Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Stalin là lãnh tụ tài ba hay bạo chúa khát máu ?

Đăng ngày:

Thủ phạm gây ra cái chết oan khiên cho hàng chục triệu người hay anh hùng chiến thắng Đức quốc xã ? Sáu mươi năm sau ngày Stalin qua đời, ngày 05/03/1953, và hơn 20 năm sau ngày chế độ cộng sản Xô Viết sụp đổ, người dân Nga có vẻ mơ hồ về công, tội của nhân vật bị giới sử gia gọi tên là « đồ tể ». Chính sách trấn áp của Stalin vẫn còn được vài chế độ độc tài ở châu Á cố gắng bám víu, bất chấp những vết xe đổ.

Xếp hàng để đặt hoa lên mộ Stalin tại Quảng trường Đỏ Matxcơva, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của nhà độc tài, ngày 05/03/2013.
Xếp hàng để đặt hoa lên mộ Stalin tại Quảng trường Đỏ Matxcơva, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của nhà độc tài, ngày 05/03/2013. REUTERS/Sergei Karpukhin
Quảng cáo

Hơn hai mươi năm cầm quyền của Stalin từ 1930 đến 1953 được đánh dấu bằng những đợt khủng bố quy mô có hệ thống mà nạn nhân đầu tiên là các sắc dân thiểu số, rồi đến nông dân, tư sản trí thức và thành phần quân đội bị nghi ngờ « chống đảng ». Vào cuối thập niên 1980 nhờ chính sách perestroika của Mikhail Gorbachev và sự tan rã của Liên Xô, tội ác của Stalin được tố cáo một cách mạnh mẽ.

Trong tập tài liệu Les crimes de masse sous Staline (1930-1953) - Những tội ác tập thể của Stalin, công bố năm 2008,chuyên gia Nicolas Werth của trường Đại học Chính trị Pháp thống kê được 10 đợt khủng bố chính trị trong và ngoài nước, nhân danh lòng ái quốc.

Tháng 10/2007, lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự buổi lễ truy điệu từ 20 triệu đến 40 triệu nạn nhân của kẻ được mệnh danh là tay đồ tể. Đứng bên cạnh một « mồ chôn tập thể » ở thao trường quân sự Butovo, ngoại ô Maxcơva, nơi mà mật vụ Liên Xô đã xử bắn hàng chục ngàn người, Tổng thống Nga kêu gọi dân Nga « đoàn kết » đừng để tái diễn « quá khứ đau thương này ». Cựu trung tá KGB lên án điều mà ông gọi là « ý thức hệ hoang tưởng » nhưng bề ngoài được ngụy trang bằng những « giá trị cơ bản, nhân sinh, tự do dân chủ ».

70 năm trước, trong đợt « đại khủng bố » từ tháng 8/1937 đến tháng 11/1938, hơn 1,5 triệu người bị bắt và 800.000 bị xử bắn mà phần lớn… là đảng viên đảng cộng sản.

Tuy nhiên đến năm 2013 này, nhân ngày giỗ 60 của Stalin thì tình hình tại Nga có vẻ đổi khác.Theo nhà xã hội học Nga Lev Gudkov,chính quyền Putin công khai vinh danh Stalin. Trong một quyển sách giáo khoa được Bộ Giáo dục công nhận, ông Stalin được mô tả là một nhà « lãnh đạo hiệu quả ». Không ít người Nga mơ tưởng một Stalin « thứ hai » để phục hồi chế độ mà họ cho là « vàng son ».

Trong một cuộc thăm dò ý kiến năm 2012, có đến 47% người Nga tin rằng nhờ Stalin « sáng suốt » mà « Liên Xô được hùng mạnh phú cường » quốc tế kiêng nể. Tỷ lệ ý kiến ngược lại chỉ có 37%.

Nhà nghiên cứu chính trị Nga Maria Lipman, quy trách nhiệm cho cặp lãnh đạo Putin-Medvedev . Tuy hai nhân vật này tố cáo tội ác Stalin nhưng lại tránh phân tích sâu xa chủ nghĩa Stalin, vì chế độ hiện nay cũng xây dựng quyền lực « dựa vào mật vụ trấn áp dân chúng » bất chấp vết xe đổ. Tại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam « trại cải tạo lao động » vẫn tồn tại với nhiều hình thức.

