Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Vùng Paris : Đa dạng sinh thái đang bị đe dọa

Đăng ngày:

Theo báo cáo về Toàn cảnh đa dạng sinh thái của Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận), do Cơ quan phụ trách đa dạng sinh thái của vùng Paris (ARB) công bố ngày 20/06/2019, thì hệ sinh thái của khu vực này đang suy thoái nghiêm trọng, cả hệ động vật và thực vật.

Sông Marne, đoạn chảy qua ngoại ô phía đông nam Paris.
Sông Marne, đoạn chảy qua ngoại ô phía đông nam Paris. Vietnam/RFI
Quảng cáo

Theo ARB, kết quả này không quá gây ngạc nhiên, bởi vì Ile-de-France (IDF) là vùng tập trung đông dân nhất nước Pháp, với mật độ dân cư dày đặc nhất và chịu nhiều sự tác động của con người nhất.

Cụ thể về hệ thực vật của vùng Paris, nhân dịp này, RFI Việt ngữ có cuộc trao đổi với thạc sĩ Tuyên Lamury, kiến trúc sư cảnh quan và phát triển bền vững tại Paris, hiện giờ là quản lý dự án của Văn phòng kiến trúc cảnh quan, quy hoạch cảnh quan SLG Paysage của Pháp.

RFI : Hệ thực vật ở vùng IDF có phong phú không?

Thạc sĩ Tuyên Lamury :Hệ thực vật của vùng Ile-de-France (IDF) hiện nay rất phong phú, đa dạng, gồm có 4 hệ thực vật chính : hệ thực vật của đất hoang đô thị, hệ thực vật của các cánh đồng trồng trọt, hệ thực vật ở dưới nước và hệ thực vật của rừng.

Các loài bản địa thì bao gồm khoảng 1.300 loài, với khí hậu đại dương ôn đới và vùng bằng phẳng, mặc dù chịu áp lực rất lớn từ các hoạt động của con người, nằm trong khu vực đô thị hoá mạnh mẽ và chịu sự gia tăng nhiệt độ trung bình tương đối cao.

202 loài thuộc hệ thực vật Île-de-France được phân loại là "thực vật được bảo vệ", 162 loài được liệt kê trong danh sách các loài thực vật được bảo vệ ở cấp vùng Île-de-France và 35 loài ở cấp quốc gia. Những dữ liệu này được công bố trên Tạp chí thực vật cần được bảo tồn của vùng Ile de France (Arnal, 1996) và được cập nhật năm 2013.

RFI : Hệ thực vật của vùng IDF có gặp nguy hiểm không ?

Thạc sĩ Tuyên Lamury : Có, hệ thực vật của vùng IDF đang gặp nguy hiểm. Dựa trên các nghiên cứu của Viện nghiên cứu thực vật quốc gia lưu vực Paris (CBNBP) năm 2014 thì vùng Ile-de-France có 400 loài - khoảng 26% hệ thực vật khu vực - bị đe dọa. Trong số 400 loài bị đe doạ thì ước tính 128 loài có nguy cơ tuyệt chủng ngắn hạn, 145 loài có nguy cơ tuyệt chủng, 127 loài dễ bị tổn thương, 85 loài đã biến mất khỏi khu vực.

RFI : Đâu là những nguyên nhân chủ yếu khiến hệ thực vật vùng này gặp nguy hiểm?

Thạc sĩ Tuyên Lamury : Theo tôi thì những nguyên nhân chính khiến hệ thực vật của IDF gặp nguy hiểm là : Sự đô thị hoá mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu xây dựng cao, diện tích đất sông ngòi và đất nông nghiệp bị giảm (diện tích xanh) ; tác động trực tiếp của con người và hậu quả của sự nóng lên toàn cầu. Sự biến đổi khí hậu này là nguyên nhân chính gây nguy hiểm cho hệ thực vật.

RFI : Chính quyền Paris và vùng IDF có quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ thực vật không?

Thạc sĩ Tuyên Lamury : Có chứ, theo chúng ta được biết thì sự biến đổi khí hậu hiện này là điều mà không chỉ nước Pháp mà cả thế giới đều quan tâm, nhất là vùng Ile-de-France là nơi đi đầu trong việc chống lại sự biến đổi khí hậu.

