Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Brexit : Anh tận dụng thế chân trong, chân ngoài ?

Đăng ngày:

Sau hai lần chia tay hụt, cuối cùng con thuyền Anh đã rời bến châu Âu sau 47 năm chung sống. Giờ đây trên nguyên tắc Luân Đôn và 27 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu có 11 tháng để đàm phán về mối quan hệ chung cho giai đoạn hậu Brexit.

Người dân tụ tập dưới chân tượng Winston Churchill để chào mừng Brexit, Luân Đôn, ngày 31/12/2019
Người dân tụ tập dưới chân tượng Winston Churchill để chào mừng Brexit, Luân Đôn, ngày 31/12/2019 REUTERS/Henry Nicholls
Quảng cáo

Thủ tướng Boris Johnson chủ trương duy trì áp lực với Bruxelles để đạt được một thỏa thuận có lợi nhất cho 66 triệu dân Anh. Liên Âu nhắc nhở Luân Đôn rằng nước Anh chỉ có thể ở lại trong Liên Minh Thuế Quan Châu Âu và tham gia thị trường chung châu Âu với điều kiện tuân thủ các luật chơi chung.

Nhưng trước hết người dân Anh nghĩ gì về việc đã tách rời Liên Hiệp Châu Âu ? Việc đứng trong hay ngoài Liên Âu ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của thần dân của nữ hoàng Elizabeth II ? Trả lời câu hỏi này của RFI Tiếng Việt, luật sư Hoàng Đức Thắng, một người đã sống và làm việc lâu năm tại Luân Đôn nhìn về tương lai :

01:31

Luật sư Hoàng Đức Thắng -Kỳ vọng sau Brexit

Hy vọng và hoang mang

Trong nhiều lần trao đổi với RFI Tiếng Việt, luật sư Hoàng Đức Thắng không tin rằng Liên Âu và Anh Quốc sẽ lao vào một cuộc chiến thương mại mà ở đó không một bên nào có lợi. Vương Quốc Anh luôn rất thực tế và thực dụng nhất là khi mà kinh tế giữa hai bờ biển Manche ngoài sự gần gũi về địa lý đôi bên còn bổ sung cho nhau trong nhiều lĩnh vực.

Theo thẩm định của Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Quốc Tế CEPII của Pháp, 42 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh đổ vào thị trường chung châu Âu ; đổi lại 56 % hàng nhập vào Anh xuất xứ từ một trong số 27 thành viên còn lại của Liên Âu. Trong khi đó, một khi bước ra ngoài Liên Hiệp, Anh Quốc là một khách hàng "khiêm tốn" đối với khối châu Âu.

Trong bối cảnh đó, vào giờ chia tay một phần công luận Anh không khỏi hoang mang. Đặc biệt là khi biết rằng chính quyền Boris Johnson sẽ phải đàm phán gay go với 27 thành viên trong gia đình châu Âu về nhiều lĩnh vực từ thỏa thuận tự do mậu dịch đến giao dịch tài chính, từ quy định đánh bắt hải sản trong các vùng biển của Anh đổi lấy quyền được bán thủy sản của Anh trên khắp các thị trường trong Liên Hiệp Châu Âu, cho đến hợp tác an ninh, hay quyền tự do của các luồng lao động hai chiều.

Trả lời thông tín viên đài RFI Muriel Delcroix, Patricia Michelson, chủ hiệu bán phô mai La Fromagerie tại thủ đô Luân Đôn nêu lên khó khăn cụ thể của bà một khi chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp : "Các nhà chức trách bảo với chúng tôi rằng phải yêu cầu các nhà cung cấp khai báo giấy tờ đầy đủ và hợp lệ. Nhưng tôi không biết là trong tương lai, hạn ngạch thuế nhập vào Anh là bao nhiêu, thuế trị giá gia tăng TVA đánh vào các loại phô mai được ấn định như thế nào ? Tôi cũng không biết trong thương mại, Anh và châu Âu sẽ áp dụng những điều khoản ưu đãi hay sẽ quay trở về với các chuẩn mực tối thiểu hiện hành trong Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

Nếu áp dụng quy định của Tổ Chức Thế Giới, phô mai hay bơ của Pháp, của Ý ... nhập sang Anh bị đánh thuế 40 %. Chúng tôi cần được thông tin rõ ràng về những điểm này. (...) Nếu chính phủ bắt khai quá nhiều giấy tờ hành chính, rất có thể là tôi phải ngưng cộng tác với một số nhà sản xuất của Liên Hiệp Châu Âu, bởi vì họ là những hãng tư nhân quá nhỏ, quá ít nhân sự. Khai báo thêm giấy tờ sẽ làm họ mất rất nhiều thời giờ. Ngưng cộng tác với họ thì thật là tiếc vì nhờ họ mà hiệu La Fromagerie mới tự hào là có một số các mặt hàng độc đáo để bán. Đây là niềm tự hào của cửa hàng tôi".

