Vào nội dung chính
HẠT NHÂN

Năng lượng hạt nhân, đến lúc phải hoài nghi

"Năng lượng hạt nhân, đã đến lúc phải hoài nghi" là tiêu đề bài xã luận của báo Le Monde. Sự cố hay tai nạn hạt nhân dân sự đã xảy ra vài lần trên thế giới, trong đó có vụ Tchernobyl kinh hoàng xảy năm 1986. Thế nhưng theo Le Monde thì phải đợi cho đến khi xảy ra tai nạn Fukushima hồi tháng 3 năm 2011 thì những người ủng hộ phát triển hạt nhân mới bắt đầu tỏ ra hoài nghi về nguồn năng lượng « tuyệt vời » mà từ lâu nay họ vẫn nhắm mắt bảo vệ.

Lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Daiichi, Fukushima bị sóng thần làm hư hại ngày 05/07/2011.
Lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Daiichi, Fukushima bị sóng thần làm hư hại ngày 05/07/2011. Reuters/Kyodo
Quảng cáo

Le Monde dẫn chứng, mới đây nhất, giám đốc về an toàn hạt nhân của Bỉ, ông Willy De Roovere, trước ngày Noel và cũng là trước khi ông rời khỏi chức vụ này vào cuối năm đã phát biểu : « Chúng ta phải tự hỏi liệu nguy hiểm hạt nhân có còn chấp nhận được nữa hay không ? Thành thực mà nói, nếu tôi coi đó là nguy hiểm, tôi sẽ chọn loại năng lượng khác… ».

Theo Le Monde, suy nghĩ đó không phải là duy nhất. Cũng với Bỉ, Thụy Sĩ và Đức cũng đã có chương trình từ bỏ điện hạt nhân. Ngay cả giáo sư Jaques Rognon, cựu chủ tịch Hiệp hội các công ty điện lực Thụy Sĩ và là một kỹ sư danh tiếng trong ngành hạt nhân, từ hồi năm 2011 cũng đã cho biết không còn tin tưởng vào năng lượng hạt nhân. Ông đã từng đánh giá, năng lượng hạt nhân quá đắt, quá phức tạp, đặt ra quá nhiều vấn đề cho người dân.

Tại Pháp, một cường quốc về điện hạt nhân ở châu Âu, hồi đầu năm 2012, Andre-Claude Lacoste, chủ tịch Cơ quan An toàn Hạt nhân cũng đã phải thừa nhận « mặc dù có được đề phòng, một tai nạn hạt nhân không bao giờ bị loại trừ hoàn toàn ».

Tờ báo đặt câu hỏi, phải chăng đó là những lời « hối hận » do bị sốc bởi thảm họa xảy ra tại một nước có công nghệ thuộc hàng tiên tiến ? Theo Le Monde, không hẳn như vậy mà còn là do lý do kinh tế.

Những đòi hỏi mới về an toàn sẽ khiến cho giá thành điện hạt nhân sẽ đội lên rất cao. Nhiều chuyên gia đánh giá giữ lại hạt nhân còn đắt hơn là thoát ra khỏi nguồn năng lượng này. Ngay cả lò phản ứng thế hệ mới EPR đang xây dựng tại Pháp, từ năm 2007 đến năm 2012, giá thành đã trượt từ 3,3 tỉ lên 8,5 tỉ euro. Vấn đề lợi nhuận khai thác nhà máy cũng đang phải được đặt ra.

Le Monde cho biết là mối hoài nghi với điện hạt nhân còn thể hiện qua việc ở nhiều nước, các kỹ sư trẻ ngần ngại không muốn làm việc trong lĩnh vực này.

Xã luận bài báo kết luận : Từ lâu hạt nhân vẫn các nhà khoa học đề cao. Thế nhưng trong lý thuyết của khoa học không có khiến thức nào không thể phản bác. 

Nhật khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân

Trang kinh tế báo Le Figaro thông tin « Chính phủ mới của Nhật khởi động lại lò hạt nhân ». Tuy nhiên tờ báo cũng cho biết thêm Tokyo hứa sẽ không cho khởi động những lò phản ứng mà tiêu chuẩn an toàn chưa bảo đảm.

Chính phủ mới của Nhật không muốn mất thêm thời gian. Chưa đầy 2 năm sau tai họa Fukushima, hôm 27/12 họ đã quyết định cho khởi động lại các lò hạt nhân. Tuy nhiên để trấn an dân chúng, Bộ trưởng Công nghiệp Toshimitsu Motegi khẳng định chỉ những lò phản ứng đạt tiêu chuẩn an toàn do một cơ quan độc lập thẩm định mới được phép hoạt động trở lại.

Theo Le Figaro, quyết định của chính phủ Shinzo Abe đã bác bỏ chương trình của người tiền nhiệm Yoshiko Noda dự tính đưa Nhật Bản từ nay đến năm 2040 thoát khỏi năng lượng hạt nhân và cấm xây mới các lò phản ứng hạt nhân.

Hiện tại 48 trong tổng số 50 lò phản ứng hạt nhân của Nhật phải ngừng họat động để kiểm tra lại vấn đề an toàn. Việc làm này đã gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế, góp phần vàn không nhỏ vào kỷ lục thâm hụt cán cân thương mại 9% trong năm qua. Trong khi đó kinh tế Nhật Bản vẫn tiếp tục rơi vào suy thoái, nợ quốc gia lên tới 263% GDP.

Quyết định cho khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân là một thách thức lớn đầu tiên đối với tân chính phủ, nhất là làn sóng phản đối hạt nhân đang lan rộng trong xã hội cũng như giới chính trị của nước này.

