Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Hỏa hoạn Nhà Thờ Đức Bà Paris : Ngổn ngang nỗi lo khử độc chì

Đăng ngày:

Ngày 15/04/2019, một đám cháy dữ dội bùng lên thiêu rụi một phần nhà thờ Đức Bà Paris, một kiệt tác kiến trúc gothique thời Trung Cổ, khiến nhiều người sững sờ, bàng hoàng. Suốt 4 tháng qua, thảm họa vẫn được báo chí nhắc tới dưới nhiều góc độ khác nhau, gần đây nhất là về việc khu vực quanh Nhà Thờ Đức Bà bị nhiễm độc chì nặng.

Một phần nhà thờ Đức Bà Paris đã bị thiêu rụi, ngày 15/04/2019.
Một phần nhà thờ Đức Bà Paris đã bị thiêu rụi, ngày 15/04/2019. REUTERS/Benoit Tessier/File Photo
Quảng cáo

Thực ra, không phải cho tới bây giờ, vài tháng sau vụ hỏa hoạn, thì nguy cơ ngộ độc chì mới được nhắc tới. Trên thực tế, ngay từ ngày 19/04/2019, chỉ 4 ngày sau thảm họa Notre Dame de Paris, tổ chức phi chính phủ Robin des bois - Hiệp Sĩ Rừng Xanh, chuyên nghiên cứu về ô nhiễm đất, nhất là ô nhiễm chì và hidrocarbure, đã đánh giá là khoảng 400 tấn chì từ chóp nhọn hình mũi tên cao 93m và phần mái nhà thờ bị đổ sụp đã biến kiệt tác kiến trúc gothique thời Trung Cổ thành nơi bị nhiễm độc nặng, mức độ độc hại nghiêm trọng không kém gì tại một khu công nghiệp hoang phế.

Nguy cơ đối với sức khỏe

Bà Annie Thébaud-Mony, chuyên gia về y tế cộng đồng, giám đốc nghiên cứu của INSERM, Việnnghiên cứu về Sức khỏe và Y khoa Quốc gia của Pháp, là người đã gióng hồi chuông báo động về công tác kiểm soát tình trạng ô nhiễm chì của chính quyền thành phố Paris và vùng Ile de France (Paris và vùng phụ cận). Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, chuyên gia Annie Thébaud-Mony giải thích :

« Mức độ ô nhiễm chì quanh Nhà Thờ Đức Bà Paris là vô cùng cao, bởi vì chỉ trong có vài giờ, do vụ hỏa hoạn, lượng chì trên phần mái và mũi tên nhà thờ đã biến thành bụi mịn bám vào mặt đất hoặc cuộn lên theo cột khói rồi bị gió cuốn đi. Trên thực tế, nếu chúng ta so sánh với lượng bụi chì tại Pháp hàng năm, thì khối lượng khoảng 400 tấn bụi chì phát ra từ đám cháy nhà thờ cao gấp 4 lần lượng bụi chì trên cả nước Pháp trong vòng 1 năm ».

Vậy chì độc hại như thế nào ? Chuyên gia về y tế cộng đồngAnnie Thébaud-Mony phát biểu tóm tắt :

« Về nguy cơ nhiễm độc chì, trên thực tế, trước tiên chì là một chất có thể gây ngộ độc thần kinh cực mạnh, tức là đó là một chất độc hại đối với hệ tế bào thần kinh. Cũng chính vì thế mà nó đặc biệt nguy hiểm cho hệ thần kinh của trẻ em vốn còn đang phát triển. Nhiễm độc chì cũng vô cùng nguy hiểm cho hệ thần kinh của người trưởng thành, tùy theo mức độ tiếp xúc ít hay nhiều, thậm chí có thể khiến một người bị nhũn não hay các chứng bệnh tương tự. Người ta còn gọi chì là một chất độc cho cơ quan sinh sản, tức là chì cũng có thể tác động tới cơ quan sinh sản, cho dù chỉ với một lượng rất nhỏ. Chì cũng độc hại cho hệ tim mạch, thận, vì chì được đào thải qua thận. Và cuối cùng, chì đã được chứng minh là chất có thể gây bệnh ung thư ».

