Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : Con người càng lẻ loi trong xã hội kết nối thông tin

Đăng ngày:

83% dân số Pháp có kết nối mạng internet, 42% sử dụng mạng xã hội Facebook. Pháp có 66 triệu dân nhưng có tới 72 triệu điện thoại di động đang được sử dụng.

Ảnh minh họa: Trong một nhà dưỡng già ở Besançon, Pháp. Ảnh chụp ngày 20/11/2018.
Ảnh minh họa: Trong một nhà dưỡng già ở Besançon, Pháp. Ảnh chụp ngày 20/11/2018. SEBASTIEN BOZON / AFP
Quảng cáo

Tuy nhiên, theo hiệp hội Astrée - chuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh sống tách biệt - ẩn sau những con số nói trên là một vấn đề xã hội cần được lưu ý : tình trạng nhiều người Pháp rất ít gặp gỡ, giao tiếp với gia đình, người quen, bạn bè.

Theo một nghiên cứu mới được Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp INSEE công bố hôm 03/09/2019, tổng cộng 23% số người được hỏi cho biết họ hiếm khi liên lạc với gia đình, người quen. INSEE dùng từ « người sống tách biệt » để chỉ nhưng người trên 16 tuổi, chỉ gặp gỡ hoặc liên lạc với các thành viên trong gia đình (trừ người đang chung sống), người quen, bạn bè tối đa 1 lần/tháng.

Thực ra, đây là kết quả khảo sát được thực hiện hồi năm 2015 đối với 21.000 người, nhưng giờ mới được công bố. Trước đó, INSEE đã hai lần có những nghiên cứu tương tự, hồi năm 2006 và 2011. Sau ba đợt khảo sát, các chuyên gia kết luận tỉ lệ người sống tách biệt tại Pháp, từ năm 2006 đến năm 2015, vẫn giữ ở mức ổn định.

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ ngày 10/09/2019, chuyên gia thống kê Stéphane Legleye, đồng tác giả nghiên cứu của INSEE giải thích :

“Có ba kiểu sống tách biệt. Mọi người có các mối quan hệ gia đình và với những người quen biết xung quanh. Cụm từ “người quen biết xung quanh” ở đây là chỉ bạn bè, nhưng cũng bao gồm cả đồng nghiệp, hàng xóm. Có những người sống tách biệt với cả gia đình và người quen biết xung quanh: tỉ lệ này là 3%. 13% thì chỉ sống tách biệt với người quen biết xung quanh. Còn số người chỉ sống tách biệt khỏi gia đình là 7%. Tổng cộng, những người hiếm khi liên hệ hoặc với gia đình, hoặc người quen, hoặc với cả hai chiếm 23% số người được hỏi.

Nói tóm lại, chúng tôi thấy là tỉ lệ người sống tách biệt ít biến động theo thời gian, trong 6 năm qua. Các câu hỏi khảo sát về tần suất trong các mối quan hệ xã hội được đưa vào các cuộc điều tra cứ 3 năm 1 lần. Quả thực là trong 9 năm qua, từ năm 2006 đến năm 2015 thì tỉ lệ trên không tăng nhiều, thậm chí là tỉ lệ người sống tách biệt nhất (tách biệt với cả gia đình và người quen biết xung quanh) còn giảm một chút, từ 4% xuống còn 3%. Tỉ lệ những người hiếm khi liên lạc gặp gỡ với người quen biết xung quanh giảm từ 17% xuống còn 13%.

Trên thực tế thì những biến động trên có liên quan đến sự phát triển của các phương tiện giao tiếp điện tử từ xa. Theo các cuộc khảo sát năm 2006 và 2015 thì tỉ lệ người dân Pháp gặp gỡ nhau trực tiếp vẫn giữ ở mức gần như nhau. Trái lại, tỉ lệ giao tiếp từ xa qua các phương tiện liên lạc điện tử lại tăng. Cũng nhờ thế mà tỉ lệ người sống hoàn toàn tách biệt đã giảm. Tuy nhiên, mặc dù các phương tiện giao tiếp từ xa ngày trở nên phổ thông, nhưng vẫn còn nhiều người sống tách biệt ”.

Nhưng người dễ rơi vào cảnh sống tách biệt

Những người sống tách biệt với gia đình và xã hội, họ là ai ? Nhà thống kê Stéphane Legleye cho biết thêm :

“Vâng, đúng là tỉ lệ những người cho biết hiếm khi gặp mặt trực tiếp hay liên lạc từ xa với gia đình hoặc người quen, bạn bè, tức là dưới 1 lần mỗi tháng, không hề thấp. Đó thường là những người trung niên, trình độ bằng cấp thấp, hay những người có công việc không thật ổn định. Nhìn chung là những người dễ bị tổn thương về mặt xã hội thường có xu hướng gặp gỡ hoặc liên hệ với mọi người xung quanh ít hơn so với những người khác. Mọi cuộc điều tra của chúng tôi đều cho thấy điều đó.

