Vào nội dung chính
PHÁP - BẢO TÀNG

Paris : 100 năm ngày thành lập Bảo tàng Rodin

Cách đây một thế kỷ, Viện bảo tàng Rodin đã được khánh thành ở số 79 đường Varenne tại Paris, mở cửa đón tiếp khách tham quan vào mùa hè năm 1919, đúng theo di chúc của nhà điêu khắc Rodin. Sinh thời, ông Auguste Rodin đã từng chọn dinh thự Biron làm nơi trưng bày toàn bộ các tác phẩm sau ngày ông qua đời.

"Người suy tư" trong khuôn viên Bảo tàng Rodin tại Paris, Pháp
"Người suy tư" trong khuôn viên Bảo tàng Rodin tại Paris, Pháp REUTERS/Philippe Wojazer
Quảng cáo

Sở dĩ nhà điêu khắc đã chọn dinh thự này làm viện bảo tàng mang tên ông, là vì Rodin đã từng sống và làm việc tại đây trong vòng hơn một năm, trong các xưởng sáng tác cùng lúc với hai nghệ sĩ Henri Matisse và Jean Cocteau. Do kiến trúc sư Jean Aubert xây dựng vào cuối những năm 1730, dinh thự này mang tên vị chủ nhân nổi tiếng nhất là Thống chế Biron (Louis Antoine de Gontaut-Biron 1701-1788). Sau nhiều lần đổi chủ, dinh thự này cuối cùng đã được nhà nước Pháp mua lại vào cuối thế kỷ 19.

Vào những năm 1909-1910, chính phủ Pháp dự trù bán lại dinh thự Biron cho một công ty đầu tư. Nhà điêu khắc Rodin đã vận động giới văn nghệ sĩ để chống lại dự án này. Ông Rodin viết thư nhờ đến sự giúp đỡ của ông Paul Escudier, luật sư và cũng là một chính trị gia. Trong bức thư, ông Rodin ghi rõ là ông sẵn sàng tặng cho nhà nước Pháp toàn bộ các tác phẩm của ông gồm các pho tượng đồng, đá hoa cương hay các bản thạch cao, ông tặng luôn các món đồ cổ mà ông đã sưu tầm trong hai thập niên cuối đời.

Đổi lại, ông yêu cầu nhà nước Pháp giữ nguyên dinh thự Biron và khuôn viên rộng tới ba hécta để làm nơi trưng bày các tác phẩm của mình, trong đó có các ‘‘chân dung’’ của nhiều nhân vật nổi tiếng như bức tượng bán thân của văn hào Victor Hugo, pho tượng nguyên thân của nhà văn Balzac, hay đài tưởng niệm kịch tác gia Henri Rochefort …..

Tượng bán thân Victor Hugo (1902), Bảo tàng Rodin cho mượn tác phẩm nhân triển lãm Rodin tại Grand Palais, Paris.
Tượng bán thân Victor Hugo (1902), Bảo tàng Rodin cho mượn tác phẩm nhân triển lãm Rodin tại Grand Palais, Paris. RFI / Tiếng Việt

Nhờ vào sự can thiệp của luật sư Escudier, mà kể từ năm 1916, ông Rodin đã ký ba văn bản hiến tặng cho nước Pháp các tác phẩm của ông, cùng với hai bộ sưu tập đồ cổ, thư viện cá nhân cũng như toàn bộ các thư từ trao đổi với giới trí thức cũng như văn nghệ sĩ. Vào đầu tháng 8 năm 1919, ông Louis Lafferre, Bộ trưởng Pháp chuyên trách Mỹ thuật và Giáo dục phổ thông thời bấy giờ đã khai trương Viện bảo tàng Rodin, gần hai năm sau ngày nhà điêu khắc qua đời.

Với gần 33.000 tác phẩm đủ loại trong kho lưu trữ, Viện bảo tàng Rodin hiện là nơi cất giữ lớn nhất trên toàn thế giới các tác phẩm của Rodin. Trong số các tác phẩm này, có một phần ba là bộ sưu tập nhiếp ảnh của Rodin, gồm hơn 10.000 bức ảnh chụp, ít khi nào được trưng bày cho công chúng do các tấm hình dễ bị hư hỏng dưới ánh sáng.

