhân bất lực trước các Biến đổi khí hậu đang diễn ra với quy mô ngày càng ghê gớm, với những biến động khó lường và có cảm giác khu vực này ít nhiều bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi.

Tạp chí Khoa học của RFI tuần này xin chuyển tới quý vị một số thông tin về chủ đề này, đặc biệt qua các chia sẻ của một số nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị gắn bó với khu vực châu Đại Dương, nam Thái Bình Dương. Phần chủ yếu của chương trình do chuyên mục "C'est pas du vent" của RFI thực hiện :  Climat : Les Etats du Pacifique pourront-ils s’adapter ? (Khí hậu : Các quốc gia Thái Bình Dương có thể thích ứng ?) và Climat : l’Océanie s’adapte et appelle au secours ! (Khí hậu : Châu Đại Dương thích nghi và kêu gọi trợ giúp). 

Tuyên ngôn Majuro : Các đảo quốc tí hon tìm vị trí dẫn đầu

Diễn đàn thường niên lần thứ 44 của các quốc gia Châu Đại Dương (FIP), một sự kiện quan trọng vừa diễn ra từ ngày 03 đến ngày 06/09/2013 tại Majuro (Cộng hoà Quần đảo Marshalls). Tham gia vào Diễn đàn này có 14 đảo quốc Thái Bình Dương, cùng Úc, New Zearland và các khách mời là : Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada. Chủ đề chính của Diễn đàn FIP năm nay là : « Khu vực Thái Bình Dương phối hợp hành động đối phó với Biến đổi khí hậu ».

Nằm cách mặt nước biển khoảng một mét, quần đảo Marshall có nguy cơ biến mất trong những thập niên tới. Trong ảnh, thủy triều xâm nhập khu dân cư. (AFP)
Nằm cách mặt nước biển khoảng một mét, quần đảo Marshall có nguy cơ biến mất trong những thập niên tới. Trong ảnh, thủy triều xâm nhập khu dân cư. (AFP)

Kết thúc hội nghị, lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ FIP đã thông qua bản "Tuyên ngôn Majuro" mong đợi, khẳng định nỗ lực của khu vực, đảo ngược tình thế hiện nay, biến các đảo quốc – vốn là các khu vực dễ tổn thương nhất của Biến đổi khí hậu – trở thành những « lực lượng lãnh đạo » tham gia vào nhóm « dẫn dắt cuộc chiến (toàn cầu) » chống lại nạn khí thải gây hiệu ứng nhà kính và kiên quyết hành động để chủ động thích nghi với các thay đổi.

Dẫn đầu có nghĩa là làm gương. Mặc dù góp phần hết sức không đáng kể vào việc phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các quốc đảo Thái Bình Dương cam kết hành động quyết liệt để giảm một cách khẩn cấp các hoạt động gây ô nhiễm cho Trái Đất ngay tại nước mình và kêu gọi các đối tác cũng làm tương tự, với việc tiếp tục các kế hoạch phủ xanh mặt đất qua các chương trình như « Một cây, một ngày, một cuộc đời » tại Nouvelle-Calédonie hay tấm gương của quần đảo tí hon Tokelau, các đảo đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% năng lượng mặt trời… và nhiều ví dụ khác.

Bên cạnh đó, cộng đồng FIP cũng cam kết « tăng cường các nỗ lực để chuẩn bị và thích nghi với mức độ gia tăng của Biến đổi khí hậu, và tiếp tục phát triển và xây dựng các chính sách, chiến lược, khuôn khổ pháp lý, với sự giúp đỡ nếu cần, để các cơ sở hạ tầng cơ bản có thể kháng cự lại được Biến đổi khí hậu, để thích nghi được các khu vực kinh tế trọng yếu, bảo đảm phát triển bền vững và dẻo dai trước tác động của khí hậu cho các thế hệ hiện nay và tương lai ».

Tuyên ngôn Majuro có tham vọng góp phần vào việc xây dựng một cơ chế tương lai toàn cầu chống lại quá trình Biến đổi khí hậu, đang được cộng đồng quốc tế xúc tiến, sẽ phải hoàn tất vào năm 2015.