Về phần Hughes, một nông gia trong vùng Surrey và Kent, phía đông nam nước Anh, trả lời phóng viên đài RFI Marie Billon, anh lo rằng, chính sách trợ giá nông nghiệp của chính phủ Anh sau này không được rộng rãi bằng so với của châu Âu : "Chính phủ Anh phải biết họ muốn gì. Muốn có thực phẩm rẻ hay có những cánh đồng lúa xanh. Phong cảnh có đẹp là nhờ đất canh tác có bàn tay của những người nông phu. Phải chăn nuôi, trồng trọt đất màu mới xanh tươi và nông dân phải sống được nhờ thu hoạch của họ. Trong bản dự thảo gần đây nhất về luật nông nghiệp, tôi thấy chính phủ có đề cập tới mục tiêu an toàn lương thực. Hy vọng Nhà nước giữ được mục tiêu đó (...)

Rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, chúng tôi không còn được châu Âu trợ cấp qua chính sách nông nghiệp chung. Câu hỏi đặt ra là chính phủ Anh dự trù hỗ trợ cho nông dân bao nhiêu ? Hiện tại mỗi năm nước Anh nhận 2,8 tỉ euro của Liên Hiệp Châu Âu. Trên nguyên tắc biện pháp này được duy trì cho tới năm 2027. Nhưng sau đó thì sao ? ". Tới nay, khoản trợ cấp của châu Âu chiếm 16 % thu nhập hàng năm của Hughes.

Kinh tế không sụp đổ, nhưng Luân Đôn kém hấp dẫn

Trước mắt, đời sống của 66 triệu dân Anh và 446 triệu dân trong 27 nước thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu không mảy may thay đổi kể từ ngày mồng 01/02/2020. Thay đổi rõ rệt nhất là lá cờ Anh không còn được trông thấy tại các trụ sở, các cơ quan của Liên Âu và thứ hai là về mặt thống kê, thiếu 66 triệu dân Anh, Liên Hiệp mất đi 13 % dân số, diện tích bị thu hẹp lại mất 5 %. Đừng quên rằng Vương quốc Anh là một cường quốc công nghiệp và giờ đây không còn là một cột trụ của Liên Âu nữa.

Trả lời đài RFI giám đốc văn phòng tư vấn kinh tế mang tên Cercle d'Outre Manche quy tụ khoảng 50 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Anh, ông Philippe Chalon, lưu ý : kinh tế Anh đã không sụp đổ vì nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nhưng đồng thời Brexit gây nhiều hoang mang. Luân Đôn kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư : Từ sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016, kinh tế Anh quả thực là đã tăng trưởng chậm lại. GDP đang tăng từ 2 cho tới 2,3 % rơi xuống còn 1,3 hay 1,4 % tức là ở vào mức trung bình của Liên Hiệp Châu Âu. Thành thử không thể nói là kinh tế Anh đã sụp đổ trong gần bốn năm qua. Tuy nhiên từ 2016 tới ngày 31 tháng Giêng vừa qua, nước Anh vẫn còn là thành viên của Liên Hiệp.

Tuy nhiên trong công việc, tôi nhận thấy là từ năm 2016 tổng đầu tư ngoại quốc vào Anh đã giảm và thậm chí là còn rơi xuống mức thấp nhất kể từ một chục năm qua. Trong khuôn khổ Câu Lạc Bộ Các Doanh Nghiệp Pháp tại Anh, bao gồm khoảng 50 hãng lớn nhỏ, thì có đến gần một nửa đã ngưng các dự án đầu tư vào Anh Quốc trong 36 tháng vừa qua. Tôi nghĩ đây là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy nước Anh kém hấp dẫn. Điểm thứ nhì là cho tới nay, rất nhiều các thành viên trong câu lạc bộ đương nhiên xem Luân Đôn là điểm đầu tư lý tưởng. Nhưng với Brexit, thì số này luôn luôn cân nhắc giữa Luân Đôi với các thủ đô khác của Liên Hiệp Châu Âu. Ngày một ngày hai, họ đã phải tính tới những giải pháp khác, ngoài Luân Đôn (...)

Trước mắt, không có gì thay đổi, ít nhất là từ nay cho đến ngày 31 tháng 12 năm nay. Tuy nhiên chúng ta cần phân biệt rõ từng ngành nghề và tầm cỡ của từng doanh nghiệp. Đương nhiên là các hãng lớn thì có nhiều phương tiện để chuẩn bị cho Brexit. Đây là trường hợp của các tập đoàn dược phẩm, của các ngân hàng, hay các hãng xe hơi. Những công ty này thậm chí còn chuẩn bị cả trong trường hợp Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu chia tay mà không đạt được thỏa thuận, tức là đôi bên cư xử với nhau như người dưng. Đề phòng kịch bản tệ nhất này, các hãng lớn đã đã dạng hóa các nguồn cung cấp và phân phối. Ngược lại các hãng nhỏ thì họ sẽ phải tùy cơ ứng biến, và sẽ phải thích nghi với mọi tình huống. Rất khó đối với số này".