Stalin là bạo chúa khát máu hay là một nhà lãnh đạo sáng suốt ? RFI đặt câu hỏi với nhà báo Nguyễn Minh Cần từ Maxcơva.

Đề tài về Stalin lại nổi lên

Trong tháng Ba năm nay, đề tài Stalin lại nổi lên trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày ông qua đời. Điều này chẳng có gì lạ cả. Vì Iosif (Joseph) Stalin là vị chúa tể độc tài đã từng cai trị Liên bang Xô Viết bằng bàn tay sắt trong suốt 30 năm trời(1922-1953). Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, là Đại nguyên soái, Tổng tư lệnh tối cao các Lực lượng vũ trang Liên Xô, được suy tôn là “Người cha của các dân tộc”.

Do sự tuyên truyền, nhồi sọ người dân trong hàng chục năm trời, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã làm cho người dân Liên Xô một thời gian dài trên nửa thế kỷ sùng bái Stalin, coi ông không khác gì một vị thánh sống, một đấng cứu tinh của toàn nhân loại. Đến nỗi một nhà thơ Việt Nam, xứ sở cách xa Liên Xô hàng chục vạn cây số, mà cũng đã thốt lên: “Yêu biết mấy nghe con tập nói/Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!” (Bài thơ Đời đời nhớ Ông, của Tố Hữu, tháng 3/1953).

Một ít sự thật về Stalin

Thế nhưng, kể từ sau khi bản báo cáo mật của Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô, Khroutchev tại đại hội 20, Đảng Cộng Sản Liên Xô (25-2-1956) về “Tệ sùng bái cá nhân Stalin” được tiết lộ ra ngoài thì nhiều người mới tá hỏa là nhà độc tài “đỏ” này đã gây ra quá nhiều tội ác, trước hết là tội diệt chủng đối với nhân dân đất nước mà ông ta thống trị.

Tội ác của Stalin có nhiều mặt, ở đây chỉ xin nói vài điều thôi.

1/ Bằng chính sách tập thể hóa nông thôn trong nửa đầu thập niên 30, ông đã tiêu diệt không thương tiếc tầng lớp năng nổ, tích cực, sáng tạo nhất ở nông thôn mà ông gọi là tầng lớp cu-lắc. Chính sách này bị nông dân phản đối, thì tại hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản năm 1934, Stalin tuyên bố: “Phải tạo ra một tình thế mà các hộ cá thể, sau khi thu hoạch trên mảnh đất canh tác của họ, phải sống tồi hơn để họ có khả năng kém hơn các nông trang viên. Phải tăng thêm gánh nặng thuế má cho họ.”

Ở nhiều vùng, nông dân nổi dậy, Stalin đưa quân tàn sát rất dã man. Ở Ukraina, nơi được coi là vựa lúa của Liên Xô, cả một vùng lớn, nông dân không nổi dậy nhưng cũng không chịu vào nông trang tập thể, thế là Stalin dùng cái chính sách, tiếng Nga gọi là “golodomor”, dịch ra tiếng Việt là “làm cho chết đói”, nghĩa là cho quân bao vây cả vùng, không cho dân được xuất, không cho lương thực được nhập, đồng thời cho các đội (tựa như đội cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam hồi 1953) xuống từng làng lùng sục, tịch thu tất cả lương thực để cho dân chết đói. Trong trận “golodomor” này có từ 20 đến 25 triệu người chết vì đói.

Nhà văn nổi tiếng Liên Xô Vasili Grosman đã mô tả trận giam đói nông dân ghê rợn này trong cuốn sách tựa đề “Mọi sự trôi qua”. Một điều chúng tôi nói thêm mà rất nhiều người Việt Nam không hề biết và không thể tưởng tượng nổi, là ở Liên Xô mãi cho đến năm 1956, nông dân vẫn sống như dưới thời nông nô (mặc dù chế độ nông nô đã được Nga hoàng xóa bỏ từ năm 1861), vì nông dân không được ra khỏi nông thôn. Một cách giản đơn nhất để làm chuyện đó là chính quyền Xô Viết không cấp giấy thông hành (passport) cho họ. Chỉ sau đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô, tội ác của Stalin bị vạch trần, từ đó ở Liên Xô người ta mới có chế độ cấp passport cho dân nông thôn như dân thành phố!

