Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Áo quần Slow Fashion, mặc bền hơn mua nhiều

Đăng ngày:

Cách đây một thập niên, phong trào Slow Food đã ra đời để chống lại các thức ăn nhanh. Một cách tương tự, xu hướng Slow Fashion (còn được gọi là Sustainable Fashion, Thời trang bền vững) đã trỗi dậy để hạn chế các tác hại về mặt xã hội và môi trường của ngành công nghiệp dệt may.

Áo quần "fast fashion" chỉ được dùng trong vài năm
Áo quần "fast fashion" chỉ được dùng trong vài năm REUTERS/Benoit Tessier/File Photo
Quảng cáo

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngành công nghiệp y phục may sẵn thường sản xuất áo quần theo hai mùa xuân-hạ rồi thu-đông. Điều đó đã ít nhiều tạo thói quen nơi người tiêu dùng, họ thường mua sắm những kiểu áo quần hợp thời, mỗi khi có các bộ sưu tập mới. Bằng chứng là vào mùa hè này, theo báo Le Parisien , 58% phụ nữ Pháp vẫn mua thêm một bộ áo tắm mới, cho dù các kiểu áo tắm của các cô các bà vẫn chưa phải là lỗi thời, tâm lý phụ nữ vẫn thích có thêm vài bộ để thay đồ, để diện mỗi khi cần. Vả lại, tại các cửa hàng thời trang phổ thông như Zara, H&M, Mango, Topshop ….. giá áo quần được bán vốn đã mềm, vào mùa đại hạ giá lại càng mềm hơn. Nếu được thì nên mua ngay, vì các kiểu y phục đó không phải lúc nào cũng có, do các cửa hàng thường xuyên thay đổi các bộ sưu tập.

Mức ô nhiễm ngành dệt may cao hơn ngành hàng không

Thuật ngữ “fast fashion” (Thời trang nhanh) dùng để chỉ xu hướng tiêu dùng ấy. Một bên là các công ty phân phối, đặt hàng may sản xuất ở Bangladesh, Maroc hay Thổ Nhĩ Kỳ ….. Các xưởng may sản xuất với tốc độ chóng mặt, các công ty đặt hàng chỉ cần 4 tuần lễ là có ngay các kiểu áo, đem ra bày bán tại cửa hàng phân phối với giá phải chăng. Người tiêu dùng vì thế lại càng thích mua hàng, mua nhiều quần áo mới mà giá lại rẻ. Điều đó dễ tạo ra vòng lẩn quẩn : một khối lượng lớn y phục bị đào thải chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. Xu hướng ‘‘fast fashion’’ liên tục thay đổi và chất lượng của mặt hàng may sẵn cũng không thuộc vào loại “ăn chắc mặc bền”, có thể giữ được trong vòng nhiều năm.

Biểu diễn thời trang tại Berlin 07/2019 nâhn hội chợ Neonyt, giới thiệu xu hướng kết hợp thời trang và phát triển bền vững
Biểu diễn thời trang tại Berlin 07/2019 nâhn hội chợ Neonyt, giới thiệu xu hướng kết hợp thời trang và phát triển bền vững REUTERS/Annegret Hilse

Cái giá phải trả cho ngành “fast fashion” chính là những tác hại vô hình đối với người tiêu dùng, nhưng rất rõ nét đối với giới bảo vệ môi trường. Khâu sản xuất và vận chuyển vủa ngành dệt may tạo ra mỗi năm 1,2 tỷ tấn khí gây hiệu ứng nhà kính, tức là còn cao hơn cả lượng khí thải của hai ngành hàng không dân sự và vận chuyển hàng hải gộp lại. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCDE), lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng chậm mà đều đặn trong ba năm vừa qua.