Báo Le Monde, ngày 19/07/2019, trích dẫn bà Bathé Touillier, chủ tịch Hiệp hội các nạn nhân bị ngộ độc chì tại Pháp, theo đó có thể phải mất nhiều năm chì mới được đào thải ra khỏi máu. Theo Việnnghiên cứu về Sức khỏe và Y khoa Quốc gia của Pháp, nhiễm độc chì sẽ làm suy giảm khả năng tăng trưởng, thính lực, chỉ số thông minh, nếu nghiêm trọng hơn, sẽ gây thiếu máu, cao huyết áp, suy thận … Còn tổ chức Y Tế Thế Giới thì nhấn mạnh nhiễm độc chì sẽ dẫn đến những hậu quả không thể khắc phục về hệ miễn dịch và làm nạn nhân rối loạn hành vi.

Nồng độ chì cao gấp nhiều lần ngưỡng cho phép

Theo tổ chức Hiệp Sĩ Rừng Xanh, nguy cơ nhiễm độc chì không chỉ xảy ra tại chính nhà thờ Đức Bà Paris, mà còn đè nặng lên cả đảo Ile de la Cité, nơi nhà thờ tọa lạc và cả sông Seine, vốn chảy sát cạnh Notre Dame de Paris. Nguy hiểm hơn nữa là dân cư trong khu vực có nguy cơ hít không khí nhiễm độc chì liên tục trong nhiều tháng, thậm chí là trong suốt nhiều năm.

Lời cảnh báo của tổ chức Hiệp Sĩ Rừng Xanh không phải là thừa. Nhiều cơ quan nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trong đó có cả của Sở cảnh sát Paris, đã tiến hành đo lường nồng độ chì trong đất, ở bên trong và xung quanh Notre Dame de Paris. Hôm 11/06/2019, Airparif, Cơ quan giám sát chất lượng không khí của Paris và vùng phụ cận thông báo đã đo được nồng độ chì cao bất thường trong khí, từ trạm khí tượng thủy văn Limay, vùng Yveslines, ngoại ô phía tây Paris, cách nhà thờ 40 km. Limay nằm ở hướng gió thổi tới từ nhà thờ hôm xảy ra đám cháy.

Trang thông tin Pháp Médiapart, hồi đầu tháng 07/2019, cho biết nồng độ chì ở Nhà thờ cao hơn từ 10 đến 740 lần so với mức cho phép, nồng độ chì ở khu vực sân trước Notre Dame cao gấp 500 lần còn tại các phố lân cận cao hơn từ 2 đến 800 lần mức cho phép. Cơ quan y tế của vùng Paris (ARS) hồi giữa tháng 07/2019 cũng công bố một bản đồ về những nơi đã được đo lường nồng độ chì, với nồng độ chì rất cao.

Những người dễ có nguy cơ nhiễm độc chì

Giám đốc nghiên cứu của INSERM, Việnnghiên cứu về Sức khỏe và Y khoa Quốc gia của Pháp, bà Thébaud-Mony giải thích cặn kẽ : « Trong số những người bị ảnh hưởng, theo tôi, những người bị tác động nhiều nhất là những người phải tiếp xúc với bụi chì do tính chất công việc, người ra còn có những người được gọi là « nạn nhân môi trường ».

Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là lính cứu hỏa, và tất nhiên là tất cả những người vào khu vực đó để làm nhiệm vụ, như đưa các hiện vật ra bên ngoài hay gia cố để nhà thờ đứng vững. Thật không may là họ phải làm những việc đó mà không có phương tiện bảo vệ, và rất có thể là chúng ta có rất ít thông tin về mức độ nhiễm độc, nhưng có một điều chắc chắn là họ bị nhiễm chì. Chính vì thế, chúng tôi đã yêu cầu chính quyền cho ngưng mọi việc ở hiện trường trong khi chờ có các biện pháp phòng ngừa cần thiết, và cuối cùng chính quyền đã chấp nhận.

