Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

« NATO chết não » : Macron muốn khai tử Liên minh Bắc Đại Tây Dương ?

Đăng ngày:

Ngày 06/11/2019, tuần san kinh tế Anh, The Economist, cho đăng toàn văn bài phỏng vấn với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó ông nói : « NATO hiện giờ đang trong trạng thái chết não ». Câu hỏi được đặt ra : Phải chăng nguyên thủ Pháp mong muốn chôn vùi Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương ?

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, trong một buổi họp báo bên lề thượng đỉnh NATO, tháng 7/2018.
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, trong một buổi họp báo bên lề thượng đỉnh NATO, tháng 7/2018. Ludovic Marin/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Có một điểm được hầu hết giới phân tích tại Pháp tán đồng : Những gì Emmanuel Macron nhận định chẳng có gì là mới mẻ cả. Với những lời lẽ « lịch sự » hơn, theo như nhận xét của ông Olivier Kempt, nhà nghiên cứu và là cộng tác viên cho Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS trên kênh truyền hình France 24, thì tổng thống Pháp chỉ nhắc lại những gì đồng nhiệm Mỹ, Donald Trump đã nói từ hai năm qua. Đó là : « NATO lỗi thời, phải chia sẻ gánh nặng chi phí, NATO để làm gì…. ? »

Cơn bão chính trị

Một điểm khác đáng chú ý là thời điểm trả lời phỏng vấn cũng không phải là một sự ngẫu nhiên, theo như quan sát của chuyên gia về NATO, bà Jenny Raflik, giáo sư Lịch sử đương đại về Quan hệ Quốc tế, trường đại học Nantes, trên làn sóng RFI tiếng Pháp :

« Chỉ còn có một tháng nữa là đến kỳ họp thượng đỉnh khối NATO nhằm thảo luận thực sự về mối quan hệ giữa các đối tác. Có thể nói, chương trình nghị sự như vậy là hợp lý.

Quả thực là NATO đang trong giai đoạn chuẩn bị cho thượng đỉnh ở Luân Đôn. Và nhất là bối cảnh kỷ niệm ngày sụp đổ Bức tường Berlin cũng có thể mở ra một cơ hội. Tôi nghĩ là phát biểu của tổng thống Pháp là nhằm thúc đẩy cuộc thảo luận bên trong NATO theo hướng thích ứng với hoàn cảnh mới ».

Vẫn theo giới chuyên gia Pháp, phát biểu của tổng thống Macron tuy có phần « hơi quá lời », nhưng đáng để suy ngẫm và tranh luận về vấn đề chính trị của khối. Trên nguyên tắc, NATO phải là chiếc cầu nối giữa châu Âu và Hoa Kỳ, cho phép đôi bên đối thoại về những vấn đề an ninh.

Về điểm này, chuyên gia Jenny Raflik có một số nhận xét về khối quân sự :

« Quả thật là NATO được thành lập trong một bối cảnh rất cụ thể : Đó là thời kỳ chiến tranh lạnh, nhằm chống lại mối đe dọa Xô Viết. Rồi các khái niệm chiến lược của NATO đã được xác định lại. NATO cũng thích nghi dần với thế giới đương đại.

Kể từ năm 1989, các khái niệm mới về chiến lược đã nhiều lần được công bố. Cuộc chiến chống khủng bố đã trở thành một trong những mục tiêu của liên minh, nhưng không chỉ có thế, mà còn bao gồm cả cuộc chiến chống bất ổn chính trị nữa, vốn dĩ có thể là một yếu tố xung đột. Có thể nói, trong các tài liệu của mình, NATO đã thể hiện sự thích ứng thật sự với hoàn cảnh địa chính trị thế giới ».

Điều khoản số 4 và 5 : Điểm yếu của NATO ?

Thế nhưng, trong bối cảnh thế giới đang tiến dần đến hướng bị điều hành bởi cặp đôi Mỹ và Trung Quốc, châu Âu lại hầu như vắng bóng. Việc Hoa Kỳ có những quyết định đơn phương trong các hồ sơ quốc tế quan trọng như rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và triệt thoái quân khỏi vùng đông bắc Syria đã khiến các nước thành viên khác rơi vào thế « chơi vơi ». Do vậy, không phải vô cớ mà nguyên thủ Pháp trả lời « Tôi không biết » khi được hỏi rằng liệu ông có thực thi điều khoản số 5 nếu như Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO - bị Syria tấn công hay không.

