Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Bảo tàng Giải Phóng Paris, một biểu tượng cho nền tự do của thành phố

Đăng ngày:

Sau bốn năm bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, thủ đô Paris của Pháp được giải phóng vào ngày 25/08/1944. Nhân dịp 75 năm sự kiện này, vào đúng ngày 25/08/2019, bảo tàng Giải Phóng Paris, tọa lạc trong một tòa nhà ở quảng trường Denfert-Rochereau, quận 14, mở cửa đón công chúng.

Nhiều bộ quân phục của các vị tướng, chỉ huy, binh sĩ và vật dụng cá nhân của những người tham gia kháng chiến được trưng bày trang trọng tại bảo tàng.
Nhiều bộ quân phục của các vị tướng, chỉ huy, binh sĩ và vật dụng cá nhân của những người tham gia kháng chiến được trưng bày trang trọng tại bảo tàng. RFI/Vietnam
Quảng cáo

Thực ra, trước đây, bảo tàng nằm ở tầng trên của ga Montparnasse, một ga tàu lớn của Paris. Lối vào bảo tàng không được chỉ dẫn rõ ràng, khó tìm, khó đi, nên cho dù có từ năm 1994, nhưng bảo tàng vẫn không thu hút được đông du khách như chính quyền thành phố mong đợi. Tính trung bình, mỗi năm chỉ có 14.000 người tới thăm, một con số khiêm tốn so với giá trị lịch sử đích thực của công trình vốn mang ý nghĩa biểu tượng về nền tự do của Paris.

Chính quyền thành phố hy vọng bảo tàng mới, với cách dẫn dắt mới, sẽ thuyết phục được công chúng tại một thành phố vốn được coi là « thiên đường » của các bảo tàng, với nhiều công trình văn hóa lịch sử hoành tráng. Trong tháng đầu sau khi mở cửa, bảo tàng đã thu hút khá đông du khách, những người ưa thích tìm hiểu lịch sử và gắn bó với Paris. Theo ghi nhận của phóng viên RFI Việt ngữ khi đến thăm bảo tàng, không chỉ có người Pháp mà còn có rất nhiều người nước ngoài, người Anh, Mỹ …không chỉ có những người cao tuổi mà cả rất đông thanh niên, học sinh, sinh viên.

Bảo tàng Giải Phóng Paris có khoảng 7.000 hiện vật, tư liệu lưu trữ quý giá.
Bảo tàng Giải Phóng Paris có khoảng 7.000 hiện vật, tư liệu lưu trữ quý giá. RFI/Vietnam

Với tên đầy đủ là bảo tàng Giải Phóng Paris - bảo tàng tướng Leclerc - bảo tàng Jean Moulin, công trình dành nhiều không gian giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của hai gương mặt Pháp nổi bật trong Đệ Nhị Thế Chiến, và nhất là công cuộc giải phóng Paris khỏi ách Đức Quốc Xã. Cuộc hành trình qua các phòng trưng bày sẽ mang lại cho người xem những cảm nhận chân thực về Đệ Nhị Thế Chiến, về Paris qua những mốc thời gian quan trọng, từ khi thành phố bị phát xít Đức chiếm đóng, đánh phá vào năm 1940, cho tới khi tìm lại được tự do vào năm 1944.

Đồng hồ, khuy áo, móc đeo chìa khóa ... của những người lính hy sinh đã được đồng đội họ lưu giữ..
Đồng hồ, khuy áo, móc đeo chìa khóa ... của những người lính hy sinh đã được đồng đội họ lưu giữ.. RFI/Vietnam

Bảo tàng mới tại quảng trường Denfert-Rochereau quy tụ được 7.000 hiện vật, từ những chiếc đèn pin, mặt nạ chống hơi độc, bộ sưu tập vải may quân phục cho sư đoàn thiết giáp số 2, chiếc áo hay cây gậy của tướng Leclerc, ghế ngồi hay va li của Jean Moulin … cùng hàng ngàn tài liệu nguyên bản, ảnh, sách báo, tư liệu lưu trữ, và hơn 125 bản ghi hình, ghi âm lời kể của các nhân chứng của cuộc chiến … Điều thú vị nhất với nhiều người có lẽ là cơ hội được xuống hầm chỉ huy của đại tá Henri Rol Tanguy, lãnh đạo lực lượng kháng chiến của vùng Paris, một trong những vị chỉ huy tiếng tăm trong công cuộc giải phóng Paris.

