Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Sở hữu căn hộ Paris : Giấc mơ ngày càng xa vời, khó tới

Đăng ngày:

Paris là một trong những thành phố có giá bất động sản cao nhất thế giới. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới được Phòng công chứng vùng Paris và Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp INSEE công bố vào đầu tháng 09/2019, tính trung bình, giá căn hộ tại thành phố Paris trong quý 2 năm 2019 (tháng 4-5-6) vẫn không ngừng tăng, đạt ngưỡng 10.000 euro/m2.

Tính trung bình, giá căn hộ tại thành phố Paris trong 3 tháng quý 2/2019 đạt ngưỡng 10.000 euro/m2.
Tính trung bình, giá căn hộ tại thành phố Paris trong 3 tháng quý 2/2019 đạt ngưỡng 10.000 euro/m2. RFI/Vietnam
Quảng cáo

Đắt nhất là căn hộ trong các quận trung tâm như quận 1, 4, 6. Giá căn hộ ở khu phố Odéon, quận 6 thậm chí còn lên đến mức hơn 17.000 euro/m2. Chỉ sau một năm, giá chung cư Paris tăng 6,3%. Còn nếu tính từ năm 2009, giá chung cư đã tăng 57%. Một căn hộ có giá khoảng 2.800 euro/m2 hồi năm 2000 nay có thể đã tăng 248%.

Và điều đáng nói là đây mới chỉ là giá trung bình của những căn hộ trong các tòa nhà cũ, chứ không phải giá nhà riêng hay căn hộ trong các khu nhà hiện đại, tiện nghi mới xây. Tính trung bình trong cả nước, nếu 10 năm qua, giá bất động sản tăng 10%, thì tỉ lệ này ở Paris lên tới 60%. Kể cả tại hai thành phố có giá bất động sản cao nhất nước Pháp, chỉ sau Paris, là Bordeaux và Lyon, thì giá căn hộ cũng chỉ bằng chưa đến một nửa giá tại Paris.

Mặc dù giá bán căn hộ trong ba tháng quý hai năm 2019 tăng chóng mặt, 10% (quận 6), 13% (quận 8), nhưng số lượng các vụ giao dịch tại thủ đô nước Pháp cũng tăng 10%, đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2017. Điều này cho thấy nhu cầu mua căn hộ ở Paris vẫn rất cao. Theo báo Le Parisien ngày 05/09/2019, trang Meilleurs Agents chuyên đánh giá bất động sản cho biết trong nội thành Paris, số người tìm mua nhà nhiều hơn 26% so với số người rao bán nhà.

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, giá căn hộ ở Paris sẽ tiếp tục tăng 6% trong 12 tháng tới đây.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, giá căn hộ ở Paris sẽ tiếp tục tăng 6% trong 12 tháng tới đây. RFI/Vietnam

Cuộc « trốn chạy » khỏi Paris

Ai là những người có thể trở thành chủ sở hữu một căn hộ Paris ? Trả lời trên đài truyền hình France 3, một thanh niên nói vui là bây giờ chỉ « trúng số độc đắc » thì mới có cơ may mua được nhà ở Paris. Trên thực tế, theo Meilleurs Agents, với giá nhà như hiện nay, phần lớn dân Paris chỉ có thể mua được căn hộ rộng 22m2, chỉ có 24% dân có đủ khả năng mua căn hộ 36m2. Còn báo Le Monde cho biết theo tính toán của các nhân viên của công ty môi giới ngân hàng Vousfinancier, một hộ gia đình cần có thu nhập 11.000 euro/tháng, cao gấp hàng chục lần mức lương tối thiểu của một người, thì mới có thể vay tiền ngân hàng mua một căn hộ 75m2 trong nội thành Paris.