Thiệt hại nhãn tiền do Biến đổi khí hậu

Diễn đàn Majuro là một dịp để các đại diện của những quốc gia và định chế quốc tế lớn có dịp chứng kiến tận mắt các hiểm họa mang tính diệt vong của Biến đổi khí hậu đối với cư dân sống tại các đảo san hô nam Thái Bình Dương. Ngay tại Cộng hòa Quần đảo Marshall, quốc gia với hơn 60.000 cư dân, nơi diễn ra hội nghị, các khách mời có thể thấy những phần đê biển bị nước sói mòn, thủy triều xâm nhập vào thủ đô hồi tháng 6/2013. Nhiều khu vực của quần đảo này bị nạn hạn hán hoành hành dữ dội trong năm nay, nhiều giếng làng bị nhiễm nước mặn…

Láng giềng phía nam của Marshall, nước Cộng hòa Kiribati, một trong các quốc gia nghèo nhất hành tinh, với hơn 100.000 dân, sống rải rác trên hơn 30 đảo là « một quốc gia đang trên đường biến mất », như điều được mô tả trong cuốn sách « Thiên đường (trước khi bị xóa sổ) » của nhà văn Pháp Julien Blanc-Gras ("Paradis [avant liquidation]") (2013). Tổng thống Ana Tong của Kiribati đã bắt đầu tính đến việc mua đất ở nước láng giềng Cộng hòa Quần đảo Fidji (một quốc gia có rộng rãi hơn và cao hơn) để sơ tán một phần dân cư đến đây, hoặc sang Đông Timor.

"Những ngày cuối cùng của (quần đảo) Tuvalu" (2005) phim của Arte. Năm 2002, Tuvalu - quốc gia hơn 10.000 dân - từng có ý định kiện Mỹ và Úc (2 nước không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto) ra Tòa án quốc tế, với tư cách thủ phạm của Biến đổi khí hậu.
"Những ngày cuối cùng của (quần đảo) Tuvalu" (2005) phim của Arte. Năm 2002, Tuvalu - quốc gia hơn 10.000 dân - từng có ý định kiện Mỹ và Úc (2 nước không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto) ra Tòa án quốc tế, với tư cách thủ phạm của Biến đổi khí hậu.

Ông Anthony Lecren, thành viên chính phủ Nouvelle-Calédonie (một xứ tự trị thuộc Pháp) phụ trách kinh tế, phát triển bền vững, đa dạng sinh học cho biết những ảnh hưởng cụ thể của Biến đổi khí hậu tại khu vực này, cùng như suy nghĩ của ông về chiến lược hành động để vượt qua được những thách thức hiểm nghèo này :

« Chúng ta thấy những bãi biển phủ đầy cây cối bị sụp đổ, vì mực nước biển dâng lên và các bãi biển bị sói mòn. Có rất nhiều hình ảnh đầy ấn tượng như vậy. Nhưng tình hình còn nghiêm trọng hơn nhiều tại các nơi khác, như Tuvalu hay Tokelau… Thủy triều lớn vào đến tận các khu đền. Ở đây chúng ta có thể nói đến việc nền văn minh của con người bị chìm trong nước.

Những dân tộc bé nhỏ này phải hứng chịu những hậu quả của các nước lớn, do sản xuất quá thừa thãi, tiêu thụ quá nhiều. Chính trong bối cảnh này, các đảo quốc nỗ lực để cộng đồng quốc tế hiểu rằng các quốc gia tí hon Thái Bình Dương có những nhu cầu cụ thể, có những trách nhiệm cụ thể, bởi các quốc gia chúng tôi quản lý đến 27 triệu km² diện tích biển.

Các quốc gia đảo ở Thái Bình Dương không chỉ chịu trách nhiệm trước các dân tộc mình, của con cháu mình thôi, mà còn đối với phần còn lại của hành tinh. Chia sẻ cùng nhau, để cùng nhau tìm ra các phương tiện, các giải pháp, để khiến cho khu vực này trở thành ‘‘lá phổi’’ của Trái Đất. Bởi vì đại dương sản sinh ra nhiều ô-xy hơn là rừng. Để nơi đây tiếp tục là một khu vực bảo tồn cho toàn bộ nhân loại ».