Ông Jean-Pierre Maulny, trợ lý giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) lưu ý thêm :

« Khối NATO không chỉ có điều khoản số 5 - điều khoản hỗ trợ lẫn nhau khi một thành viên bị tấn công - mà còn có cả điều số 4, quy định rằng ʺCác bên sẽ phải tham vấn lẫn nhau về ý kiến của một trong số các thành viên mỗi khi vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh của một nước trong khối bị đe dọaʺ ».

Vấn đề là khi Hoa Kỳ đơn phương hành động không tham vấn các nước đồng minh, bản thân tổ chức NATO cũng không có ý định thực hiện đầy đủ vai trò của mình là đã không lên tiếng nhắc Washington làm đúng bổn phận của mình trong những hồ sơ trên. Tương tự, việc Thổ Nhĩ Kỳ - một nước thành viên của NATO cũng đơn phương quyết định mở chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria đã đặt đồng minh Pháp vào một thế nguy hiểm trước mối họa quân thánh chiến Daech được tự do và đe dọa an ninh nước này.

Chi phí quốc phòng : Chuyện xưa !

Nhìn từ góc độ trên, ông Olivier Kempt nhận định vấn đề cốt lõi ở đây chính là mối quan hệ giữa châu Âu và Hoa Kỳ :

« Đây là một vấn đề kép. Trước tiên, đó là một vấn đề của Mỹ và là một vấn đề của châu Âu. Hoa Kỳ muốn gì ? Tại sao ? Bởi vì ngày nay, cho dù ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có những tuyên bố gì đi chăng nữa, Hoa Kỳ cho rằng giờ đây châu Âu không phải là một vấn đề và cũng không phải là một giải pháp. Ưu tiên chiến lược hiện nay của Hoa Kỳ là Trung Quốc. Do vậy, Mỹ và châu Âu lại quay trở về cuộc tranh luận cũ xưa, đó là chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự. Thực ra, vấn đề đã nẩy sinh từ những năm 1960, ngay giữa thời kỳ chiến tranh lạnh.

Thế rồi vấn đề này lại được tổng thống George Bush Jr nhắc đến, tổng thống Obama cũng nhắc lại tương tự và thậm chí còn đối xử với châu Âu như là một hành khách đi chui vé. Quả thực điều này cũng đúng. Vả lại, thực ra, một trong những ích lợi của NATO là cho phép các nước thành viên châu Âu tiết kiệm các khoản chi phí quốc phòng chiến lược, phần lớn là nhờ có bảo đảm an ninh từ phía Mỹ.

Chính vì điều này mà Đức rất muốn duy trì NATO. Bởi vì nước Đức tư duy dưới góc độ địa kinh tế chứ không phải là địa chính trị. Họ cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn khi giao phó việc bảo đảm an ninh với một hệ thống theo kiểu « cứ để nguyên đấy ».

Duy chỉ có vấn đề là thế giới đã trải qua chiến tranh lạnh, rồi chuyển qua thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Giờ đây, thế giới đã thay đổi và chúng ta đang ở trong thời kỳ sau hậu chiến tranh lạnh và chứng kiến Brexit, Donald Trump đắc cử tổng thống, sự trỗi dậy của Trung Quốc, cuộc khủng hoảng chính trị tại châu Âu như mô tả của ông Jean-Claude Junker khi nói về vấn đề châu Âu…. Tóm lại, câu hỏi hiện nay là chúng ta phải làm gì trước thế giới mới này ? »

Do đó, theo quan điểm của Olivier Kempt, vấn đề gia tăng đóng góp chi phí quân sự chưa hẳn là điều tối quan trọng :

« Nhưng nhất là vào năm 2031, đó không phải là vấn đề chi tiền. Câu hỏi đặt ra là vì sao chúng ta phải tập hợp với nhau. Đó mới là chủ đề thật sự. Tại sao chúng ta, những nước châu Âu nên hợp sức nhau mà không là với Mỹ ? Ưu tiên chiến lược của Mỹ là Trung Quốc, phải chăng đó cũng là ưu tiên của chúng ta ? Liệu chúng ta có nên theo Mỹ để cứu vãn liên minh hay không ? Mỹ, Trung Quốc hay thậm chí các mục tiêu chiến lược khác của bản thân chúng ta đó mới chính là vấn đề nên được đặt ra ! »

Nga : Một đối tác không thể thiếu cho an ninh châu Âu ?

