Vào nội dung chính
NAM ÂU - KOSOVO

Kosovo : Bầu cử Quốc hội đầu tiên kể từ khi độc lập 2008

Ngày hôm nay, 12/12/2010, khoảng 1,6 triệu cử tri Kosovo đi bỏ phiếu để bầu ra 120 nghị sĩ của Quốc hội mới. Đây là lần đầu tiên Kosovo tổ chức tổng tuyển cử, kể từ khi nước này tuyên bố tách ra khỏi Cộng hòa Serbia vào năm 2008.

Một phụ nữ Serbia ở Kosovo bỏ phiếu bầu Quốc hội, tại Gracanica, gần Pristina, ngày 12/12/2010 (Reuters)
Một phụ nữ Serbia ở Kosovo bỏ phiếu bầu Quốc hội, tại Gracanica, gần Pristina, ngày 12/12/2010 (Reuters)
Quảng cáo

Các thăm dò dư luận cho thấy khoảng cách rất sít sao giữa hai đảng thuộc cánh trung hữu, dẫn đầu trong cuộc bầu cử lần này, là đảng Dân chủ Kosovo (PDK) và đảng Liên đoàn Dân chủ Kosovo (LDK).

Đảng PDK có 30% người được hỏi ủng hộ, trong khi đối với đảng LDK, tỷ lệ này là 28%. Đảng LDK, đứng đầu là ông Isa Mustafa, thị trưởng thủ đô Pristina, nguyên là đồng minh của đảng Dân chủ Kosovo trong chính phủ liên hiệp vừa mãn nhiệm.

Cuộc bầu cử Quốc hội hôm nay được tổ chức sớm, sau khi chính phủ liên hiệp đứng đầu là cựu thủ tướng Hashim Thaçi phải giải tán. Hiện tại, sáu bộ trưởng của ông Hashim Thaçi đang bị Phái bộ pháp trị châu Âu Eulex điều tra vì tội tham nhũng hoặc tham gia vào các tổ chức tội phạm.

Tuyên bố độc lập từ năm 2008, Kosovo hiện vẫn là một nước thuộc loại nghèo nhất châu Âu, với thu nhập bình quân đầu người 1760 euro. Nền kinh tế nước này bị nạn tham nhũng và thất nghiệp hoành hành. 70% thanh niên dưới 25 tuổi không có việc làm.

Hai đảng khác cũng có hy vọng giành được chỗ đứng quan trọng tại Quốc hội Kosovo. Đó là đảng Phong trào tự quyết của Albin Kurti, một đảng cánh tả, có chủ trương sát nhập Kosovo vào Albani. Đảng Hơi thở mới, cũng có nhiều hy vọng, với những nhà lãnh đạo trẻ, tốt nghiệp tại các trường danh tiếng tại Hoa Kỳ hay châu Âu.

Theo các nhà quan sát, cuộc bầu cử Kosovo lần này là một trắc nghiệm quan trọng để đo lường mức độ trưởng thành chính trị của quốc gia nhỏ bé này, đặc biệt là quyết tâm của Kosovo tiếp tục quá trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.

Cuộc bầu cử tại Kosovo diễn ra dưới sự giám sát của 170 quan sát viên của Mạng lưới châu Âu quan sát bầu cử (ENEMO), và được hơn 120 đoàn ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu chăm chú theo dõi.

Thái độ của cộng đồng người Serbia tại Kosovo cũng là tiêu điểm được đặc biệt chú ý. Khoảng 40.000 người Serbia thuộc vùng Kosovska Mitrovika, nằm sát Cộng hòa Serbia, tẩy chay cuộc bầu cử, trong khi người Serbia tại những nơi khác sẽ đi bầu. Sự căng thẳng trong thái độ của người Serbia tại Kosovo trong cuộc bầu cử này được thể hiện qua phát biểu của một số lãnh đạo người Serbia. Thị trưởng của khu vực người Serbia Gracanica, kêu gọi các công dân Serbia tham gia bầu cử, nhưng cũng nhấn mạnh rằng đi bầu Quốc hội không có nghĩa là công nhận nền độc lập của Kosovo.

Hiện tại, Kosovo mới chỉ được 72 nước công nhận, trong đó có Hoa Kỳ và 22 nước Liên Hiệp Châu Âu. Cộng hòa Serbia không thừa nhận Kosovo và vẫn luôn coi nước này là một tỉnh của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.