Vào nội dung chính
TUNISIA

Tunisia : từ ám sát chính trị đến khủng hoảng chế độ

Về thời sự quốc tế, vụ sát hại một lãnh đạo đối lập tại Tunisia là tâm điểm chú ý của nhiều nhật báo Pháp. Libération chạy tựa trên trang nhất « Cuộc cách mạng bị phản bội ». Tờ báo nhận định : « Vụ sát hại ông Chokri Belaid, đại biểu của phong trào đối lập chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, làm không khí bạo lực gia tăng, buộc thủ tướng Tunisia phải tuyên bố thay đổi thành phần chính phủ, với các thành viên ‘‘không thuộc các đảng phái chính trị’’ ».

Người Tunisia biểu tình tấn công trụ sở đảng hồi giáo Ennahda 06/02/2013 (REUTERS)
Người Tunisia biểu tình tấn công trụ sở đảng hồi giáo Ennahda 06/02/2013 (REUTERS)
Quảng cáo

« Tunisia rung chuyển vì vụ ám sát chính trị » là hàng tựa bài viết trên Le Figaro. Theo Le Figaro, vụ sát hại lãnh đạo đối lập thuộc Mặt trận bình dân, liên minh các đảng cánh tả chính, là vụ ám sát chính trị đầu tiên kể từ khi cuộc cách mạng dân chủ bùng lên tại Tunisia, cách nay hai năm. Le Figaro nhận định : « nếu như không phải là kẻ chủ mưu, Ennahda - đảng Hồi giáo ôn hòa cầm quyền – phải chịu trách nhiệm về mặt chính trị, vì đã không ngăn chặn được bạo lực, thậm chí đôi lúc còn khuyến khích nữa ».

Bài viết của Libération, với tựa đề « Tunisia : từ ám sát chính trị đến khủng hoảng chế độ », cho biết, sáng hôm qua, luật sư Chokri Belaid, một nhà tranh đấu marxit 48 tuổi, đã bị bắt chết khi rời khỏi nhà mình. Hiện tại không ai nhận trách nhiệm về vụ ám sát, nhưng dư luận cho rằng, phong trào Hồi giáo Ennahda, đảng chính trị cầm quyền, đứng đằng sau tội ác này.

Tin về cái chết của lãnh tụ đối lập đã gây chấn động toàn đất nước. Tối hôm qua, thủ tướng Tunisia Hamadi Jebali – thuộc đảng Ennahda - tuyên bố thay đổi thành phần trong chính phủ. Các đảng đối lập kêu gọi tổng bãi công.

Vụ ám sát chính trị kể trên diễn ra trong bối cảnh bạo lực gia tăng từ nhiều tháng nay. Các dân biểu và đại diện của đối lập ngày càng trở thành đối tượng tấn công. Các nhà tranh đấu xã hội nhà hoạt động nghiệp đoàn, nhà báo thường xuyên bị hành hung, các cuộc biểu tình bị phá rối. Vụ ám sát hôm qua là đỉnh điểm của các bạo lực có thể khiến Tunisa rơi vào bế tắc chính trị. Đảng Hồi giáo cầm quyền liên tục từ chối đối thoại với lực lượng đối lập chính Nida Tounes. Quyết định của thủ tướng Tunisia thực ra là điều đã được hứa hẹn từ tháng 7 năm ngoái.

Bài xã luận của Libération, với tựa đề « Căng thẳng », đưa ra nhận xét chung về tình hình tại các nước tham gia vào mùa xuân Ả Rập, tại Tunisia, « cũng như Ai Cập, cách mạng bị rơi vào cuộc đối đầu giữa phái Hồi giáo cực đoan và những người đối lập, hiểu rằng cuộc cách mạng ‘‘của họ’’ đã bị chiếm đoạt. Đảng Ennahda, tại Tunisia, cũng như phong trào Huynh đệ Hồi giáo tại Ai Cập, đều có ý đồ áp đặt sự thống trị Hồi giáo lên xã hội, trong khi mà không đảng nào có được đa số, mặc dù hai đảng đều giành chiến thắng trong các kỳ bầu cử tự do tại hai nước, là nơi cho đến lúc này mới chỉ biết đến nền độc tài. » Dù sao Libération cũng bày tỏ hy vọng rằng, « Tunisia, nơi khai sinh của mùa xuân Ả Rập, tiếp tục là mô hình của phong trào dân chủ, chứ không phải là nấm mồ của nó ».

