Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC - MÔI TRƯỜNG

Lập nhóm chuyên gia liên chính phủ về đa dạng sinh học

Sau hai năm thảo luận, hôm qua trên 90 quốc gia họp tại Hàn Quốc dưới sự chủ trì của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, đã đồng ý về dự án thành lập một nhóm chuyên gia khoa học quốc tế về đa dạng sinh học.Đây là mơ ước của các nhà khoa học lâu nay, nhưng nhiều chính phủ hãy còn nghi ngại.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và ông Rajendra Pachauri, chủ tọa hội nghị của GIEC.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và ông Rajendra Pachauri, chủ tọa hội nghị của GIEC. Reuters
Quảng cáo

Gọi tắt là IPBES, cơ quan này có vai trò quan trọng tương đương với GIEC, nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu. Ủy ban có nhiệm vụ làm cầu nối thông tin khoa học về tình hình xuống cấp của thế giới tự nhiên, giúp cho các chính phủ có được những quyết định cần thiết của để khắc phục. IPBES sẽ phải cập nhật các phát kiến khoa học mới nhất về đa dạng sinh học và hệ sinh thái cho chính phủ.

Đây là một quyết định cần thiết, trong lúc nhiều nhà khoa học cho rằng trái đất đang bước vào đợt diệt vong các loài lần thứ sáu trong lịch sử. Theo Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, thì nhịp độ các loài bị diệt vong do tác động của con người cao gấp 100 lần trong tự nhiên. IPBES là một sáng kiến nhằm huy động nỗ lực toàn cầu vì sự sinh tồn của các loài sinh vật, các khu rừng, dòng sông, những rặng san hô và các hệ sinh thái khác. Theo đại diện chính phủ Pháp, thì vai trò của đa dạng sinh học cũng quan trọng không kém vấn đề biến đổi khí hậu đối với nhân loại.

Vào năm 2002, cộng đồng quốc tế đã đề ra mục tiêu ngăn cản sự xuống cấp sinh học cho đến năm 2010, nhưng do không có cơ sở khoa học nên tham vọng này đã không thành. Đây chính là nhiệm vụ của IPBES trong tương lai, nhưng sẽ phức tạp hơn GIEC nhiều, vì đa dạng sinh học không dễ đo lường như với sự biến đổi khí hậu.

Tuy vậy trước đó nhiều chính phủ vẫn tỏ ra ngần ngại, đặc biệt là các nước nghèo mà đứng đầu là Brazil, vì sợ bị các nước giàu áp đặt các tiến trình khoa học, hoặc bị mất một phần quyền chủ động. Còn Hoa Kỳ thì lại lo phát sinh thêm một cơ quan quan liêu mới. Nay Brazil đang muốn trở thành nơi đặt trụ sở chính của IPBES, điều này sẽ giúp các nước nghèo vốn mong đợi được trợ giúp về nghiên cứu khoa học sẽ mạnh dạn hơn.

Dự án này còn phải chờ được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc họp vào tháng 9 tại New York thông qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.