Chính giá bất động sản « cao chót vót » đã khiến giấc mơ sở hữu một căn hộ ngày càng khó thành hiện thực đối với rất nhiều người dân và khiến nhiều hộ gia đình, nhất là các gia đình có con nhỏ, phải chuyển ra ngoại thành hoặc chuyển về các tỉnh thành khác sinh sống, kể cả các gia đình trung lưu. Đó là trường hợp của cô Sigrid. Đều là công chức cao cấp, kiếm được 8.000 euro/tháng, nhưng hai vợ chồng cô vẫn không thể mua được một căn hộ ở Paris. Họ chuyển về ở thành phố Tours - cách Paris hơn 1 tiếng đi tàu, nhưng vẫn đi làm ở Paris. Trả lời phỏng vấn của đài RFI, cô Sigrid chia sẻ :

« Đối với tôi, giá căn hộ ở Paris dường như là cao đến mức hoang tưởng, gần bằng giá ở Luân Đôn hay New York, cái giá mà rất ít người, thực sự là rất, rất ít người có thể mua được. Tôi là công chức cao cấp trong một cơ quan Nhà nước. Chồng tôi là công chức cao cấp quản lý doanh nghiệp, nhưng không có tiền chung dành dụm của hai vợ chồng, chúng tôi không thể mua nhà được.

Tôi sắp 40 tuổi và đây là đã đến lúc sở hữu một căn hộ phù hợp với chúng tôi, tức là gồm 2 phòng ngủ, một phòng khách riêng và bếp riêng theo đúng nghĩa. Nhưng mua căn hộ ở Paris là điều không thể, ở các thành phố ngoại ô gần Paris thì cũng vậy, chúng tôi cũng không thể mua được. Vì thế, rất nhanh, chúng tôi chuyển về tỉnh, nhưng là nơi có tàu cao tốc TGV chạy đến. Ở đó, chúng tôi mua nhà với giá 2.000 euro/m2, ngôi nhà rộng 230 m2 với 1.000m2 vườn.

Bây giờ, một tuần của tôi chia thành hai phần, hai ngày ở nhà và ba ngày đi làm ở Paris. Thời gian đi lại là 2 tiếng buổi sáng và 2 tiếng buổi tối. Đây là sự thay đổi gần như hoàn toàn, nhưng khá dễ chịu ».

Sở hữu một căn hộ ở Paris là điều ngày càng khó đạt được, ngay cả với giới trung lưu. Ảnh chụp từ Pont des Arts, Paris.
Sở hữu một căn hộ ở Paris là điều ngày càng khó đạt được, ngay cả với giới trung lưu. Ảnh chụp từ Pont des Arts, Paris. RFI/Vietnam

Những người có lựa chọn như cô Sigrid không phải là hiếm. Nhà xã hội học Jean Viard, giám đốc nghiên cứu hợp tác với Trung tâm nghiên cứu chính trị Cevipof của Trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po nói đến « cuộc trốn chạy » khỏi Paris của các gia đình. Theo chuyên gia Viard, nhiều người đến Paris để học hành và bắt đầu cuộc sống lứa đôi. Khi cuộc sống ổn định và con cái chào đời, nhiều công chức quyết định rời thủ đô vì họ không có đủ tiền để thuê hay mua một căn hộ tiện nghi. Nếu phải chọn, họ muốn chuyển ra ngoại thành hay về tỉnh sống và hàng ngày đi tầu đến Paris làm việc hơn là phải thay đổi chỗ làm. Đối với nhà xã hội học Jean Viard, Paris không phải là thành phố mà các cặp đôi có con có thể dễ dàng trụ lại được.

Nếu như trước đây, các gia đình thường lựa chọn vùng ngoại ô Paris, thì nay các thành phố lớn ở tỉnh lại được ưa chuộng nhiều hơn, nhất là các thành phố chỉ cách Paris một vài giờ tàu, như Rennes, Nantes, Bordeaux, Lille : các thành phố này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với dân thủ đô do ngày càng có nhiều dịch vụ, đời sống văn hóa và chất lượng cuộc sống đều được cải thiện hơn nhiều so với ngoại ô Paris.