Về chủ đề vụ ám sát chính trị tại Tunisia, La Croix có bài « Vụ giết hại một nhà đối lập khiến người Tunisia nổi giận », còn l’Humanité chạy tít « Một lãnh đạo cánh tả bị sát hại ». L’Humanité cho biết, vụ ám sát nhà đối lập gây phẫn nộ tại Pháp. Đối với phủ tổng thống Pháp, « vụ giết người này đã tước đi của Tunisia một trong những tiếng nói can đảm nhất và tự do nhất ». Tổng thống Pháp tuyên bố « Pháp quan ngại về sự gia tăng của các bạo lực chính trị tại Tunisia và kêu gọi tôn trọng các lý tưởng mà dân chúng Tunisia đã khẳng định với cuộc cách mạng ».

Bất đồng về ngân sách cho thấy Liên Hiệp Châu Âu thiếu một dự án tương lai

Liên quan đến hội nghị thượng đỉnh về ngân sách Liên Hiệp Châu Âu 2014-2020 sẽ khai mạc tối nay 07/02/2013, Les Echos có bài : « Bất đồng về ngân sách cho thấy Liên Hiệp Châu Âu thiếu một dự án tương lai ». Hội nghị về ngân sách 7 năm của Châu Âu là một thách thức hết sức cam go đối với nhóm 27 nước, phải vượt qua các khác biệt để bảo vệ sự đoàn kết của khối.

Theo Les Echos, ngày hôm qua, thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo tổng thống Pháp François Hollande không thể dựa vào Đức để đạt được một thỏa hiệp rộng rãi về ngân sách chung. Mặc dù, thủ tướng Đức không bị áp lực quá lớn của Quốc hội để phải xiết chặt hầu bao trong việc đóng góp, nhưng bà Merkel cũng không muốn Berline phải rót nhiều tiền cho Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh Đức nhận được ngày càng ít trợ giúp cho các tỉnh miền đông, vì khu vực này đã trở nên thịnh vượng hơn. Theo Les Echos, tính toán của Đức cũng giống như tính toán của các nước thành viên khác, đó là đặt các lợi ích riêng của quốc gia lên trước, và gần như không chú ý đến lợi ích chung của khối. Nghị sĩ Alain Lamassoure gọi hội nghị này là thương thuyết giữa « 27 kẻ ích kỷ ».

Les Echos đặt câu hỏi : Liệu Liên Hiệp Châu Âu có tìm được thỏa hiệp về ngân sách cho 7 năm cuối của thập kỷ này, ba tháng sau thất bại của cuộc thượng đỉnh trước về chủ đề này. Tại Bruxelles, nhiều đồn đoán cho rằng, ngày mai một thỏa hiệp sẽ được ký kết, sau một đợt nhân nhượng dàn xếp cuối cùng để vượt qua các bất đồng. Thỏa hiệp có vẻ như sẽ rất nhỏ nhoi, bởi khác biệt là rất lớn giữa quan điểm của Anh – muốn Châu Âu chỉ còn là một thị trường thống nhất – và quan điểm của Pháp – châu Âu phải có một dự án chung, gắn bó và chú trọng đến văn hóa.

Vào tháng 11 năm ngoái, chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy đề xuất ngân sách chung có tổng số tiền là 973 tỷ euro, tương đương 1,01% GDP của khối. Mức tiền này là nền cho cuộc thảo luận giữa các nước thành viên tại hội nghị thượng đỉnh này. Dư luận cho rằng, số tiền này phải cắt giảm khoảng 10 đến 20 tỷ để có thể nhận được sự ủng hộ của tất cả 27 thành viên. Les Echos cho biết, tổng thống Pháp vừa đưa ra con số 960 tỷ euro, trong khi đó, Le Figaro nhấn mạnh đến thái độ của chủ tịch Hội đồng Châu Âu, người điều khiển hội nghị, rằng để đạt được đồng thuận, phải 30 tỷ euro tiết kiệm thêm.

