Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp thắt chặt nhập cư, áp dụng chính sách "quota" theo ngành nghề

Đăng ngày:

Nhập cư hợp pháp vào Pháp thường đi theo ba con đường : nhân đạo, đoàn tụ gia đình và kinh tế. Ngày 06/11/2019, thủ tướng Edouard Philippe đã thông báo chính sách nhập cư mới gồm 20 biện pháp, trong đó chính phủ muốn mạnh tay chống nhập cư bất hợp pháp, tình trạng lạm dụng hệ thống bảo hiểm y tế, đồng thời muốn lựa chọn nhập cư thông qua việc tăng gấp đôi số lượng sinh viên nước ngoài vào năm 2027, thiết lập hạn ngạch (quota) nhập cư kinh tế...

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe trình bày các chính sách về nhập cư ngày 06/11/2019 tại Paris.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe trình bày các chính sách về nhập cư ngày 06/11/2019 tại Paris. Charles Platiau/Reuters
Quảng cáo

Với chính sách nhập cư trên, chính phủ Pháp muốn lập lại kiểm soát về nhập cư, theo phát biểu thủ tướng Edouard Philippe :

« Ý nghĩa chung trong hành động của chính phủ là « quyền tự chủ ». Chúng tôi muốn lấy lại quyền kiểm soát về chính sách nhập cư.

Lấy lại kiểm soát, đó là bày tỏ và đảm nhận những lựa chọn sáng suốt về mặt tiếp đón và hội nhập. Đó là làm thế nào để việc cấp thẻ cư trú thể hiện rõ hơn những nguyên tắc hoặc mục tiêu mà chúng ta đề ra hơn là ngồi thụ động, như tình trạng diễn ra từ rất lâu nay.

Lấy lại kiểm soát, đó là làm thế nào để khi chúng ta nói « Có », thì thực sự là « Có » và khi chúng ta nói « Không », thì có nghĩa là « Không ». Lấy lại kiểm soát, đó là kiên quyết đấu tranh chống mọi cách luồn lách quyền tị nạn, chống tình trạng nhập cư bất hợp pháp ».

Ngay từ tháng 10/2019, trong bài diễn văn trước các đại sứ Pháp, tổng thống Emmanuel Macron bày tỏ lo lắng « Pháp đang trở thành quốc gia châu Âu đứng đầu về đơn xin tị nạn », từ 100.000 đơn vào năm 2017, tăng lên 120.000 vào năm 2018 và 130.000 vào năm 2019. Theo ông, người nhập cư « đến vì chúng ta (Pháp) là một nước tổ chức khá tồi ». Vì vậy, chính sách nhập cư mới của Pháp được thủ tướng Philippe nhấn mạnh ở hai điểm « chống gian lận »« mở cửa ».

Thắt chặt kiểm tra để « chống gian lận »

Paris muốn cứng rắn chống gian lận trong việc lạm dụng hệ thống bảo hiểm y tế và phúc lợi xã hội, thông qua kiểu « du lịch y tế », khá phổ biến trong số người nhập cư. Vì vậy, vào tháng 10/2019, bộ trưởng Y Tế Pháp Agnès Buzyn thông báo hai biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng này. Thứ nhất, người xin tị nạn phải chờ ba tháng để được hưởng bảo hiểm y tế phổ quát (protection universelle maladie, PUMa) thay vì được hưởng ngay khi đăng kí tị nạn như hiện nay. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, họ tiếp tục được điều trị miễn phí ngay trong ba tháng này. Đối với người bị bác đơn xin tị nạn, thời hạn được hưởng bảo hiểm PUMa sẽ bị rút từ 12 tháng xuống còn 6 tháng.

Tương tự, đối với trường hợp người nước ngoài không giấy tờ, hiện được hưởng trợ giúp y tế Nhà nước (aide médicale d’Etat, AME) sau ba tháng sống ở Pháp, chính phủ muốn đối chiếu các hồ sơ AME và đơn xin thị thực « VISABIO » nhằm tránh tình trạng « nhiều người vào Pháp bằng visa để nhận trợ giúp y tế Nhà nước sau khi thị thực hết hạn ». Ngoài ra, nhà nước không đài thọ cho những điều trị không khẩn cấp trong 9 tháng đầu họ ở Pháp.

Những người từng được hưởng trợ cấp tị nạn (ADA) cũng sẽ không được tự động nhận RSA (revenu de solidarité active), một dạng trợ cấp dành cho người từng đi làm. Chính phủ cũng muốn giải quyết tình trạng gian lận trong việc nhận quan hệ cha-con theo chính sách đoàn tụ gia đình, nằm trong luật tị nạn và nhập cư tháng 09/2018, còn được gọi là « Luật Collomb ».

Ba trung tâm tạm giữ mới sẽ được xây thêm ở Lyon, Bordeaux và Olivet ngay từ năm 2020 để tăng khả năng tiếp nhận di dân bất hợp pháp chờ trục xuất.