San hô chết : Thảm họa của đại dương
San hô chết : Thảm họa của đại dương AFP

Nguồn thực phẩm biển bị đe dọa

Một thách thức lớn khác của Biến đổi khí hậu là mối đe dọa nhắm vào các nguồn thực phẩm, trước hết là nguồn thực phẩm từ đại dương, và các biện pháp đối phó. Các đợt hạn hán kéo dài khiến sản xuất nông nghiệp trên đất liền giảm sút, nhưng mối lo lớn là ở đại dương, nguồn sống chủ yếu của cư dân các đảo quốc Thái Bình Dương. Về vấn đề này, nhà đại dương học Alexandre Ganachaud, chuyên gia thuộc IRD - Viện nghiên cứu phát triển Pháp, cho biết :

« Tôi đã từng làm việc với ê kíp của Ban Thư ký của Cộng đồng Các quốc gia Thái Bình Dương (SPC/CPS), có trụ sở ở Noumea. Chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu khá toàn diện với sự tham gia của 80 nhà khoa học thuộc các ngành khác nhau, để đánh giá những tác động của Biến đổi khí hậu đến các nguồn thực phẩm từ biển tại khu vực các hồ san hô, những nơi nuôi trồng thủy sản và ngư nghiệp ở vùng ven biển.

Trong số các kết quả nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận sự dịch chuyển khu vực của loài cá ngừ, chiếm khoảng 80% sản lượng đánh bắt tại vùng biển này. Những hiện tượng định kỳ như dòng hải lưu nóng el Nino đưa cá ngừ di chuyển về phía đông, đặc biệt là cá ngừ bụng sọc. Giống cá ngừ này di cư theo dòng nước nóng giữa khoảng 20°C đến 28°C. Một cách đơn giản, có thể nói, khi khí hậu nóng lên trong tương lai, khoảng từ 30 năm đến 100 năm tới, cá ngừ bụng sọc nói chung sẽ di chuyển từ phía tây sang phía đông Thái Bình Dương.

Hiện tại, ở khu vực này đã có một số biện pháp đối phó. Vì cá ngừ di chuyển từ vùng đặc quyền kinh tế này đến vùng đặc quyền khác, các quốc đảo tại đây đã thiết lập hệ thống luân phiên ngày đánh bắt. Các công ty lớn khai thác hải sản mua quyền đánh cá của các quốc gia. Các công ty này có thể trao đổi quyền đánh cá giữa các cộng đồng, giữa các chính quyền, tùy theo việc nguồn cá đang ở đâu và vào thời điểm nào. Cách thức quản lý như vậy đòi hỏi trước hết các hiểu biết để xác định được cá đang ở đâu, với số lượng bao nhiều, và nên khai thác bao nhiêu là đủ, để tránh làm tổn hại quá mức đàn cá. Và làm sao có sự thỏa thuận giữa các quốc gia để cuối cùng mọi người đều có thể được hưởng lợi.

Về phần các nguồn cá tại các rạn san hô, đây là nguồn hải sản truyền thống. Vì cá ngừ ngoài biển khơi thực ra khó đánh bắt. Đây là đối tượng khai thác của các công ty lớn với các phương tiện hiện đại. Một vài tấm lưới của họ lớn tới mức có thể chứa được tới sáu chiếc phi cơ Boeing 747.

Atoll : Nơi bảo tồn vô giá các hệ sinh thái. Trong ảnh một hồ nằm trong đảo san hô Napuka, một atoll thuộc quần đảo Tuamotu - Polynésie (Pháp). Ảnh Viện nghiên cứu Phát triển Pháp - IRD.
Atoll : Nơi bảo tồn vô giá các hệ sinh thái. Trong ảnh một hồ nằm trong đảo san hô Napuka, một atoll thuộc quần đảo Tuamotu - Polynésie (Pháp). Ảnh Viện nghiên cứu Phát triển Pháp - IRD.

