Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

2020 đau đầu vì thương chiến Mỹ-Trung và Brexit

Đăng ngày:

Năm 2020, quan hệ giữa Bruxelles với Luân Đôn sẽ còn nhiều sóng gió, nhưng lần này tập trung vào cuộc đàm phán gay go về mối quan hệ tương lai giữa Liên Âu với một thành viên cũ trong gia đình sau khi nước Anh chính thức ra đi. Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ còn nhiều pha trồi sụt và thế giới sẽ tiếp tục trả giá trước những đòn bất ngờ từ phía hai ông khổng lồ của thế giới.

Đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer (G) nói chuyện với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạ (Liu He) sau cuộc họp báo tại Trung tâm Hội nghị, Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31/07/2019
Đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer (G) nói chuyện với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạ (Liu He) sau cuộc họp báo tại Trung tâm Hội nghị, Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31/07/2019 Ng Han Guan/Pool via REUTERS -/File Photo
Quảng cáo

Đúng ngày Thứ Sáu 13/12/2019, Nhà Trắng ồn ào thông báo đạt được thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc sau 18 tháng « chiến tranh ». Tiếp theo đó, từ bộ trưởng Tài Chính Mỹ đến Nhà Trắng đều nói đến một « thỏa thuận quan trọng và quy mô » và văn bản này sẽ được nguyên thủ hai nước phê chuẩn vào đầu tháng Giêng năm 2020.

Trước mắt văn bản này chưa được công bố đầy đủ cho báo chí. Chỉ biết là từ hơn ba tuần qua, Bắc Kinh đã thông báo tạm giảm thuế nhập khẩu nhắm vào 850 mặt hàng nhập từ Mỹ kể từ ngày 01/01/2019. Hoa Kỳ khẳng định Trung Quốc sẽ mua thêm 200 tỷ đô la hàng của Mỹ trong hai năm sắp tới, điều này cho phép Mỹ thu hẹp thâm hụt ngân sách với đối tác thương mại châu Á. Ngoài ra, Nhà Trắng đặc biệt nhấn mạnh rằng cùng thời gian, Trung Quốc sẽ mua vào thêm 32 tỷ nông phẩm của Mỹ. Bắc Kinh thận trọng hơn qua lời bộ trưởng Tài Chính Lưu Côn khéo léo nhắc lại rằng « nhập khẩu của Trung Quốc tùy thuộc vào nhu cầu tiêu thụ nội địa ».

Dù vậy, cả phía Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều ít đi sâu vào chi tiết hai đòi hỏi chính của Washington : một là Bắc Kinh ngừng trợ giá cho các doanh nghiệp nước này, tạo sân chơi bình đẳng giữa các công ty của Trung Quốc và các tập đoàn nước ngoài, và hai là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngưng đánh cắp bằng sáng chế và công nghệ cao của Hoa Kỳ.

Cho dù Mỹ và Trung Quốc rộng rãi thông báo về những thành tích đạt được qua thỏa thuận thương mại sơ bộ, nhưng hiệp hội bảo vệ tự do mậu dịch Americans for Free Trade, được hãng tin Bloomberg trích dẫn lưu ý rằng « khoảng 83% cái giá phải trả do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây nên vẫn tồn tại » cho dù Washington và Bắc Kinh đã đồng ý về « thỏa thuận mậu dịch Giai Đoạn 1 ».

Trả lời đài RFI Tiếng Việt, Jean-François Boittin, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế Thông Tin Quốc Tế của Pháp (CEPII) dứt khoát loại trừ khả năng thỏa thuận sơ bộ Mỹ-Trung về mậu dịch cho phép chấm dứt xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

« Tôi cho rằng thứ nhất, chúng ta phải đợi có được văn bản chính thức thì mới có thể đánh giá về tầm mức của thỏa thuận Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được. Thứ hai là trong mọi trường hợp, đây chỉ là một lệnh "hưu chiến" tạm thời và rất khó đoán được là sẽ có hiệu lực trong bao lâu. Chắc chắn là cuộc chiến thương mại không khép lại với thỏa thuận mới đạt được. Điểm thứ ba là cả đôi bên đều đang chịu áp lực rất lớn để đạt đến một thỏa hiệp dù là tạm thời, mà phía Mỹ gọi là một đồng thuận trong Giai Đoạn 1.