Các khâu sản xuất và chế biến hàng dệt may có tác động mạnh đến môi trường. Các  chất hóa học độc hại thường được dùng trong khâu sản xuất hàng may mặc, đặc biệt là thuốc nhuộm và thuốc làm bạc màu quần jean (vải denim). Theo báo cáo năm 2018của Cơ quan quản lý Môi trường và Năng lượng (Ademe), kết quả là 20% lượng ô nhiễm các nguồn nước sạch là do quy trình xử lý và nhuộm quần áo may sẵn. Còn theo Quỹ bảo vệ môi trường Ellen McArthur Foundation, ngành dệt may hiện đứng hạng nhì trên thế giới về mặt gây ô nhiễm, chỉ thua có ngành dầu khí.

Tiêu thụ có trách nhiệm : bớt mua sắm quần áo

Các tập đoàn lớn với rất nhiều cửa hàng áo quần trên thế giới như H&M, Gap hay Zara đứng đầu trong việc phân phối các sản phẩm ‘‘thời trang nhanh’’, việc sử dụng các chất hoá học mà không tính đến khâu xử lý cũng như việc gia công và qua đó khuyến khích việc sử dụng nguồn nhân công giá rẻ, tất cả các yếu tố này được khai thác hầu cung cấp quần áo với chi phí rất thấp.

Cho dù hiện nay các thương hiệu này đã dần dần đầu tư vào các dự án sản xuất gọi là ‘‘có trách nhiệm’’ tức là sản xuất áo quần sao cho đảm bảo tiền lương đủ sống cho nhân công, cũng như tránh gây tác hại đến môi trường. Tuy nhiên theo các tổ chức phi chính phủ, việc triển khai các dự án này vẫn còn quá chậm, hơn 6 năm sau thảm kịch sập nhà Rana Plaza tại Dacca, Bangladesh.

Tổ chức "Greens Efa" yêu cầu các tập đoàn sản xuất quan tâm hơn đến xã hội môi trường
Tổ chức "Greens Efa" yêu cầu các tập đoàn sản xuất quan tâm hơn đến xã hội môi trường greensefa

Thay vì chờ đợi các tập đoàn lớn thay đổi cung cách kinh doanh, sản xuất, xu hướng slow fashion đã trỗi dậy mạnh mẻ trong 5 năm gần đây tại châu Âu. Một số công ty cỡ nhỏ và trung bình đầu tư vào slow fashion, một mặt khuyến khích người tiêu dùng có trách nhiệm hơn khi mua sắm và hạn chế các tác động môi trường ngay từ trước khi đưa vào sản xuất. Đó là trường hợp của cô Julia Faure, đồng sáng lập công ty thời trang Loom ở Paris dành cho phái nam.

Lúc đầu khi chúng tôi thành lập công ty Loom, vấn đề đầu tiên là chất lượng mặt hàng. Bất kể cái giá mà bạn chịu chi ra để mua một bộ áo quần, điều quan trọng mà bạn nên quan tâm là bộ y phục này, bạn sẽ mặc trong bao lâu và áo quần có bền hay không. Những câu hỏi đơn giản ấy những lại vô cùng quan trọng đối với ngành sản xuất áo quần may sẵn. Khi bạn mua một chiếc áo thun với giá 5€ chẳng hạn, bạn có thể biết chắc là để đạt tới một giá thành rẻ như vậy, người ta đã tiết kiệm rất nhiều thứ trong khâu sản xuất, kể cả đồng lương trả cho công nhân, các tác động về mặt môi trường, chưa kể đến chất liệu để chế biến một mặt hàng chất lượng. Khi người ta chịu bán cho bạn mua một chiếc áo thun giá 5€, thì người bán chẳng hề quan tâm nếu không nói là mặc kệ chuyện xử lý các chất thuốc nhuộm. Theo tôi, các tập đoàn lớn có một mô hình kinh doanh khác hẳn với các công ty nhỏ như công ty chúng tôi. Các thương hiệu lớn buộc phải tăng doanh thu thường niên hầu đem lại lợi nhuận cho các cổ đông, và họ khuyến khích khách hàng mua càng nhiều càng tốt, bất kể sản phẩm có bền hay không. Trong khi công ty chúng tôi chú trọng đến chất lượng, chứ không phải là số lượng. Theo tôi, các công ty chuyên về ‘‘thời trang nhanh’’ không thành thật với khách hàng. Liệu họ có dám mặc những gì họ bán cho khách hay không. Điều đó không có gì là chắc chắn cả.