Điều đó cho thấy là lúc còn sống, nhà điêu khắc Pháp quan tâm nhiều đến ngành nhiếp ảnh, một hình thức vừa xuất hiện đầu thế kỷ 19 nhưng theo ông đầy tiềm năng nghệ thuật. Nhà điêu khắc Auguste Rodin đã hợp tác nhiều với các nhiếp ảnh gia thời bấy giờ như Eugène Druet, Edward Steichen, Stephen Haweis, Henry Coles hay là Jean-François Limet, thuộc phong trào ‘‘pictorialisme’’ chụp ảnh với cách sắp đặt bối cảnh tựa như những bức tranh vẽ …..

L'Âge d'airain (Thời đại đồng thau, 1877), Aguste Rodin, Triển lãm Rodin Grand Palais, Paris.
L'Âge d'airain (Thời đại đồng thau, 1877), Aguste Rodin, Triển lãm Rodin Grand Palais, Paris. RFI / Tiếng Việt

Trong những năm cuối đời, Rodin đã sưu tầm gần 6.500 món đồ cổ, có từ thời cổ đại Hy La, rồi Ai Cập, Ba Tư, Lưỡng Hà, Trung Mỹ, Ấn Độ cũng như Viễn Đông kể cả Trung Quốc, Nhật Bản, Cam Bốt hay Indonesia …. Các bảo vật này khi được trưng bày trong các buổi triển lãm theo chuyên đề thường nằm trên khu vực tầng một.

Dĩ nhiên, bộ sưu tập có giá trị nhất tại Viện bảo tàng Rodin vẫn là các bức điêu khắc của chính tác giả, bên cạnh các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác mà ông từng sưu tầm, trong đó có các bức tranh của Van Gogh, Renoir, Monet, Edvard Munch, Jacques-Émile Blanche hay là các pho tượng tuyệt đẹp của bà Camille Claudel, người từng là ‘‘học trò’’ và cũng là mối tình đầy sóng gió của Auguste Rodin.

Trong một bài viết về Viện bảo tàng Rodin nhân ngày khánh thành vào mùa hè năm 1919, nhà phê bình nghệ thuật Arsène Alexandre (1859-1937) đã ghi nhận sức sống phi thường trong các tác phẩm của Rodin, tượng tạc bằng đồng hay mài dũa phiến đá nhưng vẫn vô cùng sống động, đến nổi tác phẩm gây nhiều ấn tượng và cảm xúc khó phai trong trái tim người xem. Điều đáng ghi nhận là tên gọi quen thuộc của các bức tượng nổi tiếng nhất của Rodin là do công chúng đặt ra chứ không phải là của nhà điêu khắc.

Le Baiser (Nụ hôn, 1881-1882), Bảo tàng Rodin cho mượn tác phẩm nhân triển lãm Rodin tại Grand Palais, Paris.
Le Baiser (Nụ hôn, 1881-1882), Bảo tàng Rodin cho mượn tác phẩm nhân triển lãm Rodin tại Grand Palais, Paris. RFI / Tiếng Việt

Chẳng hạn như bức kiệt tác ‘‘Le Penseur’’ (Người suy tư) ở trong thế chống cằm ngồi trầm tư suy ngẫm. Kế đến là bức tượng ‘‘Le Baiser’’ (Nụ hôn), qua đó một cặp tình nhân đang say đắm hôn nhau, quấn quýt ghì chặt, vòng tay tha thiết. Cả hai bức điêu khắc này trong nguyên tác đều có tên khác nhau, nhưng đến khi được trưng bày đã khiến cho công chúng phải trầm trồ thán phục, họ đặt tên bức tượng theo cảm nhận đầu tiên.

Khách đến xem tác phẩm khen ngợi bàn tay của nhà điêu khắc, khéo tạc tượng Người suy tư nên người xem cũng trầm ngâm theo. Còn bức ‘‘Nụ hôn’’, tuy chỉ là một chi tiết nhỏ gợi hứng từ Thần Khúc của Dante (Divina Commedia), nhưng lại dạt dào tuôn chảy muôn niềm đam mê, cuồng nhiệt nóng bỏng còn hơn lửa địa ngục.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.