Về cơ bản, các cộng đồng Thái Bình Dương thường đánh bắt cá tại các hồ san hô (atoll). Mà nguồn cá này là có giới hạn. Người ta không thể lấy đi nhiều hơn cái mà những nơi này có thể tạo ra, trong bối cảnh dân số lại tăng lên. Việc khai thác đạt tới ngưỡng một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, Biến đổi khí hậu đe dọa chính sự tồn tại của các rặng san hô. Tại một số khu vực người ta ước tính 80% san hô đã bị chết. Mà nếu không có các rạn san hô, thì không còn thức ăn, không còn chỗ để các cá con kiếm ăn và ẩn náu. Nếu không có san hô, thì cũng không còn nguồn hải sản ven bờ. »

San hô : Người thợ xây của biển

Để hiểu về thế giới san hô Thái Bình Dương, phóng viên của RFI đưa thính giả đến với các rạn san hô nổi tiếng ở Nouvelle-Calédonie, được Unesco xếp hạng di sản nhân loại vào năm 2008, qua câu chuyện với bà Francesca Benzoni, nhà sinh học biển, Viện IRD :

« Đằng kia là rạn ‘‘san hô vành đai’’. Ở đây chúng ta có nhiều kiểu san hô. Tại Nouvelle-Calédonie chủ yếu là kiểu san hô vành đai này. San hô này tạo thành một vòng bao bọc đất liền với chiều dài liên tục là 1.600 km. Loại san hô này chiếm khoảng 74% bề mặt san hô của Nouvelle-Calédonie. Bên cạnh đó, còn có san hô ‘‘récif frangeant’’, nằm ở vùng ven bờ biển của đảo lớn và xung quanh các đảo nhỏ. Ngoài ra còn có loại san hô phát triển dọc theo các triền cát, thường gọi là ‘‘patate’’. Nhìn chung, có rất nhiều hình thái san hô khác nhau tại khu vực này. Đây là một khu vực rất thú vị, hết sức độc đáo, không giống với bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Cộng sinh giữa sản hô, tảo và các sinh vật phù du : Tuyệt tác của thiên nhiên, giúp cho đại dương trở thành "chiếc giếng hút carbone" Trong ảnh, một rạn san hô tại quần đảo Fidji. (Ảnh Wikipedia)
Cộng sinh giữa sản hô, tảo và các sinh vật phù du : Tuyệt tác của thiên nhiên, giúp cho đại dương trở thành "chiếc giếng hút carbone" Trong ảnh, một rạn san hô tại quần đảo Fidji. (Ảnh Wikipedia)

Chúng ta biết, khi nói đến san hô, các nhà khoa học thống kê có khoảng 1.200 đến 1.300 loài trên toàn thế giới. Một nửa số loài này là nằm trong các rạn san hô. Phần còn lại sống tách biệt dưới nước sâu, khiến việc tìm hiểu chúng trở nên khó khăn. Chúng tôi có những mẫu san hô thu được ở dưới chiều sâu 6.000 mét, nơi ánh sáng không tới được. Về mặt hình thái, san hô ở đây không có gì giống với các loài ta quen biết như các san hô tạo thành vành đai ở Nouvelle-Calédonie, ở trước mặt chúng ta.

Cần nhắc lại rằng, san hô là một loài động vật, chứ không phải là một khoáng chất, như nhiều người vẫn nghĩ. Loài động vật này cần mẫn xây dựng thế giới của chúng trong tự nhiên. Các vành đai san hô mà chúng ta thấy là kết quả của khoảng 18.000 năm đến 20.000 năm xây dựng.

San hô là loài động vật có từ lâu đời. San hô có nguồn gốc từ loài sinh vật đa tế bào xuất hiện thứ hai tại các vùng nước của Trái Đất. Điều kỳ lạ là nhờ ở việc cộng sinh với loài tảo đơn bào, làm công việc quang hợp, mà san hô có được khả năng tạo ra bộ xương carbonatic. Bộ phận sống động là lớp vỏ rất mỏng ở bên ngoài của san hô, còn bộ xương của san hô thì giống như sỏi đá. Phần xương của san hô tạo thành các rạn như chúng ta thấy. Nói thì có vẻ đơn giản như vậy, nhưng có rất nhiều quá trình tham gia để tạo nên các thực thể này.

Cây Amborella trichopoda
Cây Amborella trichopoda Wikipedia

Khi chúng ta lặn xuống dưới biển, chúng ta thấy cả một thế giới, với những loài cá kỳ diệu, các loài rùa tuyệt đẹp, các loài rắn…, còn đáy biển thì có vẻ bất động, cho dù có đủ loại san hô, tảo biển... Nhưng thực ra không phải vậy, thế giới dưới đáy biển là một chiến địa sinh tồn.

