Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Ủ phân bón compost: Dân Paris chống lãng phí và bảo vệ môi trường

Đăng ngày:

Theo ADEME, Cơ quan quản lý môi trường và năng lượng của Pháp, hàng năm, các hộ gia đình thải ra khoảng 18 triệu tấn rác thải từ thực phẩm. Lượng rác này chiếm khoảng 1/3 tổng lượng rác thải sinh hoạt. Thiêu hủy, chôn lấp rác thải thực phẩm cùng các loại rác thải sinh hoạt khác gây lãng phí năng lượng và góp phần tạo thêm khí CO2.

© RFI/Clémence Denavit
Quảng cáo

Vì thế, theo luật chuyển đổi năng lượng 2015 của Pháp, đến năm 2025 tất cả rác thải thực phẩm có nguồn gốc thực vật sau quá trình chế biến thức ăn phải được thu gom và ủ thành phân hữu cơ hoặc chuyển đổi thành khí ga sạch.

Để hướng tới mục tiêu nói trên, trong những năm tới đây, ngoài các thùng rác sinh hoạt, rác giấy, nhựa và thủy tinh, các hộ dân, khu chung cư sẽ được trang bị thêm thùng rác dành riêng cho rác thải thực phẩm. Hệ thống thu gom rác thải thực phẩm « tận nguồn » đã được triển khai tại khoảng 100 thành phố, chẳng hạn Colmar, Montpellier, Lorient … Riêng tại thủ đô Paris, phương pháp này mới được thử nghiệm tại quận II và quận XII. Rác thực phẩm hiện được dùng để ủ phân bón sinh học compost.

Ủ phân bón chung : xu hướng phát triển mạnh ở vùng Paris

Ban đầu chỉ là các gia đình tự ủ compost, nhưng do nhiều nhà không có sân vườn hoặc nhà không đủ rộng, một xu hướng mới xuất hiện và ngày càng được quan tâm : ủ compost chung với hàng xóm trong chung cư hoặc theo khu phố, nhất là tại Ile-de-France, vùng Paris và phụ cận. Báo chí Pháp gần đây gọi đó là một « trào lưu », « xu hướng » xử lý rác thải mới của người dân vùng Paris.

Chuyên gia Houbron, người sáng lập công ty D-M compost giải thích với RFI Việt ngữ về quy tắc ủ phân compost : “Quy tắc vàng để bảo đảm ủ compost thành công là phải cân bằng tỉ lệ giữa các loại nguyên liệu. Có loại mà chúng tôi gọi là nguyên liệu ẩm ướt, tức là vỏ các loại trái cây và rau, vốn có nhiều nước. Đó là phần mà chúng tôi gọi là rác ướt, là phần xanh, có ni-tơ, đạm. Phần này phải được trộn với phần thứ hai, bao gồm chẳng hạn như lá cây khô, vụn bìa carton, và lý tưởng nhất các cành cây thu được sau khi cắt tỉa cây cối và được cho vào máy nghiền vụn ra.

Và nếu mọi người có được hỗn hợp gồm hai phần rác ướt và rác khô với tỉ lệ lý tưởng, trộn đều, đảo thường xuyên cho thoáng khí thì sau 9 tháng đến 1 năm sẽ có được phân bón compost, một chất trông giống như một loại đất và có thể dùng để chăm vườn cây, bón vườn rau hoặc là cho thêm vào đất trong các chậu cây trồng trong nhà, ví dụ như vậy”.

Để lưu ý và nâng cao ý thức của người dân về việc khai thác lợi ích từ rác thải nhà bếp, hồi đầu tháng 04/2019, Hiệp hội quốc gia Réseau Compost Citoyen tổ chức tuần lễ « Ủ phân bón gần nhà » với 700 sự kiện tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhân dịp này, tổ chức chống lãng phí thực phẩm Zero Waste France công bố bản đồ trực tuyến về các điểm ủ phân bón chung, có thể là trong khu vườn của một chung cư, hay khuôn viên của một cơ quan nhà nước, trung tâm hành chính, hiệp hội, cơ sở giáo dục, vui chơi giải trí hay một địa điểm công cộng …

Còn tại Paris và vùng phụ cận, trên trang web « Ủ phân bón trong thành phố » của Syctom, một cơ quan chuyên về rác thải sinh hoạt của Paris, những người muốn ủ phân bón từ rác thải thực phẩm có nguồn gốc thực vật mà không thể tự làm tại nhà có thể tìm được các thùng ủ phân bón chung gần nơi sinh sống nhất trong số tổng cộng gần 800 điểm được liệt kê.

