Vào nội dung chính
TRUNG MỸ

Venezuela và Nicaragua tuyên bố sẵn sàng cho ông Snowden tỵ nạn

Kể từ hai tuần nay, cựu nhân viên tư vấn an ninh Hoa Kỳ Edward Snowden bị kẹt lại tại khu vực quá cảnh ở sân bay Matxcơva-Cheremetievo. Ông Edward Snowden gửi yêu cầu tỵ nạn tới tổng cộng 27 nước, nhưng 12 quốc gia đã thông báo từ chối.

Mọt quán cà phê ở sân bay Sheremetyevo, nơi Edward Snowden còn bị kẹt (REUTERS /S. Karpukhin)
Mọt quán cà phê ở sân bay Sheremetyevo, nơi Edward Snowden còn bị kẹt (REUTERS /S. Karpukhin)
Quảng cáo

Hôm qua, 05/07/2013, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro chính thức tuyên bố sẵn sàng cho phép cựu nhân viên tư vấn an ninh Hoa Kỳ tỵ nạn. Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega cũng đưa ra một thông báo như vậy trong ngày hôm qua.

Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm ngày độc lập của Venezuela, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định ông sẽ dành « quy chế tỵ nạn nhân đạo cho người thanh niên Snowden, để bảo vệ người này trước cuộc truy lùng của đế chế hùng mạnh nhất hành tinh ».

Về phần mình, tổng thống Nicaragua Daniel Ortega tuyên bố « Chúng tôi sẵn sàng và tôn trọng quyền tỵ nạn và điều rõ ràng là, nếu các điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ vui mừng tiếp đón ông Snowden và sẽ dành cho ông ấy quy chế tỵ nạn tại Nicaragua ». Tổng thống Nicaragua cho biết đã nhận được đơn của ông Snowden gửi đến sứ quán Nicaragua tại Matxcơva.

Cũng ngày hôm qua, Wikileaks thông báo trên trang Twitter là ông Edward Snowden đã yêu cầu tỵ nạn tại 6 quốc gia nữa, bên cạnh 21 nước trước đó, tuy nhiên trang mạng của Julian Assange không nói rõ đây là 6 nước nào, vì « lo ngại Hoa Kỳ can thiệp ».

Theo một số nhà phân tích, tình hình của cựu nhân viên an ninh Mỹ bị kẹt tại sân bay Matxcơva ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Bà Maria Lipman, đại diện của Trung tâm Carnegie ở thủ đô nước Nga, cho biết « khả năng ông Snowden bị kẹt lại vô thời hạn ở Matxcơva ngày càng lớn ». Hiện tại, có tổng cộng 12 quốc gia từ chối đơn tỵ nạn của ông Snowden, mới nhất là Pháp và Ý (hôm thứ Năm), bên cạnh các nước Đức, Brazil, Na Uy, Ấn Độ, Ba Lan, Ailan, Áo, Phần Lan, Hà Lan và Tây Ban Nha.

Bộ Ngoại giao Nga từ chối đưa ra bình luận thêm về vụ việc ngày càng trở nên khó xử này. Hôm qua, thứ trưởng ngoại giao Nga Serguei Riabkov nhắc lại là Matxcơva không thể làm gì để tác động đến số phận của cựu nhân viên Mỹ, sau khi ông Snowden rút lại yêu cầu tỵ nạn tại Nga, tiếp theo việc tổng thống Nga đặt ra điều kiện tiên quyết phải ngưng lại việc công bố các thông tin mới, « có hại » cho Hoa Kỳ.

Châu Âu kêu gọi hòa dịu sau vụ máy bay tổng thống Bolivia

Ngày thứ Năm (04/07) vừa rồi, bê bối liên quan đến số phận của cựu nhân viên an ninh Mỹ lại kéo thêm một biến cố mới. Sau khi máy bay của tổng thống Bolivia Evo Morales, từ Nga trở về, hôm thứ Ba (2/7) bị buộc phải hạ cánh tại Vienna, vì bị nghi ngờ có chở ông Snowden. Bolovia cáo buộc Hoa Kỳ gây áp lực lên Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để các nước này không cho phép máy bay chở ông Morales bay qua. 12 nước Nam Mỹ ra tuyên bố chung phản đối hành động kể trên, coi như một sự gây hấn đối với toàn thể Châu Mỹ Latinh.

Ngày thứ Tư (03/07), sau khi sự việc xảy ra, Paris đã bày tỏ sự hối tiếc, và khẳng định rằng không biết tổng thống Bolivia có mặt trên máy bay vào thời điểm đó.

Hôm qua (05/07), ngoại trưởng Tây Ban Nha kêu goi hòa dịu, với lời bào chữa « phản ứng của các nước châu Âu (…) là dựa trên các thông tin nhận được » về sự có mặt của cựu nhân viên an ninh Mỹ trên chuyến bay này.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.