2/ Stalin là một con người rất đa nghi và rất sợ mất quyền lực. Cho nên ngay cả những người cùng hàng ngũ của ông ta, nếu lộ ra hoặc bị nghi là bất đồng tư tưởng với ông ta là ông tìm cách thanh toán không chút thương tiếc. Một ví dụ rất điển hình là tại đại hội XVII Đảng Cộng sản Liên Xô (năm 1934), phần đông đại biểu muốn bầu Kirov làm Tổng bí thư. Thế là sau đại hội, Stalin trả thù: 98 người trong tổng số 139 ủy viên trung ương chính thức và dự khuyết do đại hội XVII bầu ra, tức là 70%, đã bị bắt và bị xử bắn (phần lớn vào những năm 1937-38).

Không những các ủy viên trung ương mà đa số đại biểu dự đại hội XVII của Đảng cũng chịu chung số phận: trong số 1.956 đại biểu chính thức và dự khuyết thì 1.108 người bị bắt và ghép tội phản cách mạng. Như vậy, Stalin đã đánh ngay vào cái Đảng Cộng sản Liên Xô mà chính ông ta làm Tổng bí thư.

Sau đây là một vài con số chính thức về cuộc đại khủng bố (1937-1938): Đã có trên 1.440.000 người bị kết án, trong số đó trên 725.000 người bị bắn, trong số bị bắn có nhiều ủy viên Bộ Chính trị , ủy viên trung ương, người đứng đầu chính phủ, Bộ trưởng v.v... Kể cả một ủy viên Bộ Chính trị là Chủ tịch đầu tiên của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản là Zinoviev; một ủy viên Bộ Chính trị, người đứng thứ ba sau Lênin (người đứng thứ hai là Trostski thì đã bị Stalin diệt rồi) là Kamenev, một ủy viên Bộ Chính trị được coi là người con yêu của đảng là Bukharin cũng bị bắn. Một số cán bộ người nước ngoài của Quốc tế Cộng sản cũng bị giết.

Trong hàng ngũ quân đội, thì có đến trên 41.000 sĩ quan và binh lính bị xử tử, kể cả nhiều nguyên soái, các tướng lĩnh cho đến binh nhì. Đó là chưa nói đến hàng trăm nghìn người thuộc các dân tộc không phải Nga bị cưỡng bức di dân đến các vùng khác phải bỏ mình trên đường đi hay ở nơi mới đến. Cho nên có nhà sử học đã kêu lên: Stalin đúng là một tên diệt chủng đối với nhân dân nước mình!

Còn đối với người nước ngoài thì dã man nhất là Stalin đã ra lệnh giết 20.000 sĩ quan Ba Lan hồi tháng 2 năm 1940 ở rừng Katyn, gần Smolensk, rồi vu khống cho phát xít Đức giết. Các lãnh đạo khác sau này của Liên Xô cứ mập mờ, ấp úng không chịu công bố sự thật, mãi gần đây các lãnh đạo Nga mới chịu công bố. Xin nói rõ thêm: các sĩ quan Ba Lan này đã đánh nhau với phát xít Đức khi bọn này tấn công Ba Lan, họ bị thua nên chạy sang Liên Xô lánh nạn và bị giết.

Còn nhiều chuyện nữa, nhưng xin dừng tại đây.

Ảnh hưởng của chủ nghĩa Stalin đối với Việt Nam

Như nhiều người biết, ảnh hưởng đó cho đến nay vẫn còn rất nặng nề. Nó biểu hiện rất rõ ở vài điểm sau đây:

1/ Cho đến bây giờ, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn giương cao chủ nghĩa Mác Lênin trong điều lệ, trong đường lối, chính sách của đảng. Cái gọi là chủ nghĩa Mác Lênin mà Đảng Cộng sản Việt Nam nói đến, thực chất là chủ nghĩa Stalin. Từ thời bí mật cho đến ngày nay, các cán bộ cao và trung cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam học về chủ nghĩa Lênin chủ yếu từ cuốn “Nguyên lý chủ nghĩa Lênin” được biên soạn dưới sự hướng dẫn của Stalin, theo cách nhìn của Stalin. Đó là một thứ chủ nghĩa Lênin đã biến dạng.