Những tỉ phú làm giàu từ hầm mỏ 

Nhật báo kinh tế Les Echos nói về « Những tỉ phú đã tìm được của cải dưới đáy mỏ ». Tờ báo điểm lại nhưng gưong mặt tỉ phú lớn trên thế giới đã làm giàu nhờ các hầm mỏ trong lức cả thế giới đang lao đao vì khủng hoảng. Họ là những người đã biết tận dụng cơ hội giá nguyên vật liệu cơ bản liên tục tăng trong 15 năm qua để đầu tư vào ngành khai thác khoáng sản. Họ là những người Nga, người Brazil, người Úc và cả những người châu Á mới giầu. Những tỉ phú hầm mỏ này đang xuất hiện ngày càng nhiều nhờ việc tích lũy tài sản từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Theo Les Echos, không như những ông chủ trong ngành công nghệ cao cấp hay giới tài phiệt tài chính, những tỉ phú hầm mỏ chưa hẳn đã phải là giàu có nhất thế giới trong bảng xếp hạng tài sản của tạp chí nổi tiếng Forbes. Tuy nhiên, năm 2012 là một năm ăn nên làm ra đối với các tỉ phú đầu tư vào lĩnh vực khai thác các mỏ quặng hay buôn bán ngũ cốc. Les Echos thống kê thấy hầu hết tài sản trên các thị trường chứng khoán của các tập đoàn khai thác mỏ trên thế giới đều tăng từ 11% đến 28%.

Bên cạnh những gương mặt lớn trong làng khai thác mỏ có lịch sử hàng trăm năm phát triển, giờ đây người ta thấy nổi lên những tỉ phú mới ở Đông Âu cũng bắt đầu lao vào làm giầu trong lĩnh vực hầm mỏ. Các nhà tài phiệt ở xứ sở của Liên Xô cũ như Nga, Kazakhstan hay Ukraina đã biết lợi dụng nguồn tài nguyên dồi dào của đất nước và nhất là chủ trương tư nhân hóa của kỷ nguyên Eltsine, để làm giàu nhanh chóng.

Les Echos liệt kê một số thí dụ như tỉ phú Mikhail Prokhorov của Nga.Mới 46 tuổi nhưng ông trùm của tập đoàn lơn Norilsk Nikel chuyên khai thái nickel và palladium đã tích lũy được khối tài sản đứng thứ 58 thế giới. Một nhân vật khác phải kể đến là Roman Abramovitch, tỉ phú người Nga, nổi tiếng với vai trò ông chủ của câu lạc bộ bóng đá Anh Chelsea. Ông là người đã nhảy vào sân chơi của những đại gia thế giới nhờ những giếng dầu lửa ở Siberi.

Hầu hết các tập đoàn khai khoáng ở Đông Âu đều đã sinh ra nhiều nhà tỉ phú có tài sản được xếp hạng trên thế giới. Những tỉ phú mới nổi lên từ khai thác tài nguyên khoáng sản còn đến từ các nước như Indonesia, Trung Quốc, Mêhicô, Ấn Độ, Brazil và thậm chí cả từ châu Phi. Les Echos gọi họ là những ông chủ dưới lòng đất của những nước công nghiệp.

Nhờ có các mỏ bạc mà tài sản của tỉ phú người Mêhicô Alberto Baillere giờ đã lên tới 16 tỉ đô la. Giầu nhất trong số các ông chủ mỏ hiện nay là tỉ phú người Brazil Eike Batista, có tài sản được định giá là 30 tỉ đô la, đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng của Forbes. Con đường làm giàu của tỷ phú này là từ các mỏ dầu, sắt và vàng, ông có tham vọng phấn đấu trở thành người giầu nhất hành tinh. Les Echos cũng liệt kê ra nhiều gương mặt tỉ phú hầm mỏ khác là phụ nữ, điển hình là bà Iris Fontbona của Chile có tài sản 17,8 tỉ hay bà Georgina Rinehart người Úc với khối tài sản 18 tỉ đô la.

Nỗi lo công ăn việc làm bao trùm khắp nước Pháp

Trang nhất các số báo ra tại Pháp những ngày cuối năm này phủ kín một nỗi lo việc làm khi số người thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng liên tục trong suốt 19 tháng qua. So với tháng 11, số người thất nghiệp ở Pháp trong tháng cuối cùng của năm đã tăng thêm hơn 29 nghìn người, nâng tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp lên 10,7% dân số lao động.

Nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn « Thất nghiệp : Nỗi sợ lớn của năm 2013 ». Phụ trang kinh tế của Le Figaro thì nhìn vào trách nhiệm của chính phủ với nhận định, « 2013 một năm đầy nguy hiểm với Tổng thống Francois Hollande », không chỉ do nạn thất nghiệp không kiềm chế được mà còn các chỉ số kinh tế khác đều rất tồi tệ, báo hiệu một nằm đầy nan giải cho người lãnh đạo đất nước.

Trong khi đó báo Libération đề cập đến nạn thất nghiệp cụ thể hơn bằng tựa lớn trang nhất « Nước Pháp của các kế hoạch sa thải ». Libération đã đến tận các xí nghiệp đang có nguy cơ đóng cửa để gặp gỡ người lao động để tìm hiểu tâm trạng của họ trong lúc này cũng như phản ứng của các doanh nghiệp trước khó khăn. Tình trạng sa thải, nhà máy đóng cửa khiến cho công nhân ở nhiều nơi trên đất Pháp đang phải kêu lên rằng « chúng tôi đang chết trong im ắng ».

Tờ báo Công giáo La Croix cũng lấy đề tài thất nghiệp làm chủ đề chính với hàng tựa trang nhất : « Thất nghiệp ở những vùng đang kháng cự ». Tờ báo cố gắng tìm hiểu một số địa phương đã phản ứng ra sao để chống lại nguy cơ thất nghiệp đang đe dọa cuộc sống của người lao động.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.