Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Rio+20 : Điểm khởi đầu cho cuộc tìm kiếm một mô hình phát triển mới

Đăng ngày:

Hội nghị Rio+20 chính thức khai mạc hôm nay 20/06/2012, với sự tham gia của đại diện hơn 190 quốc gia, gần một trăm nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. Tên gọi Rio+20 khẳng định sự tiếp nối các lý tưởng của hội nghị thượng đỉnh về Trái đất cũng tại thành phố Rio, cách đây đúng 20 năm, nhằm cổ vũ cho mô hình phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, chống lại nghèo đói. Hội nghị thượng đỉnh Rio+20 có ý nghĩa như thế nào đối với sự tìm kiếm một mô hình phát triển mới mang tính toàn cầu, là chủ đề chính của tạp chí hôm nay.

Các thành viên phong trào Freedom from Debt Coalition biểu tình tại, Manila, ngày 20/06/2012, trước cửa trụ sở Liên Hiệp Quốc, tại trung tâm tài chính Makati, để cảnh báo nguy cơ thất bại của Hội nghị Rio+20.
Các thành viên phong trào Freedom from Debt Coalition biểu tình tại, Manila, ngày 20/06/2012, trước cửa trụ sở Liên Hiệp Quốc, tại trung tâm tài chính Makati, để cảnh báo nguy cơ thất bại của Hội nghị Rio+20. REUTERS/Romeo Ranoco
Quảng cáo

Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Phát triển bền vững Rio+20 tại Brazil được tổ chức đúng vào lúc thế giới đang lâm vào nhiều cuộc khủng hoảng, đặc biệt là các khủng hoảng tài chính, kinh tế. Nạn đói nghèo và nhiều tệ nạn xã hội khác có chiều hướng không giảm bớt tại nhiều nơi trên thế giới. Mâu thuẫn xung quanh các mục đích về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững giữa các nước, các nhóm nước là hết sức lớn ; khả năng đạt được một đồng thuận, như hy vọng của xã hội dân sự, các phong trào bảo vệ môi trường, chính phủ nhiều nước… có vẻ rất mỏng manh.

Chỉ cho đến ngày hôm qua, thứ Ba 19/06, sau nhiều tháng trao đổi và tranh luận, cuối cùng những người tham gia chuẩn bị hội thảo, dưới sự chủ tọa của nước chủ nhà Brazil, mới đạt được một thỏa thuận xung quanh một bản dự thảo tuyên bố chung, có tên gọi "Tương lai mà chúng ta mong muốn", dày khoảng 50 trang. Thỏa thuận này sẽ được đưa ra để nguyên thủ và lãnh đạo các nước xem xét phê chuẩn trước khi hội nghị kết thúc.

Có rất nhiều đánh giá khác nhau về bản dự thảo này. Bên cạnh các khen ngợi, vì dù sao một đồng thuận tối thiểu cũng đã được trong bối cảnh các bất đồng là hết sức lớn, thì có nhiều phát biểu, đặc biệt là từ phía các tổ chức phi chính phủ, như văn phòng "Facteur + 4", Quỹ bảo vệ thiên nhiên toàn cầu WWF, hay hiệp hội Greenpeace... cho rằng hội nghị đã thất bại, hay bản thỏa thuận này là "vô nghĩa". Bản thân ủy viên Châu Âu về môi trường Connie Hedegaard cũng bày tỏ sự thất vọng đối với thỏa thuận vừa đạt được.

Các khách mời của RFI hôm nay là nhà hoạt động môi trường Nguyễn Hữu Ninh (từ Hà Nội) và nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đức Hiệp (từ Sydney).