Hầm chỉ huy của đại tá Henri Rol Tanguy

Được xây dựng năm 1938 làm khu vực trú ẩn và hoạt động của các cơ quan hành chính đề phòng trường hợp Paris bị ném bom, nhưng trên thực tế, trong thời kỳ Paris bị chiếm đóng, khu hầm chỉ « đóng cửa, để không ». Khu tầng hầm rộng khoảng 600 m2, nằm sâu lưới lòng đất, cách mặt đất hơn 20m, khoảng hơn 100 bậc cầu thang. Hầm được đại tá Tanguy sử dụng làm « đại bản doanh » chỉ trong vài ngày, dù là ngắn ngủi nhưng mang ý nghĩa quyết định đối với công cuộc giải phóng Paris những ngày nửa cuối tháng 08/1944. Trong một phóng sự trên đài France Inter ngày 29/08/2019, bà Syvie Zedman, giám đốc bảo tàng giới thiệu :

Cầu thang hơn 100 bậc dẫn xuống hầm chỉ huy của đại tá Rol Tanguy, khu vực nằm sâu 26m dưới mặt đất lần đầu đón công chúng sau 75 năm đóng cửa.
Cầu thang hơn 100 bậc dẫn xuống hầm chỉ huy của đại tá Rol Tanguy, khu vực nằm sâu 26m dưới mặt đất lần đầu đón công chúng sau 75 năm đóng cửa. RFI/Vietnam

« Chúng ta đang đứng trước cánh cửa hầm trú ẩn. Đây là một cánh cửa lớn kiên cố rất kín, bởi vì trước khi xảy ra chiến tranh, khi xây cửa này, người ta sợ bị tấn công bằng khí gaz. Vì thế, cửa này rất kín. Chúng ta đang ở độ sâu 20m dưới lòng đất, gần như ở độ sâu dưới đường tàu điện ngầm. Đây là tầng có hầm chỉ huy của đại tá Rol. Trong văn phòng của ông ấy, quý vị nhìn này, có dòng chữ PC ROL (có nghĩa là phòng chỉ huy của tướng Rol).

Và đây, quý vị đang đứng trong văn phòng của đại tá Rol Tanguy. Đương nhiên là bây giờ trong căn phòng này quý vị thấy không còn gì cả, chỉ còn lại không gian và không khí của thời đó thôi. Chúng tôi vẫn giữ lại các đường dây điện cũ. Chúng tôi chỉ sơn lại và phục chế một vài tấm biển báo. Còn đây là chỗ của bà Cécile Rol Tanguy (vợ của Rol Tanguy). Thực ra, vào thời đó, bà Cécile Rol Tanguy chính là thư ký của đại tá Rol.

Chúng tôi muốn chỉ cho du khách thấy các hình ảnh Paris bị ném bom để họ hiểu là người ta đã lường trước nguy cơ đó và cho xây hầm trú ẩn này trong nội thành Paris, bên dưới tòa nhà này. Đây là hầm trú ẩn của các đơn vị kỹ thuật của thành phố.

Không khí tại nơi đây hồi tháng 08/1944 thực sự nhộn nhịp, tấp nập giống bên trong một tổ kiến. Có những nhân viên đến, mang theo các tin tức, có những người thì thu thập thông tin tình báo và tổng hợp tin tức. Người đi người đến, người ra người vào cứ như những chú kiến trong tổ kiến vậy (…) Và ở đây, vẫn còn tổng đài điện thoại (…) Hầm trú ẩn này rộng khoảng 600m2, và chúng tôi mở cửa cho du khách thăm quan khu vực rộng khoảng 250m2 ».

Sau khi Paris thoát khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức, tầng hầm kiên cố lại bị bỏ không. Đại tá Henri Rol Tanguy thỉnh thoảng vẫn về thăm « chốn cũ ». Rồi sau này, khu hầm thu hút nhiều cataphile - tức là những người thường trốn đi thám hiểm các hầm mộ chằng chịt sâu dưới lòng đất Paris. Chính quyền thành phố quyết định cho phục dựng lại khu hầm, giữ nguyên hệ thống điện, các biển chỉ dẫn cách nay 75 năm, chỉ xóa bỏ các bức tranh graffiti vẽ trên tường sau này.

