Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Dân Pháp và xu hướng thay đổi phương thức tiêu dùng

Đăng ngày:

Những năm gần đây, người dân Pháp dường như đã có những thay đổi về phương thức tiêu dùng : không chỉ mua hàng mới, nhiều người quan tâm đến các mặt hàng đã qua sử dụng, trao đổi quần áo cũ, thuê đồ đạc, sửa chữa đồ cũ và dùng tiếp cho đến khi hỏng hẳn, không sửa được nữa rồi mới mua sản phẩm khác thay thế. Nhiều thị trường mới được mở ra, thu hút rất nhiều người tiêu dùng.

Một buổi giúp sửa đồ dùng bị hỏng của Repair Cafe ở Jacksons Corner, Reading, Berkshire, Anh Quốc, năm 2015. Ảnh minh họa.
Một buổi giúp sửa đồ dùng bị hỏng của Repair Cafe ở Jacksons Corner, Reading, Berkshire, Anh Quốc, năm 2015. Ảnh minh họa. Flickr/Karen Blackeman
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, Ông Philippe Moati, giáo sư kinh tế tại Đại học Paris-Diderot, đồng sáng lập Obsoco, Đài quan sát Xã hội và Tiêu dùng của Pháp, giải thích những yếu tố dẫn đến xu hướng thay đổi phương thức tiêu dùng của người Pháp :

« Vâng, đúng là từ vài năm nay, chúng tôi nhận thấy người dân Pháp có những thay đổi trong cách tiêu dùng. Cách tiêu dùng mới không theo những chuẩn mực của nền kinh tế hàng hóa và được hình thành do có sự tác động của nhiều yếu tố.

Đương nhiên là phải nói tới yếu tố công nghệ. Công nghệ tạo ra những cách mua sắm mới. Chẳng hạn, hình thức mua đồ cũ thì đã có từ lâu, thế nhưng với Internet, mọi người có khả năng kết nối dễ dàng với người mua hoặc người bán, và giá sang nhượng thì cực kỳ thấp.

Điều này cũng đúng với việc đi thuê các sản phẩm. Rất nhiều trang web được tạo ra để phục vụ hoạt động thuê và cho thuê, thường là giữa các cá nhân. Đương nhiên, thật khó để chúng ta có thể hình dung mọi chuyện diễn ra như thế nào nếu không có Internet. Vì thế, yếu tố đầu tiên chúng ta cần nói đến là công nghệ.

Tiếp theo, chúng ta cũng phải nói đến tình hình kinh tế. Các phương thức tiêu dùng mới rất tiện lợi. Cho tới nay, chúng đã phát triển được khoảng mười năm. Đó là do cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng tới khả năng chi tiêu của người dân.

Nhiều phương thức tiêu thụ mới cho phép người tiêu dùng có những lựa chọn khôn ngoan, đơn giản là để sắm sửa những thứ họ cần nhưng với giá rẻ hơn. Quý vị biết đấy, tại Pháp, đa phần dân chúng có cảm giác mức sống của họ ngày càng kém đi, trong khi các số liệu chính thức lại cho thấy điều ngược lại. Thế nhưng, cảm giác, cảm nhận lại có vai trò quan trọng. Khi quý vị cảm thấy mình đang nghèo đi, quý vị sẽ luôn tìm kiếm phương thức tiêu dùng vừa cho phép quý vị thỏa mãn nhu cầu, vừa ít tốn kém.

Yếu tố thứ ba, nhìn chung mọi người đã có ý thức và nhận thức ngày càng nhanh về các thách thức môi trường đang được đặt ra và nhất là về mối liên quan giữa cách chúng ta tiêu dùng và các vấn đề về môi trường. Không phải người tiêu dùng nào cũng có được suy nghĩ như vậy, nhưng dẫu sao thì cũng có rất nhiều người có ý thức về môi trường. Họ mong muốn đạt được những cố gắng để có được những cách tiêu dùng có thể giảm thiểu tác động đối với môi trường, thường là qua việc mua hàng đã qua sử dụng và thuê đồ dùng, hay chẳng hạn đi chung xe với người khác.

Người ta có cảm giác đang làm được điều gì đó để bảo vệ hành tinh, tức là họ vừa thỏa mãn được nhu cầu, mang lại niềm vui cho bản thân, vừa tiết kiệm được chi phí, lại có cảm giác là đang hành xử có đạo đức, phù hợp với những giá trị mà họ đang tìm cách bảo vệ ».

