Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Tên lửa Nga biến Trung Đông thành biển lửa ?

Nếu Matxcơva kiên quyết sung cấp hỏa tiễn phòng không S-300 cho Syria thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng quyết tâm thuyết phục tổng thống Nga Vladimir Putin hủy bỏ ý định trang bị vũ khí tối tân nhất cho Damas. Theo giới phân tích, Israel sẵn sàng dùng biện pháp quân sự trong trường hợp Putin từ chối.

TT Nga tiếp thủ tướng Israel. Ảnh ngày 14/05/2013.
TT Nga tiếp thủ tướng Israel. Ảnh ngày 14/05/2013. REUTERS/Maxim Shipenkov/Pool
Quảng cáo

Tuần trước, nhân chuyến viếng thăm Matxcơva của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Hoa Kỳ và Nga đồng ý vực dậy thỏa thuận giữa các cường quốc tại Genève ngày 30/06/2012, giải quyết khủng hoảng Syria bằng « chuyển tiếp chính trị ».

Tuy nhiên cho đến nay Nga vẫn cương quyết không bỏ rơi tổng thống Bachar Al Assad trong khi đối lập Syria cũng như các quốc gia Tây phương, Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết các nước Hồi Giáo đòi nhà độc tài cha truyền con nối phải ra đi.

Do vậy, sáng kiến triệu tập một cuộc hội nghị quốc tế vào cuối tháng 5 chưa biết có thể được thực hiện hay không. Đối lập Syria từ chối tham dự nếu Al Assad vẫn tại chức. Hoa Kỳ và Pháp thì chấp nhận hé cánh cửa kiên nhẫn chờ sau hội nghị trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và 5 nước hồi giáo trong đó Ai Cập và Ả Rập Xê Út , trong cuộc họp cấp ngoại trưởng đêm hôm qua 13/05/2013 dứt khoát tuyên bố không chấp nhận Bachar Al Assad trong chính phủ Syria tương lai.

Trong khi đó thì tổng thống Nga Vladimir Putin, chuẩn bị cung cấp thêm vũ khí gồm 6 giàn phóng và 144 tên lửa tối tân S-300 cho Damas chỉ ba ngày sau khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ hồi tuần trước tại thủ đô nước Nga với thỏa thuận gây hy vọng giải quyết bế tắc tại Syria bằng đám phán.

S-300 có tầm hoạt động 200 km vừa có khả năng bắn hạ máy bay vừa có thể ngăn chận tên lửa của đối phương tương tự với hiệu năng của hỏa tiễn chống hỏa tiễn Patriot của Hoa Kỳ. S-300 một khi được bố trí tại Syria sẽ gây khó khăn cho một dự án của Mỹ và Tây phương, trong trường hợp phải can thiệp quân sự tịch thu vũ khí hóa học của Damas.

Theo nhật báo Nga Kommersant, tổng thống Putin đã xác nhận ý định cung cấp S-300 cho Syria khi trao đổi với thủ tướng Anh David Cameron.

Là quốc gia láng giềng của Syria và trải qua nhiều cuộc chiến với Damas, Israel không chấp nhận để cho Syria biến thành an toàn khu cho lực lượng Hezbollah kẻ thù của Israel tại Liban hay nguy hiểm hơn nữa S-300 lọt vào tay nhóm này.

Do vậy, đích thân thủ tướng Benjamin Netanyahu sang gặp tổng thống Nga vào ngày hôm nay 14/05/2013 tại Sotchi với mục đích chính là thuyết phục Putin hủy bỏ ý định bán tên lửa phòng không tối tân cho Damas.

Nếu Putin vẫn lý giải vì quyền lợi sinh tử của Nga mà từ chối yêu cầu của Israel thì sao ? Một bộ trưởng Israel cho biết là thủ tướng Netanyahu sẽ bằng mọi cách không để cho S-300 đến Syria.

Chuyên gia Viktor Kremeniouk , thuộc viện nghiên cứu USA-Canada tại Matxcơva thẩm định « khi nêu vấn đề tên lửa, Israel gián tiếp cảnh báo là sẽ phá hủy S-300 khi tới Syria ».

Cái khó cho thủ tướng Israel, theo nhà phân tích Boris Dolgov, là làm sao thuyết phục Vadimir Putin đừng trao cho Syria vũ khí phòng không sau khi máy bay Israel đã hai lần oanh kích Syria để phá hủy vũ khí và một nhà máy vũ khí.

Nhưng là một nhà lãnh đạo thuộc khuynh hướng diều hâu, liệu Netanyahu có chấp nhận khoanh tay ngồi yên nếu sau cuộc đàn phán với Putin tay không trở về ?

Quân đội hùng mạnh nhất Trung Đông đã tập trung hàng trăm chiến xa trên cao nguyên Golan, mà Israel đã chiếm từ thế kỷ trước của Syria.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.