Cùng với các khách mời, trong tạp chí này, còn có phần trích dẫn một số nhận định của các chuyên gia Pháp về môi trường, bà Laurence Tubiana, phụ trách bộ môn Phát triển bền vững của Đại học Khoa học Chính trị Paris, sáng lập viên và chủ tịch Viện Phát triển bền vững và các quan hệ quốc tế, ông Pierre Radanne, lãnh đạo văn phòng tư vấn "Facteur 4+" về các vấn đề năng lượng và khí hậu đối với các nước Châu Phi và các thành viên của nhóm Rio+20 của Pháp, và ông Brice Lalonde, cựu bộ trưởng môi trường Pháp, điều phối viên chính của hội nghị Rio+20. Và cuối cùng là phần nhận xét của nhà tư tưởng Edgar Morin.

Chúng tôi hy vọng rằng một số ý kiến và nhận định của các chuyên gia, nhà tư tưởng trong tạp chí hôm nay sẽ mang lại một số yếu tố giúp cho việc trả lời câu hỏi :

Cần đánh giá như thế nào về các nỗ lực và thành tựu, cũng như các trở ngại trong việc tạo lập được một khả năng phối hợp hành động quốc tế trước các thách thức hết sức lớn lao về môi trường, về các điều kiện sống còn của một bộ phận lớn dân cư trên hành tinh chúng ta hiện nay, vào một thời điểm được coi là bước ngoặt của số phận nhân loại ?

13:49

Ts Nguyễn Hữu Ninh, Ts Nguyễn Đức Hiệp, Gs L. Taubiana, ông P. Radanne, ông B. Lalonde và nhà triết học E. Morin


Mệnh lệnh thay đổi

Mở đầu tạp chí là một số nhận xét của nhà hoạt động môi trường Nguyễn Hữu Ninh.

Nguyễn Hữu Ninh : « Tại sao chúng ta cần đến Rio+20 ?

Bởi vì hiện nay, thế giới chúng ta đang có 7 tỷ người. Dự kiến đến năm 2050 có đến 9 tỷ người. Và hiện nay, có 1,5 tỷ người sống dưới 1,25 đô la/người/ngày. Khoảng 1,5 tỷ không có điện. 2 tỷ người không có nhà vệ sinh và gần 1 tỷ người đang đói mỗi ngày và khoảng 2 tỷ người sử dụng nước không hợp vệ sinh.

Rõ ràng trong bối cảnh, chúng ta biết rằng, hiện nay thế giới chưa bước sang được một nền công nghệ mới, khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, và chúng ta biết rằng các loài sinh vật tiếp tục bị tuyệt chủng, nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu. Nếu cứ tiếp tục cái đà như thế này, thì chúng ta để lại cho con cháu chúng ta những thách thức về đói nghèo, về hủy hoại môi trường khủng khiếp. Vì thế các vấn đề cần phải được giải quyết ngay từ bây giờ, để hành tinh sau này có được một môi trường sinh thái. Rio+20 là cơ hội mà tất cả chúng ta có dịp phải nghĩ lại, để cho tương lai phát triển của toàn cầu có thể được an toàn.

Chúng ta biết rằng, phát triển bền vững có ba trụ cột chủ yếu, phát triển kinh tế, làm sao để bảo đảm được an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường tốt. Đấy là cái tương lai mà nhân loại phải lựa chọn. Không có con đường nào khác, vì chúng ta chỉ có một hành tinh thôi. Rio+20 đặt ra vấn đề mà hàng chục năm trời loài người đã vấp phải, như chúng ta đã biết.

Cái vấn đề lớn nhất mà Rio+20 đặt ra là chuyển đổi sang một « nền Kinh tế Xanh », trong khi tiếp tục tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, là bàn về bảo vệ đại dương, an ninh lương thực, an ninh nước, sử dụng đất đai, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, làm sao bảo vệ quản lý rừng tốt hơn... Đấy là những thách thức rất cơ bản mà Rio+20 cố gắng giải quyết trên tổng thể chung, để thống nhất về nguyên tắc cơ bản giữa các quốc gia trên thế giới, để đi đến một số lộ trình mang tính pháp lý ràng buộc. Tôi cho rằng, vấn đề « nền Kinh tế Xanh » tập trung vào ba vấn đề chủ yếu. Thứ nhất là công nghệ thay đổi để giảm được tối đa hiệu ứng nhà kính, thứ hai là trên một đơn vị sản phẩm, giảm được tối thiểu nhất nguyên liệu sử dụng và đồng thời lượng rác thải ra môi trường, và điểm thứ ba là tạo được lối sống sinh thái, phù hợp với môi trường. Tôi cho rằng, chủ đề Kinh tế Xanh là chủ đề tổng quát nhất của hội nghị Rio+20 lần này, cũng là vấn đề mà Việt Nam hiện nay đang tập trung để đưa ra một chiến lược phù hợp, đồng thời để các ngành liên quan, các bộ phận kinh tế liên quan, các bộ phận trong toàn bộ xã hội sẽ đi theo chủ đề đó.