Website trao đổi, bán đồ cũ nở rộ

Các phương thức tiêu dùng mới thu hút những nhóm người tiêu dùng nào nhất ?Giáo sưPhilippe Moati, Đài quan sát Xã hội và Tiêu dùng Pháp, giải thích cụ thể :

« Các phương thức tiêu dùng khác nhau đều nhắm vào những đối tượng khác nhau. Chúng tôi có thể nói rằng những phương thức tiêu dùng cần đến công nghệ thông tin và mạng Internet thì thu hút giới trẻ nhiều hơn. Để mua hàng đã qua sử dụng, đương nhiên là người ta có thể vào các trang như Le bon coin, eBay, nhưng người ta cũng có thể mua đồ cũ tại các cửa hàng chuyên bán hàng đã qua sử dụng, hay trong các khu chợ chuyên tập hợp người dân mang đồ cũ ở nhà ra bán. Đây là những hình thức mua đồ cũ theo kiểu truyền thống hơn.

Trên thực tế, hình thức mua hàng đã qua sử dụng liên quan đến rất nhiều người. Các cuộc điều tra của Đài quan sát Xã hội và Tiêu dùng của Pháp, Obsoco, cho thấy là 60% số người được hỏi từng mua đồ cũ ít nhất là một lần trong thời gian một năm, 50% cho biết đã từng bán đồ cũ. Quý vị thấy đó, khi chúng ta có những tỉ lệ cao đến như vậy, có nghĩa là việc mua hay bán đồ cũ liên quan đến rất nhiều người Pháp, phương thức tiêu dùng này là rất phổ biến.

Hiện nay, những hình thức trao đổi kín đáo hơn, nhất là hình thức đi thuê/cho thuê vốn liên quan đến ít người hơn là so với các hình thức tiêu dùng khác, thì liên quan chủ yếu đến những người trẻ tuổi, có thu nhập tương đối cao và trình độ cũng khá cao.

Có những lứa tuổi dễ tiếp nhận phương thức tiêu dùng mới hơn, bởi vì khi người ta già đi, người ta càng gắn bó hơn với những phương thức họ đã chọn từ trước, sẽ rất khó để họ thay đổi cách tiêu dùng. Giới trẻ thường cởi mở hơn và việc thay đổi thói quen cũng diễn ra tự nhiên hơn. Chúng ta cũng biết rằng ý thức bảo vệ môi trường có mối liên hệ với điều kiện kinh tế và vốn văn hóa của các cá nhân.

Nói tóm lại, việc thay đổi phương thức tiêu dùng có liên quan nhiều hơn đến những người trẻ tuổi, có điều kiện kinh tế và có vốn hiểu biết văn hóa ».

Một vài năm trở lại đây, chính quyền Pháp và dân chúng ngày càng chú ý đến nạn nhà sản xuất cố ý rút ngắn tuổi thọ của sản phẩm. Ngày 27/12/2017, lần đầu tiên trong lịch sử Pháp, Tư Pháp giao cho cơ quan quản lý cạnh tranh, tiêu dùng và chống gian lận, trực thuộc bộ Kinh Tế, tiến hành điều tra sơ bộ nhắm vào hãng Epson của Nhật, với cáo buộc Epson « lừa gạt » người tiêu dùng, cố ý rút ngắn độ bền hộp mực máy in để buộc khách mua máy in mới.

Bất chấp vấn nạn nhà sản xuất cố ý rút ngắn tuổi thọ của sản phẩm, có một thực tế là thị trường hàng đã qua sử dụng vẫn phát triển tại Pháp. Trang bán đồ cũ nổi tiếng nhất của Pháp là Le bon coin, mỗi ngày có tới 800.000 - 1 triệu người đăng thông báo bán đồ đã qua sử dụng, đủ loại, từ hàng gia dụng, máy tính, điện thoại… cho đến sách truyện, đồ chơi, quần áo. Tổng số người đăng ký tài khoản trên trang Le bon coin là khoảng 30 triệu người, tương đương 50% dân số Pháp.

Các ứng dụng, các trang web trao đổi đồ cũ cũng có xu hướng tăng nhanh. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng của thị trường này là 10%. Tỉ lệ này vào năm 2018 là 17%. Trang Vinted chuyên về trao đổi quần áo cũ tăng trưởng 300%/năm và hiện có tới 21 triệu thành viên.

Liệu đây có phải là một nghịch lý hay không ? Giáo sư kinh tế Philippe Moati khẳng định :

« Đúng là có một nghịch lý. 91% số người Pháp được hỏi tin rằng các nhà sản xuất công nghiệp có chủ ý để các sản phẩm hỏng rất nhanh và nếu có thể thì hỏng ngay sau khi hàng hóa hết hạn bảo hành. Nhưng cũng đúng là thị trường hàng đã qua sử dụng vẫn phát triển. Chúng ta có thể nói rằng một sản phẩm không bền thì không thể đem bán lại được sau một thời gian sử dụng.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Trên thực tế, ngay cả khi một sản phẩm không bền, quý vị phải mua cái khác vì sản phẩm hỏng rất nhanh, thì cũng không phải là mặt hàng nào cũng bị như vậy. Nhờ thế mà thị trường hàng đã qua sử dụng vẫn phát triển.