Và ngay cả ông Hồ Chí Minh đến Liên Xô sau khi Lênin đã qua đời, ông đã sống và học tập dưới thời của Stalin, ông tiếp nhận cả lý luận cũng như toàn bộ thực tiễn của thời đó (như sự kềm kẹp, đàn áp người dân, tiêu diệt các tôn giáo, thanh trừng nội bộ...) nên cái chủ nghĩa, cũng như cái cung cách cai trị mà ông du nhập vào Việt Nam thực tế cũng là chủ nghĩa Stalin. Nói rằng lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam theo chủ nghĩa Stalin thì người ta giẫy nẩy chối đây đẩy, vì người ta biết rằng Stalin là một tên sát nhân bị thế giới phỉ nhổ. Nhưng, khi nhìn vào lời nói và hành động của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thì không thể nào nói khác được!

2/ Chuyện trước mắt hiện nay ở Việt Nam đang tranh cãi là điều 4 Hiến pháp. Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thì khăng khăng cho rằng phải giữ và ghi rõ quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản vào Hiến pháp, trái hẳn với ý kiến và nguyện vọng của các nhân sĩ, trí thức tiến bộ, các công dân tự do, các vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo và người dân có hiểu biết. Khi nghe lập luận hồ đồ của các lãnh đạo cao nhất của đảng, cũng như lũ tôi tớ viết thuê, nói thuê của họ, ta thấy họ lặp lại gần như nguyên văn những lời nói có tính áp đặt chẳng cần lý lẽ gì của Stalin hồi năm 1936.

Xin trích vài câu: “Tôi phải thừa nhận rằng, trong dự thảo Hiến pháp , thực tế đã để nguyên hiệu lực của chế độ chuyên chính của giai cấp công nhân cũng như giữ nguyên không thay đổi điều nói về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô (vỗ tay nhiệt liệt)... Ở Liên Xô không có mảnh đất cho sự tồn tại của các đảng khác, nghĩa là không có tự do cho các đảng ấy. Chính vì thế tôi nghĩ rằng Hiến pháp Liên Xô là Hiến pháp duy nhất trên thế giới có tính dân chủ triệt để.” (sách: “Về dự thảo Hiến pháp Liên Xô”, NXB Partizdat, 1937 - người viết dịch từ nguyên bản tiếng Nga). Bằng chứng rõ rành rành là ngày nay lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang theo chủ nghĩa Stalin.

3/ Chính là dựa trên cái nền “dân chủ triệt để” đó của Liên Xô mà từ tháng 9 năm 1929, Stalin đã lập ra các trại lao động cải tạo (mỹ danh chỉ nhà tù Cộng sản ) và phát triển ngày càng nhiều đến mức nhà văn nổi tiếng Soljenitsyn gọi cả hệ thống các trại lao động cải tạo đó là Quần đảo ngục tù (goulag) để nhốt hàng nhiều triệu “kẻ thù của nhân dân”.

Stalin thường cười bọn Nga hoàng ngốc lắm, giam tù lỏng lẻo, mà còn cho tù ngồi đọc sách, viết sách, cho vợ con tù đến ở gần hàng tuần và người đi đày thì được đi săn, đi câu, nên ông ra lệnh siết rất chặt chế độ nhà tù xô-viết. Từ năm 1937, ông còn cho phép lập “nhóm ba người” trong Bộ Nội vụ có quyền quyết định mức án đối với tù nhân mà không cần phải qua tòa án. Cái chế độ tù đày và hệ thống các trại lao động cải tạo ở Việt Nam cũng chính là sự thực hành chủ nghĩa Stalin trong thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vài lời kết

Trong thời đại ngày nay, mọi chế độ độc tài toàn trị, dù là độc tài Cộng sản hay không Cộng sản, độc tài cá nhân hay độc tài tập thể, trước sau gì cũng phải sụp đổ trước sức mạnh của đại chúng và sức ép của dư luận quốc tế. Cái gương những Honecker, Ceausescu, Hussein, Kadahfi, Mubarak... đã cho mọi người thấy rõ.

Ngày nay, trong nước ta một thế hệ trẻ đầy lòng yêu nước, yêu tự do có tinh thần dấn thân cao đã xuất hiện, báo hiệu tốt cho tiền đồ cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài toàn trị theo hình mẫu của chủ nghĩa Stalin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.