Sau ánh sáng và thức ăn, đối tượng tranh chấp thứ ba giữa các giống loài là đáy biển. Các sinh vật dưới lòng biển chúng ta gọi là các ‘‘benthique’’, hoặc là các loài động vật, hoặc là các loài tảo. Mỗi loài phát triển các vũ khí riêng cho cuộc chiến sinh tồn. Các loài san hô có thể tấn công đối thủ bằng những pô-lýp rất dài, với các tế bào có thể châm như kim. Đây là các đặc tính mà san hô thừa hưởng từ gia tài di truyền xa xưa, mà các tổ tiên chung với loài sứa để lại. San hô cũng có thể dùng các vũ khí tấn công gián tiếp, thông qua tốc độ phát triển nhanh, tạo nên các mảng lớn để ngăn chặn các loài khác xâm chiếm phần đáy biển. Trong khi đó loài tảo đỏ thì dù phát triển rất chậm, nhưng lại bám lấy lòng biển một cách chắc chắn.

Trở lại với tình trạng san hô ở Nouvelle-Calédonie, có thể nói rằng, cho dù san hô ở nhiều nơi khác bị hủy hoại rất nhiều, tại khu vực này san hô được bảo tồn tương đối tốt ».

Minh triết của đất và « Chúng ta là biển ! »

Trước Biến đổi khí hậu, các đảo quốc Thái Bình Dương đối diện với các hiểm họa lớn. Trả lời câu hỏi, người dân tại Nouvelle-Calédonie ý thức như thế nào về các hiểm họa này ? Ông Anthony Lecren, phụ trách bộ Kinh tế Nouvelle-Calédonie, nhận xét ''Mỗi người đều hiểu điều này, vì những thay đổi khí hậu là không còn gì nghi ngờ nữa. Đảo lộn về mùa vụ là rất rõ ràng''. Ông nhấn mạnh :

« Người Nouvelle-Calédonie chúng tôi may mắn có loài cây Amborella trichopoda. Đó là sự minh triết của đất đai. Loài cây này đã sống qua hàng chục triệu năm, vượt qua thời đại của các loài khủng long, vượt qua các kỷ băng hà… Các bạn có thấy không ? Loài cây này đã sống sót được tại Nouvelle-Calédonie. Tại một số khu rừng, Amborella chiếm đa số thảm thực vật.

Bạn có thấy không ? Chúng tôi không chỉ có trách nhiệm trước bản thân mình ! Chúng tôi có trách nhiệm với cả hành tinh. Chúng tôi đã được chỉ định để làm điều đó. Không phải chúng tôi nói ra điều này, mà là các nhà khoa học. Các nhà khoa học đã chứng minh. Vấn đề là sự cam kết và niềm tin. Tôi nghĩ rằng, mỗi người trên đất nước này đều hiểu được. Bởi vì đó là những người sống với thiên nhiên, sống với biển. Khi họ thấy nước biển dâng lên, thì đó là rất nhiều thay đổi, rất nhiều chỉ dấu gắn liền với thay đổi này. Những người sống với thực tế này tự nói với nhau, tự nói với mình : ‘‘Chúng ta là biển cả ! Chúng ta là biển cả !’’ Đấy là cách sống của người dân Đại dương ».

Nouméa, thủ phủ Nouvelle-Calédonie (Pháp). Xứ Nouvelle-Calédonie được trao quyền tự trị ngày càng nhiều. Từ 2014 đến 2018, khu vực này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định thể chế chính trị tương lai (DR)
Nouméa, thủ phủ Nouvelle-Calédonie (Pháp). Xứ Nouvelle-Calédonie được trao quyền tự trị ngày càng nhiều. Từ 2014 đến 2018, khu vực này sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định thể chế chính trị tương lai (DR)

Chiến lược « Tăng trưởng màu xanh nước biển »

