Vào nội dung chính
KINH TẾ - THƯƠNG MẠI

Đòn thuế của Donald Trump làm phức tạp thêm đàm phán thương mại

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục sử dụng đòn trừng phạt thuế quan để gây áp lực và nắn gân các đối tác thương mại dù đó là đồng minh hay đối thủ cạnh tranh trực diện. Một chiến lược đã trở nên quá quen thuộc vì ai cũng biết ông là bậc thầy sử dụng đòn thuế quan một cách thành thục như một nghệ thuật đàm phán. Tuy nhiên cách làm này ngày càng trở nên khó hiểu và làm cho các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ trở nên bất trắc.

Phó mát, hàng tiêu dùng của Pháp nằm trong diện chịu thuế quan của tổng thống Mỹ. Ảnh chụp tai một cửa hàng ở Manhattan, New York, ngày 03/12/2019.
Phó mát, hàng tiêu dùng của Pháp nằm trong diện chịu thuế quan của tổng thống Mỹ. Ảnh chụp tai một cửa hàng ở Manhattan, New York, ngày 03/12/2019. REUTERS/Carlo Allegri
Quảng cáo

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổng thống Mỹ đã có hàng chục lần đe dọa đánh thuế đối phương để buộc họ ngồi vào bàn đàm phán, dĩ nhiên là dành phần lợi cho Mỹ. Edward Alden, chuyên gia về chính sách thương mại tại Council on Foreign Relations (CFR) phân tích : « Tôi cho rằng cách duy nhất để hiểu những việc đó là phải công nhận tổng thống Trump là người thích các biểu thuế. Nhưng biểu thuế không phải là thứ vũ khí hiệu quả nhất. Thế nhưng ông Trump vẫn tin là đòn thuế sẽ gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh và có lợi cho kinh tế Mỹ ».

Thực tế kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vững chắc hơn dự báo trong quý 3 năm nay, khoảng 2,1%. Nhưng kết quả đó là do sức mua của người tiêu dùng và đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ .

Phải thừa nhận kinh tế Trung Quốc cũng lao đao vì các đòn thuế quan của Mỹ. Washington có thể giáng thêm đòn nặng nề vào nền kinh tế thứ 2 thế giới nếu như từ ngày 15/12 tới tiếp tục tăng thuế 15% đối với 160 tỷ đô la hàng tiêu dùng hàng ngày sản xuất tại Trung Quốc, trong đó có điện thoại di động và quần áo thể thao… Nhưng theo các nhà kinh tế, nếu tổng thống Mỹ không nhanh chóng xem lại quyết định của mình thì viễn cảnh đạt thỏa thuận thương mại chấm dứt cuộc thương chiến Mỹ - Trung sẽ không bao giờ có.

Trung Quốc giờ không còn là mục tiêu duy nhất của Mỹ nữa. Tổng thống Donald Trump hôm 02/12 thông báo áp thuế lên mặt hàng thép nhôm của Brazil và Achentina, đồng thời cân nhắc tăng thuế lên đến 100% đối với 2,4 tỉ đô la hàng tiêu dùng phổ biến của Pháp để trả đũa việc Paris đánh thuế các nhà khổng lồ tin học Mỹ, Google, Apple, Facebook và Amazon.

Chưa dừng lại đó, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho hay, chính phủ đang tìm hiểu xem liệu có nên mở các cuộc điều tra tương tự về thuế dịch vụ kỹ thuật số của Áo, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Trừng phạt bằng thuế giờ đây như là một bộ phận không tách rời với chính sách thương mại của Washington. Có điều là những đe dọa hay quyết định áp thuế của Nhà Trắng được đưa ra bởi một lãnh đạo có tính khí thất thường, khó lường như ông Donald Trump. Giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và là một chuyên gia về Trung Quốc, ông Eswar Prasad nhận xét : Tính khí đồng bóng, lúc nóng lúc lạnh của ông Trump sẽ làm cho các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ với các đối tác thương mại chính của mình trở nên bất trắc, khó hiểu. Thêm vào đó, những thay đổi bất ngờ giữa các cuộc thương lượng vốn đã phức tạp khiến cho các nhà đàm phán của Mỹ không biết đường nào mà hành động hay giải thích.

Trong khi đó, giới chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả và lo ngại những hậu quả từ các biện pháp thuế quan mới của ông Donald Trump có thể làm hỏng các cuộc đàm phán đang và sẽ diễn ra với các quốc gia ở châu Á và châu Âu.

Bên cạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cho đến giờ không nhìn thấy hồi kết, chính quyền Donald Trump vẫn không ngại mở rộng cuộc chiến thuế quan ra khắp các châu lục với mọi đối tác bất kể đó là ai, một cuộc chiến dường như không có mục tiêu rõ ràng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.