Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Gần 200 tập đoàn Mỹ từ bỏ nguyên tắc ‘‘coi cổ đông là trên hết’’

Đăng ngày:

Gần 200 tập đoàn Mỹ ra tuyên bố chung từ bỏ nguyên tắc coi phục vụ cổ đông trên hết. « Nạn khủng bố trắng » tại công ty hàng không Hồng Kông Cathay Pacific, dưới áp lực của Bắc Kinh, ngày càng gây lo ngại. Litva yêu cầu Amazon ngừng bán hàng mang biểu tượng « Búa Liềm ». Tổng thống Israel không để Donald Trump biến quốc gia này thành « lá bài chính trị nội bộ ». Liên hoan sân khấu đường phố Aurillac tại Pháp thu hút hơn 600 đoàn diễn từ khắp thế giới. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Business Roundtable ra tuyên bố từ bỏ nguyên tắc cổ đông là trên hết ngày 19/08/2019. Trong ảnh là chữ ký một số lãnh đạo tập đoàn Mỹ, trong đó có ông chủ Amazon Jeffrey P. Bezos.
Business Roundtable ra tuyên bố từ bỏ nguyên tắc cổ đông là trên hết ngày 19/08/2019. Trong ảnh là chữ ký một số lãnh đạo tập đoàn Mỹ, trong đó có ông chủ Amazon Jeffrey P. Bezos. @Copy d'ecran
Quảng cáo

Thượng đỉnh G7 khai mạc ngày thứ Bảy 24/08/2019 này tại Pháp. G7, nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, tuy chỉ chiếm khoảng một nửa GDP toàn cầu, nhưng có vai trò định hướng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Một tuần trước dịp này, đã có một số thay đổi bất ngờ trong giới doanh nghiệp một số nước G7. Hàng trăm công ty đa quốc gia tuyên bố sẽ không phục vụ duy nhất các cổ đông, tức vì những lợi ích ngắn hạn, mà cam kết ưu tiên phục vụ các lợi ích xã hội, môi trường.

Có ít nhất ba sáng kiến theo hướng này được công bố. Tuyên bố gây ấn tượng nhất (1) là của 181 doanh nghiệp lớn hàng đầu, thuộc hiệp hội hùng mạnh của giới chủ Mỹ Business Roundtable (BRT), với các tập đoàn như Apple, Amazon, Goldman Sachs, tập đoàn hàng không lớn nhất nước Mỹ American Airlines... Các tập đoàn tham gia Business Roundtable - có doanh thu tổng cộng 7.000 tỉ đô la, sử dụng 15 triệu nhân viên, chiếm gần 30% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ - vốn có phương châm ngay từ khi thành lập năm 1978, là phụng sự các cổ đông trước hết.

Trong thông điệp ngày 19/08/2019 mang tên «Tuyên bố về lý do tồn tại của các công ty », 181 tập đoàn thuộc hiệp hội Business Roundtable cam kết sẽ « hướng các công ty đến chỗ hành động vì lợi ích của tất cả các bên, bao gồm khách hàng, nhân viên, nhà cung ứng, cộng đồng và cổ đông ».

« Kinh Thánh của giới chủ »

Đối với nhiều nhà quan sát, tuyên bố ngắn ngủi 300 từ của Business Roundtable, xét về mặt hình thức, là « một bước ngoặt ý thức hệ » của tổ chức này (nhận định của AFP). Phiên bản cuối cùng được coi là « Kinh Thánh của giới chủ », năm 1997, của BRT từng nhấn mạnh : « Nghĩa vụ tối cao của hội đồng quản trị công ty là đối với các cổ đông. Lợi ích của các bên khác là cần thiết, nhưng đều bắt nguồn từ nghĩa vụ với các cổ đông. Ý tưởng cho là hội đồng phải cân bằng quyền lợi của các bên khác là một giải thích hết sức sai lạc… Hơn nữa đây là một khái niệm không thể áp dụng được, vì nó đặt hội đồng vào tình trạng không có phương tiện để giải quyết các xung đột lợi ích giữa các bên ».

Trên Le Monde, cây viết xã luận Arnaud Leparmentier khẳng định các ông chủ Mỹ đã chính thức « giết cha ». « Người cha » nói ở đây không ai khác là kinh tế gia Milton Friedman (1912-2006), Nobel kinh tế 1972, được coi là tư tưởng gia trụ cột của chủ thuyết tự do kinh tế những năm 1970, mở đường cho « cuộc cách mạng » kinh tế của Reagan những năm tiếp theo.