Bài toán thực tế của Boris Johnson

Về phía chính phủ, trong giai đoạn chuyển tiếp, trên nguyên tắc mở ra cho đến cuối năm 2020, nước Anh tiếp tục đóng góp cho ngân sách chung của Liên Âu và đổi lại thì vẫn nhận được trợ cấp mà Bruxelles vẫn đài thọ cho các thành viên. Tiêu biểu nhất là các khoản trợ cấp cho nông gia Anh.

Dù vậy câu hỏi kế tiếp là giờ đây, Liên Hiệp Châu Âu và chính quyền của thủ tướng Boris Johnson sẽ đàm phán với nhau trên những hồ sơ nào ? Về mặt chính thức, Luân Đôn liên tục khẳng định "giai đoạn chuyển tiếp sẽ chấm dứt vào ngày 31/12/2020", Anh Quốc "không có ý định kéo dài thời hạn chuyển tiếp đó". Nhưng giới quan sát đồng thanh cho rằng, đó chỉ là một tuyên bố để Boris Johnson trấn an cử tri đã bỏ phiếu cho đảng Bảo Thủ, củng cố chiếc ghế thủ tướng của ông ở số 10 Downing Street.

Anh sẽ tận dụng thế chân trong, chân ngoài để trục lợi ?

Trên thực tế, còn 1001 hồ sơ Bruxelles và Luân Đôn phải tìm ra đồng thuận. Quan trọng hơn cả là vế thương mại. Anh Quốc tới nay vẫn là thành viên của Thị Trường Chung Châu Âu, của Liên Minh Thuế Quan Châu Âu. Nhờ vậy hàng của Anh xuất khẩu sang châu lục và trong chiều ngược lại hàng của 27 thành viên Liên Âu bán sang Anh vẫn được gần như miễn thuế nhập khẩu. Trong trường hợp Liên Âu và Anh Quốc không tìm được một sân chơi chung về thương mại, đôi bên sẽ phải áp dụng các quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Cụ thể là đôi bên sẽ dựng lại các hàng rào quan thuế và phi quan thuế, công việc kiểm tra ở các cửa khẩu sẽ trở nên nhiêu khê vô cùng. Theo thẩm định của Ngân Hàng Trung Ương Bỉ, thiệt hại về phía Anh trong trường hợp này ước tính lên tới 5 % GDP của Anh Quốc về lâu về dài. Phía Liên Âu thì sẽ mất đi từ 0,3 đến 1,5 tổng sản phẩm nội địa của toàn khối.

Chỉ riêng vế thương mại, trước khi Luân Đôn và Bruxelles chính thức bắt tay vào đàm phán, Bruxelles đề ra mục tiêu đạt được một thỏa thuận "toàn diện, đầy tham vọng với Anh Quốc, có nghĩa zero hàng rào quan thuế và zero hạn ngạch". Để đạt được mục tiêu đó các bên phải tìm ra đồng thuận về những chuẩn mực từ trong lĩnh vực môi trường, y tế, xã hội, đến thuế doanh nghiệp, thuế tài chính hay thuế trị giá gia tăng.... Nhìn từ Bruxelles, điều nguy hiểm ở đây là với những điều khoản ưu đãi có được nhờ một thỏa thuận "toàn diện và đầy tham vọng" với Liên Hiệp Châu Âu, nước Anh trở cánh cổng để hàng của các quốc gia thứ ba lách thuế tràn vào Thị Trường Chung Châu Âu. Liên Âu cũng không muốn Anh Quốc lạm dụng tư cách là thành viên trong Liên Minh Thuế Quan để thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Anh và cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp, với các tập đoàn của châu Âu.

Trong bài diễn văn đầu tiên sau Brexit, thủ tướng Boris Johnson mạnh mẽ tuyên bố Luân Đôn không vì quyền được ở lại trong thị trường chung mà chấp nhận tuân thủ các chuẩn mực của châu Âu. Tuy nhiên lãnh đạo Anh cũng trấn an các đối tác tại Bruxelles rằng Anh Quốc không cạnh tranh bất bình đẳng với những quốc gia từng là anh em trong mái nhà chung châu Âu. Chúng ta có ít nhất là 11 tháng để xem Bruxelles và Luân Đôn sẽ nhượng bộ lẫn nhau tới mức độ nào. Ngoài vế thương mại, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu còn rất gắn bó với nhau từ về văn hóa đến ngoại giao, an ninh, quốc phòng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.