Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Vườn hồng L'Haÿ les Roses, ngoại ô Paris

Đăng ngày:

Khu vườn và cũng là khu bảo tồn đầu tiên trên thế giới dành cho « nữ chúa trong số các loài hoa » được hình thành từ 13 bộ sưu tập hoa hồng và niềm đam mê của một doanh nhân thành đoạt. Đầu thế kỷ 20, vườn hồng ở L'Haÿ les Roses, ngoại ô phía nam Paris, là vương quốc duy nhất dành riêng cho một loài hoa, biểu tượng của sắc đẹp, tình yêu và sự quyến rũ.

Lối đi trong vườn hồng ở L'Haÿ les Roses.
Lối đi trong vườn hồng ở L'Haÿ les Roses. Département Val de Marne
Quảng cáo

Từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm, vườn hồng Roseraie de L'Haÿ les Roses mở rộng cửa đón công chúng. Trong vườn, 2.900 loài hoa hồng cùng khoe sắc, hương thơm từ 11.000 cây và bụi hồng làm xao xuyến lòng khách tham quan. Từ giữa tháng 5 trở đi, vườn hồng và công viên hóa thân thành sân khấu ngoài trời với rất nhiều buổi hòa nhạc, đưa khán giả đến với những chân trời nghệ thuật xa lạ.

Vườn hồng chỉ là phần nhỏ trong một công viên hơn 13 hecta với những thảm cỏ xanh, những hàng thông hay tùng, bách hàng trăm năm tuổi. Xưa kia cơ ngơi này thuộc về nhà kim hoàn Henri Auguste, phục vụ vua Louis thứ 16 và hoàng đế Napoléon. Đến cuối thế kỷ thứ 19, quần thể này đổi chủ trở thành khu nghỉ dưỡng của gia đình Jules Gravereaux.

Chantal Pourrat, đặc trách về môi trường và không gian xanh của vùng Val de Marne và cũng là phó chủ tịch hội « Những Người Bạn của Vườn Hồng L'Haÿ les Roses », ngược dòng thời gian kể lại về thời điểm vườn hồng đầu tiên trên thế giới chào đời :

"Chủ nhân vườn hồng là nhà sưu tầm Jules Gravereaux. Ông đã tậu cơ ngơi này vào năm 1892. Là một doanh nhân giàu có, năm 48 tuổi, ông cùng với gia đình về nghỉ dưỡng và ở hẳn L'Haÿ. Cơ ngơi này thực ra là một công viên với nhiều cây cao bóng cả, với một ngôi biệt thự thiết kế theo kiểu của Đệ Nhị Đế Chế, nhìn ra thung thũng sông Bièvre.

Jules Gravereaux say mê với nghệ thuật chụp ảnh, suốt ngày ông giam mình trong một căn phòng tối đen để rửa ảnh, tráng phim. Bà Gravereaux lo lắng cho sức khỏe của chồng, nên khuyến khích ông ra vườn hít thở không khí, bà đề nghị ông thiết kế một vườn hoa. Năm 1894, Jules Gravereaux mời kiến trúc sư Edouard André tạo cho ông một vườn hồng với phong thái rất đặc thù của Pháp. Đó là một ngôi vườn đâu ra đấy, gọn gàng, với những hàng cây và lối đi thẳng thắp để trồng những giống hồng mà Gravereaux thu thập được từ những phương trời rất xa.

Năm 1910, công trình xây dựng hoàn tất. Điểm nổi bật trong vườn là một mái vòm soi bóng trong bể nước. Mái vòm đó là trục chính của vườn hồng, là biểu tượng của khu vườn ở L'Haÿ. Hình ảnh mái vòm được các loài hoa hồng phủ kín, được cả thế giới ngưỡng mộ. Vườn hồng này là nơi các bậc vương tôn công tử, giới quyền quý lui tới. Tổng thống Raymond Poincaré rất thích đến đây vào những ngày Chủ Nhật để ngắm hoa hồng. Năm 1914, thành phố L'Haÿ đổi tên thành L'Haÿ les Roses, tức là L'Haÿ của những bông hoa hồng".

Yêu hoa cũng phải có sự đam mê

Kiến trúc sư Edouard André quy hoạch lại toàn bộ 13 hecta thuộc gia đình Gravereaux, và dành một phần nhỏ để thiết kế một khu vườn dành cho 13 bộ sưu tập hoa hồng của chủ nhân ông cơ ngơi này. Đó là những giống hồng rất xưa mà Jules Gravereaux đã đem về từ những vùng đất rất xa xôi, như Đông Âu, châu Phi và thậm chí là những loài hồng chỉ có ở Mãn Châu, hay Kamchatka…

Thả bước trong vườn hồng L'Haÿ les Roses, theo một trình tự thời gian, khách tham quan sẽ làm quen với những loài hồng dại, rồi bộ sưu tập của Jules Gravereaux gồm nhưng loài hoa hồng từ Thời Cổ Đại cho đến thế kỷ 18, thế rồi những loại hồng leo, hồng bụi, giống hoa từ tòa lâu đài của hoàng hậu Joséphine, người vợ yêu của hoàng đế Napoléon I đem về, hay những cây hồng đã chu du hàng ngàn cây số từ châu Á để đến được L'Haÿ.