Thêm vào đó, nạn nhân còn là tất cả những người sống quanh Nhà thờ Đức Bà Paris, những người bán hàng ở các tiệm sách cũ dọc bờ sông Seine, tại các cửa hàng cửa hiệu trong khu vực quanh Notre Dame, các quán cà phê và nhà hàng. Những người làm việc cả ngày trong khu vực cũng là những người phải tiếp xúc với chì nhiều nhất.

Ngoài ra, còn phải nói tới các nhân viên vệ sinh. Chúng tôi đã trực tiếp nghe họ kể là họ không có bất cứ phương tiện bảo hộ nào, không có thông tin gì về ô nhiễm chì trong khi họ phải làm công việc dọn dẹp, cọ rửa khu vực bị ô nhiễm chì rất nặng, thậm chí ở sân trước nhà thờ, mức độ ô nhiễm có thể cao gấp 400-500 lần so với mức cần có sự can thiệp của con người. Vì thế, người lao động rất lo lắng về những gì đã xảy ra suốt 3 tháng qua.

Ngoài ra, đương nhiên là còn phải kể đến những người dân sống quanh đó. Có một điều là chúng tôi không hiểu tại sao ngay từ đầu chính quyền không cho dân chúng sơ tán tạm thời để có thể đánh giá tốt hơn và có các biện pháp khử độc cần thiết ».

Để đề phòng nguy cơ ngộ độc chì, bác sĩ Mady Denantes, phụ trách chương trình của tổ chức phi chính phủ Médecins Du Monde về khử độc chì, sau vụ hỏa hoạn Notre Dame, kêu gọi nhà chức trách cho các em nhỏ và thanh thiếu niên học tại các trường trong khu vực gần Nhà thờ Đức Bà Paris xét nghiệm máu để kiểm tra xem có bị nhiễm độc chì hay không. Hôm 06/08, trên đài BFMTV, bà Anne Souyris, trợ lý thị trưởng Paris về y tế, cũng kêu gọi những người sống và làm việc trong khu vực lân cận nhà thờ đi kiểm tra nồng độ chì trong máu.

Chính quyền bị kiện

Mặc dù có những động thái tích cực hơn, chẳng hạn cho đóng cửa và khử độc chì một số trường học gần Notre Dame, nhưng chính quyền thành phố Paris vẫn bị chỉ trích nặng nề vì đã không quan tâm đúng mức đến việc đánh giá nguy cơ nhiễm độc chì và quá chậm chễ trong việc khử độc. Trước đó, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia và bảo vệ môi trường, nhà chức trách Pháp thậm chí còn cho rằng tình hình không có gì nguy hiểm.

Tổ chức Hiệp Sĩ Rừng Xanh đã khởi kiện nhà chức trách Pháp vì hành động chậm chễ và thiếu minh bạch, « gây nguy hiểm cho người khác ». Ông Jacky Bonnemains, phát ngôn viên của tổ chức Hiệp Sĩ Rừng Xanh ngạc nhiên vì « nhà chức trách đã phản ứng rất chậm, chỉ liên hệ với các doanh nghiệp chuyên về khử độc chì hôm 10/06, tức là hai tháng sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn ».

Trước sức ép từ dư luận, cơ quan Y tế vùng Paris đã kết hợp với chính quyền thành phố thử nghiệm và chính thức cho áp dụng vào nửa cuối tháng 08 hai phương pháp khử chì đã ngấm vào đất trên diện tích 10 200 m² quanh Nhà thờ. Bị tạm đóng cửa từ cuối tháng 07, công trường Notre Dame cũng được mở lại hôm 19/08/2019 với các biện pháp nghiêm ngặt phòng ngừa nguy cơ công nhân, kỹ sư làm việc trên công trường bị nhiễm độc chì.

Quá trình tu sửa, phục dựng Notre Dame de Paris sẽ còn mất nhiều năm, tốn kém nhiều tiền của, và vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn, nhưng điều khẩn cấp nhất đối với nhiều người hiện giờ là đảm bảo công tác khử độc chì đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trong khu vực lân cận, cũng như cho người lao động trên công trường còn đang ngổn ngang.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.