Chúng ta đều biết rằng các nước phát triển đi trước chúng ta, như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Ấn Độ, thì đều phát triển rất nóng, gọi là phát triển « Nâu », gây ô nhiễm rất lớn. Và họ cũng phải chuyển dần. Có những nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc đã chuyển rất nhanh, bản thân Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu quyết tâm trong việc chuyển từ nền Kinh tế Nâu sang Kinh tế Xanh.

Chúng ta kỳ vọng, ở hội nghị Rio+20 lần này, tất cả các nước trên thế giới đều thống nhất được với nhau về một lộ trình, để tất cả theo đó mà đi theo. Chúng ta đều biết rằng, từ trước đến nay, trên thế giới vẫn lấy cái GDP làm thước đo cho phát triển kinh tế. Khi chúng ta thấy, một loạt sự phát triển không bền vững và môi trường ô nhiễm nặng nề như thế này, thì người ta phải xem xét lại, tính toán lại xem, có nên vẫn lấy GDP như hiện nay hay không, hay phải lấy những chỉ số mới để đánh giá, trong đó có tính toán cả những vấn đề về tự nhiên, sinh thái, xã hội, con người... không chỉ thuần túy vấn đề phát triển kinh tế. Chỉ số về an ninh con người là nằm trong các chỉ số đánh giá ấy. Bây giờ người ta gọi đó là GDP Xanh. Để tính cái này, phải trừ đi phần khấu hao việc sử dụng các tài nguyên, để cho thấy mức độ phát triển thực của nhân loại. Tôi thấy rằng, đây là một điều rất quan trọng để có được một đánh giá tổng hợp chung, đây là điều mà thế giới rất kỳ vọng.

Khả năng thành công và thất bại của Rio+20

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về khả năng thành công hay thất bại của hội nghị Rio+20, nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đức Hiệp cho biết :

Nguyễn Đức Hiệp : « Tôi thấy rằng, hội nghị này có thể nói là thành công, nếu như các nước tiếp tục cam kết thực hiện những điều mà họ đã cam kết thực hiện tại Rio 1992. Tại vì mục tiêu đó hiện nay chưa hoàn thành hết được. Điều thứ hai là, phát triển được nền Kinh tế Xanh, để có thể thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững, mà hội nghị Rio 1992 đã đưa ra.

Nói chung thì, mục tiêu của hội nghị 2012 rất là khiêm tốn so với hội nghị Rio 1992. Tại Rio 1992 thì rất lạc quan, các nước tham gia rất hồ hởi, mong muốn đóng góp một phần vào giải quyết vấn đề môi trường và phát triển kinh tế của thế giới. Nhưng hiện nay, như chúng ta biết, việc phân chia trách nhiệm giữa các nước đặt ra các vấn đề hết sức khó khăn cần giải quyết, tùy theo khả năng của từng nước. Tuy nhiên, nhiều nước, trong đó có Mỹ quan niệm rằng, tất cả các nước phải có trách nhiệm chung, chứ không thể chỉ có một số nước gánh vác hết trách nhiệm.

Tôi cho rằng hội nghị này sẽ thất bại, nếu trong bản dự thảo tuyên bố chung có nhiều điều bị loại bỏ, những quy tắc mang tính đồng thuận không được sự đồng ý của nhiều bên, và phải bỏ đi rất nhiều, để có được sự nhất trí chung. Chỉ đưa ra được một số tiêu chí rất nhỏ, để có được đồng thuận chung, thì tôi nghĩ đó là thất bại ».