Câu trả lời của phụ trách bộ Kinh tế Nouvelle-Calédonie về ý thức của người dân đảo quốc trước những thách thức nan giải do biến đổi khí hậu cũng có thể là câu trả lời chung của các cư dân Thái Bình Dương. Trên thực tế, cư dân các tiểu quốc Thái Bình Dương không hẳn cô đơn. Từ nhiều năm nay, nhiều quốc gia nhỏ bé, trong đó có Nouvelle-Calédonie đã nhận được sự trợ giúp từ phía các cơ sở nghiên cứu khoa học tiên tiến ở các quốc gia phát triển, cụ thể có Pháp. Ông Lionel Loubersac, chuyên gia về môi trường biển, giám đốc đại diện của Viện khai thác biển Pháp (Ifremer) tại Nouvelle-Calédonie – Phụ trách đơn vị nghiên cứu về các hồ san hô, các hệ sinh thái biển và phát triển kinh tế biển bền vững (LEAD), cho biết :

« Ở cấp độ của Châu Âu hình thành một chiến lược gọi là ‘‘tăng trưởng màu xanh nước biển’’, đã được phân tích nghiên cứu và được đưa ra trao đổi. Chiến lược này xem xét 11 lĩnh vực phát triển. Khi chúng ta quan sát những gì diễn ra tại Thái Bình Dương, đặc biệt các nước thuộc Châu Đại Dương. Tôi lấy ví dụ như tại Nouvelle-Calédonie, là nơi tôi biết nhiều hơn, vì tôi làm việc tại đây. Có 10 trong số 11 lĩnh vực nói trên liên quan trực tiếp đến khu vực này.
Trên thực tế, các hoạt động đánh bắt cá và hoạt động quân sự không nằm trong phạm vi của ‘‘tăng trưởng màu xanh nước biển’’. Bởi vì, ví dụ như các hoạt động ngư nghiệp liên quan vốn đã nằm dưới sự quản lý của các quốc gia, và các định chế khu vực như Cộng đồng Các quốc gia Thái Bình Dương. Chúng tôi quan tâm đến các lĩnh vực khác.

Các quốc đảo Thái Bình Dương và các vùng đặc quyền kinh tế
Các quốc đảo Thái Bình Dương và các vùng đặc quyền kinh tế Ảnh Wikipedia

Tôi lấy ví dụ của Nouvelle-Calédonie, nhưng điều này cũng liên quan đến nhiều nơi khác. Như việc nuôi trồng tảo biển siêu nhỏ. Đây là chất liệu tạo sinh khối, tạo proteine, nhưng đồng thời cũng là nguồn tạo năng lượng, các phân tử giúp cho ngành y tế...

Một ví dụ khác là việc quản lý biển, trên phương diện cải tiến các phương tiện thu thập dữ liệu về môi trường, cũng như việc kiểm tra theo dõi chất lượng môi trường. Đặc biệt chúng ta biết khu vực này là xứ sở của san hô, với khoảng 15.000 km². Các hồ san hô Nouvelle-Calédonie được xếp hạng di sản thế giới của Unesco. Cần phải bảo vệ sự sống của san hô bằng cách kiểm tra thường xuyên sức khỏe cho chúng.

Một lĩnh vực khác là công nghệ sinh học biển. Chúng ta biết rằng đa dạng sinh thái ở Thái Bình Dương là rất lớn, chúng tôi hy vọng phát hiện được các chất mới lạ. Ví dụ như các loài vi khuẩn phát triển được trong các môi trường khó khăn. Mà các loài này tồn tại được ở đây ».

Kế hoạch phát triển các vùng bảo tồn biển rộng lớn

Trong thời gian gần đây, các tiểu quốc nam Thái Bình Dương tiếp tục có nhiều nỗ lực chung tay tìm ra các giải pháp khai thác các tiềm năng hết sức lớn lao mà các quốc gia này vốn có, để đối mặt trực tiếp với các thách thức môi trường do Biến đổi khí hậu. Một trong những thế mạnh đó là việc thành lập các vùng bảo tồn biển rộng lớn. Bộ trưởng kinh tế Nouvelle-Calédonie Anthony Lecren chia sẻ :

« Có một nỗ lực thực sự để tạo thành các khu vực bảo tồn biển. Chúng ta biết rõ rằng, tiến hành chính sách này cho phép các không gian biển được tái sinh. Như vậy cần phải nhân lên thật nhiều các khu vực này, như chúng ta đã làm tại quần đảo Cook (với sự ra đời của khu bảo tồn rộng 1,065 triệu km² - gấp hai lần diện tích nước Pháp). Đây là ý tưởng mà chúng tôi đã bàn thảo tại Oceania 21 Meetings (Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về phát triển bền vững của 22 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Châu Đại Dương, tổ chức dưới sự bảo trợ của chính phủ Nouvelle-Calédonie vào cuối tháng 4/2013).

