Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Đánh thuế CO2 đối vơí hàng không: 16 nước tiếp tục phản đối châu Âu

Theo AFP, hôm qua 01/08/2012, Hoa Kỳ và 15 nước khác một lần nữa chỉ trích mạnh mẽ khoản thuế CO2 mà châu Âu buộc các công ty hàng không có máy bay vào khu vực này phải nộp, vì sợ rằng tiền thuế sẽ không được dùng để bảo vệ môi trường.

Phi trường Bắc Kinh : Trung Quốc, Hoa Kỳ và nhiều nước khác phản đối thuế CO2 của châu Âu (REUTERS)
Phi trường Bắc Kinh : Trung Quốc, Hoa Kỳ và nhiều nước khác phản đối thuế CO2 của châu Âu (REUTERS)
Quảng cáo

Nhóm 16 quốc gia họp tại Washington vào đầu tuần này vừa ra thông cáo chung về vấn đề kể trên, thể hiện sự lo ngại của nhóm, theo đó « Các khoản tiền thuế thu được không chắc sẽ được sử dụng vào các mục tiêu bảo vệ môi trường và có thể được dùng để chi cho việc khắc phục khủng hoảng nợ tại châu Âu ».

Theo một giới chức cao cấp, cuộc họp này cho thấy là, hệ thống trao đổi quota phát thải CO2 của châu Âu, áp dụng cho các hãng hàng không nước ngoài, gặp phải một sự phản đối rất mạnh và kiên quyết.

Cuộc họp của nhóm 16 nước bắt đầu từ ngày thứ Ba 31/07, tại trụ sở bộ Giao thông Mỹ, với sự tham gia của đại diện các nước Úc, Chili, Brazil, Colombia, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Nigeria, Nga, Ả Rập Xê Út, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Thuế carbon do châu Âu đưa ra có hiệu lực từ ngày 01/01/2012, tuy nhiên các hãng hàng không sẽ chỉ nhận được hóa đơn thanh toán vào năm 2013, sau khi đã có số liệu về lượng phát thải CO2 của các máy bay trong năm 2012. Sau khi châu Âu vừa mới công bố thuế này, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đã phản đối ngay lập tức. Một số hội nghị của các nước bất đồng với quyết định đơn phương đánh thuế máy bay của châu Âu đã diễn ra tại Matxcơva và New Delhi.

Vào đầu tuần này, một giới chức cao cấp của Hoa Kỳ đưa ra nhận định, mục tiêu của Washington không phải là chống lại, về nguyên tắc, một hệ thống đánh thuế phát thải CO2 của máy bay, như châu Âu đề xuất. Mục tiêu của hội nghị tại Wahington là nhằm « tìm ra một giải pháp toàn cầu để giải quyết vấn đề hàng không phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính ».

Cũng theo giới chức này, một hệ thống riêng của châu Âu không thể áp đặt cho các phương tiện vận tải ngoài châu Âu. Bởi vì, nếu như châu Âu áp đặt được một hệ thống như vậy cho toàn thế giới, thì không gì có thể cản trở được một nhóm 10 hay 20 nước khác làm một chuyện tương tự, mà điều này sẽ « dẫn đến một tình trạng chắp vá, với một loạt các cơ chế và cách đánh thuế khác nhau ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.