Vào nội dung chính
NGA

Vụ án Magnitski : Tư pháp Nga tha bổng cựu phó giám đốc nhà tù

Theo AFP, hôm nay 28/12/2012, tòa án Nga đã ra phán quyết tha bổng viên phó giám đốc nhà tù Boutyrka, nơi giam giữ luật gia quá cố Serguei Magnitski. Tư pháp Nga cũng quyết định dời thời điểm xét xử ông Magnitski, vì luật sư của người quá cố không tham gia phiên tòa.

Dimitri Kratov (trái), người duy nhất bị truy tố trong vụ luật gia Magnitsky tại tòa ngày 28/12/2012.
Dimitri Kratov (trái), người duy nhất bị truy tố trong vụ luật gia Magnitsky tại tòa ngày 28/12/2012. REUTERS/Tatyana Makeyeva
Quảng cáo

Trả lời AFP, bà Tatiana Neverova, chủ tọa phiên tòa xét xử thủ phạm khiến luật sư Magnitski tử vong trong tù vào tháng 11/2009, cho biết cựu phó giám đốc nhà tù Dmitri Kratov được miễn tố, vì « ông ta đã làm tất cả trong quyền hạn của mình » để cứu ông Magnitski. Cựu phó giám đốc nhà tù là người duy nhất bị truy tố trong vụ án liên quan đến cái chết của luật gia Magnitski. Trước đó, bên công tố cũng đề nghị tha bổng bị cáo.

Về nguyên nhân cái chết của luật sư Magnitski trong tù ở tuổi 37, sau 11 tháng bị giam giữ, vào tuần trước trong một cuộc trả lời báo giới thường niên, Tổng thống Nga Putin khẳng định nạn nhân đã « không chết vì tra tấn, mà sau một cơn đau tim ».

Vụ Magnitski đã khiến quan hệ Nga – Mỹ trở nên căng thẳng. Ngày 14/12/2012, Washington đã ban hành một luật cấm vào Mỹ đối với các viên chức Nga liên quan đến cái chết của luật gia Magnitski và các vụ vi phạm nhân quyền khác, và dự kiến phong tỏa tài sản của họ. Matxcơva đã trả đũa bằng cách ra luật cấm người Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi, và dự kiến lập một « danh sách đen » các công dân Mỹ, bị cáo buộc vi phạm quyền của các công dân Nga.

Cũng liên quan đến vụ án Magnitski, hôm qua, tư pháp Nga quyết định tiếp tục xét xử luật sư quá cố Serguei Magnitski, nhưng chuyển phiên tòa sang ngày 28/01/2013, vì luật sư không chấp nhận tham gia phiên tòa.

Xin nhắc lại là, luật gia Serguei Magnitski – nhà tư vấn cho quỹ đầu tư phương Tây Hermitage Capital - bị bắt vào năm 2008, vì bị cáo buộc gian lận thuế, ngay sau khi ông tố cáo các quan chức công an và thuế vụ Nga lậu thuế với tổng số tiền lên đến 5,4 tỉ rúp (tương đương 130 triệu euro). Điều trớ trêu là, ông Magnitski đã bị chính những người mà ông tố cáo truy tố.

Chủ tịch quỹ đầu tư Hermitage Capital và các luật sư của quỹ cũng từ chối tham gia vào các phiên tòa xét xử ông Magnitski, vì lý do cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng và các quyền con người cơ bản.

Theo luật sư của ông Magnitski, việc tiếp tục xét xử người quá cố là một hành động chống lại Hiến pháp Nga. Theo Hiến pháp Nga, việc xét xử một người đã qua đời chỉ được thực hiện với mục tiêu phục hồi danh dự cho người đó. Bên cạnh đó, bản thân gia đình của luật sư Magnitski cũng không yêu cầu khởi động lại vụ án.

Tổng thống Nga phê chuẩn luật cấm người Mỹ nhận con nuôi

Hôm nay, Tổng thống Nga đã phê chuẩn luật cấm cho người Mỹ nhận con nuôi. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Theo giới quan sát, đây là một trong các phản ứng nặng nề nhất của Nga đối với Mỹ, kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga bị thẩm vấn

Cũng liên quan đến Nga, sáng hôm nay, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anatoli Serdioukov đã bị triệu đến cơ quan điều tra để thẩm vấn về vụ biển thủ hơn 100 triệu euro tại Bộ Quốc phòng. Theo Interfax và Ria Novoti, trong cuộc gặp kéo dài chưa đầy một giờ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã từ chối trả lời cơ quan điều tra, vì không có luật sư đi cùng. Phiên thẩm vấn được rời sang ngày 11/01/2013.

Ông Anatoli Serdioukov bị Tổng thống Putin cách chức Bộ trưởng Quốc phòng vào đầu tháng 11/2012. Giới quan sát ghi nhận, đây là vụ nổi bật nhất trong một loạt các vụ điều tra chống tham nhũng tại Nga một vài tuần gần đây. Một số nhà phân tích cho rằng, đằng sau việc cách chức cựu Bộ trưởng Quốc phòng là cuộc đấu đá giữa các phe phái trong chính quyền Nga.

Nga bị đánh giá là một trong các nước tham nhũng nhất trên thế giới. Theo tổ chức Transparency International, Nga xếp hạng thứ 133/174 quốc gia về tham nhũng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.