Trong hồ sơ ngân sách Châu Âu của Le Figaro có bài : « Pháp bị cô lập trước trục Anh – Đức », phân tích mối quan hệ giữa các quốc gia trụ cột của Châu Âu, vào thời điểm cuộc họp thượng đỉnh bàn về ngân sách chung của khối 27 nước, với nhận định : trước áp lực của Luân Đôn và Berlin, nhóm 27 nước sẵn sàng chấp nhận cắt giảm ngân sách chung của Liên Hiệp. Theo Le Figaro, trong bối cảnh cuộc họp bàn về ngân sách lần trước bị thất bại, « một liên minh mang tính tình thế » đã hình thành giữa Đức và Anh. Lập trường của Luân Đôn là cắt giảm từ 50 đến 30 tỷ euro đối với ngân sách chung, đặc biệt liên quan đến phần ngân sách dành cho trợ giá nông nghiệp chung và các quỹ vùng, với đe dọa có thể giã từ Liên Hiệp Châu Âu. Về phần mình, Berlin muốn Anh ở lại trong cuộc chơi Châu Âu, cụ thể trong vấn đề ngân sách. Đối mặt với áp lực Anh – Đức, được một phần lớn các nước Bắc Âu ủng hộ, đang nổi lên một nhóm các nước muốn một Châu Âu hào phóng hơn, đặc biệt là các nước Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Hungary, là các nước nhận được nhiều trợ giúp từ Châu Âu. Quốc hội Châu Âu cũng đe dọa sử dụng quyền phủ quyết. Còn Ủy ban Châu Âu thì dường như lo ngại về vấn đề lương bổng của các công chức của định chế này.

Tại Bruxelles, giới công chức châu Âu mất tinh thần

Về vấn đề này, Libération có bài : « Tại Bruxelles, giới công chức châu Âu mất tinh thần », với nhận định : trong lúc Ủy ban Châu Âu có quyền lực ngày càng mở rộng, thì các công chức của định chế đầy quyền lực lại cảm thấy mất phương hướng. Tại Bruxelles – một thủ phủ của Châu Âu -, nơi mà trước kia giới công chức Châu Âu đã từng tỏ ra cao ngạo, thì giờ đây họ lại cảm thấy ít nhiều bất an. Libération nhắc lại sự kiện hồi tháng 4/2012, khi rất nhiều áp phích có hình một người treo cổ với chiếc cà vạt với nền cờ Châu Âu, tại khu phố Châu Âu của Bruxelles. Nhiều nghiệp đoàn công chức Châu Âu cho biết họ lo sợ về các hành hung nhắm vào giới công chức, và cáo buộc các phương tiện truyền thông đã phổ biến một hình ảnh tiêu cực về những người lấy sứ mạng xây dựng Châu Âu làm nghề nghiệp.

Libération nhận xét, thỏa hiệp về ngân sách Châu Âu 2014-2020 sẽ được bàn thảo và thông qua hôm nay hoặc những ngày tới, sẽ gây nhiều thiệt hại cho nhóm này. Vào cuộc họp của Hội đồng Châu Âu tháng 11 năm ngoái, thủ tướng Anh đã lên án « cái giá đắt đỏ của nền hành chính Châu Âu ». 56.000 « eurocrates », tức các viên chức Châu Âu, cảm thấy mình bị ghét bỏ.

Phóng sự của Libération mô tả sự khác biệt giữa nhóm công chức Châu Âu tại Bruxelles với người dân Bỉ nói chung, qua lối ăn mặc, phương tiện đi lại hạng sang, thường sử dụng tiếng Đức, có con học tại các trường đặc biệt do ngân sách Châu Âu chi trả…

Thực ra nhóm tinh hoa này của Châu Âu, sống tách biệt với xã hội, đã từng bị chỉ trích mạnh mẽ ngay từ đầu thập niên 1990. Libération cho rằng các phê phán nhắm vào giới công chức Châu Âu không phải là không có cơ sở. Theo một viên chức cao cấp người Bỉ làm việc tại Ủy ban Châu Âu, thì nhiều công chức thuộc giới có đặc quyền này đã hành xử một cách trịch thượng và tỏ ra không hiểu biết gì về sự vận hành của nền chính trị dân chủ. Bài báo của Libération cũng chỉ ra việc các viên chức Châu Âu giờ đây được tuyển mộ không phải với sự hiểu biết và cam kết hành động vì Châu Âu, mà chỉ là qua « các kỹ năng quản lý » (management skills). Libération đặt câu hỏi : Làm thế nào có thể biện minh cho việc ưu đãi các viên chức thiếu phẩm chất như vậy ?

