Vào nội dung chính
CUBA

Wikileaks : "Mỹ không tin đối lập Cuba có thể lật đổ chế độ Castro"

Tiếp tục công bố những tài liệu mật do mạng Wikileaks cung cấp, báo Le Monde hôm nay có bài viết mang tựa đề "Cuba : Một phe ly khai yếu ớt". Le Monde cho biết là Hoa Kỳ không tin rằng cánh đối lập có thể lật đổ được chế độ của hai anh em nhà Castro.

Ông Raul Castro, chủ tịch Cuba (Reuters)
Ông Raul Castro, chủ tịch Cuba (Reuters)
Quảng cáo

Liên quan đến thế hệ lãnh đạo già nua của chính phủ hiện tại, bài viết nhận định, năm nay, Fidel Castro đã 84 tuổi, còn người kế vị là ông Raul Castro cũng đã thuộc lớp người "thất thập cổ lai hy", và thể lực dường như còn tệ hơn anh trai mình.

Theo một bức điện báo năm 2009, giới ngoại giao Mỹ làm nhiệm vụ ở La Havana đã sẳn sàng đối phó với những điều bất trắc có thể xảy ra khi Fidel Castro mất. Họ không tin rằng, khi cái chết của Fidel Castro được loan báo, thì sẽ có những cuộc biểu tình hay rộ lên làn sóng di cư. Bởi người Cuba bảo thủ, hơn nữa họ lại vẫn còn tôn sùng Fidel, vì thế họ không chấp nhận những biến động.

Năm 2007, nữ đối lập Martha Beatriz Roque quả quyết rằng, cái chết của Fidel sẽ là "chất xúc tác" khiến một triệu người Cuba xuống đường biểu tình đòi cải tổ chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, giới ngoại giao Mỹ cho rằng, sỡ dĩ bà ta tin như vậy vì tưởng phe đối lập đã phát triển được một mạng lưới trải rộng trên toàn quốc, để khi thời cơ đến, có thể kích động được một triệu người dân tham gia biểu tình.

Hai năm sau, trong một báo cáo tháng 4/2009, giới chức ngoại giao Mỹ cho rằng, các tổ chức ly khai không có nhiều ảnh hưởng đối với người dân, họ chia thành trên 12 nhóm nhỏ, dù có chung mục đích, nhưng họ lại không biết phối hợp hoạt động. Trừ các nhà ngoại giao và báo giới nước ngoài, họ rất ít được người dân biết đến. Người dân thường bận tâm đến việc làm sao được đi du lịch tự do, đời sống được cải thiện.

Trong khi đó, trong phe đối lập, ít có người đủ nhãn quan chính trị để có thể tham gia điều hành chính phủ tương lai. Hơn nữa, cũng giống như chính phủ nhà Fidel, bộ máy lãnh đạo đối lập cũng thuộc hàng « lão », trong khi người trẻ kế thừa thì rất ít. Từ đó, Hoa Kỳ kết luận : Phong trào ly khai truyền thống không thể nào thay thế được chính phủ Cuba, để tìm ra người lãnh đạo kế cận, có lẽ nên tìm nơi khác, ngay cả chính trong chính phủ nhà Castro.

Bắc Kinh khẳng định ảnh hưởng đối với người thiên chúa giáo

Theo Le Monde, bất chấp sự bất mãn của Toà thánh Vatican, chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ lập trường thỏa hiệp với giáo hội La Mã được vun trồng từ bốn năm nay. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Vatican đang trải qua thời kỳ băng giá. Sau khi tấn phong cho một giám mục không được sự tán đồng của Đức giáo hoàng hồi tháng 11, giờ đây, nhà cầm quyền Trung Quốc lại có hành động tương tự, nhưng ở mức độ cao hơn.

Ông Mã Anh Lâm, người được tấn phong giám mục năm 2006 nhưng vẫn chưa được sự công nhận của SSức giáo hoàng, vừa được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công Giáo tại Trung Quốc, với phương pháp bỏ phiếu bằng cách giơ tay và không có ứng viên tranh cử. Vatican không giấu được phẫn nộ cho rằng : « Ở Trung Quốc, không có tự do tôn giáo ».