Chỉ có 30% tủ áo quần được sử dụng

Cũng như cô Julia Faure, cô Nermin Kose người Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập công ty Away Denim chuyên sản xuất quần jean nhưng với mục đích hạn chế việc phung phí năng lượng cũng như các tác động về môi trường, vải coton đến từ ngành nông nghiệp sạch, thuốc nhuộm dùng các chất tự nhiên thay vì hóa học và vải jean chỉ được giặt một lần thay vì nhiều lần.

Một số hiệu thời trang châu Âu và Hoa Kỳ đã bắt đầu sản xuất các loại quần jean theo xu hướng thời trang bền vững. Nhờ các công ty này mà ngành sản xuất vải (denim) quần jean đã bắt đầu thay đổi. Thế nhưng, ngành sản xuất hàng dệt may tại Thổ Nhĩ Kỳ lại không quan tâm đúng mức đến việc sản xuất vải (denim) jean sao cho hợp với các tiêu chí bảo vệ môi trường thời nay. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đứng hàng thứ ba trên thế giới trên lãnh vực sản xuất quần jean, sau Trung Quốc và Bangladesh. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nước đứng đầu trong việc cung cấp quần jean trên toàn châu Âu, thế nhưng hiện giờ chỉ có ba công ty trên số hàng chục công ty quan tâm đến việc sản xuất vải (denim) jean bền với chất liệu tự nhiên. Trái với các loại vải sợi khác, vải denim dùng để chế biến quần jean phải giặt rất nhiều lần và sau đó phải tẩy bằng cát để làm ‘‘phai màu’’ lớp vải. Quy trình sản xuất này rất tốn kém về mặt năng lượng. Điều đó cũng đã dẫn tới thảm kịch xã hội, nhiều công nhân đã bị nhiễm bụi trong buồng phổi, kỹ thuật này sau đó bị cấm tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2009, nhưng cho tới giờ vẫn tồn tại ở Bangladdesh.

Bên cạnh các công ty, một số người tiêu dùng cũng bắt đầu nhận thức về giá trị của ‘‘slow fashion’’. Trên các mạng xã hội, đã xuất hiện nhiều cộng đồng (đôi khi với hàng chục ngàn thành viên) chủ trương hạn chế mua sắm, tiêu thụ và như vậy hạn chế được lượng rác thải kể cả các loại quần áo không dùng hay không mặc. Cô Mélodie là sinh viên ngành thiết kế thời trang ở Paris và cũng là một trong những chủ trang blog chuyên khuyến khích mọi người chỉ mua sắm những gì thật sự cần thiết :

Cách đơn giản nhất là giảm mức tiêu thụ, bởi vì thật ra chúng ta chỉ dùng khoảng 30% những gì ta có trong tủ áo quần hay trong phòng thay đồ, phần còn lại là những thứ không dùng hay không mặc, chưa kể các loại áo quần ta được biếu tặng nhưng chỉ mặc một lần, do ta cảm thấy không thích hợp. Một người thì không sao nhưng khi hàng triệu người đều làm như vậy thì điều đó dẫn tới những con số khổng lồ. Hàng năm, có tới 40 tỷ bộ áo quần được sản xuất, tương đương với hàng chục ngàn tấn vải. Trong đó một phần lớn không được sử dụng, vứt bỏ hay phải tái xử lý. Do vậy, nhiều thành viên các cộng đồng trên mạng tổ chức các dây chuyền, họ đổi chác với nhau những áo quần họ không mặc hay bán lại với giá tượng trưng, mục tiêu là đem cho người khác những gì ta không cần. Điều đó giúp cho ta ý thức là ta không cần nhiều áo quần và như vậy khi mua áo quần ta có thể mua một cái gì đó bền hơn và giữ được lâu hơn, mục đích của chúng tôi cũng là không hỗ trợ các cửa hàng phổ thông chuyên bán các mặt hàng ‘‘thời trang nhanh’’.