Phía Trung Quốc thì cần có thỏa thuận vì kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu sang thị trường Mỹ gặp trở ngại. Còn đối với Nhà Trắng, một năm trước bầu cử tổng thống chính quyền Trump bắt buộc phải khoe thành tích. Đặc biệt là cần thuyết phục Trung Quốc mua vào nông phẩm của Hoa Kỳ, bởi vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động mạnh nhất đến giới nông gia Mỹ. »

Đương nhiên đối với ông Tập Cận Bình, thỏa thuận hôm 13/12/2019 là một tin vui, tối thiểu là trên hai điểm : Thứ nhất thỏa thuận « hưu chiến » dù chỉ tạm thời, được thông báo vào lúc các thống kê dồn dập cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc đang thật sự hụt hơi. Thậm chí tập đoàn ngân hàng Nhật Nomura dự báo tình hình trong năm 2020 sẽ còn « xấu đi thêm ». Tuy là thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc đã tăng chứ không giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ trong năm 2019 giảm 23%.

Điểm thứ nhì khiến ông Tập Cận Bình có thể thanh thản được một chút đó là nhờ có thỏa thuận dù chưa được chính thức ký kết, nhưng hôm 15/12/2019, các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng né được một đợt đánh thuế mới của chính quyền Trump, đồng thời Washington đã giảm một nửa mức thuế nhắm vào 120 tỷ đô la hàng « Made in China » bán sang Mỹ.

Nhưng không chỉ có phía Trung Quốc hài lòng. Ngay cả các tập đoàn Mỹ cũng đã thở phào nhẹ nhõm với thỏa thuận Giai đoạn 1 vừa nêu. Chuyên gia Jean-François Boittin giải thích :

« Đương nhiên tại Washington mỗi người nhìn vấn đề tùy theo quan điểm chính trị. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy xung đột về thương mại với Trung Quốc khiến mức đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ bị đóng băng trong cả năm 2019. Ngành sản xuất ngừng các dự án đầu tư vào máy móc, ngưng các kế hoạch về địa ốc. Thành thử khu vực sản xuất và công nghiệp bị tác động mạnh.

Điều trớ trêu là ông Trump khi ban hành hàng loạt các biện pháp tăng thuế vào hàng hóa Trung Quốc là để giúp công nghiệp của Mỹ phục hồi. Nhìn tới các hộ gia đình, cho tới nay, giới này tương đối được bảo vệ. Bởi vì các doanh nghiệp Mỹ hứng chịu các khoản tăng thuế nhập khẩu để giữ khách hàng.

Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận sơ bộ vừa qua, thì ngày 15 tháng 12, Washington đánh thuế thêm vào 160 tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc và trong số này bao gồm các mặt hàng đồ điện tử, máy tính, điện thoại thông minh và đồ chơi điện tử... và như vậy, ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của các hộ gia đình. »

Điều không thể chối cãi là bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, chỉ số chứng khoán và thị trường lao động tại Hoa Kỳ năng động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Jean-François Boittin lưu ý rằng chính quyền Trump đánh thuế hàng Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp Mỹ thì bị « lãnh đủ ».