Tạo ra các khu bảo tồn. Ở đây chúng ta cần phải lô-gic, vì ta biết rằng ở trên biển không có đường biên giới. Để có một chính sách thống nhất trong vấn đề này, cần phải có sự chung tay.

Chúng tôi có các láng giềng trực tiếp là Vanuatu, Fidji, Papouasie... Nếu các láng giềng với chúng tôi không có cùng một chính sách phát triển bền vững, thì… Chính sách phát triển bền vững không thể nào tồn tại, nếu chỉ có một quốc gia theo đuổi.

Lợi ích trong việc này rất lớn. Đằng sau việc phát triển ngành nuôi trồng tảo biển, một nghề mang lại lợi nhuận lớn, kéo theo nhiều công ăn việc làm. Hệ quả là giữ được người ta ở lại nơi mà họ có thể có được thu nhập từ môi trường ngay xung quanh mình. Tạo ra việc làm cùng với việc đào tạo, chuyển giao các hiểu biết kinh nghiệm làm ăn được thừa hưởng chính là ý nghĩa của nền Kinh tế Xanh. Cho dù ta không biết hết mọi thứ, nhưng ta có thế mạnh riêng của ta ».

Tiếp theo các quyết định lập khu bảo tồn biển của quần đảo Cook (hơn 1 triệu km²) và hai tiểu quốc Kiribati (hơn 400.000 km²) và Tokelau, cùng Nouvelle-Calédonie (rộng 1,4 triệu km²), đến lượt nước cộng hòa Palau, với hơn 20.000 cư dân, lập vùng bảo tồn rộng hơn nửa triệu km², tương đương nước Pháp, nơi mọi hoạt động khai thác cá thương mại đều bị cấm kể từ mùa xuân năm nay. Dự kiến những vùng biển mà các đảo quốc sẽ đưa vào khu vực được bảo vệ tại nam Thái Bình Dương có tổng diện tích 40 triệu km² (gần ¼ biển Thái Bình Dương), hay khoảng 8% diện tích bề mặt Trái Đất.

Trong những năm gần đây, việc thành lập các vùng bảo tồn biển càng ngày càng được quan tâm. Cũng như nhiều lãnh vực khác trong cuộc chiến bảo vệ môi trường, giữa một số quốc gia, các bất đồng là rất lớn. Mới đây, đề án lập khu bảo tồn rộng hơn 2 triệu km² tại Nam Cực (tại Biển Ross, một vùng biển được coi là nguyên sơ nhất thế giới) của Mỹ và New Zearland, được đưa ra thảo luận hồi tháng 7/2013 , đã chưa đi đến kết quả do vấp phải sự phản đối của Nga.

Các tin bài liên quan

Trung Quốc thám hiểm đáy Biển Đông để thống trị đại dương

Băng Nam Cực tan nhanh hơn dự kiến

Cơn đói của Trung Quốc và mối lo ngại cạn kiệt nguồn hải sản đại dương

"Con người" với "Tự nhiên" qua cái nhìn của nhà nhân chủng học

Tác hại kinh tế của biến đổi khí hậu : Hơn 3% GDP thế giới có thể mất đi mỗi năm

Biến đổi khí hậu tác động đến đại dương gây thiệt hại 2.000 tỷ đô la/năm

Phát hiện « hành lang » đưa CO2 xuống đáy Biển Nam Cực

Vì sao nhiệt độ Trái đất tăng chậm lại trong thập niên qua ?

Gia tăng hợp tác quốc tế hạn chế đánh cá, cứu đại dương

Khai thác năng lượng từ biển : Pháp tìm vị trí dẫn đầu

Ngoại trưởng Mỹ dự Thượng đỉnh Nam Thái Bình Dương : Trung Quốc tức tối

Môi sinh Địa Trung Hải lâm nguy và các nỗ lực giải cứu của giới khoa học

Wikipedia

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.