Vào nội dung chính
Ý - BẦU CỬ

Cử tri Ý thờ ơ với cuộc bầu cử Quốc hội

Bầu cử Quốc hội Ý diễn ra trong hai ngày 24 và 25/02/2013. Các phòng phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 3 giờ chiều nay giờ địa phương. Tỷ lệ cử tri tham gia sụt giảm trong ngày đầu cuộc bỏ phiếu : cho tới tối hôm qua, mới chỉ có hơn 55 % cử tri đi bầu ; thấp hơn so với cuộc bầu cử vào năm 2008 đến 7 điểm.

Một phòng phiếu tại Roma, ngày 24/02/2013.
Một phòng phiếu tại Roma, ngày 24/02/2013. REUTERS/Yara Nardi
Quảng cáo

05:28

Thông tín viên Huê Đăng từ Roma

Từ thủ đô Roma, thông tín viên Huê Đăng phân tích về thái độ lơ là của người dân Ý :

Thân chào anh Huê Đăng, cử tri Ý đang bỏ phiếu để bầu ra một Quốc hội mới. Tất cả các nhà quan sát đều xem đây là một cuộc bầu cử hết sức quan trọng với câu hỏi then chốt là liệu chính quyền sắp tới đây của Roma có được ổn định hay không để tiến hành hàng loạt các biện pháp cải tổ kinh tế cần thiết đưa nền kinh tế số 3 trong khối euro này thoát khỏi khủng hoảng. Bản thân người Ý cũng ý thức được điều đó, nhưng vì sao tỉ lệ cử tri đến phòng phiếu lại không cao như trong đợt bầu cử Quốc hội lần trước thưa anh ?

Liên minh giữa phe trung tả và cánh trung

Thế là chấm dứt một mùa tranh cử vừa sôi nổi vừa nhạt nhẽo: sôi nổi theo nghĩa là đã có những màn đấu khẩu từ xa ít nhiều mang nội dung phỉ báng giữa các đối thủ ứng cử viên và nhất là trong cuộc chạy đua nước rút xem ứng cử viên nào hứa hẹn nhiều nhất ... và nhạt nhẽo theo nghĩa là chẳng ai màng đến chuyện thảo luận về các đề án hoạt động chính trị hay các biện pháp giải cứu của các liên danh ... mà chỉ xoay quanh mỗi một câu thần chú : “cắt thuế, giảm thuế” ...

Tất cả gần như là một cuộc thương lượng mặc cả giữa ứng cử viên và cử tri để “thu mua” lá phiếu: tôi bớt thuế chỗ này, cắt thuế chỗ kia thì cử tri dồn phiếu cho tôi ... nhưng không ai biết là nhà nước sẽ tìm đâu ra nguồn lực tài chánh để bù vào những khoản thuế sẽ bị bãi bỏ.

Cử tri Ý hôm qua đã bắt đầu đi bỏ phiếu. Trong một vài cuộc phỏng vấn cử tri ra khỏi phòng phiếu thì chúng tôi ghi nhận được rằng hầu như toàn bộ đại đa số đều cho rằng ổn định chính trị trong Quốc hội mới là điều kiện tiên quyết để hy vọng nước Ý thoát ra khỏi cơn khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay. Nhưng cũng chính ổn định chính trị là điều mà các cử tri e ngại rằng sẽ không có, bởi vì các lực lượng chính trị phân tán quá mỏng. Thậm chí có nhiều cử tri còn lo rằng chỉ trong vòng một năm hay một năm rưỡi nữa thì nước Ý lại phải lục đục đi bầu lại vì chính phủ mới sẽ lại bị ngã.

Nhiều tờ báo ở Roma hôm nay không ngần ngại nhận xét là “người dân đang quay lưng lại với các hoạt động chính trị ở Ý” hay thái độ lơ là đó là một hình thức “phản kháng” chống lại chính sách khắc khổ mà chính quyền đã đề ra, đòi người dân phải hy sinh. Ngoài ra, tuy là kết quả sẽ chỉ được công bố sớm nhất là vào ngày mai nhưng có nhiều khả năng nội các sắp tới sẽ là là một chính phủ liên minh phải không thưa anh ?

Điều khá chắc chắn là phe trung-tả sẽ thắng cử, nhưng ở mức độ không cao. Do đó, để có ổn định chính trị cần thiết, kịch bản duy nhất là phe trung tả của ông Bersani phải liên minh với phe trung dung của ông Monti. Vấn đề là phải làm sao giải quyết được những bất đồng then chốt giữa ông Monti với những lực lượng chính trị “tả” trong liên minh trung-tả.

Ngoài ra sự kiện “Phong trào 5 sao”, một lực lượng chính trị hoàn toàn mới với khuynh hướng “tẩy chay chính trị” (antipolitica), cơ bản dựa lên những bức xúc khó khăn của người dân để công kích tất cả các đảng phái chính trị “truyền thống”, vốn bị xem như là hình tượng tiêu biểu của vấn nạn “tham nhũng hối lộ” đại trà ở Ý, đã thu hút rất nhiều cử tri. Các cuộc thăm đò ý kiến trước đây đưa khả năng của “Phong trào 5 sao” lên đến hơn 20%, và với số phiếu cao như thế, dù không phải là đa số trong Quốc hội, nhưng chắc chắn số lượng dân biểu của “Phong trào 5 sao” cũng sẽ có những tác động mạnh trong các hoạt động của Quốc hội ... và ảnh hưởng lên đến tình trạng ổn định chính trị.

Theo báo chí đưa ra, thì cho đến chiều hôm qua, khi các phòng phiếu tạm thời đóng cửa để rồi sẽ tiếp tục mở cửa sáng thứ hai cho đến 15 giờ, con số phần trăm cử tri đi bầu chỉ được 55%, thấp hơn so với lần bỏ phiếu chót năm 2008 là 62,5%. Các cuộc thăm dò ý kiến thì dự đoán con số cử tri không tham gia bỏ phiếu lần này “chỉ” lên cao lắm là khoảng 30%. Hy vọng rằng ngày thứ Hai hôm nay, sẽ có đông đảo cử tri đi bỏ phiếu để bù lại cho ngày hôm qua. Vì nếu con số đi bầu quá thấp như thế, thì vấn đề ổn định chính trị lại sẽ càng thêm gay gắt.

Theo chương trình thì các phòng phiếu sẽ đóng cửa và lúc 15 giờ hôm nay. Sau đó người ta sẽ tiến hành kiểm phiếu cho Thượng viện vào buổi chiều. Và đến sáng thứ ba thì mới bắt đầu kiểm phiếu cho Hạ viện và cho kết quả của một vài cuộc bầu cử địa phương hàng vùng. Như thế là sớm lắm thì đến chiều thứ ba 26/02/2013 Bộ Nội vụ mới có thể có những kết quả toàn bộ về cuộc bầu cử năm nay.

Một ẩn số khác là tỉ lệ ủng hộ của cử tri Ý dành cho cựu Thủ tướng Berlusconi. Ông này đã phải rút lui khỏi chính trường vào tháng 11/2011 sau khi đã để lại một nước Ý bên bờ vực thẳm tài chính. Nhưng trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, nhà tài phiệt Silvio Berluisconi đã khai thác triệt để một chiêu bài duy nhất : đó là cam kết giảm thuế cho người dân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.