Như vậy, khi thẳng thắn chỉ trích hiện trạng NATO, tổng thống Pháp Macron muốn xem xét lại mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Theo nhà phân tích Jean-Pierre Maulny, thông điệp mà nguyên thủ Pháp đưa ra rất rõ ràng :

« Trước tình hình này, châu Âu phải nắm lấy vận mệnh của mình trong lĩnh vực an ninh vì nếu không lãnh thổ của chúng ta sẽ không được bảo vệ và Liên Hiệp Châu Âu sẽ không có một tiếng nói trọng lượng nào trên trường quốc tế. Nên nhắc nhở các công dân rằng không có quân đội NATO, mà chỉ có quân đội quốc gia, những lực lượng có thể hành động trong khuôn khổ khối NATO cũng như là trong nhiều khuôn khổ khác. »

Vẫn theo những giải mã của ông Jean-Pierre Maulny, để có thể tự bảo đảm an ninh, tổng thống Pháp cho rằng, một mặt, Liên Hiệp Châu Âu có thể tự phát triển các năng lực quân sự thông qua cơ chế phối hợp cơ cấu thường trực và Quỹ Quốc Phòng châu Âu. Nguyên thủ Pháp tin rằng « châu Âu không thể nào dựa dẫm mãi vào sự trợ giúp của Washington ».

Tự xây dựng năng lực quân sự cũng không có nghĩa là chối bỏ NATO, bởi vì chính các lực lượng quân đội của các nước thành viên Liên Hiệp sẽ được tăng cường và có thể phục vụ cả trong khuôn khổ của NATO lẫn Liên Hiệp Châu Âu.

Mặt khác, tổng thống Macron nhắc đến cơ cấu an ninh toàn châu Âu với Nga. Ông Maulny lưu ý cơ chế này không phải để đối kháng với NATO. Đây là một khái niệm đã có từ thời cố tổng thống François Mitterand, mong muốn có một cuộc đối thoại an ninh thường trực với Nga về vấn đề an ninh cho toàn châu lục.

Thiện chí xích lại gần Nga trong lĩnh vực này đã được nguyên thủ Pháp không ít lần nhắc đến, theo như quan sát của chuyên gia về NATO, Jenny Raflik trên đài RFI :

« Đây không phải là lần đầu tiên ông Macron chìa tay với Nga. Bởi vì ông đã có một tuyên bố tương tự như thế hồi cuối tháng 8/2019. Lúc đó, ông có nói đến dự án về một cơ cấu an ninh châu Âu mới với nước Nga của ông Vladimir Putin. Đúng là tổng thống Pháp đang đi theo chiều hướng này ».

Trong nhãn quan của lãnh đạo Pháp, 30 năm sau ngày Bức tường Berlin sụp đổ, châu Âu không thể trong tình trạng căng thẳng thường trực với Nga. Điều đó cũng không đồng nghĩa với việc châu Âu phải nhân nhượng mọi đòi hỏi của Nga. Đương nhiên, cơ chế an ninh này sẽ không phải là một liên minh quân sự, cũng không làm biến mất NATO và cơ chế này sẽ được đặt trên bình diện khác.

Chỉ có điều để thực hiện được cơ chế này, ông Macron phải vượt qua một « cửa ải » lớn : Làm thế nào thuyết phục các nước ở Bắc và Đông Âu trong Liên Hiệp, vốn rất quan ngại trước mối đe dọa trỗi dậy từ Nga, những nước luôn bày tỏ thái độ : « Đừng chọc giận ông Trump, bằng không ông ấy sẽ ngưng bảo vệ chúng ta đối phó với Nga ». Nói tóm lại, quân cờ hiện đang trong tay điện Elysée !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.