Chạy đua giữa hành động hủy hoại và các giải pháp bảo vệ

Ông Brice Lalonde, cựu bộ trưởng môi trường Pháp, điều phối viên chính của hội nghị Rio+20 thì hình dung tình trạng hiện nay như là một cuộc chạy đua giữa hai xu thế :

Brice Lalonde : « Tình hình chung về môi trường trong hai thập kỷ qua là rất tối tăm, nhưng bên cạnh đó có một tình hình khác sáng sủa hơn. Về góc độ phát triển, từ 1992 đến 2012, nếu nhìn sang Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil, và nhiều nước khác, chúng ta thấy có sự phát triển rất mạnh.

Nhiều quốc gia tuyên bố, chính bởi vì chúng tôi đã phát triển được như vậy, mà chúng tôi có thể trả lời được các thách thức về môi trường, về đời sống, nếu chúng tôi không phát triển, thì chúng tôi sẽ bất lực. Một người nghèo khó sẽ phải sử dụng mọi thứ để có thể nuôi sống được gia đình mình.

Chúng ta thấy, một số dấu hiệu tích cực đầu tiên đã xuất hiện, ví dụ như các yếu tố của nền nông nghiệp mới, các phương thức quản lý nước tốt hơn, tiết kiệm được nước hơn...

Như vậy, có một sự chạy đua giữa hai phía, một bên là chúng ta có được các phương tiện để vượt qua các thách thức, nhưng mặt khác môi trường đang trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Nếu nhìn trên tổng thể, thì tình hình không tốt lắm đâu. »

« Nền kinh tế Xanh » : chủ đề gây tranh luận

Dù áp lực của thực tế đòi hỏi tất cả các quốc gia ngồi vào bàn đàm phán về việc bảo vệ môi trường và mô hình phát triển, nhưng khả năng đạt được thỏa thuận là không đơn giản. Kinh tế Xanh là một trong các chủ đề chính, được tranh luận quyết liệt tại Hội nghị Rio+20. Tuy nhiên, ý kiến này không phải là điều dễ dàng nhận được sự thống nhất về quan điểm của các phía tham gia. Bên cạnh quan điểm khẳng định Kinh tế Xanh là nền kinh tế của tương lai, không ít ý kiến lo ngại rằng, các tập đoàn kinh tế có thể sử dụng nhãn hiệu đẹp đẽ này để che đậy quá trình khai thác làm kiệt quệ thiên nhiên và làm bần cùng hóa người dân.

Về chủ đề nền Kinh tế Xanh, bà Laurence Tubiana, phụ trách bộ môn Phát triển bền vững của Đại học Khoa học Chính trị Paris, người sáng lập và chủ tịch Viện Phát triển bền vững và các quan hệ quốc tế, tập trung làm rõ mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế và mức độ tiêu thụ năng lượng, mà theo bà, để tìm ra được giải pháp cho vấn đề này, chỉ có sự đối thoại thiện chí và tin tưởng mới có thể dẫn đến một hành động chung.

Laurence Taubiana : « Vấn đề kinh tế xanh chính là vấn đề sử dụng năng lượng, nhưng đồng thời chúng ta cũng biết rằng, hiện nay chúng ta vẫn chưa giải quyết được yêu cầu tăng trưởng được kinh tế, mà lại sử dụng ít năng lượng. Mục tiêu đã được đặt ra trong hội nghị thượng đỉnh Rio cách đây 20 năm là : làm sao tăng trưởng được kinh tế mà không dùng nhiều năng lượng, nhưng cho đến nay, đây vẫn là điều chưa làm được.

