Vào nội dung chính
WIKILEAKS

Mỹ bác bỏ khái niệm "tỵ nạn ngoại giao" dành cho ông chủ Wikileaks

Hôm qua, 17/08/2012, về vụ ông Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, được Ecuador chấp nhận cho tỵ nạn chính trị và trú ẩn trong cơ quan đại diện ngoại giao của nước này tại Anh, bộ Ngoại giao Mỹ  ra thông điệp khẳng định : Washington không chấp nhận khái niệm "tỵ nạn ngoại giao" mà Ecuador muốn dành cho ông chủ trang mạng nổi tiếng này.

Một người ủng hộ ông Julian Assange giương biểu ngữ trước sứ quán Ecuador (REUTERS)
Một người ủng hộ ông Julian Assange giương biểu ngữ trước sứ quán Ecuador (REUTERS)
Quảng cáo

Thông điệp của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra đúng vào lúc Tổ chức Các quốc gia Châu Mỹ (OAS) họp khẩn cấp tại Washington vào ngày thứ Năm 16/08, để xem xét yêu cầu của Ecuador, trong việc triệu tập hội nghị các ngoại trưởng khối này để bàn về vụ ông Julian Assange.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Hoa Kỳ không tham gia ký kết hiệp định của Tổ chức Các quốc gia Châu Mỹ vào năm 1954, và không thừa nhận khái niệm tỵ nạn ngoại giao trong luật pháp quốc tế.

« Hiệp định tỵ nạn ngoại giao » mà khối các quốc gia Châu Mỹ ký kết vào ngày 29/12/1954, cho phép « các nhà ngoại giao được hưởng quyền tỵ nạn, trong trường hợp bị truy bắt vì lý do chính trị, ngoại trừ những người bị truy nã hay xét xử vì các tội phạm thông thường ».

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng khẳng định rằng, đây là một « vấn đề trong quan hệ song phương giữa Anh Quốc và Ecuador, và tổ chức các nước Châu Mỹ không có vai trò gì ở đây cả ». Trước đó, vào ngày thứ Năm, Bộ Ngoại giao Mỹ cam đoan rằng Hoa Kỳ không có ý định « truy bức » ông Assange và cũng không gây áp lực lên chính phủ Anh để bắt giữ ông chủ Wikileaks.

Xin lưu ý là, cho dù Hoa Kỳ không tham gia hiệp định 1954, theo giới quan sát, Washington vẫn thường xuyên sử dụng quyền miễn trừ ngoại giao để bảo vệ các nhà tranh đấu nhân quyền tại các quốc gia bị coi là phi dân chủ, như Trung Quốc.

Xin nhắc lại là ông Julian Assange, 41 tuổi, công dân Úc được đại sứ quán Ecuador tại Anh cho phép tỵ nạn từ ngày 19/06, khi ông đang chuẩn bị bị dẫn độ sang Thụy Điển, để đối mặt với vụ kiện cưỡng dâm, tiếp theo đó, ông cũng có khả năng sẽ bị đưa sang Hoa Kỳ để xét xử về tội gián điệp, sau vụ trang mạng Wikileaks công bố 250.000 điện thư ngoại giao Hoa Kỳ.

Cũng liên quan đến vụ Julian Assange, hôm nay, Úc cho biết, sứ quán nước này tại Mỹ sẵn sàng cho việc dẫn độ ông chủ Wikileaks sang Hoa Kỳ, tuy nhiên cũng nhấn mạnh rằng, nếu sự việc diễn ra thì đây cũng chỉ là một thủ tục thông thường. Hiện tại, theo Bộ trưởng Thương mại Úc không có bằng chứng nào cho thấy chính quyền Úc đang thực hiện công việc này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.