Chẳng hạn liên quan đến thị trường xe hơi, quý vị có thể thấy là ngày càng có nhiều người tiêu dùng, khi chọn lựa mua xe mới, họ chú ý xem liệu chiếc xe đó có giá khi đem bán lại sau một thời gian sử dụng hay không. Rõ ràng là khi một sản phẩm có chất lượng cao, người ta biết rằng có thể sử dụng sản phẩm này bền lâu, hiển nhiên là sản phẩm có giá trị cao hơn, được khách hàng chọn lựa nhiều hơn vì sau này họ có thể bán lại dễ dàng hơn, do công chúng đều biết rằng một sản phẩm có độ bền cao thì dễ bán lại được mà không mất giá quá nhiều ».

Sửa đồ : xu hướng mới tại châu Âu

Trên thế giới, phong trào Repair Café ra đời tại Hà Lan vào năm 2010, rồi sau đó nhanh chóng lan sang các nước châu Âu khác và được du nhập vào Pháp năm 2013. Repair Café là nơi kết nối những người có đồ đạc bị hỏng, cần sửa chữa và những người biết sửa đồ, như đồ điện gia dụng, đồ điện tử, xe đạp, máy khâu… và tình nguyện mang dụng cụ đến sửa giúp đồ cho người khác.

Repair Café được tổ chức thường tại một địa điểm như một phòng dành cho các hoạt động của thành phố, thị trấn và thu hút rất đông người tham gia. Không trả phí sửa chữa, nhưng người tham gia có thể trao đổi sự giúp đỡ với nhau, thậm chí là các tình nguyện viên hướng dẫn cách sửa đồ cho mọi người, để dần dần những người này có thể biết cách sửa đồ cho mình và giúp đỡ người khác.

Liệu tình trạng nhà sản xuất cố ý rút ngắn tuổi thọ của sản phẩm có góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường sửa chữa đồ cũ hay không ? Giáo sư kinh tế Philippe Moati trả lời RFI Việt ngữ :

« Không hẳn là như vậy. Bởi vì thực ra nếu hiểu sát nghĩa nhất, mục tiêu của việc nhà sản xuất cố ý hạn chế độ bền, thời gian sử dụng của sản phẩm là để người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm. Vì thế, khi một sản phẩm bị hỏng, nếu thợ có thể sửa chữa được, khách hàng lại mang về dùng tiếp được thì có nghĩa là nhà sản xuất đã thất bại.

Thường thì khi cố ý hạn chế độ bền của sản phẩm, nhà sản xuất thường thiết kế sao cho việc sửa chữa trở khó khăn để cản trở khách hàng chữa đồ và cũng là để giảm chi phí sản xuất. Vì thế, các chi tiết, phụ tùng thường được thiết kế gắn liền với nhau thành một khối, chứ không được thiết kế theo cấu kiện, tức là nếu một bộ phận cấu thành bị hỏng thì toàn bộ sản phẩm đều không hoạt động được nữa.

Mọi chuyện là như vậy. Ban đầu, các sản phẩm được thiết kế để giảm chi phí sản xuất nên không bền. Chúng cũng được chế tạo để không thể sửa chữa được nếu bị hỏng. Đây thực sự là một vấn đề, nhưng điều này đang dần thay đổi, bởi vì luật pháp và người tiêu dùng ngày càng gây sức ép khiến các nhà sản xuất tạo ra những sản phẩm không chỉ bền mà nhất là phải sửa chữa được nếu chúng bị hỏng hóc.

Hiện giờ, người tiêu dùng không muốn lãng phí cả khả năng chi tiêu và tài nguyên thiên nhiên, họ nhận thức được những thách thức đặt ra đối với môi trường. Người tiêu dùng muốn có các sản phẩm chất lượng cao và họ muốn là có thể sửa chữa được sản phẩm nếu chúng bị hỏng.

Luật kinh tế tuần hoàn tới đây sẽ yêu cầu nhà sản xuất phải nêu rõ dấu hiệu là sản phẩm có thể sửa chữa được. Điều này sẽ cho phép người tiêu dùng chọn được sản phẩm mà họ biết là sau này có thể sửa được và gạt sang một bên những mặt hàng mà nhà sản xuất cố ý rút ngắn thời gian sử dụng, hạn chế độ bền ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.