Đây là vấn đề cần được tranh luận, vì cho đến nay, chưa ai thực sự thấy được là, làm thế nào phát triển được kinh tế mà lại sử dụng ít tài nguyên. Đối với các nền kinh tế Châu Âu, đặc biệt là Đức, chúng ta thấy có sự tách dần ra giữa mức độ tăng trưởng kinh tế, và mức độ tiêu thụ năng lượng. Chúng ta có những ví dụ riêng rẽ theo hướng này, nhưng chúng ta không có được một cái nhìn chung về chuyện này trên quy mô toàn cầu. Chính vì vậy, chúng ta rất cần các cuộc gặp gỡ quốc tế, để trao đổi với nhau về vấn đề này. Để thấy rằng đây là điều có thể làm được, và cụ thể là hình dung ra được cái đích mà chúng ta muốn hướng đến.

Hội nghị quốc tế, các trao đổi quốc tế cho phép chúng ta tin cậy nhau, để cùng nhất trí hành động. Để hướng đến một mô hình phát triển mới, cần phải cùng nhau định nghĩa được mô hình ấy là như thế nào, và không nhìn nhau như vĩnh viễn như là các đối thủ cạnh tranh thương mại. Đây là điều cản trở mô hình phát triển mới có thể triển khai được. Bởi vì không ai có thể làm được việc này một mình. Nếu như một quốc gia vẫn tiếp tục khai thác các tài nguyên hóa thạch tại một số địa điểm, thì mặc dù bên ngoài khu vực này, quốc gia đó có cố gắng cải thiện tình hình, thì quá trình khai thác tài nguyên khoáng sản như vậy sẽ kìm hãm và cản trở quá trình chuyển đổi chung.

Rất cần thiết phải có một nỗ lực tập thể. Trong một thời gian dài, không nhiều nước tin tưởng vào các hoạt động tập thể và có tính phối hợp. Rio chính là nơi mà chúng ta cần phải nói với nhau là, chúng ta phải hành động cùng nhau, nếu không thì mong ước sẽ không trở thành hiện thực. »

5 điều chủ chốt cần lưu ý

Rio+20 là nơi tranh luận, là nơi trao đổi, nơi tìm kiếm một đồng thuận để gia tăng bảo vệ môi trường và giảm thiểu các bất công xã hội. Những kỳ vọng và mục tiêu đặt vào rio+20 rất lớn. Không ít người, đặc biệt là các tổ chức ONG và các phong trào hoạt động môi trường, chỉ trích thái độ ích kỷ và bất lực của chính phủ các nước, trước sức ép của các tập đoàn kinh tế. Tuy nhiên, việc tạo lập một mô hình kinh tế mới, mô hình kinh tế xanh, phát triển bền vững hay tên gọi nào khác, không phải chỉ là nhiệm vụ của chính quyền các nước. Vai trò của các tổ chức thuộc xã hội dân sự ngày càng lớn. Thay đổi mô hình phát triển là một sự thay đổi hết sức lớn lao. Ông Pierre Radanne, người sáng lập văn phòng tư vấn về các vấn đề năng lượng vào khí hậu đối với các nước Châu Phi và các thành viên của nhóm Rio+20 của Pháp, cho biết năm điều cần chú ý cho một sự thay đổi như vậy.

Pierre Radanne : « Tôi tin rằng chúng ta cần phải có một tầm nhìn về tương lai, một hình dung thế nào là một cuộc sống thành công trong thế kỷ XXI. Cần phải biết cách giải thích được điều này, cần phải làm sao cho điều này trở nên hết sức cụ thể đối với mọi người.

Điều thứ hai là, cần phải xác định được các mục tiêu, về nước, về năng lượng… với các thời hạn thực hiện cụ thể.

Điều thứ ba là, phải mô tả được mô hình của nền kinh tế mới. Chúng ta thấy rằng, công bằng, có đạo lý là các tiêu chuẩn của nền kinh tế mới, đây là những điều khiến mọi người muốn chủ động tham gia.

Điều thứ tư đằng sau chuyện này, đó là một cấu trúc quyền lực thích hợp tại Liên Hiệp Quốc, mà trong hiện tại, cấu trúc này quá tản mát, không có được một tầm nhìn tổng hợp chung.