Cũng liên quan đến cuộc tranh luận về ngán sách Châu Âu, Les Echos chú ý đến việc chủ tịch Hội đồng Châu Âu kêu gọi các nước ủng hộ việc đầu tư nhiều tỷ euro cho để có việc làm cho giới trẻ tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng, qua bài « Nhóm 27 nước được kêu gọi giải ngân giúp giới trẻ ».

Mâu thuẫn Đức – Pháp xung quanh vấn đề tỷ giá euro

Trong hồ sơ kinh tế châu Âu, ngoài vấn đề ngân sách của Liên Hiệp, chủ đề chính của Le Figaro trên trang nhất là bài : « Đồng euro mạnh, bất đồng mới giữa tổng thống Pháp Hollande và thủ tướng Đức Merkel ». Le Figaro ủng hộ lập trường của thủ tướng Đức trước tuyên bố của tổng thống Pháp, chỉ trích việc đồng euro tăng giá. Tờ báo đối lập giải thích : « Rõ ràng là, hoạt động sản xuất và thương mại với một đồng tiền được định giá quá cao không phải là điều mang lại thuận lợi. (…) Nhưng nếu gán cho đồng tiền chung tất cả mọi tội lỗi, thì thật là oan. Nếu như nước Pháp bị đình trệ, thì trước hết với nhìn nhận lại chính mình ».

Paris : Phản ứng dữ dội trước thực nghiệm sử dụng ma túy có kiểm soát

Trên lĩnh vực văn hóa, có một chủ đề đang thu hút tranh luận tại Pháp, đó là việc lập « Shoot », tức cơ sở sử dụng ma túy được đặt dưới sự kiểm soát của giới y tế và cảnh sát. Về vấn đề này, Libération có bài « Cánh hữu nổi giận với các shoot ».

Cơ sở thực nghiệm sử dụng ma túy có kiểm soát tại Paris – thực nghiệm đầu tiên tại Pháp - vừa được bộ Y tế Pháp cho phép, để hạn chế các tác hại của ma túy, đã bị nhiều thành viên các đảng cánh hữu chỉ trích dữ dội. Thủ lĩnh đảng đối lập UMP tại Paris Philippe Goujon cáo buộc chính quyền buông lỏng và cho rằng đây là « một bước đầu tiên hướng đến sự hợp pháp hóa ma túy ». Lãnh đạo đảng đối lập tại Ile-de-France Valérie Pécresse, thì khẳng định đây là một hành động « đầu độc được trợ giúp ». Một lãnh đạo khác của UMP thì chỉ trích thực nghiệm cho phép ma túy cùng với việc công nhận đám cưới đồng tính, như là hai kế hoạch của tổng thống François Hollande nhằm làm « tha hóa hoàn toàn xã hội ». Một lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia còn cho rằng, nếu đã cho phép ma túy, thì chính quyền có thể đi đến chỗ hợp pháp hóa một loạt các hành vi tội phạm khác. Theo nhiều lãnh đạo đảng UMP, các cơ sở thực nghiệm dùng ma túy dưới sự kiểm soát ở các nước khác đã rơi vào thất bại, với việc gia tăng làn sóng tiêu thụ ma túy. Đây là điều mà Libération bác bỏ, với ghi nhận trên thực tế, các trắc nghiệm kể trên đã thành công tại Hà Lan và Đức.

Thực ra không hẳn lãnh đạo đối lập nào cũng phản đối thực nghiệm này. Vào tháng 12 năm ngoái, thị trưởng Bordeaux, cựu thủ tướng Alain Juppé đã tuyên bố không phản đối các thực nghiệm như vậy, nếu được tổ chức tốt và được đặt trong một khuôn khổ pháp lý chuẩn mực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.