Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Vì Mỹ và Trung Quốc, Pháp muốn lôi kéo Nga trở về "mái nhà châu Âu"

Đăng ngày:

« Nước Nga là ở châu Âu », ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố trước hội nghị thường niên các đại sứ Pháp ngày 29/08/2019. Cũng tại hội nghị này, tổng thống Pháp phát biểu : « Ai đã đánh mất nước Nga ? Chính chúng ta, phương Tây ». Ngành ngoại giao Pháp và giới chuyên gia nước này cho rằng đã đến lúc « Pháp và Liên Hiệp Châu Âu xem xét một chính sách đối ngoại thực tiễn hơn với Nga ».

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) trò chuyện cùng đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại Bregancon, Pháp, ngày 19/08/2019.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) trò chuyện cùng đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại Bregancon, Pháp, ngày 19/08/2019. Sputnik/Alexei Druzhinin/Kremlin via REUTERS
Quảng cáo

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron kêu gọi Pháp cũng như là Liên Hiệp Châu Âu nên « kiến tạo một niềm tin mới » với Matxcơva, « xem xét lại mối liên hệ với nước Nga ». Phát biểu này được đưa ra hơn một tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ Pháp - Nga tại Brégançon (tây nam nước Pháp) ngày 19/08/2019, vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh khối G7.

Việc tổng thống Pháp quyết định chìa bàn tay thân thiện với Matxcơva đã được nhiều nhà quan sát tán đồng. Ông Hubert Védrine, cựu ngoại trưởng Pháp, trả lời phỏng vấn báo Le Figaro ngày 18/08/2019, một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp Macron – Putin khẳng định hướng đi này chỉ có lợi cho mối quan hệ giữa Pháp và Nga cũng như là Liên Hiệp Châu Âu với Nga.

Ông nói : « Đây là một ý định rất hữu ích nhằm giúp Pháp và nếu có thể là châu Âu thoát ra khỏi một ngõ cụt, một cuộc chiến quan điểm vô bổ khởi phát từ nhiều năm qua mà cả hai phía đều sai lầm, nhất là kể từ nhiệm kỳ thứ ba của ông Vladimir Putin. Và cuộc đối đầu này dẫn đến một sự khó hiểu về chiến lược : Hệ quả là ngày nay chúng ta có những mối quan hệ với Nga còn tồi tệ hơn so với ba thập niên cuối cùng với thời Liên Xô ! Điều này chẳng có lợi gì cho chúng ta ! »

Câu hỏi đặt ra : Vì sao vào lúc này ? Khi quan sát cuộc gặp Putin – Macron, cây bút xã luận kỳ cựu của báo Le Monde, bà Sylvie Kauffman, tự hỏi : Phải chăng ông Emmanuel Macron đang chơi lại chiêu bài « RESET » mà cựu tổng thống Mỹ, Barack Obama đã từng thử thực hiện năm 2009 nhằm xích lại gần với Nga nhưng không thành ?

Ba định đề của Macron

Theo tổng thống Pháp, 10 năm sau chương trình « reset » của Obama, nếu Vladimir Putin vẫn còn đó, thực tế địa chính trị không còn như trước nữa. Thế giới đang trải qua một giai đoạn tái lập một trật tự mới chưa từng có. Do vậy, theo bà Kauffman, nguyên thủ Pháp căn cứ vào ba định đề để lập ra một chính sách đối ngoại mới với nước Nga.

Thứ nhất, mô hình bành trướng quân sự của Nga và tính xung đột thường trực, bắt nguồn từ sự « yếu kém » của phương Tây, tuy có những thành công nhất định nhưng không thể kéo dài. Yếu về mặt kinh tế và dân số, sớm hay muộn, Nga sẽ phải tìm kiếm sự trợ giúp, và điều không thể tránh khỏi, Nga sẽ hướng sang Trung Quốc. Chính châu Âu sẽ phải ngăn chận mối liên minh này, vốn dĩ sẽ bất lợi cho khu vực.