Bắt đầu từ năm 2010, Paris có chính sách hỗ trợ người dân về phương tiện, dụng cụ và tư vấn về kỹ thuật ủ phân bón. Paris cũng đề ra « Plan Compost » (Kế hoạch ủ phân bón). Theo một cuộc thăm dò ý kiến do thành phố tiến hành năm 2015, 20% số người được hỏi cho biết họ ủ phân bón từ rác thải nhà bếp, 39% cho biết sẵn sàng tham gia chương trình. Về nhu cầu của người dân và đà phát triển của các điểm ủ compost chung, chuyên gia ủ phân compost Damien Houbron, người sáng lập công ty D-M compost giải thích thêm với RFI Việt ngữ :

“Vào năm 2010-2011, khi cuộc sống của tôi chuyển hướng, khi tôi nói tới ủ phân compost, đôi khi mọi người mở to mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Bây giờ thì nhờ truyền thông, ngày càng có nhiều người biết hơn về ủ phân bón sinh học từ rác thực phẩm. Vâng, đúng vậy, quả đúng là nhu cầu hiện đang rất lớn. Chính quyền các thành phố đều đưa ra các đề xuất, thông báo để các gia đình, những người cụ thể như chị, hay tôi, đều có thể ủ compost.

Trong thành phố Paris, quả đúng là nhu cầu tham gia của người dân là rất, rất cao, và chính quyền thành phố đáp ứng mong mỏi của người dân, cung cấp miễn phí dụng cụ, trang thiết bị cần thiết. Các điểm ủ compost chung đều có chuyên gia hỗ trợ để có thể hoạt động tốt. Ở vùng Val-de-Marne cũng tương tự”.

Với sự hỗ trợ của chính quyền thành phố, theo thống kê hồi tháng 06/2016 của Hiệp hội Compo’Story, Paris đã vươn lên đứng đầu cả nước về số lượng các điểm ủ phân compost chung, vượt xa Rennes và Besançon, vốn được coi là hai thành phố đi tiên phong về ủ phân bón từ rác thực phẩm.

Báo cáo tổng kết hồi tháng 01/2017 của DPE, Cơ quan quản lý vệ sinh và nước của thành phố, cho biết Paris có tổng cộng 484 điểm thu gom và ủ chung phân bón từ rác thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Đa phần người tham gia hoạt động này duy trì được lâu dài. Chỉ có 7% số người đăng ký rồi « bỏ cuộc ». Tuy nhiên, từ năm 2017 cho đến nay, con số các điểm thu gom và ủ compost đã tăng rất nhanh. Đài BFMTV hôm 16/09/2019 cho biết tại Paris có tới 500 chung cư có lắp đặt hệ thống ủ phân compost.

Tại một số quận, như quận 4, 12, 13, 14, 15 và 16 còn có hình thức ủ phân bón theo từng khu phố. Tại điểm Compos’13, với sự tham gia của 200 cư dân, mỗi tháng có 1,4 tấn rác thực phẩm được ủ thành phân bón, tương đương với 16 tấn/năm. Còn tại một điểm khác tại quận 15, 50 thành viên thu gom và ủ được 4,8 tấn/năm.

Các điểm ủ phân compost có gây phiền toái ?

Do việc ủ phân sinh học liên quan đến quá trình phân hủy của rác thực phẩm nên nhiều người lo ngại sẽ có mùi hôi bốc ra xung quanh, kéo theo chuột, bọ, làm mất vệ sinh, gây phiền toái cho những hộ dân sống trong khu vực, nhất là đối với những điểm ủ phân chung cho cả khu phố, với lượng rác thực phẩm thu gom được rất lớn. Trả lời những câu hỏi của RFI về nguy cơ này, chuyên gia Damien Houbron giải thích :

“Chúng tôi có các quy định, những quy định này khá đơn giản. Nếu lượng rác thực phẩm thu gom ở mỗi điểm ủ compost không vượt quá 1 tấn, tôi phải nói rõ là 1 tấn mỗi tuần, thì hầu như không có vấn đề gì. Khi đi lắp đặt các điểm ủ compost, đến đâu chúng tôi cũng nói rõ là cần tuân thủ quy định về khoảng cách, các điểm này cần nằm cách nhà dân vài mét hay vài chục mét để đảm bảo các gia đình không cảm thấy bị phiền toái.