Sau cùng là cả một bộ sưu tập đồ sộ với hàng trăm giống hồng lai tạo. Vị cha đẻ của rất nhiều trong số ấy chính là Jules Gravereaux và con trai ông. Bởi đam mê mà nhà sưu tầm người Pháp này dành cho « nữ chúa của các loài hoa » tinh yêu vô bờ bến. Sát cạnh vườn hồng, Jules Gravereaux cho xây hẳn một « phòng thí nghiệm », mà ở đó ông và con trai không ngừng nghiên cứu, lai tạo để cho ra đời những giống hoa mới.

Vườn hồng Bagatelle, nảy sinh từ L'Haÿ les Roses

Ngay từ những ngày đầu mở cửa vườn hồng, những bậc quyền quý của cả kinh đô Ánh sáng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đều đã choáng ngợp trước hàng ngàn bụi hoa yêu kiều, quyến rũ. Bể nước là gương, soi bóng những bông hồng kiêu sa làm say đắm trái tim của biết bao người yêu hoa.

Chẳng thế mà thành phố Paris đã mời Jules Gravereaux cố vấn khi thiết kế vườn hồng Bagatelle trong khuôn viên rừng Boulogne, quận 16 Paris. Người ta thường nói vườn Bagatelle là « em gái » của vườn hồng ở L'Haÿ les Roses.

Tổng thống Pháp thời bấy giờ là Raymond Poincaré cũng đã bị khu vườn của gia đình Gravereaux thôi miên đến nỗi, chẳng những ông thường đến đây xem hoa vào những ngày cuối tuần, mà còn nhờ Jules Gravereaux phác thảo sơ đồ cho vườn hồng của điện Elysée. Những du khách sành điệu từ Mỹ, Anh, hay Nhật đến Pháp đều phải dừng chân ở L'Haÿ les Roses. Bulgari vốn được mệnh danh là chiếc nôi của loài hoa hồng cũng phải ganh tị vì vườn hồng của gia đình Gravereaux.

Nhiệm vụ bảo quản tài sản của thiên nhiên

Vườn hoa L'Haÿ les Roses không chỉ là nơi để những bông hoa hồng khoe sắc. Ngay từ đầu, Jules Gravereaux đã coi trọng nghĩa vụ bảo tồn những giống hồng cổ, còn được gọi là Roses Anciennes. Daniel Franchelin đặc trách về khâu bảo tồn vườn hồng tại L'Haÿ les Roses cho biết giống hồng lâu đời nhất trong khuôn viên này, đã được phát hiện từ 4 triệu năm trước :

"Cây hồng đã có trên trái đất trước cả loài người chúng ta. Các di thể hóa thạch cho thấy, những cây hồng đầu tiên đã xuất hiện khoảng từ bốn triệu năm nay. Ở đây, chúng tôi sưu tập và gìn giữ khoảng từ 150 đến 200 giống hồng dại, trước khi có bàn tay của con người can thiệp vào.

Công việc bảo quản này rất quan trọng, vì nó cho phép chúng ta ngược dòng thời gian, tìm hiểu về lịch sử của hoa hồng, về những cây hồng qua mọi thời đại. Chủ đích của vườn hồng ở L'Hay les Roses là bảo quản, gìn giữ những giống hồng xưa nhất có nguy cơ bị tuyệt chủng. Chủ nhân khu vườn này là Jules Gravereaux, ngay từ đầu đã chủ trương giữ cây hồng ở dạng nguyên thủy của chúng, tức là gồm cả hồng bụi, hồng leo hay cây thấp".

Bên cạnh 11.000 cây hồng đủ loại, khu vườn ở L'Haÿ les Roses còn là một viện bảo tàng, một trung tâm lưu trữ tài liệu về hoa hồng, về các loài hồng, về nghệ thuật cấy trồng và chăm sóc cho loài hoa đã đi sâu vào lòng người nhất. Cũng chính vì muốn đến gần với đại chúng, từ một vài năm nay, vùng Val de Marne đã cho số hóa các tài liệu về hoa hồng mà Jules Gravereaux từng thu thập được.

Damien Bernard, đại diện cho tập đoàn sản xuất máy in và photocopy Ricoh tại Pháp, giải thích về công việc số hóa các tài liệu về vườn hồng ở L'Haÿ les Roses, đưa chúng vào một kho lưu trữ ảo để bất kỳ một người yêu hoa nào ở năm châu cũng có thể tham khảo được :

"Để số hóa các tư liệu của vườn hồng, chúng tôi sao chụp lại 10.000 tấm bảng các-tông với đầy đủ chi tiết về mỗi loại cây trong vườn, thêm vào đó, còn phải kể tới hơn 100 cuốn sách, báo chuyên về hoa hồng. Công việc được thực hiện trong vòng ba tháng, hai người làm việc 35 giờ một tuần. Sau đó một chuyên viên kỹ thuật giúp chúng tôi xắp xếp lại các tài liệu nói trên một cách khoa học, xây dựng một thư viện ảo để các chuyên gia có thể tham khảo được từ xa".

Thu nhỏ trên 1,5 hecta, vườn hồng của Jules Gravereaux năm nào đến tận ngày nay vẫn là một điểm hẹn của giới yêu nữ chúa của loài hoa. Vào mùa hoa nở rộ, mỗi Thứ Bảy hàng tuần, tất cả các đám cưới tại L'Haÿ les Roses đều vào đây chụp hình. Thiết tưởng, để chụp ảnh lưu niệm ngày cưới, không có nơi nào ý nghĩa hơn khu vườn dành riêng cho sứ giả Tình Yêu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.