Hội chợ Emmaüs thường niên tại Paris, khuyến khích người tiêu dùng mua bán đồ cũ
Hội chợ Emmaüs thường niên tại Paris, khuyến khích người tiêu dùng mua bán đồ cũ JACQUES DEMARTHON / AFP

Cũng như Mélodie, một số cư dân mạng hưởng ứng phong trào ‘‘slow fashion’’ và chủ trương chỉ mặc đồ cũ và như vậy họ quyết định không mua các loại quần áo mới. Đối với họ, mua quần áo cũ thường là với giá thấp hơn, cũng là một cách để chống lại việc tiêu thụ quá mức. Điều đó giải thích sự thành công gần đây của Vinted một ứng dụng điện thoại do một công ty tại Litva sáng chế, bất cứ ai đều có thể chụp hình và bán lại quần áo cũ. Tuy nhiên về điểm này vẫn còn một số rào cản tâm lý do một số người tiêu dùng vẫn quan niệm rằng : đồ cũ nhất là quần áo thường là ‘‘đồ bẩn’’.

May áo từ các mảnh vải vụn thay vì vứt bỏ

Tại Paris, thương hiệu "Les Récupérables" khuyến khích việc tái sử dụng các mảnh vải vụn (sẽ bị vứt bỏ). Nhà thiết kế Anaïs Dautais Warmel đã phát triển dự án này từ cuối năm 2015, để tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn với các vật liệu có sẵn và cách sản xuất áo quần từ khâu thiết kế cho đến khâu thêu may đều là 100% của Pháp. Theo cô, việc tái sử dụng các vật liệu được coi là dư thừa, phế thải như rèm cửa sổ hoặc vải may còn dư, là một điều quan trọng nếu ngành may mặc muốn bớt phung phí. Đây vẫn là một giải pháp khẩn cấp tạm thời. Giải pháp thực sự là "eco-design", nghĩa là trong khâu sản xuất quần áo, nhà thiết kế đã tính tới chuyện dùng vật liệu cải tiến, ít gây tác hại cho môi trường và với độ bền cao.

Thuật ngữ chuyên ngành gọi đó là ‘‘upcycling’’ vừa tái xử lý vừa nâng cấp sản phẩm, chế biến một mặt hàng mới từ những vật liệu có chất lượng vượt trội. Ngành sản xuất y phục may sẵn đã tạo thói quen cho người tiêu dùng và đôi khi đó là những ‘‘tật xấu’’. Áo quần đôi khi được bán với giá rẻ tới mức không ai nghĩ tới chuyện may vá lại quần áo bị rách, mà lại có thói quen vứt bỏ đi rồi mua liền một cái khác. Thế nhưng, tìm lại những thói quen ngày xưa ấy có lẽ cũng là một điều nên làm, bên cạnh giảm bớt mua sắm.

Gần đây, Hội đồng thời trang Thụy Điển đã tuyên bố hủy bỏ Tuần lễ thời trang ‘‘Fashion Week’’ dự kiến từ ngày 27/08 đến 29/08 năm 2019 vì lý do bảo vệ môi trường. Cũng cần biết rằng một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới trên lãnh vực ‘‘fast fashion’’ chính là công ty H&M của Thụy Điển, có thể xem đó như là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới các tập đoàn lớn, đừng vì lợi nhuận mà gác qua một bên các tác hại về mặt xã hội và môi trường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.