Cần đào tạo tốt cho những người được gọi là référent (người giữ vai trò trung gian liên lạc và đảm bảo điểm ủ phân compost vận hành tốt) và thông tin cho tất cả những người tham gia ủ compost chung là mọi người phải tuân thủ các quy định, chỉ dẫn, theo đó chỉ được gom các loại vỏ rau, vỏ trái cây, bã cà phê, bã trà. Và nếu họ tuân thủ những quy định này, thì gần như chắc chắn là sẽ không có nguy cơ, phiền phức gì cho những người sống gần đó.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn nhắc là nếu mọi người không cẩn thận thì các thùng ủ compost sẽ bốc mùi hôi, nếu họ không chú ý thì có thể sẽ để lẫn cả rác từ các loại thịt, cá, chúng sẽ bốc mùi khó ngửi và có thể khiến chuột kéo đến. Chúng tôi đang cố gắng chuẩn bị, dự phòng trước để điều nói trên không xảy ra”.

Sự ra đời của những nghề mới

Sự phát triển hình thức ủ phân bón sinh học từ rác thải thực phẩm cũng tạo ra nghề mới là nghề làm chuyên gia tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ ủ phân compost, kèm theo đó là sự ra đời và phát triển của nhiều công ty chuyên về compost. Chuyên gia Damien Houbron chia sẻ với RFI Việt ngữ :

“Cuộc đời tôi thay đổi từ năm 2010-2011. Tôi làm nghề bán dược phẩm trong vòng hơn 20 năm, rồi tôi thấy nghề này có gì đó không còn phù hợp với tôi. Bước ngoặt của tôi đơn giản là từ một món quà nhân dịp Giáng Sinh. Có người tặng tôi một thùng ủ phân bón sinh học. Chỉ đơn giản nhờ thế mà cuối cùng tôi nhận thức được là thay vì vứt rác vào thùng rác thì chúng ta hoàn toàn có thể biến chúng thành phân bón, một cách vô cùng đơn giản, dễ dàng.

Đó là một bước ngoặt đối với tôi. Kể từ đó, cuộc sống của tôi sang trang. Ban đầu, tôi thành lập một hiệp hội có tên là “J’aime le vert” (Tôi yêu màu xanh) vào năm 2011, tại thành phố Alfortville, vùng Val-de-Marne (ngoại ô Paris). Hiệp hội này hiện vẫn đang hoạt động. Hiệp hội này sau đó cho phép tôi triển khai một hoạt động kinh tế để kiếm sống. Rồi tôi thành lập một doanh nghiệp có tên D-M compost, với mong muốn tư vấn cho mọi người về cách ủ phân sinh học. Năm 2013 là năm khởi đầu “cuộc phiêu lưu” của D-M compost. Hiện nay, công ty chúng tôi có 4 chuyên gia về ủ phân sinh học. Chúng tôi đưa ra các đề xuất và hợp tác với chính quyền các thành phố, hỗ trợ việc triển khai và duy trì các điểm ủ compost chung.

Chúng tôi cũng có các hoạt động khác, chẳng hạn như đào tạo, vì hiện nay đúng là có rất nhiều người muốn học về ủ phân bón compost. Có những khóa đào tạo để trở thành chuyên gia ủ compost hay người hướng dẫn ủ phân bón. Chúng tôi mở những khóa đào tạo như vậy. Chúng tôi cũng đang có một dự án mà trong tương lai sẽ là rất quan trọng. Đó là dự án về thu thập và xử lý rác thải tại một thành phố có hơn 15.000 dân trong vùng Val-de-Marne. Dự án này sẽ cho phép đáp ứng quy định được áp dụng từ năm 2025, theo đó tất cả mọi người, kể cả người dân, doanh nghiệp, nhà hàng và nhà sản xuất … đều phải phân loại rác thải”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.