Những câu chuyện có thật

Có thể nói, bảo tàng sở hữu một kho báu vô giá về lịch sử. Mỗi hiện vật gợi nhắc về một câu chuyện có thật, không chỉ liên quan đến các vị tướng lĩnh, những người chỉ huy cuộc kháng chiến, mà còn về những con người rất đỗi bình thường trong số biết bao người dân Paris thời đó. Đó có thể một quyển sách nhỏ mà một phụ nữ tham gia đội quân kháng chiến tìm thấy khi bị nhốt trong nhà tù Fresnes năm 1944 và đã dùng nó để ghi lại những cảm tưởng, suy nghĩ của mình trong những ngày tháng bà bị giam cầm.

Lệnh tổng động viên được phát đi vào lúc 0h ngày 02/09/1939, một ngày trước khi Pháp và Anh tuyên chiến với Đức Quốc Xã.
Lệnh tổng động viên được phát đi vào lúc 0h ngày 02/09/1939, một ngày trước khi Pháp và Anh tuyên chiến với Đức Quốc Xã. RFI/Vietnam

Bên trong một tủ kính trưng bày khác, du khách có thể ngắm nhìn một chiếc váy đặc biệt có vẽ hình tháp Eiffel và Khải Hoàn Môn Paris. Chiếc váy do một bà mẹ Paris may khi thủ đô sắp được giải phóng. Bà đã mặc chiếc váy đó và đi đón chào đoàn quân chiến thắng trên đại lộ Champs-Élysées vào ngày 26/08/1944, mà người dẫn đầu không ai ngoài vị tướng Charles de Gaulle.

Dạo bước trong các gian trưng bày, người xem còn có thể hình dung phần nào những khó khăn thiếu thốn và cả mối nguy hiểm rình rập người dân Paris thời bị Đức quốc xã chiếm đóng. Nào là thông báo của phát xít Đức đe dọa bắt giam, xử tử người thân của những người tham gia kháng chiến, những tài liệu hướng dẫn người dân cách dùng mặt nạ chống độc, tìm hầm trú ẩn nếu thành phố bị ném bom, những cuốn sổ phân phối thực phẩm, tem phiếu …

Lo sợ bị tấn công bằng hơi ga, thành phố rất chú trọng công tác hướng dẫn người dân sử dụng mặt nạ chống độc.
Lo sợ bị tấn công bằng hơi ga, thành phố rất chú trọng công tác hướng dẫn người dân sử dụng mặt nạ chống độc. RFI/Vietnam

Paris đã trải qua những tháng ngày đen tối nhất trong lịch sử, điều đó phần nào được tái hiện qua bức ảnh Hitler đứng “tạo dáng” chụp ảnh trước tháp Eiffel, một trong những biểu tượng không chỉ của Paris mà còn của cả nước Pháp, hay lá cờ chữ thập ngoặc của Đức Quốc Xã tung bay trên nóc những tòa nhà mà quân Đức chiếm đóng, những thước phim về cảnh phố xá Paris đổ nát vì bị ném bom … Không khí cuộc chiến thời Đệ Nhị Thế Chiến còn được tái hiện qua những âm thanh vang vọng đâu đó, tiếng máy đánh điện tín, tiếng máy bay vang trên bầu trời, tiếng còi báo động máy bay đến …

Nhưng vượt qua những tháng ngày đen tối, Paris đã được giải phóng ! Với nhiều du khách, sau chuyến tham quan, một trong những điều để lại cảm xúc mạnh mẽ là câu nói nổi tiếng của tướng De Gaulles ngày nào : « … Paris, Paris đã bị lăng nhục, Paris đã bị đánh phá, Paris đã bị đọa đày, nhưng Paris đã được giải phóng ! Được chính mình giải phóng, được chính người dân thành phố giải phóng, dưới sự phối hợp của quân đội Pháp, với sự trợ giúp và hợp tác của cả nước Pháp … »

75 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những tháng ngày lịch sử đau thương, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, đầy hiểm nguy khi Paris bị chiếm đóng, thời khắc niềm vui sướng vỡ òa khi thành phố được giải phóng vẫn còn đó, và càng được khắc họa rõ nét qua hành trình ngược dòng lịch sử tại bảo tàng Giải Phóng Paris !

Năm 1940, từ Luân Đôn, tướng De Gaulle kêu gọi toàn thể dân Pháp đoàn kết hành động để cứu đất nước.
Năm 1940, từ Luân Đôn, tướng De Gaulle kêu gọi toàn thể dân Pháp đoàn kết hành động để cứu đất nước. RFI/Vietnam

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.