Áp dụng chính sách nhập cư kinh tế theo « hạn ngạch »

Song song với mạnh tay chống gian lận, chính phủ Pháp cũng muốn thực hiện một chính sách nhập cư « mở cửa » nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho nhiều ngành nghề thiếu lao động, như xây dựng, nhà hàng, chăm sóc người cao tuổi, bán hàng... và cả kỹ sư tin học. Biện pháp được chính phủ hướng đến là ấn định hạn ngạch nhập cư kinh tế, theo giải thích của bộ trưởng Lao Động Muriel Pénicaud trên đài BFM TV (05/11) :

« Ý tưởng được đưa ra là cần có những mục tiêu theo số liệu rõ ràng, những hạn ngạch. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác xã hội, với các vùng, với Pôle Emploi, để tìm hiểu kiểu thiếu thợ lớp mái ở chỗ này hoặc thiếu thợ đo đạc ở chỗ kia, mà chúng ta không thể có được, dù tổ chức nhiều khóa đào tạo. Và trong thời gian chúng ta chưa thể có đủ thợ, chúng ta sẽ chấp nhận người nhập cư theo nghề nghiệp ».

Tổng cục điều phối nghiên cứu và thống kê (Direction de l’animation de la recherche, des études et des statistiques, Dares) và cơ quan Pôle Emploi sẽ lập danh sách những ngành nghề được cho là « căng thẳng » ngay từ tháng 07/2020 để có hiệu lực vào năm 2021. Danh sách này sẽ được cập nhật hàng năm sau khi tham vấn các nghị sĩ và « không được cạnh tranh với nhân công địa phương ».

Thực ra, Pháp đã triển khai chính sách nhập cư kinh tế. Theo số liệu của tổ chức OCDE, trong số 259.000 người nhập cư được Pháp cấp giấy tờ trong năm 2018, có hơn 33.000 thẻ cư trú được cấp vì lý do kinh tế (chỉ chiếm 13%), trong số này có 10.000 thẻ do hợp pháp hóa những người làm việc lâu năm ở Pháp, 15.000 thẻ cấp cho người nhập cư kinh tế, 8.000 người nhận được « giấy thông hành tài năng » (passeports talents), một chính sách được áp dụng từ năm 2008 để thu hút nhân tài.

Về việc áp dụng quota nhập cư kinh tế, bà Ekram Boubtane, giảng viên-nghiên cứu thuộc đại học Clermont Auvergne, nhận định với RFI :

« Khó có thể nói rằng biện pháp có thích đáng hay không mà cần phải xem biện pháp này được áp dụng như thế nào. Thủ tục hiện hành về nhập cư tại Pháp hơi phức tạp và không cho phép phản ứng nhanh đối với sự phát triển của thị trường lao động. Vì thế, nếu hệ thống hạn ngạch, được chính phủ tính đến, giúp công cụ này linh hoạt hơn và cho phép các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu về nhân lực, thì đó là biện pháp hay.

Nếu như chính sách hạn ngạch cho phép thu hút vào Pháp nhiều lao động có tay nghề mà thị trường đang cần, và nguồn nhân lực, dù mang bất kỳ quốc tịch nào đang có mặt tại Pháp, không đáp ứng được, hoặc kể cả những người tham gia thị trường lao động Liên Hiệp Châu Âu (lao động biệt phái hoặc người nước ngoài được tự do đi lại trong khối), thì trong trường hợp đó, sẽ có thêm nhiều việc làm mới và đây là một cách để thành công về kinh tế ».

Kiểm soát nhập cư : Tổng thống Macron hướng đến tái tranh cử ?

Trả lời phỏng vấn tuần báo Valeurs actuelles (cánh hữu), tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói : « Chúng ta đang đối mặt với tính đạo đức giả : các lĩnh vực nhà hàng và xây dựng không hoạt động được nếu không có nhập cư. Nói ngược lại là sai. Tôi muốn có nhập cư hợp pháp, có đăng kí, theo hạn ngạch, trong vòng chừng này năm, hơn là lao động biệt phái trá hình ».

Tuy nhiên, năm 2017, khi vận động tranh cử tổng thống, ông Macron từng phát biểu « không tin vào chính sách quota »« một quyết định như vậy gần như không thể tiến hành được ». Chính sách hạn ngạch nhập cư kinh tế từng được đề xuất dưới thời tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy và được ông François Fillon đưa vào chương trình tranh cử tổng thống năm 2017. Tuy nhiên, thay vì chọn quota theo quốc tịch, tổng thống Macron ưu tiên hạn ngạch theo ngành nghề.

Việc ông Macron trả lời phỏng vấn tuần báo cánh hữu cũng được cho là nhắm đến cử tri cánh hữu, đặc biệt là đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (Rassemblement National, RN) của bà Marine Le Pen. Một cuộc thăm dò của cơ quan Elabe cho đài BFM TV (06/11), 64% người Pháp ủng hộ hạn ngạch đối với nhập cư kinh tế. Có đến 86% cử tri từng bỏ phiếu cho ông François Fillon trong kỳ bầu tổng thống 2017 và 53% cử tri của bà Marine Le Pen ủng hộ chính sách quota nhập cư kinh tế.

Dù nội bộ đảng cầm quyền bị chia rẽ về chủ đề này, nhưng dường như ông Macron bắt đầu chuẩn bị để tái tranh cử tổng thống 2022, song mục tiêu trước mắt sẽ là cuộc bầu cử địa phương, diễn ra vào tháng 03/2020.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.