Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

“Paris lãng mạn, 1815-1848” : Cuộc dạo chơi kinh đô ánh sáng nửa đầu thế kỷ 19

Đăng ngày:

Paris thường được mệnh danh là xứ sở của các bảo tàng, triển lãm. Trong những tháng qua, có rất nhiều triển lãm lớn thu hút đông đảo người xem. Đối với những ai ưa tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Paris thì không thể không nói tới triển lãm « Paris lãng mạn, 1815-1848 ».

Bức tranh « Scène de Carnaval, place de la Concorde » của Eugène Lami vẽ năm 1834.
Bức tranh « Scène de Carnaval, place de la Concorde » của Eugène Lami vẽ năm 1834. Musée Carnavalet / Roger-Viollet
Quảng cáo

Được tổ chức trong vòng gần 4 tháng, từ cuối tháng 05 đến cuối tháng 09/2019, triển lãm « Paris lãng mạn, 1815-1848 » gồm hai không gian trưng bày, một tại Petit Palais, bảo tàng Mỹ Thuật thành phố, một tại bảo tàng về Cuộc Sống Lãng Mạn tại Paris.

Nếu như đến với bảo tàng Cuộc Sống Lãng Mạn, công chúng được chìm đắm vào một không gian văn học nửa đầu thế kỷ 19, xoay quanh khoảng 100 hiện vật, thì tại bảo tàng Mỹ Thuật Petit Palais, người xem sẽ có một chuyến dạo chơi qua những địa điểm nổi tiếng của Paris, để có cái nhìn toàn cảnh về đời sống chính trị, văn hóa, nghệ thuật tại « kinh đô ánh sáng » cách nay trên dưới 2 thế kỷ.

Tấm gương phản chiếu toàn cảnh Paris

Hơn 600 hiện vật trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, từ hội họa, điêu khắc, đến phục trang, đồ trang sức, đồ nội thất … được trưng bày trong 8 khu vực chính tại bảo tàng Petit Palais. Không gian triển lãm được bố trí không phải theo lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật mà theo các khu phố nổi tiếng của Paris thời đó. Các nhà tổ chức đã thiết kế cho du khách một chuyến đi mà mỗi chặng tham quan tương ứng với một thời điểm trong ngày, từ lúc bình minh tới khi màn đêm buông xuống.

Một salon nghệ thuật tại điện Louvre được tái hiện sống động tại triển lãm Paris lãng mạn 1815-1843.
Một salon nghệ thuật tại điện Louvre được tái hiện sống động tại triển lãm Paris lãng mạn 1815-1843. RFI/Vietnam

Người xem ngược dòng lịch sử thong thả dạo bước ở khu phố La-tinh, Palais Royal, dạo quanh nhà thờ Đức Bà, ngắm nhìn nội thất sang trọng nơi sinh sống của hoàng tộc bên trong điện Tuileries, chiêm ngưỡng phòng trưng bày nghệ thuật tại điện Louvre, khám phá xưởng sáng tác của các nghệ sĩ cách nay hai thế kỷ, tận hưởng không khí náo nhiệt tại các khu phố thời thượng hay thả bộ đến khu phố tập trung nhiều rạp hát.

Nhưng Paris không chỉ có những nơi chốn hào nhoáng, mà đâu đó thấp thoáng những con phố nhếch nhác, những em bé chân tay lấm lem, ăn mặc rách rưới. Paris đâu chỉ là chốn hội hè, phồn hoa mà có cả những thời khắc lịch sử rối ren.

Về cách bố trí, sắp đặt, trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, bà Cécilie Champy-Vinas, quản đốc về điêu khắc của bảo tàng Petit Palais, một trong các chuyên gia phụ trách công tác tổ chức, giám sát triển lãm « Paris lãng mạn 1815-1848 » giải thích kỹ hơn :

« Như chị đã nói, triển lãm rất phong phú, đa dạng. Vì thế, để đơn giản hóa mọi chuyện và làm cho chuyến tham quan thú vị, vui vẻ hơn, chúng tôi đã tưởng tượng ra một cuộc dạo chơi trong Paris. Lộ trình tham quan triển lãm được sắp xếp thực sự như một chuyến đi dạo trong Paris. Du khách được dẫn dắt từ điểm này đến điểm khác.

Quý vị biết đấy, đầu thế kỷ 19 đã có rất nhiều cẩm nang du lịch mô tả thành phố Paris. Thủ đô thời đó đã được chia thành các khu phố, cũng gần giống như ngày nay, mỗi khu phố có một nét đặc thù riêng. Dựa vào điều này, chúng tôi đã gắn cho mỗi nơi một lĩnh vực sáng tạo.