Nguyên nhân và hệ lụy

Tại sao giá bất động sản tại Paris lại tăng chóng mặt đến như vậy ?Trả lời đài France Info ngày 05/09/2019, nhà xã hội học Jean Viard, giám đốc nghiên cứu hợp tác với Trung tâm nghiên cứu chính trị Cevipof của Trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po gọi Paris là thành phố của các quan chức có thu nhập cao, Paris đã trở thành một thành phố của thế giới chứ không còn là thành phố của nước Pháp, với nhiều tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp quốc tế lớn, những vị trí được trả lương rất cao. Những quan chức cao cấp, những người có thu nhập « khủng » đang dần thay thế tầng lớp bình dân và trung lưu ở Paris.

Nhìn rộng ra, phần nào đó là do quỹ đất để Paris xây dựng thêm nhà ở mới là rất ít. Trong khi đó, những mạng lưới cho thuê căn hộ du lịch trực tuyến như Airbnb lại bùng nổ quá nhanh, gián tiếp thu hẹp quỹ nhà ở của người dân và đẩy giá nhà càng cao. Airbnb đã trở thành « kẻ thù không đội trời chung », không chỉ của giới kinh doanh khách sạn ở Paris, mà cả của chính quyền thành phố. Đó là chưa kể đến việc Paris ngày càng thu hút giới đầu tư nước ngoài giàu có, mua nhà tại Paris làm chỗ ở thứ hai, chỉ để thi thoảng đến ở, thời gian còn lại là « khóa cửa, để không ». Từ năm 1999 đến năm 2016, số chỗ ở kiểu này đã tăng 58%, hiện chiếm 8% quỹ nhà ở của thành phố.

Vậy, chính quyền Paris có giải pháp gì để hạn chế tình trạng khan hiếm chỗ ở và giá chung cư tăng quá nhanh ? Dân biểu Ian Brossart, trợ lý thị trưởng Paris, chuyên trách các vấn đề về nhà ở, phát biểu trên đài RFI :

« Tôi nghĩ rằng cần phải xóa bỏ những hiện tượng đang gây hại cho chúng ta, nhất là việc ngày càng có nhiều căn hộ là chỗ ở thứ hai, tức là những căn hộ mà người chủ chỉ ở vài tuần mỗi năm, những chủ nhà này là người nước ngoài giàu có. Tôi muốn là chúng tôi có thể áp mức thuế nhà cao hơn đối với các căn hộ là chỗ ở thứ hai bởi vì sự phát triển của kiểu chỗ ở này ảnh hưởng đến các tầng lớp trung lưu ở Paris. Chúng tôi đề xuất với Nhà nước như vậy.

Tại Paris, hiện giờ có 100.000 căn hộ không có người ở, tức là 100.000 căn hộ để trống hoàn toàn. Chúng tôi cũng muốn là có thể trưng dụng một số căn hộ kiểu này để có chỗ ở cho người dân Paris. Nhưng rất tiếc là quyền trưng dụng lại thuộc về tỉnh trưởng. Vì thế, chúng tôi đề nghị là quyền trưng dụng nhà phải được giao cho chính quyền thành phố để chúng tôi có thể sử dụng các căn hộ đó. Cá nhân tôi thì tôi muốn có giai đoạn phân quyền mới, tức là Nhà nước trao cho chính quyền thành phố phương tiện để giải quyết các vấn đề này ».

Tính từ năm 2009, giá chung cư đã tăng 57%. Ảnh chụp từ Khải Hoàn Môn, Paris.
Tính từ năm 2009, giá chung cư đã tăng 57%. Ảnh chụp từ Khải Hoàn Môn, Paris. RFI/Vietnam

Việc giá nhà Paris bị đẩy lên quá cao cũng đã gây ra nhiều hệ quả về mặt xã hội. Hàng năm, có khoảng 10.000-12.000 người rời bỏ thành phố. Paris đang đối mặt với vấn đề « suy thoái dân cư », kéo theo đó là tình trạng « xói mòn bản sắc văn hóa ». Vấn đề nhà ở Paris sẽ là một trong những chủ đề quan trọng trong chương trình tranh cử của các ứng viên cho chức đô trưởng Paris dự kiến diễn ra vào tháng 03/2020. Trong khi chờ đợi, các chuyên gia bất động sản dự báo giá căn hộ ở Paris sẽ tiếp tục tăng 6% trong 12 tháng tới đây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.