Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

WTO/OMC : Từ tự do mậu dịch đến sen đầm thương mại

Kể từ đầu tháng 09/2013, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO/OMC thay đổi lãnh đạo. Tổng giám đốc người Pháp, Pascal Lamy nhường chiếc ghế lại cho tân lãnh đạo người Brazil, Roberto Azevedo. Nhà ngoại giao 55 tuổi này sẽ phải gánh vác trọng trách thúc đẩy trở lại vòng đàm phán thương mại đa phương Doha, khởi sự cách đây hơn 10 năm, nhưng vẫn bế tắc trong bối cảnh OMC, từ một định chế phát huy tự do mậu dịch, đang càng lúc càng trở thành cơ chế cảnh sát – hay sen đầm – của nền thương mại toàn cầu.

Tân Tổng giám đốc OMC, Roberto Azevedo tại Genève. Ảnh chụp ngày 08/05/2013.
Tân Tổng giám đốc OMC, Roberto Azevedo tại Genève. Ảnh chụp ngày 08/05/2013. REUTERS/Valentin Flauraud
Quảng cáo

Ông Pascal Lamy như thế đã rời OMC sau 8 năm lãnh đạo tổ chức này với 2 nhiệm kỳ, trong toàn cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Ông bị cho là đã không thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ chủ chốt của định chế quốc tế này là thúc đẩy tự do mậu dịch, với vòng đàm phán Doha cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Khủng hoảng kinh tế đã thay đổi cục diện thương mại thế giới, và kể từ năm 2008, nhiều nước đã quay trở lại áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch.

Tuy nhiên ông Pascal Lamy cũng tỏ ra hài lòng về thành quả 2 nhiệm kỳ của ông : “Cho dù khủng hoảng ở mức độ lớn chưa từng thấy, các quốc gia đang phát triển đã hưởng lợi rất nhiều từ các trao đổi mậu dịch được mở rộng. OMC đã cầm cự tốt trước làn sóng sức ép bảo hộ mậu dịch từ năm 2008”.

Vấn đề là chỉ có 20% biện pháp bảo hộ mậu dịch đưa ra vào năm 2008 là được bãi bỏ hiện nay. Ngoài ra, vòng đàm phán Doha nhằm cải tổ nền thương mại quốc tế, kể như vẫn bế tắc. Cựu Tổng giám đốc OMC đã công nhận : “Quả là chưa thành công, chưa đúc kết đuợc thỏa thuận. Nhưng theo tôi, đó chỉ là tạm thời mà thôi.”

Khởi động vào năm 2001 trong một phiên họp đầu tiên tại Doha, thủ đô Qatar, các cuộc đàm phán giữa 159 thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm vào mục tiêu cơ bản là tự do hóa mậu dịch thế giới qua các thỏa thuận đa phương, với ý định ban đầu là giúp đỡ các nước Thế giới Thứ ba phát triển.

30% thương mại thế giới tuân theo quy định của 250 hiệp định song phương hay khu vực

Trong thực tế các cuộc thương lượng này hầu như lâm vào bế tắc, không tiến triển được bước nào cho đến hơn 10 năm sau. Trong lúc đó thì các thỏa thuận song phương lại “nở rộ”. Hiện nay, 30% thương mại thế giới tuân thủ các quy định của khoảng 250 hiệp định song phương hay khu vực.

Hiệp định được chú ý hiện nay trên thế giới và đang ở trong vòng thương lượng là giữa Châu Âu và Hoa Kỳ, cũng như Thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP do Hoa Kỳ thúc đẩy đang được rốt ráo đàm phán giữa 12 quốc gia châu Mỹ và châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tổ chức Thương mại Thế giới đang lo ngại rằng các hiệp định song phương sẽ phá vỡ các nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận đa phương. Bà Ines Trépant, chuyên gia phân tích Pháp nhìn thấy một sự mất cân bằng không có lợi cho những nước yếu trong những hiệp định này, ví dụ như hiệp định giữa Châu Âu với các quốc gia Châu Phi, Caribê, hay Thái Bình Dương.

Trong các cuộc thương thuyết song phương, các nước nghèo bị thua thiệt nhiều hơn là trong khuôn khổ đàm phán đa phương.

Trong bối cảnh đó và để hỗ trợ các nước nghèo, tân Tổng giám đốc OMC Roberto Azevedo đã dự kiến một kế hoạch gọi là “Trợ giúp thương mại (Aide pour le commerce), nhằm giúp các quốc gia này dễ dàng hội nhập vào thương mại thế giới.

Việc đề cử một người Brazil đứng đầu tổ chức OMC đã đuợc xem như một dấu hiệu mạnh hướng về các thị trường đang trỗi dậy. Nhưng thật ra nó không thay đổi gì nhiều hiện trạng. Giới phân tích đều nêu bật : Quyền hạn của một Tổng giám đốc OMC khá hạn chế, trong lúc quyết định nằm trong tay các quốc gia thành viên, họ chính là người quyết định cuối cùng.

Tổng giám đốc OMC chủ yếu có giá trị biểu tượng, khác với hai định chế quốc tế khác trong lãnh vực tài chánh ngân hàng là Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI và Ngân hàng Thế giới. Đứng đầu hai cơ chế này cho đến nay đều là người phương Tây. Vấn đề cử đại diện một nước đang trỗi dậy lên đứng đầu hai định chế đó thường xuyên được nêu lên, nhưng không bao giờ được thực hiện.

Vai trò trọng tài trong các tranh chấp thương mại

Với vòng đàm phán Doha không dẫn đến đâu, nhiều nhà phân tích tiên đoán sẽ không còn OMC nữa, định chế này sẽ tự động biến mất. Tuy nhiên quan điểm đó đã không được nhiều người tán đồng vì vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới đã chuyển biến với thời gian để trở thành nhà trọng tài trong các vụ tranh chấp thương mại.

Đây là vai trò được đánh giá là chủ chốt hiện nay của OMC. Cho đến nay, Tổ chức Thương mại Thế giới đã phải giải quyết 400 đơn kiện, trong đó có khoảng một nửa vụ kiện được xử lý thông qua thương thuyết ổn thỏa giữa hai bên.

Đây là môt vai trò rất quan trọng của OMC mà các định chế quốc tế khác không có. Do đó, giới quan sát cho rằng OMC sẽ không thể “chết” , nhưng nhiệm vụ của định chế có phần thay đổi dần : Trở thành “sen đầm” của nền thương mại thế giới.

Chính trong tư cách đó mà ngày 30/08/2013, mà Tổ chức Thương mại Thế giới đã chính thức thành lập một tiểu ban chuyên trách giải quyết các bất đồng giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc trên vấn đề Bắc Kinh áp thuế chống bán phá giá trên ống thép nhập từ châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.