Và cuối cùng là một lộ trình cụ thể, một kế hoạch hành động. Lộ trình này có thể sẽ trải dài về mặt thời gian, nhưng đấy là thực tế cuộc sống. Cần phải có một lộ trình để các hành động có thể được thực hiện.

Rio không phải là cái đích, Rio chỉ là điểm xuất phát. »

Khởi đầu của một nền văn minh mới

Ông Brice Lalonde, điều phối viên chính của hội nghị Rio+20 ghi nhận :

Brice Lalonde : « Đã có bao nhiêu thứ diễn ra. Bản thân Hội nghị Rio+20 này đã được chuẩn bị từ trước bởi nhiều cuộc thương lượng. Và đặc biệt là sự hiện diện của xã hội dân sự và sự đối thoại của xã hội dân sự đang diễn ra vào thời điểm này, và sẽ kết thúc bằng một cuộc bỏ phiếu, bỏ phiếu trên internet, và cũng như trong các hội trường. Và khắp nơi diễn ra các hoạt động, như Hội nghị thượng đỉnh của các dân tộc, các gian hàng của các quốc gia... Như vậy, đấy đã là các thành công ».

Tạm khép lại tạp chí Khoa học về hội nghị thượng đỉnh Rio+20, chúng tôi dẫn lời nhà tư tưởng người Pháp Edgar Morin, về tầm quan trọng của việc ý thức được bước ngoặt, mà xã hội chúng ta đang sống ngày hôm nay, và các thách thức đòi hỏi những nỗ lực thay đổi lớn lao.

Edgar Morin : « Các bạn biết, những biến đổi trong lịch sử luôn luôn bắt đầu từ một hình thức lệch chuẩn. Hình thức lệch chuẩn này, nếu được củng cố, thì nó sẽ tạo thành các mạng lưới, tạo nên các phong trào, tạo nên các xu hướng.

Nếu không phải là như vậy, thì làm sao có thể giải thích được các xã hội lại thay đổi, làm thế nào mà giải thích được hiện tượng là : trong các xã hội đa thần giáo, lại nảy sinh các tôn giáo, do các cá nhân đơn độc khởi xướng, như đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Hồi ?

Làm thế nào có thể hiểu được chủ nghĩa tư bản lại có thể phát triển được, từ một vị trí của một vật ký sinh trong xã hội phong kiến ?

Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến việc, nếu không phải là bắt đầu từ những hình thức lệch chuẩn ban đầu như vậy, thì làm sao một xã hội bộ tộc, phong kiến, đế chế… lại có thể chuyển thành một xã hội hiện đại được ?

Như vậy, khởi đầu cho sự thay đổi là các lực lượng hết sức yếu ớt. Sau đó chúng phối hợp với nhau và tạo thành các phong trào.

Tôi cho rằng, chúng ta đang ở trong giai đoạn khởi đầu của một ý thức mới.

Cần phải tiến hành một loạt các cải cách, bởi vì rõ ràng là, trong hệ thống của nền kinh tế tự do chủ nghĩa, đã không có gì được thực hiện. Có quá nhiều lợi ích, mối quan tâm dành cho các lợi ích ngay trước mắt là quá lớn, cản trở ý thức mới, cản trở các hoạt động của nhà nước trong việc bảo vệ môi trường. Chúng ta thấy, ở Hoa Kỳ, các tập đoàn lợi ích có sức mạnh rất lớn.

Theo tôi, cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ là khủng hoảng sinh thái, khủng hoảng kinh tế, mà là cuộc khủng hoảng của nhân loại nói chung. Cuộc khủng hoảng này sẽ dẫn đến việc gia tăng ý thức, gia tăng các tưởng tượng. Tôi nói rằng, hiểm họa hiện nay sẽ bắt buộc chúng ta phải tìm cách tự cứu mình.

Như vậy, chúng ta không thể nào nói, mọi việc đều ổn, cũng không thể nói : chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào thảm họa, nhưng chắc chắn là : chúng ta phải tự thay đổi. »

RFI xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh và tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp đã dành thời gian cho tạp chí hôm nay. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.