Thứ hai, liên minh xuyên Đại Tây Dương đang bị tách rời. Tuy vẫn là « một đồng minh rất quan trọng », nhưng Hoa Kỳ đang dần lìa xa châu Âu và không còn quan tâm đến việc tư duy chiến lược của châu Âu nữa. Khi quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước hạn chế tên lửa tầm trung ký kết với Matxcơva – một trong những vết tích sau cùng thời chiến tranh lạnh – mà nước Nga bị cáo buộc đã vi phạm, chính quyền Washington đã thúc đẩy nhanh hơn nữa mọi việc. Vì cơ cấu kiểm soát vũ khí này, « được kiến tạo trong một bối cảnh địa chính trị không còn phù hợp với hiện nay », đang bị phá vỡ, giờ đến phiên châu Âu phải xây dựng cái mới, nhưng phải có sự phối hợp với Nga, quốc gia mà ông Macron tin rằng « thuộc châu Âu ».

Thứ ba, một thế giới hai cực mới Mỹ - Trung đang hình thành. Washington muốn đàm phán với Bắc Kinh về việc kiểm soát vũ khí. Trong bối cảnh này, nguyên thủ Pháp khẳng định « không muốn là con tin » của cuộc đàm phán này và cần phải có một khung đa phương mới. Châu Âu trong quá khứ từng là một con chốt trong bàn cờ địa chính trị Nga – Mỹ. Giờ đến lúc để châu Âu lấy lại « kiểm soát ». Do vậy, châu Âu phải là « đồng minh » chứ không phải là « chư hầu ».

Nước Pháp gặp thời?

Trong chiều hướng này, rõ ràng việc tổng thống Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại Brégançon trước thềm hội nghị G7 là động thái ngoại giao được giới chuyên gia đánh giá cao. Nước Pháp muốn đề cao tầm quan trọng của Nga trong một bối cảnh địa chính trị mới. Tổng thống Pháp không ngừng nhắc lại rằng để « Nga rơi vào vòng tay Trung Quốc sẽ là một sai lầm to lớn ».

Cuộc gặp Nga – Pháp không chính thức vừa qua, tuy không mang lại nhiều kết quả như mong đợi trong nhiều hồ sơ lớn như Ukraina, Iran hay Syria nhưng mang nhiều ý nghĩa biểu tượng và hàm chứa nhiều thông điệp chính trị. Do vậy Pháp muốn là tiếng nói của châu Âu, thay mặt châu Âu đối thoại với Nga như nhận xét của ông Cyrille Bret, giảng viên trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po trên đài France Culture.

« Đương nhiên, về mặt nội dung, chúng ta sẽ chưa có được việc trả tự do cho các thủy thủ Ukraina, chúng ta cũng sẽ chưa thể giúp cho vấn đề chủ quyền Ukraina được trở lại bình thường nhưng nước Pháp, nhất là tổng thống Emmanuel Macron đã tận dụng được tình hình và hưởng lợi do việc ông nhân danh Liên Hiệp Châu Âu, tiến hành đối thoại với nhân vật vừa là đối tác vừa là đối thủ của Pháp ở châu Âu, đó là tổng thống Nga.

Thông điệp đưa ra gởi đến công luận Pháp cũng như là châu Âu là chính tổng thống Emmanuel Macron là người đang phải gánh vác một việc cực kỳ khó khăn, đang nói chuyện với một đối thủ khó nhất của Liên Hiệp Châu Âu. Nhìn từ góc độ này, tôi nghĩ rằng cuộc gặp Putin – Macron hàm chứa nhiều thông tin về tiến triển trật tự quốc tế trong những tháng tới đây »

Một quan điểm cũng được nhà nghiên cứu, giảng viên Florent Parmentier, trường đại học Khoa học Chính trị (Sciences Po) đồng chia sẻ trên đài RMC. Theo phân tích của ông, quyết định xích lại gần với Nga là cần thiết. Nước Nga là tác nhân chủ chốt cho nhiều cuộc đàm phán chiến lược ở cấp độ quốc tế.

« Nước Nga bị gạt ra khỏi G8 (giờ là G7), sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée. Việc tiếp tổng thống Nga là một cách thức cho phép nước Pháp lấy lại thế chủ động và để có thể nói với nguyên thủ Nga rằng trong một chừng mực nào đó, Pháp có thể đưa Nga trở lại với G7.

Ý đồ thứ hai là hồ sơ Ukraina. Hiện nước này vừa có một vị tổng thống mới, ông Volodymyr Zelensky và như vậy tổng thống Pháp muốn gây ảnh hưởng. Cuối cùng là hồ sơ Iran. Đơn giản chỉ vì nước Pháp muốn đóng vai trò không phải là trọng tài, trung gian mà là nhà đàm phán ».

