Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Hội nghị Cancun: bàn thảo tối đa, kết quả tối thiểu ?

Đăng ngày:

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu kết thúc vào ngày mai (10/12) tại Cancun, với nguy cơ tái diễn kịch bản đầu voi đuôi chuột. Tuy tại chỗ, hội nghị diễn ra trong không khí thỏa hiệp khác với tình trạng căng thẳng tại Copenhagen cách đây một năm. Nhưng các nước tham dự lại không đề cập việc phải giảm mức khí thải CO2.

Hội nghị về khí hậu Cancun (COP16)
Hội nghị về khí hậu Cancun (COP16)
Quảng cáo

Việc giảm khí thải CO2 là chủ đề chính yếu, nhưng đại diện 190 quốc gia tham dự lại tránh không đề cập đến. Lượng khí thải CO2 là thủ phạm gây hiệu ứng nhà kính. Trong lãnh vực này, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ , Nga là những nước đứng đầu.

Đứng trước mối hiểm nguy này, nếu không ngăn chặn được hiện tượng hâm nóng trái đất ở mức tối thiểu 2°C so với thời kỳ tiền kỹ nghệ, nhân loại cần phải làm gì ? Cách nay đúng một năm, kỳ vọng này đã tan thành mây khói tại hội nghị khí hậu lần thứ 15 tại Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, vì những bất đồng không thể vượt qua giữa hai nhóm các nước nghèo giàu nhưng đặc biệt là thái độ của Trung Quốc mà các chính quyền Tây phương và báo chí quốc tế mô tả là "ngang ngược".

Một năm sau, rút kinh nghiệm thất bại này, Liên Hiệp Quốc đưa ra những mục tiêu khiêm tốn hơn tại hội nghị khí hậu Cancun. Hầu hết các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ đều vắng mặt sau thất bại tại Copenhaghen. Đích thân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, hôm thứ ba, thúc giục đại diện của 190 quốc gia tham dự cố tìm một thỏa hiệp, dù khiêm tốn, để chống hiện tượng hâm nóng trái đất.

Mục tiêu đề ra lúc ban đầu là phải đạt một thỏa thuận "có tính bắt buộc" để thay thế nghị định thư Kyoto, ký vào năm 1997, hết hạn vào năm 2012. 40 nước công nghiệp ký kết, trong đó không có Hoa Kỳ, cam kết làm giảm lượng khí ô nhiễm từ năm 2008 đến 2012, xuống ít nhất 5,2% so với thời kỳ 1990. Tuy nhiên , trên thực tế , khí thải gây hiệu ứng nhà kính gồm CO2, N2O tiếp tục tăng trong bầu khí quyển mặc dù có những cam kết này và mặc dù kinh tế thế giới đang bị trì trệ vì khủng hoảng.

Tại Cancun , các nước Nhật Bản, Nga và Canada, đặc biệt là Nhật và Canada đòi dứt khoát là không chấp nhận triển hạn nghị định thư Kyoto mà phải thay thế bằng một hiệp ước mới "trói buộc, và có sự tham dự của những nước đang phát triển cùng chia sẻ trách nhiệm". Trước bế tắc này, Liên Hiệp Quốc thẩm định là các bên có thể tìm "đồng thuận" trên 4 hồ sơ khác cũng trong chiều hướng chống biến đổi khí hậu.

Đó là tập trung thảo luận về các biện pháp chung giúp đỡ các nước trực tiếp bị hậu quả của biến đổi khí hậu, biện pháp chống nạn phá rừng, giúp các nước nghèo thích nghi với biến đổi khí hậu và chia sẻ công nghệ sạch. Các đảo quốc đang bị nước biển lấn từ từ mà ngay cả Hoa Kỳ cũng cho rằng mục tiêu này thiếu "cao vọng". Tổng thống Obama tuy có thiện chí hứa hẹn là Hoa Kỳ có tham vọng giảm 17% khí thải từ nay đến năm 2020 so với mức độ của 2005. Tuy nhiên mọi người nghi ngờ Quốc hội Mỹ sẽ ủng hộ hành pháp.

Nói cánh khác, kết quả hội nghị Cancun, lạc quan nhất là sẽ đạt được mục tiêu của Liên Hiệp Quốc đề ra. Nhưng thỏa thuận này chỉ lấy lại nội dung lời tuyên bố chung chung tại hội nghị Copenhaghen, ngăn chặn nhiệt độ không tăng "dưới 2°C" mà không kèm theo những biện pháp chế tài.

Năm ngoái, chính phủ Đan Mạch chi ra 213 triệu đôla, năm nay chính phủ Mêhicô thông báo đã sử dụng 69 triệu đôla để tổ chức cho đại diện các nước tranh luận về khí hậu. Mặc cho nhiệt độ muốn tăng thì cứ tăng, nhân loại có quyền chờ sang năm 2011. Hội nghị khí hậu sẽ diễn tại Durban, Nam Phi.

13:35

Kỹ sư Đỗ Văn Tùng, Hội Sinh Thái Việt

Để trở lại nguy cơ diệt vong mà những nước có bờ biển thấp sẽ là nạn nhân đầu tiên, vì sao CO2 làm nhiệt độ tăng, và nhân loại có thể làm được gì, RFI đặt câu hỏi với một chuyên gia trong Hiệp Hội Sinh Thái Việt, kỹ sư Đỗ Văn Tùng, từ Vancouver, bang British Columbia, Canada.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.