Vào nội dung chính
NATO - THƯỢNG ĐỈNH

Liệu thượng đỉnh Watford có thể cứu "não bộ" của NATO?

Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, 70 năm sau ngày ký kết, bị nhiều nước thành viên quan trọng nhất đặt vào thế thử thách tồn vong. Sinh nhật lần thứ 70 tại Watford, ngoại ô Luân Đôn, lẽ ra phải được tổ chức linh đình, có nguy cơ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng.

Trụ sở của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, tại Bỉ.
Trụ sở của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, tại Bỉ. REUTERS/Francois Lenoir
Quảng cáo

Lời qua tiếng lại giữa Mỹ và châu Âu cũng như giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, cột trụ ở bờ nam Địa Trung Hải đang gây cản trở cho liên minh. Paris muốn điểm hẹn Watford là cơ hội « để làm sáng tỏ » lập trường của mỗi thành viên. Còn Washington ?

NATO chết não bộ hay não bộ tổng thống Pháp đã chết ? Theo giới phân tích, tiếng bấc tiếng chì giữa Paris và Ankara xảy ra không đúng lúc.

Ông François Heisbourg, thuộc viện nghiên cứu chiến lược Pháp, có lẽ là người tóm lược chính xác hiện trạng của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương : « NATO là một công cụ phòng thủ gìn giữ hoà bình hiệu nghiệm và thành công ngoạn mục từ ngày thành lập. Trong suốt 70 năm, nhờ Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mà phần lớn lãnh thổ châu Âu được hoà bình. Đây là cơ hội để chào mừng sinh nhật chứ không phải để than vãn. Tuy nhiên, thế giới đã đổi thay, 70 năm là thời khắc có vẻ gần nấm mộ hơn là chiếc nôi em bé ».

Chuyên gia François Heisbourg mượn hình ảnh « nấm mộ » còn bác sĩ Macron định bệnh « chết não » để minh họa cho những vấn nạn đang làm tê liệt NATO.

Hồ sơ thứ nhất là tài chính, Donald Trump một mặt gây sức ép một cách thô bạo với đồng minh châu Âu, mặt khác quyết định giảm phần đóng góp. Để xoa dịu Hoa Kỳ, nước Đức của Angela Merkel thông báo và cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng từ 1,18% GDP (cách  nay 5  năm) lên 1,42% trong năm tới để đạt chỉ tiêu 2% vào năm 2030.

Đó là đáp án của Berlin vì Cộng Hoà Liên Bang Đức xem NATO là ô dù bảo vệ an ninh chống lại mọi đe dọa từ bên ngoài. Thế nhưng đối với Pháp thì hơi khác. Tổng thống Macron không muốn nói đến tiền đóng góp thêm vào ngân sách mà muốn NATO phải có một chiến lược mới : Phải định nghĩa ai là kẻ thù chung ? Quan hệ giữa các đồng minh phải như thế nào ? Mà trước tiên là Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo chuyên gia quốc phòng châu Âu, Nicolas Gros-Verheyde, Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Erdogan là « kẻ gây rối loạn trong nội bộ NATO chứ không phải vì xung khắc với Pháp mà thôi. Mua tên lửa S-400 của Nga, ký thỏa thuận biển với Libya để tranh giành vùng đặc quyền kinh tế của Hy Lạp, không thể xem là thái độ thân thiện với đồng minh. Đó là chưa kể Ankara tấn công truy sát lực lượng Kurdistan ở Syria, đồng minh của Tây phương trong cuộc chiến chống Daech ».

Về phần tổng thống Pháp, khi muốn kéo Nga vào bàn cờ an ninh Châu Âu, chủ nhân điện Kremlin gây bất bình cho Đức và nhất là các nước Đông Âu và Baltic từng bị Matxcơva kềm tỏa cho đến thập niên 1990.

Tổng thống Macron sẽ gặp đồng nhiệm Ba Lan để làm sáng tỏ lập trường.

Rạn nứt thêm hay hàn gắn ? Và để làm gì, theo mưu tính của Donald Trump?

Tình trạng bất đồng này, theo tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, sẽ làn rạn nứt Liên minh và vô tình đi đúng vào mong ước của Nga.

Tuy nhiên, cũng theo Jens Stoltenberg, cho dù thời gian họp thượng đỉnh chính thức chỉ có 3 tiếng đồng hồ vào ngày thứ Tư, các quyết định được thông qua đều quan trọng, bởi vì liên quan đến lãnh vực « hành quân phòng thủ NATO và đối phó với Trung Quốc, cường quốc chỉ đứng sau Mỹ về ngân sách quân sự».

Để xoa dịu Paris, tổng thư ký NATO có thể sẽ được trao nhiệm vụ thành lập ủy ban xem xét lại quan hệ với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được Donald Trump ủng hộ bằng hình thức này hay hình thức khác .

Huy động Châu Âu trong bối cảnh Mỹ đang đối đầu với Trung Quốc trong một loạt hồ sơ từ thương chiến cho đến Biển Đông và Hồng Kông có thể là mục tiêu chính của Washington tại Watford.

Theo nhật báo Pháp Le Figaro, trong những ngày gần đây, Washington tỏ ra hòa dịu với Liên minh. Một viên chức Nhà Trắng tuyên bố « tổng thống Donald Trump cam kết tăng cường sức mạnh của NATO và chuẩn bị đối phó với những mối đe dọa hiện tại và tương lai ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.