Vào nội dung chính
PHÁP - LIÊN HIỆP QUỐC

Tại Thượng Đỉnh Khí Hậu LHQ, Pháp muốn đóng vai trò đầu tàu

Nhân Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về khí hậu mở ra vào hôm nay, 23/09/2019 tại New York, Pháp không che giấu cao vọng đóng vai trò đầu tàu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Một khu rừng Amazon bị cháy, gần Alter do Chao, Santarem, bang Para, Brazil, ngày 19/09/2019
Một khu rừng Amazon bị cháy, gần Alter do Chao, Santarem, bang Para, Brazil, ngày 19/09/2019 REUTERS/Ricardo Moraes
Quảng cáo

Vào sáng nay, đích thân tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng chủ tọa một cuộc họp về vấn đề trồng lại rừng, cùng với hai đồng nhiệm Chilê và Colombia. Mục tiêu là hoạch định một phương án dài hơi, với phương tiện dồi dào hơn.

Ngay từ hôm qua, phát biểu với báo giới tại New York, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã xác nhận rằng « Khí hậu là ưu tiên tuyệt đối của tổng thống Pháp ở New York ».

Ưu tiên này được ông Macron chứng minh với một lời kêu gọi mới cùng với hai tổng thống Chilê Sebastian Piñera và Colombia Ivan Duque, « kêu gọi động viên sức lực cho rừng nhiệt đới Amazon » vẫn đang bốc cháy.

Một cách tổng quát hơn, trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc hôm nay, tổng thống Macron xác nhận việc nước Pháp tăng gấp đôi phần đóng góp của mình vào Quỹ Xanh của LHQ, cũng như xác nhận hậu thuẫn hoàn toàn của Paris cho mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.

Các tổ chức phi chính phủ trong lãnh vực bảo vệ môi trường đã ghi nhận các nỗ lực của chính quyền Pháp, nhưng cho biết sẽ xem xét kỹ lưỡng các tuyên bố của ông Macron để xem « những hành động cụ thể có phù hợp với những lời hứa đã đưa ra hay không », như tuyên bố của ông Jean-François Julliard, thuộc tổ chức Greenpeace-France.

LHQ: Giai đoạn 2015-2019 có nhiệt độ cao nhất được ghi nhận

Dẫu sao thì nỗ lực của Pháp không hề thừa thãi trong bối cảnh Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới vừa báo động rằng nhiệt độ trung bình trong 5 năm gần đây (2015-2019) thuộc diện nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất.

Trong bản báo cáo công bố hôm qua, cơ quan LHQ này cũng ghị nhận rằng nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển cũng đã đạt những mức lịch sử : « Tốc độ tăng trưởng của nồng độ CO2 trong không khí cao hơn gần 20% so với những gì quan sát được trong giai đoạn 5 năm trước đó ».

Dữ liệu của bản báo cáo tính đến tháng 7 vừa qua, cũng cho thấy nhiệt độ trung bình của hành tinh đã tăng 1,1°C kể từ thời tiền công nghiệp và 0,2°C kể từ giai đoạn 2011-2015.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.