Chẳng hạn, chúng ta bắt đầu từ Tuileries. Đây từng là một cung điện nhưng nay thì không còn nữa. Điện Tuileries, nằm ngay gần điện Louvre, trước là nơi ở của các nhà vua. Tại khu vực trưng bày này, người xem biết thêm về triều đình, các hoạt động bảo trợ nghệ thuật của hoàng gia, các nhân vật chính trị nổi tiếng thời đó, chẳng hạn công tước vùng Orléan - con trai của vua Louis Philippe.

Tiếp theo, chúng ta thả bước đến điện Palais Royal, không xa cung điện Tuileries lắm. Palais Royal hiện vẫn còn. Vào thời bấy giờ, Palais Royal quả đúng là một trung tâm thương mại, có nhiều nhà hàng và các điểm vui chơi giải trí rất đa dạng. Mọi du khách đều đổ về đó. Vì thế, chúng tôi cho trưng bày về thời trang chẳng hạn. Vì ở đó có rất nhiều cửa hàng bán các đồ quý nên chúng tôi cũng giới thiệu nhiều hiện vật có liên quan đến thời trang và nghệ thuật trang trí.

Sau đó, chúng ta sẽ qua điện Louvre. Cung điện là nơi diễn ra các Salon - triển lãm. Vì thế, chúng tôi trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc, giới thiệu các nghệ sĩ nổi tiếng thời đó và tất cả các nghệ sĩ có tác phẩm được trưng bày ở thời kỳ đó, chẳng hạn công chúng có thể thấy các tác phẩm của danh họa Delacroix.

Tiếp nữa, chúng ta đi đến Notre Dame. Quý vị sẽ đi theo lộ trình kiểu như vậy, tất cả được chia thành 8 khu vực. Địa điểm cuối cùng là Grands Boulevards, khu phố của các nhà hát ».

Rất nhiều bộ trang phục đẹp, được giữ gìn nguyên vẹn, thuộc bảo tàng Galliera, được trưng bày tại triển lãm.
Rất nhiều bộ trang phục đẹp, được giữ gìn nguyên vẹn, thuộc bảo tàng Galliera, được trưng bày tại triển lãm. RFI/VIetnam

Để có bộ sưu tập 600 tác phẩm quý giá trong nhiều lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, đưa người xem chìm đắm vào không gian Paris thế kỷ 19, ban tổ chức triển lãm đã được tổng cộng gần 100 bảo tàng, viện nghệ thuật cho mượn hiện vật, đa phần là trong nước Pháp, đặc biệt là bảo tàng Lịch Sử Paris Carnavalet. Chuyên gia phụ trách công tác tổ chức, giám sát triển lãm, Cécilie Champy-Vinas cho biết:

« Mục đích ban đầu của chúng tôi là tôn vinh các bộ sưu tập từ các bảo tàng của thành phố Paris. Vì thế mà phần lớn, không phải tất cả, nhưng đa phần các tác phẩm là từ các bảo tàng lớn của Paris, trong đó có Petit Palais và cả Carnavalet (bảo tàng về lịch sử thành phố Paris). Hiện giờ bảo tàng Carnavalet đang đóng cửa để tu bổ, nâng cấp để mở lại vào năm tới. Bảo tàng này cho chúng tôi mượn rất nhiều kiệt tác của họ. Tất cả các hiện vật như trang phục, phụ trang, giày dép đều do bảo tàng phục trang Galliera cho chúng tôi mượn. Đây đều là các bảo tàng trực thuộc thành phố Paris.

Ngoài ra, chúng tôi còn mượn tác phẩm từ các bảo tàng lớn của Pháp, có rất ít hiện vật mượn từ nước ngoài, chỉ một vài tác phẩm thôi, rất ít. Các bảo tàng của Pháp thì có Louvre, bảo tàng Nghệ thuật trang trí, bảo tàng của các vùng như Angers, Nantes, Lyon. »

Gương, lược, hộp đựng đồ trang điểm …, rất nhiều hiện vật đến từ bảo tàng trang phục của Paris.
Gương, lược, hộp đựng đồ trang điểm …, rất nhiều hiện vật đến từ bảo tàng trang phục của Paris. RFI/Vietnam

1815-1848, giai đoạn ít được biết đến

Tại sao các nhà tổ chức lại chọn giai đoạn nửa đầu thế kỷ 19, cụ thể là từ năm 1815 đến năm 1848 ? Bà Cécilie Champy-Vinas trả lời:

« Ý tưởng tổ chức triển lãm là từ giám đốc Christophe Leribaut (giám đốc bảo tàng Petit Palais). Ông ấy muốn tổ chức một cuộc triển lãm về thời kỳ trước của thời đã được nói đến cách nay vài năm, cũng tại Petit Palais, vào năm 2014. Triển lãm đó có tên gọi Paris 1900, nói về thành phố Paris thời Triển Lãm Hoàn Cầu 1900. Petit Palais cũng được xây dựng đúng vào năm 1900 để phục vụ Triển Lãm Hoàn Cầu. Triển lãm lớn lần này cũng thể hiện tinh thần « Paris lãng mạn ».