« Có một điều rất rõ ràng là chính quyền tăng thuế và bên phải gánh chịu các khoản thuế đó là các công ty Mỹ, là người tiêu dùng ở Mỹ, chứ không phải như những gì tổng thống Donald Trump luôn nhắc đi nhắc lại rằng các tập đoàn Trung Quốc phải trả giá. Bên cạnh đó, cốt lõi của xung đột Mỹ-Trung không phải là thương mại, mà đây thực sự là một cuộc đọ sức về công nghệ cao. Tôi muốn nói tới các tập đoàn ZTE và Hoa Vi. Chính quyền Trump đang làm tất cả để chận đường Hoa Vi trên lãnh thổ Hoa Kỳ và kể cả tại châu Âu. »

Theo một nghiên cứu độc lập do Ngân hàng Liên bang New York cùng hai viện đại học Princeton và Colombia thực hiện, trung bình trong năm 2019, xung đột về thương mại Mỹ-Trung cướp mất 831 đô la của mỗi hộ gia đình cho cả năm. Điều đáng chú ý là, có lẽ không liên quan nhiều đến chiến tranh thương mại, tinh thần bài Trung Quốc ở Mỹ trong năm vừa qua thực sự gia tăng. Jean-François Boittin, thuộc CEPII, ghi nhận :

« Nhìn chung, tinh thần bài Trung Quốc ngày càng gia tăng tại Mỹ. Phần lớn công luận Mỹ không có thiện cảm với Trung Quốc. Theo thăm dò gần đây của trung tâm nghiên cứu Pew Research, trong vòng một năm, tỷ lệ số người bài Trung Quốc đang từ 47% nhảy vọt lên thành 60%. Cũng có một số người quan niệm rằng, Trung Quốc bội bạc, bởi vì quốc gia đông dân này ngày nay trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới một phần là nhờ được Mỹ giúp đỡ. Đây cũng là quan điểm được trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương nêu lên trong một bài phát biểu hôm 12/12/2019. »

Brexit : Đường còn dài

Từ hơn ba năm qua, nước Anh chưa bao giờ cận kề với Brexit như từ ngày 12/12/2019. Giành được đa số áp đảo tại Nghị Viện, thủ tướng Boris Johnson rộng đường áp đặt lộ trình chia tay với Liên Hiệp Châu Âu. Không còn trở ngại nào ngăn cản vương quốc Anh ra đi vào cuối tháng Giêng 2020. Với 365 trên tổng số 650 ghế, dự luật về Brexit của thủ tướng Johnson sẽ được thông qua vào ngày 09/01/2020 sau ba lần điện Westminster xem xét văn bản về thỏa thuận chia tay.

Dù vậy, cột mốc 31/01/2020 chưa phải là điểm đến cuối cùng trong tiến trình Brexit. Đó sẽ là điểm khởi đầu cho một chuỗi dài những vòng đàm phán về quan hệ tương lai giữa Vương Quốc Anh với 27 đối tác còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu sau một thời gian 47 năm chung sống. Đâu sẽ là vai trò, trọng lượng của Luân Đôn trên các phương diện từ kinh tế, mậu dịch, ngoại giao và quân sự với Bruxelles ?

Có một điều chắc chắn là sau bầu cử hồi tháng 12/2019, cử tri Anh đã tạo thế mạnh cho thủ tướng Boris Johnson để đàm phán với châu Âu. Ngược lại về phía Bruxelles, nếu như trong ba năm qua, Liên Âu đã đặc biệt bày tỏ đoàn kết trong hồ sơ Brexit, không có gì bảo đảm rằng trong giai đoạn đàm phán sắp mở ra với nước Anh, 27 thành viên còn lại trong Liên Âu sẽ phá rào tìm kiếm lợi thế tốt nhất khi nói chuyện với Luân Đôn.

Thí dụ, ưu tiên của nước Đức sẽ là về công nghiệp, trong lúc Pháp đặt trọng tâm vào lĩnh vực nông nghiệp, Hà Lan hay Tây Ban Nha quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu phát triển dịch vụ với nước Anh kể từ ngày 31/12/2020 - thời điểm mà trên nguyên tắc Bruxelles và Luân Đôn chấm dứt đàm phán, kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.