Quả bóng trên sân Nga

Thế nhưng, một trong những khó khăn đầu tiên cần phải được giải quyết là làm thế nào hóa giải các điểm bất đồng giữa Nga và Pháp. Chuyên gia Cyrille Bret nghĩ rằng trong tình cảnh này, không nên trông đợi nhiều vào những bước đột phá ngoại giao quan trọng trong việc giải quyết các hồ sơ quốc tế lớn.

« Nếu như Pháp và Nga cùng đồng thuận trong việc duy trì thỏa thuận nhằm hạn chế năng lực hạt nhân của Iran thì lại bất đồng trong hồ sơ Ukraina. Ngoài những trao đổi hữu hảo trước đây về những nhượng bộ lẫn nhau cần thiết nhưng rất hạn chế, thì giờ đây cả hai nước có thể xúc tiến từ từ hồ sơ này.

Tôi nghĩ là không nên có cách tiếp cận « tối đa hóa » trong cuộc đối thoại giữa Pháp và Nga cũng như là giữa Liên Hiệp Châu Âu với Nga. Do những bất đồng chiến lược, địa kinh tế cũng như là những khác biệt trên phương diện giá trị chính trị quá lớn giữa các bên, nên chỉ có thể đạt được những tiến bộ trong những vấn đề hạn hẹp và cụ thể mà thôi. »

Chỉ có điều như nhận định của ông Cyrille Bret, nếu như Pháp và Liên Hiệp Châu Âu cần đến Nga thì trong một thế cân đối, Nga cũng rất cần đến châu Âu hơn là với Trung Quốc.

« Tôi nghĩ là câu hỏi cân xứng ở đây chính là Nga cũng rất cần đến châu Âu để có nguồn tài chính. Một nửa ngân sách của Liên bang Nga, trong đó có cả các nỗ lực trang bị vũ khí, phụ thuộc nhiều vào nguồn thu có được từ việc bán dầu khí cho châu Âu, trong khi nguồn xuất khẩu dầu khí sang Trung Quốc không thể thay thế cho nguồn xuất khẩu dầu khí sang châu Âu. Hiện tại, nước Nga rất cần đến các nguồn đầu tư công nghệ, kỹ sư nhất là nguồn ngoại tệ của châu Âu chứ không phải trong chiều ngược lại.

Quả thật có sự bất cân xứng rất lớn. Liên Hiệp Châu Âu không có một chính sách về Nga trong khi ngược lại nước Nga từ lâu chỉ có một chính sách về châu Âu : Đó là chia để trị.

Chính vì lý do này mà tổng thống Pháp tận dụng cơ hội Ủy Ban Châu Âu mới chưa thành lập, tân thủ tướng Anh đang bù đầu với Brexit, thủ tướng Đức Angela Merkel đang dần dần mờ nhạt. Ông xông lên tuyến đầu, nhân danh Liên Hiệp Châu Âu để đối thoại với Vladimir Putin, thể hiện lập trường một cách chung chung, chưa cho phép tạo ra được mối tương quan lực lượng đủ mạnh, nhưng chí ít cũng đặt thêm một viên gạch thứ ba, sau cuộc gặp thứ nhất tại cung điện Versailles và tại Saint Petersburg nhằm thiết lập một cuộc đối thoại với một nước Nga vốn khó tính.

Tương lai của châu Âu không lệ thuộc vào Nga nhưng vấn đề ở đây là cần làm cho nước Nga hiểu được rằng tương lai của chính nước này, đặc biệt trong thời kỳ hậu Putin, lại phụ thuộc chủ yếu vào việc kết gắn, hòa hợp với kinh tế, và các cơ cấu định chế của Liên Hiệp Châu Âu, của Hội Đồng Toàn Châu Âu. Tôi nghĩ đó chính là thông điệp mà tổng thống Pháp muốn đưa ra. »

Liệu rằng điện Kremlin có chịu nắm tay bàn tay « thân thiện » mà tổng thống Emmanuel Macron chìa ra hay không ? Thứ Hai, 09/09 diễn ra cuộc họp cấp cao 2+2 đầu tiên giữa Nga và Pháp (cuộc gặp giữa các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc Phòng) kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraina năm 2014. Liệu Vladimir Putin sẽ có một sự chuyển hướng nào cho sách lược Nga, thân châu Âu hơn hay không ? Mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn về phía Matxcơva.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.