Ý tưởng của chúng tôi là ngược dòng thời gian để trở về giai đoạn mà Paris ít được biết đến. Petit Palais là bảo tàng do thành phố quản lý. Đây là bảo tàng mỹ thuật của Paris. Chúng tôi có các bộ sưu tập rất phong phú về thế kỷ 19, và chúng tôi muốn tôn vinh giá trị của thời kỳ vừa lãng mạn vừa ít được biết đến này.

Tôi nghĩ rằng ở Pháp ai cũng được học ở trường về các bài thơ của Victor Hugo, Alfred de Musset nhưng đối với đa phần công chúng thì đó cũng là thời kỳ cách nay khá lâu. Chúng tôi muốn tôn vinh giai đoạn có rất nhiều sáng tác phong phú trong mọi lĩnh vực sáng tác nghệ thuật. Công chúng biết đến một vài tên tuổi nổi tiếng, như trong văn học thì có Victor Hugo, Gérard de Nerval, trong hội họa thì có Delacroix.

Về âm nhạc thì có thể mọi người biết thêm Liszt và Chopin. Đúng là các nghệ sĩ đó được nhắc đến nhiều trong công chúng. Cuộc triển lãm này cho thấy rõ là ngoài họ ra thì còn có rất nhiều nghệ sĩ khác, nhưng ngày nay dường như họ đang chìm vào quên lãng ».

Triển lãm đã thu hút khoảng 90.000 du khách tới thăm.
Triển lãm đã thu hút khoảng 90.000 du khách tới thăm. RFI/Vietnam

1815-1843 là giai đoạn phong phú về văn hóa, nghệ thuật và có nhiều ý nghĩa về lịch sử, với nhiều biến động chính trị chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng đây lại là thời kỳ ít được biết đến.Chuyên giaCécilie Champy-Vinas lý giải phần nào :

« Vâng, đúng là như vậy, về mặt lịch sử, đó là một giai đoạn rất quan trọng, bởi vì đó là thời kỳ Cách Mạng kết thúc, hoàng đế Napoléon bị lật đổ, và chế độ Quân Chủ được thiết lập lại tại Pháp, nhưng lại bị ngắt quãng. Thực ra, đã có hai cuộc Cách mạng, Cách mạng 1830 và 1848, thậm chí còn dẫn tới nền Đệ Nhị Cộng Hòa ngắn ngủi. Đó là một giai đoạn đầy biến động về mặt chính trị. Điều này cũng giải thích tại sao giai đoạn này có thể không được biết đến nhiều như các thời kỳ khác, nó quá phức tạp về mặt lịch sử.

Vì thế, điều mà chúng tôi đề xuất không phải là tổ chức một kỳ triển lãm thực sự về lịch sử nước Pháp mà là nói về lịch sử của Paris nhưng thông qua khía cạnh về văn hóa, văn minh. Paris có nền văn minh xuất sắc, nổi bật. Chúng tôi làm điều đó bằng cách giới thiệu rất, rất nhiều tác phẩm trong mọi lĩnh vực, không chỉ hội họa và điêu khắc. Như chị đã xem, có nhiều trang phục, quần áo và đồ trang sức. Có rất nhiều hiện vật, nhiều nhạc cụ nữa … Đây quả thực là một cuộc triển lãm về nền văn minh ».

Sinh thời, hoàng đế Napoléon mơ ước đưa Paris trở thành thủ đô chính trị của cả châu Âu, sự ra đi của Hoàng đế Napoléon đương nhiên có những ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của kinh thành Paris. Tuy nhiên, không vì thế mà thành phố mất vẻ hấp dẫn. Paris vẫn biết cách giữ gìn vị thế là một trung tâm văn hóa, nghệ thuật hàng đầu thế giới, thu hút nhiều tài năng từ khắp nơi, trong đó phải kể tới các nghệ sĩ Rossini, Liszt, Chopin ...

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.