Có những người rất dễ tiếp xúc và nhiều mối quan hệ giao tiếp. Trái lại, một số người khác thì lại sống tách biệt hơn với thế giới xung quanh. Có nhiều lý do: có thể là do tính cách của họ, hoặc do họ có ít hay nhiều cơ hội, may mắn, rồi thì phải kể đến tính chất công việc, yếu tố gia đình, giáo dục, nơi sinh sống, chẳng hạn như ở thành phố lớn hay thị trấn nhỏ …

Yếu tố cơ hội, may mắn có nghĩa là, chẳng hạn, có những người tại nơi làm việc có nhiều điều kiện thuận lợi để nói chuyện, giao tiếp, trao đổi với các đồng nghiệp. Nhờ thế, họ có nhiều cơ may để kết thân với đồng nghiệp, phát triển mối quan hệ bạn bè hay giúp đỡ qua lại lẫn nhau. Đó chính là những cơ hội may mắn để mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội. Nhiều người khác thì lại rơi vào những hoàn cảnh khiến họ phải sống tách biệt, chẳng hạn họ sống tại những thị trấn nhỏ xa xôi, hẻo lánh. Vì thế mà họ không dễ có cơ hội đi gặp gỡ người thân trong gia đình hay các đồng nghiệp, đại khái là như vậy”.

Liệu sự bùng nổ của các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại thời công nghệ số như mạng xã hội, vidéo, thư điện tử … có giúp cho mọi người dễ dàng liên hệ với thế giới xung quanh hay không ? Theo tiến sĩStéphane Legleye thì không hoàn toàn như vậy :

“Không, có những điều có thể diễn ra tự nhiên do các yếu tố như phương thức giáo dục họ được hưởng, nơi chốn học hành và phát triển, cũng như các cơ hội xã hội mà họ có. Ai có may mắn được sống ở nơi có quan hệ xã hội phát triển hay được học hành thì có nhiều cơ hội gặp gỡ những người khác và có nhiều kiểu mạng lưới quan hệ xã hội, giữa bạn bè nhưng cũng về cả công việc hay về văn hóa. Người có ít cơ hội đi chơi đây đó thì cũng có ít mối quan hệ xã hội. Người có không thạo sử dụng các phương tiện giao tiếp điện tử hiện đại, ở đây tôi không đơn thuần nói đến việc chỉ dùng điện thoại để gọi điện mà tôi nói đến mạng internet, thì cũng không thể giao tiếp qua các mạng xã hội. Vì thế, họ sẽ thấy cách biệt với những người khác.

Chúng tôi ghi nhận một điều hoàn toàn cổ điển : địa vị xã hội của một người càng cao thì người đó càng có quan hệ xã hội rộng, trình độ học vấn và thu nhập càng cao thì quan hệ xã hội cũng càng rộng”.

So sánh với các nước láng giềng châu Âu

Nhìn rộng ra châu Âu, tỉ lệ sống tách biệt của người dân Pháp so với các nước láng giềng thì thế nào ? Theo báo Le Figaro ngày 05/09/2019, một khảo sát tại châu Âu hồi năm 2014 cho thấy Pháp vẫn là một trong những nước có tỉ lệ ít người sống tách biệt thấp. Tại Pháp, 12% số người trưởng thành được hỏi cho biết hàng tháng chỉ gặp gỡ người thân nhiều nhất một lần, so với tỉ lệ trung bình 18% tại châu Âu. Chuyên gia thống kê Stéphane Legleye giải thích rõ hơn :

“Phân tích mà Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp INSEE công bố dựa vào kết quả một cuộc điều tra lớn quy mô quốc gia. Cũng có cuộc điều tra tương tự ở quy mô châu Âu nhưng họ không đề cập đến vấn đề sự tách biệt xã hội. Trái lại, có một cuộc điều tra xã hội mang tên “Cuộc điều tra xã hội châu Âu” quy mô nhỏ hơn nhưng được tiến hành đều đặn về quan hệ giao du trong xã hội và mức độ tách biệt trong quan hệ xã hội.

