Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Trái đất bị hâm nóng trong sự thờ ơ của quốc tế

Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 18 khai mạc tại Doha, Qatar. Ít có hy vọng là trong hai tuần lễ đại diện của 190 quốc gia trên thế giới đạt đồng thuận về mục tiêu giảm khí thải làm hâm nóng trái đất.

Biến đổi khí hậu và đời sóng con người
Biến đổi khí hậu và đời sóng con người DR
Quảng cáo

Hai báo cáo liên tiếp đánh động dư luận về những hậu quả tàn khốc khi nhiệt độ của Trái đất tăng lên. Sau Ngân Hàng Thế Giới đến lượt Chương trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc UNEP lên tiếng.

Tuần trước, Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo nhiệt độ trên hành tinh của chúng ta trong giao đoạn 1990- 2050 tăng lên thêm 4 °C thay vì chỉ tăng thêm có 2 °C như đã từng được thông báo trước đây. Hiện tượng này đã và sẽ đem lại nhiều hậu quả tai hại cho nhân loại, đặc biệt là đối với những nước nghèo.

Giảm khí thải, nhiệm vụ bất khả thi

Theo Ngân Hàng Thế Giới để nhiệt độ của Trái đất chỉ tăng thêm 2 °C vào năm 2100 thì trung bình trong 40 năm sắp tới lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phải được giảm đi hơn 2/3, tức đang từ 35 tỷ tấn xuống còn 10 tỷ tấn. Kể từ năm 2050 cho đến 2100 lượng CO2 thải ra phải là số không.

Vấn đề đặt ra là từ nay cho tới năm 2050 lượng CO2 thải ra trên hành tinh vẫn tiếp tục tăng và theo ước tính của UNEP con người tiếp tục thải ra từ 40 đến 50 tỷ tấn. Trong điều kiện đó, kềm hãm đà hâm nóng khí quyền của Trái đất là điều bất khả thi.

Về hậu quả đối với đời sống của chúng ta, Ngân Hàng Thế Giới cho rằng những nước nghèo sẽ là nạn nhân đầu tiên. Thiên tai và hiện tượng mực nước biển dâng cao đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của hàng trăm triệu con người. Đối với châu Á, mực nước biển sẽ tăng gần 1m, gây lụt lội ở các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, và Việt Nam. Kèm theo đó là tình trạng các nguồn nước bị ô nhiễm, thiệt hại mùa màng và nhiều loại dịch bệnh sẽ phát triển.

Châu Âu cũng không bình an vô sự với đe dọa hạn hán ở miền nam, lũ lụt và hiện tượng tan băng ở phía bắc Lục địa Già. Nhiệt độ quanh khu vực Địa Trung Hải có thể tăng thêm tới 9 °C so với hiện tại và đe dọa nghiêm trọng đến các nguồn dự trữ san hô và thủy sản trong vùng.

Phí tổn để khắc phục hậu quả thiên tai ngày càng lớn. Theo ước tính của Ngân Hàng Thế Giới nếu như vào những năm 1980 khoản chi phí đó ước tính là 9 tỷ /năm thì đến năm 2000, ngân sách đó đã nhảy vọt lên thành 13 tỷ. Một hậu quả tai hại khác là hạn hán và lũ lụt có thể bao phủ lên đến 44 % đất trồng trọt của châu Âu vào cuối thế kỷ 21. Để so sánh thì hiện tại tỷ lệ này mới chỉ là 15,4 % mà đã gây nhiều khốn khó cho các nông gia và đã đủ khiến thị lương thực thế giới lao đao.

100 triệu người bị hy sinh

Trước đây vào tháng 9/2012 tổ chức nhân đạo có tên gọi là DARA đã cảnh báo biến đổi khí hậu trong thập niên tới đe dọa sinh mạng của 100 triệu con người trên hành tinh và có nguy cơ cuốn trôi 3,2 % của cải nhân loại làm ra nếu như quốc tế khoanh tay trên hồ sơ này.

Ô nhiễm không khí, đói kém, bệnh tật là những hậu quả tất yếu khi trái đất bị hâm nóng. Ngần ấy nguyên nhân cướp đi mạng sống của 5 triệu con người hàng năm. Vẫn theo DARA tương lai càng thêm đen tối khi có tới 6 triệu người có thể chết vì bị ô nhiễm dưới nhiều hình thức. 90 % nạn nhân là những người sống ở các nước đang phát triển.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là các nước giàu không bị tác động. 2 % GDP của Hoa Kỳ có thể tan thành mây khói vì thiên tai. Còn đối với hai quốc gia đang trỗi dậy của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ thì theo thẩm định của DARA theo thứ tự, Bắc Kinh và New Delhi có nguy cơ mất 2 và 5 % tổng sản phẩm nội địa vì nhiệt độ trái đất tăng cao.

Biến đổi khí hậu bị đẩy vào hàng thứ yếu

Trong bối cảnh khó khăn kinh tế chung toàn cầu, hồ sơ chống biến đổi khí hậu bị đẩy vào hàng thứ yếu và không một ai chờ đợi hội nghị Doha 2012 đem lại một kết quả cụ thể nào.

Sau 15 năm được quốc tế phê chuẩn nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2012 thế nhưng trước mắt thế giới vẫn chưa đồng thuận về một văn bản kế tiếp về vấn đề chống khí thải. Đơn giản là do mỗi quốc gia đều đang lo bảo vệ trước hết những quyền lợi kinh tế của mình.

Năm 1997 trong khuôn khổ nghị định thư Kyoto, khoảng 40 quốc gia đã cam kết đến cuối 2012 giảm hiệu ứng nhà kính ít nhất là 5,2 % so với mức của thời điểm năm 1990. 15 năm sau hiện tượng tan băng ở hai cực Nam và Bắc bán cầu đạt mức báo động. Nga và Mỹ thường xuyên phải đối phó với hạn hán. Mặc dù kinh tế toàn cầu đang chựng lại nhưng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lại tăng đến mức kỷ lục trong năm 2011.

90 % những thay đổi về khí hậu là do con người gây nên.

Từ nay đến ngày 07/12/2012 nếu như cộng đồng quốc tế không đồng ý triển hạn nghị định thư Kyoto thì coi như kể từ ngày 01/01/2013 không có một điều khoản nào bắt buộc các quốc gia trên thế giới giảm lượng thải khí CO2.

Hiện tại Nga, Nhật Bản và Canada tuy đã phê chuẩn nghị định thư Kyoto từ năm 1997 nhưng không một nước nào trong số 3 quốc gia vừa kể chấp nhận giảm thêm lượng khí thải kể từ ngày 01/01/2013. Còn bản thân quốc gia bị coi là gây ô nhiễm vào bậc nhất là Hoa Kỳ thì tới nay Washington vẫn chưa phê chuẩn văn bản mang tính bó buộc đó.

Trung Quốc và Ấn Độ từ 20 năm nay vẫn phủi tay trước vấn đề được coi là mang tính sống còn này của nhân loại cho dù cả hai đã trở thành những nền kinh tế có trọng lượng đáng kể của thế giới.

 

 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.