Le Monde nhận định, Đảng cộng sản Trung Quốc luôn chi phối hoạt động tôn giáo kể từ năm 1951, tức 2 năm sau khi giành được chính quyền. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Vatican đầy sóng gió. Tuy vậy, từ 4 năm nay, Bắc Kinh đã tỏ thái độ hòa giải khi « dành ra » vài giám mục làm đề tài thương thảo với Vatican. Hôm 9/12, tại Hội nghị giám mục, ông Giả Khánh Lâm, nhân vật thứ 4 trong 9 ủy viên thường vụ của Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã kêu gọi người công giáo Trung Quốc cảnh giác trước những yếu tố chống đối ngoại quốc.

Đánh giá về hành động nói trên, một nhà nghiên cứu tôn giáo ở Hồng Kong cho rằng, đây là một hành động để khẳng định chính phủ vẫn kiểm soát tình hình, và cho biết Bắc Kinh không hề nhượng bộ trước Vatican. Ông này nhận định : « Đây là một trò chơi nguy hiểm vì lòng tin cậy lẫn nhau đã rơi xuống mức thấp nhất ». Còn theo một nhà quan sát khác thì điều đó cho thấy đường lối cực tả của Đảng cầm quyền.

Thêm vào tình hình rối rắm đó là việc giám mục Phòng Hưng Diệu, người đang hiệp thông với Vatican, được bầu làm chủ tịch Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc. Đây là một bộ phận của Giáo Hội chính thức của nhà nước, trực thuộc Ban Tôn giáo của Đảng. Trong khi đó, năm 2006, đức Giáo Hoàng Bênedicto XVI đã khẳng định tổ chức do chính phủ kiểm soát này này không phù hợp với giáo lý Công Giáo La Mã.

Thời đại chiến tranh mạng

Qua hàng tựa này Le Figaro cho biết, đối với các nhà quân sự, không gian trên mạng internet đã trở thành chiến trường thứ năm, bên cạnh chiến tranh trên bộ, trên biển, trên không và vũ trụ. Tác giả cảnh báo, hiện tại, giới hacker đã có những tổ chức vững chắc, được tài trợ và trang bị bởi các chính phủ. Không gian mạng đã thực sự bước vào lĩnh vực chính trị, và quân sự.

Từ năm 2002, hầu hết các cơ quan tình báo phương tây đều tìm mọi cách ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran, và dĩ nhiên có cả việc tấn công qua mạng. Teheran cũng xác nhận rằng đã có những máy ly tâm bị tê liệt do vi rút và vì thế, chương trình hạt nhân của họ bị trễ hạn rất nhiều.

Năm 2007, Estonia có xung đột với Matxcova. Trong nước, người theo chủ nghĩa dân tộc và người ủng hộ Nga chống đối nhau. Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện các vụ tấn công mạng làm tê liệt nước này suốt ba tuần. Năm 2008, trong cuộc chiến giữa Nga và Gruzia, hệ thống mạng của Gruzia đã bị tin tặc tấn công và bị tê liệt suốt nhiều ngày liền.

Danh sách các vụ tấn công này dài bất tận. Điều dó cho thấy, không gian mạng có thể đã trở thành phương tiện tấn công, chống đối, tình báo. Một chuyên gia cảnh báo : Các vụ tấn công ngày càng tinh vi, vì thế tình hình ngày càng phức tạp .

Việc trở thành « tội phạm mạng » rất dễ dàng, dễ hơn nhiều so với việc sản xuất một loại vũ khí hạt nhân, chi phí ít, mà lợi thì khổng lồ. Hơn nữa, để truy tận gốc là một việc hết sức khó khăn. Dù trong nhiều vụ tấn công mạng trước đây, người ta có điềm chỉ nước này hay nước kia là thủ phạm, nhưng hầu như không thể có bằng chứng nào xác thực cả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.