RFI : Chính quyền có những biện pháp nào để giữ gìn và phát triển hệ thực vật trong vùng?

Thạc sĩ Tuyên Lamury : Như tôi đã nói ở trên, chính quyền vùng IDF cũng như toàn nước Pháp, họ có những biện pháp cụ thể trong việc giữ gìn và phát triển hệ thực vật địa phương. Ví dụ trong kiến trúc, quy hoạch, thì các điều khoản bảo tồn thực vật đều được đưa vào trong bộ luật quy hoạch đô thị và môi trường từ cấp thành phố đến cấp địa phương như: PLU - Plan Local d'Urbanisme (Kế hoạch đô thị địa phương), tức là luật quy hoạch của từng vùng.

Cũng có quy định về duy trì, tăng cường sự phát triển của thực vật trong mọi giai đoạn xây dựng, tu sửa của các dự án, hoặc qua chính sách mua đất của chính quyền thành phố để hợp thức hóa quyền sử dụng đất, qua đó có sự quản lý, cải tạo và bảo tồn thực vật qua hệ thống của thành phố và địa phương.

Thành phố khuyến khích, chú trọng và phát triển hệ thực vật trong các dự án quy hoạch, chẳng hạn chiến dịch cải tạo và tái tạo thực vật với 0% sản phẩm kiểm dịch thực vật, ví dụ như với những khu vườn lớn như Parc de sceaux, Versailles, Vaux-le-Vicomte, trong việc cải tạo, sửa chữa vườn, họ đưa ra tiêu chí 0% sản phẩm kiểm dịch thực vật, thay vào đó, họ dùng những biện pháp làm sạch cỏ dại bằng nước cốt dừa ở nhiệt độ cao, hoặc nhặt cỏ theo phương pháp thủ công.

RFI : Theo chị, cần làm gì để bảo vệ hệ sinh thái ở vùng IDF ?

Thạc sĩ Tuyên Lamury : Theo tôi, với tư cách một kiến trúc sư cảnh quan, thì trong mỗi dự án quy hoạch, việc khảo sát, nghiên cứu hiện trạng của hệ thực vật trong dự án là rất quan trọng. Công việc này cho chúng tôi biết diện tích dự án của mình có nằm trong khu cần bảo tồn không? Thực trạng của hệ thực vật trong phạm vi quy hoạch như thế nào ? Sau đó chúng tôi mới triển khai thiết kế, quy hoạch và đưa ra những phương án bảo tồn nhất định, tiêu chí của chúng tôi là giữ lại cây hiện trạng nhiều nhất có thể.

Chúng tôi thường sử dụng các loài cây địa phương (vì chúng thích nghi tốt hơn với bối cảnh, khí hậu và điều kiện tự nhiên, thuận lợi hơn cho sự phát triển của hệ động vật địa phương: côn trùng, chim), đồng thời kết hợp hài hoà những tán lá dài đẳng xanh quanh năm và tán lá rụng để có một cảnh quan cây xanh ngay cả vào mùa đông. Chúng tôi trồng theo tầng lớp : cây, cây bụi, cây thân thảo như cỏ. Khi cây thân thảo hay cây bụi được trồng dưới chân cây lớn, những cây này sẽ giữ bóng mát và độ ẩm cho cây lớn, giúp thấm nước mưa vào rễ nhanh hơn.

Chúng tôi đưa ra phương án sao cho diện tích phủ xanh nhiều nhất, diện tích bê-tông hoá ít nhất có thể, đề cao việc thẩm thấu nước mưa trực tiếp trong đất, bằng cách chọn những vật liệu có tính thẩm thấu cao. Giải pháp tận dụng nước mưa để tưới cây là tiêu chí hàng đầu để thay cho việc sử dụng hệ thống tưới cây tự động, ví dụ như tạo hồ chứa nước tự nhiên và tính toán sao cho hướng chảy của nước mưa hướng vào diện tích trồng cây.

