Vào nội dung chính
BOSNIA - PHÁP

Đại sứ Pháp tại Bosnia bị triệu mời vì những phát biểu của TT Macron

Bài phỏng vấn mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron dành cho tuần báo Anh The Economist tiếp tục khuấy động quan hệ giữa Paris và một số nước. Tổng thống Bosnia Zeljko Komsic vào hôm qua, 08/11/2019 đã triệu mời đại sứ Pháp tại Sarajevo về vụ tổng thống Pháp đã mệnh danh Bosnia là “quả bom nổ chậm” với việc các công dân nước này tham gia thánh chiến ở Cận Đông hồi hương.

Ông Zeljko Komsic (t) là đại diện người Croatia trong cơ chế "tổng thống tập thể" nước Bosnia-Herzegovina. Ảnh chụp tại Sarajevo, ngày 01/03/2012.
Ông Zeljko Komsic (t) là đại diện người Croatia trong cơ chế "tổng thống tập thể" nước Bosnia-Herzegovina. Ảnh chụp tại Sarajevo, ngày 01/03/2012. AFP PHOTO/ELVIS BARUKCIC
Quảng cáo

Trong một bản thông cáo, nội các của tổng thống Komsic người Croatia, hiện đang làm tổng thống luân phiên của Cộng Hòa Bosnia-Herzegovina, đã giải thích rằng nguyên thủ quốc gia Bosnia đã trình bày với đại sứ Pháp, Guillaume Rousson, những “số liệu chính xác” về số lượng công dân Bosnia đã hay đang đi theo thánh chiến.

Thông cáo nói rõ là tổng thống Bosnia đã nhấn mạnh rằng nước ông đã “tích cực tham gia thành công vào cuộc chiến chống khủng bố” (...) và Pháp cũng nhu các quốc gia khác “có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Bosnia” trong lĩnh vực này.

Bản thông cáo tuy nhiên đã không đả động gì đến các phát biểu của tổng thống Pháp với tờ The Economist, theo đó ông Macron xác định rằng ông lo ngại về tình hình Bosnia nhiều hơn là về các nước khác trong vùng Balkan như Macedonia hay Albania.

Theo ông Macron, do việc nhiều công dân nước này trước đây đã qua vùng Cận Đông tham gia thánh chiến cỏ nguy cơ trở về nước, Bosnia-Herzegovina sẽ trở thành một quả bom nổ chậm nằm ngay cạnh Croatia, một thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Phát biểu của tổng thống Pháp đã gây nên nhiều phản ứng dữ dội tại Sarajevo, đặc biệt trong giới lãnh đạo Hồi Giáo.

Mới đây, thủ tướng Bosnia Denis Zvizdic cho biết có khoảng 100 công dân Bosnia hiện đang bị cầm giữ trong các trại ở miền bắc Syria. Hàng chục người đàn ông đã trở về nước và hầu hết đã bị đưa ra xét xử. Vấn đề là nhiều bản án đối với các phần tử này đã bị coi là quá nhẹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.