Đúng là nước Pháp là một trong số các nước mà tỉ lệ người sống tách biệt với xã hội thấp hơn tỉ lệ trung bình ở châu Âu. Ngoài Pháp ra thì Tây Ban Nha, Thụy Điển, Phần Lan và Hà Lan cũng là những nước có tỉ lệ người cho biết họ sống tách biệt là tương đối thấp so với các nước khác. Các quốc gia có tỉ lệ thấp nhất là Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Bồ Đào Nha : dưới 12%. Sau đó là đến nhóm các nước gồm Pháp, Tây Ban Nha, Phần Lan, Áo, Croitia : 12-15%. Tiếp theo là Anh, Đức, Ba Lan, Ý …: 15-23%. Rồi đến Ireland : 23-31%. Tại Ukraina và các nước vùng Baltic, tỉ lệ này là trên 31%.”

Sống tách biệt và cảm giác cô đơn

Xin lưu ý là INSEE phân biệt người sống tách biệt và những người có cảm giác cô đơn. Trên thực tế, 2/3 số người được hỏi cho biết phần lớn thời gian họ cảm thấy cô đơn cho dù họ không phải những người sống cách biệt, vẫn thường xuyên gặp gỡ liên lạc với gia đình và người quen, bạn bè.

Lối sống tách biệt với xã hội có hệ quả tiêu cực tới cuộc sống của mọi người hay không ? Về vấn đề này, ôngStéphane Legleye khẳng định:

“Vâng, tất nhiên là lối sống tách biệt thì làm tăng cảm giác cô độc, mặc dù cảm giác cô đơn, đơn độc thì không hoàn toàn là do sống tách biệt với xã hội tạo nên. Có những người vẫn thường xuyên gặp gỡ gia đình, bạn bè nhưng họ vẫn thấy cô đơn. Cuộc khảo sát cho chúng tôi thấy điều đó. Nhưng mà dẫu sao thì việc ít duy trì quan hệ dù là với gia đình hay với người quen biết đều khiến người ta dễ có nguy cơ cảm thấy cô đơn. Điều này có nghĩa là họ thường xuống tinh thần và nhìn chung là sức khỏe tinh thần bị suy kém đi, ảnh hưởng tới sức khỏe …

Tuy nhiên, quan hệ nhân - quả cũng không hoàn toàn là theo hướng như trên. Cũng có thể là nhiều người vì ốm đau, bệnh tật mà giảm bớt các mối quan hệ xã hội, bởi vì việc duy trì các mối giao tiếp trở nên phức tạp hơn đối với họ. Nhìn chung, điều này có nghĩa là lối sống tách biệt và sức khỏe thể chất, tinh thần có tác động qua lại lẫn nhau theo cả hai chiều.

Và khi những người này sống tách biệt khỏi các mối quan hệ xã hội, họ sẽ ít nhận được sự giúp đỡ từ gia đình, người thân quen, bạn bè trong trường hợp cần thiết”.

Để giúp đỡ những người sống tách biệt với gia đình và xã hội, tại Pháp có những hiệp hội, tổ chức chuyên giúp đỡ những người này. Chẳng hạn hiệp hội Anh Em Của Người Nghèo - Petits Frères des Pauvres hay hiệp hội Astrée. Astrée được thành lập hồi năm 1987, cho đến nay đã hỗ trợ được tổng cộng 40.000 người, trong số đó 73% là phụ nữ, độ tuổi trung bình của những người được giúp đỡ là 49 tuổi. Hiệp hội có 500 tình nguyện viên, hoạt động tại 12 thành phố như Paris, Lille, Bordeaux, Toulouse, Lyon …, với kinh phí hoạt động 500.000 euro mỗi năm và hiện đang hỗ trợ 700 người.

Ngoài ra, với sự bùng nổ của công nghệ số, hiện có nhiều ứng dụng được tạo ra để giúp những người sống tách biệt, đặc biệt là người cao tuổi sống xa con cháu, có nhiều cơ hội liên lạc với con cháu hơn, dưới nhiều cách thức khác nhau, giúp các cụ già bớt cảm giác cô đơn. Theo một nghiên cứu hồi của tổ chức Fondation de France, 27% số người cao tuổi tại Pháp sống một mình năm 2014, so với tỉ lệ 16% hồi năm 2010.

Bưu điện Pháp, trong bối cảnh ngành bưu chính gặp nhiều khó khăn, đã mở rộng phạm vi hoạt động sang nhiều lĩnh vực, trong đó có dịch vụ hỗ trợ các gia đình thăm nom cha mẹ già yếu ở xa với mức phí 19,90 -94,40 euro/tháng. Tuy nhiên, hiệp hội Anh Em Của Người Nghèo - Petits Frères des Pauvres cho rằng dịch vụ này chỉ hỗ trợ được những người có con cái và có điều kiện kinh tế khá giả. Còn những người khó khăn thực sự vẫn đang bị gạt ra bên lề ...

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.