Những dự án khu mua sắm, khu nhà ở xã hội, trường học là những dự án diện tích mặt bằng khiêm tốn, chúng tôi thường đưa ra những phương án trồng cây trên mái, tùy theo điều kiện cho phép, từ trồng những cây phát triển chậm, cần ít đất (10 cm), không cần tưới nước nhiều, như các loại cỏ SEDUM, đến những khu vườn có những cây lớn nhờ những phương án trồng cây trong chậu, với những kích thước khác nhau, tuỳ vào nhu cầu của loại cây được chọn. Phương án này chúng tôi thường tư vấn cho chủ đầu tư kết hợp với những công ty (hiệp hội) nuôi ong để lắp đặt hệ thống nuôi và lấy mật ong, việc làm này tạo điều kiện cho sự phát triển giữa động vật và thực vật.

RFI : Paris và vùng IDF có luật trong việc bảo vệ và phát triển hệ thực vật không?

Thạc sĩ Tuyên Lamury : Có chứ, nhưng tôi đã nói ở trên, mỗi một vùng, địa phương có luật quy hoạch riêng. Đó là PLU - Plan Local d'Urbanisme - Kế hoạch đô thị địa phương. Pháp nói chung và IDF nói riêng, họ đề cao việc bảo tồn cây xanh, hệ thực vật, tất cả những công trình xây dựng đều phải tuân theo những quy định trong PLU để có được giấy phép xây dựng.

Về thực vật, PLU có quy định loại cây được sử dụng trong công trình, điều khoản bảo vệ thực vật hiện trạng như thế nào, % diện tích xanh trên tổng diện tích công trình xây dựng, tỷ lệ diện tích có tính thẩm thấu nước mưa trực tiếp trên mặt bằng đất xây dựng phải đạt 60%, ví dụ như ở Malakoff (thành phố ngoại ô Paris). Nếu trong dự án bắt buộc phải chặt cây thì họ cũng có quy định rất rõ về việc phải đóng một khoản tiền tương ứng với hiện trạng của cây sẽ bị chặt, hoặc yêu cầu tỷ lệ chặt 1 cây thì phải trồng lại 1 cây, hoặc chặt 1 cây thì phải trồng lại 2 cây, tùy theo từng PLU của mỗi vùng.

RFI : Ngoài những biện pháp của chính quyền, theo chị, người dân cần chú ý và làm gì để bảo vệ hệ thực vật ?

Thạc sĩ Tuyên Lamury : Trong bối cảnh khí hậu và môi trường xấu đi như hiện nay, với sự biến đổi khí hậu, mối đe dọa đến hệ thực vật rất cao, thì việc khó ở đây theo tôi nghĩ là thay đổi cách tư duy và cảm nhận khu vườn, không gian xanh quanh bạn. Đó là hạn chế sử dụng các sản phẩm kiểm dịch thực vật như thuốc trừ sâu, phân bón hoặc thuốc diệt cỏ, vì chúng có ảnh hưởng trực tiếp, tệ nhất đến sự đa dạng thực vật. Chúng gây ô nhiễm nước ngầm và phá hủy hệ động vật nhỏ. Thay vì sử dụng những loại thuốc trừ sâu đó, chúng ta có thể sử dụng những biện pháp như thủ công, sử dụng côn trùng để kiểm soát thực vật, hoặc mùn.

Với nhiệt độ nắng nóng như hiện này ở Paris thì việc học cách chấp nhận thảm cỏ trong vườn của mình kém xanh là điều cần thiết, bên cạnh đó nên sử dụng hệ thống giữ nước mưa để tưới vườn; sử dụng mùn để duy trì độ ẩm trong đất, quý vị có thể đặt một lớp phủ (vỏ cây, vỏ bào, vỏ ca cao ...) để hạn chế sự xuất hiện của các loại cỏ dại tự phát và tránh lạnh, nóng cho cây. Về phân bón, thay vì mua phân bón vườn, thì quý vị hãy giữ lại chất thải xanh như vỏ trái cây và rau quả để ủ phân bón.

Quý vị cũng nên gieo một đồng cỏ hoa. Các loài thực vật sẽ trở lên đa dạng và phong phú hơn nhiều với một bãi cỏ hoa. Gieo một đồng cỏ hoa trong vườn hoặc trong chậu, trên ban công của quý vị có thể thúc đẩy sự xuất hiện của côn trùng như ong, bướm, đem lại tính thẩm mỹ cho ngôi nhà của quý vị, mà lại không tốn kém trong việc mua hoặc bảo trì hay thực hiện.

10:41

PV KTS Lamury Tuyen

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.