Nửa thế kỷ sau, cuộc chơi chấm dứt. Học thuyết Milton Friedman cáo chung. Người tuýt còi dừng cuộc chơi là lãnh đạo tập đoàn JP Morgan (ngân hàng lớn nhất nước Mỹ), người đứng đầu hiệp hội giới chủ BRT, ông Jamie Dimon.

Vì sao lại có một chuyển hướng như vậy ? Nhiều nhà quan sát cho rằng hiện tại Hoa Kỳ đang bước vào cuộc tranh cử tổng thống. Các tập đoàn đa quốc gia đủ loại, từ dược phẩm, đến kỹ thuật số, năng lượng…, là mục tiêu tấn công dữ dội của nhiều ứng cử viên sơ bộ đảng Dân Chủ. Quan điểm doanh nghiệp coi lợi ích cổ đông là trên hết, bất chấp các hệ quả về y tế, môi trường, đời sống con người… ngày càng bị lên án quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng.

Thủ đoạn hay thay đổi lớn?

Hiện tại chưa rõ tuyên bố không mang tính ràng buộc nói trên của một bộ phận giới chủ Mỹ có hệ quả ra sao? Đây chỉ là một thủ đoạn mua chuộc lòng dân, lẩn tránh trách nhiệm ? Hay bắt đầu cho một thay đổi lớn ? (2)

Nhiều ý kiến phản bác cho rằng tuyên bố của BRT là hoàn toàn ảo tưởng, nền kinh tế tư bản không thể vận hành như vậy, bởi doanh nghiệp chỉ tìm kiếm lợi nhuận, còn lo các vấn đề xã hội là Nhà nước. Một trong các phản bác tiêu biểu là của Council of Institutional Investors, một hiệp hội của giới đầu tư Mỹ, có tổng số vốn 4.000 tỉ đô la. CII cho rằng, chịu trách nhiệm trước tất cả có nghĩa là không chịu trách nhiệm với ai.

Ngược lại, nhiều chuyên gia lên tiếng ủng hộ BRT, nhưng nhấn mạnh là Tuyên bố phải đi kèm với các mục tiêu, biện pháp cụ thể, có thể kiểm chứng. Tờ The Washington Post dẫn lời ông Joseph Bower, giáo sư Harvard Business School, tác giả cuốn « Capitalism at Risk: Rethinking the Role of Business » (2011) (tạm dịch : Chủ nghĩa tư bản lâm nguy: Xét lại vai trò của doanh nghiệp »), « Giá trị cổ đông phải là kết quả chứ không thể là mục tiêu…. Nếu doanh nghiệp phục vụ tốt khách hàng, phục vụ tốt nhân viên, phục vụ tốt cộng đồng, cổ đông sẽ được hưởng lợi ».

Cathay Pacific: Người thứ 14 bị sa thải vì ủng hộ biểu tình

Áp lực Trung Quốc với tập đoàn hàng không Hồng Kông Cathay Pacific gia tăng. Ngày 09/08, cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc lệnh cho Cathay Pacific cung cấp danh sách nhân viên phi hành đoàn trên các chuyến bay sang, hay bay ngang Hoa lục. Nhân viên nào ủng hộ phong trào dân chủ sẽ bị cấm phục vụ trên các chuyến bay đó. Ngày 12/08, tổng giám đốc Rupert Hogg phải ra thông báo đe dọa hủy hợp đồng với người ủng hộ biểu tình. Bản thân tổng giám đốc Cathay Pacific cũng tuyên bố từ nhiệm ngày 16/08, mà không nêu lý do. Nhiều người ca ngợi viên tổng giám đốc anh hùng, thà chịu mất chức hơn là tố cáo danh sách nhân viên biểu tình.

Người dân Hồng Kông biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 09/06/2019.
Người dân Hồng Kông biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc, ngày 09/06/2019. REUTERS/Thomas Peter/File Photo

Hôm 21/08, đến lượt nữ tiếp viên Rebecca Sy bị đuổi việc, mà không hề được báo trước. Theo Liên hiệp các nghiệp đoàn Hồng Kông, nữ chủ tịch hiệp hội các tiếp viên hàng không và nhân viên kỹ thuật của Cathay Dragon, chi nhánh khu vực của Cathay Pacific là nhân viên thứ 14 bị sa thải, kể từ đầu cuộc phản kháng đến nay.

Trả lời báo giới, nữ chủ tịch nghiệp đoàn Rebecca Sy cho biết ban giám đốc không đưa lý do chính thức để giải thích việc sa thải, nhưng chỉ đưa cho đương sự thấy những thảo luận trên Facebook về tình hình chính trị Hồng Kông mà bà Rebecca Sy tham gia. Rebecca Sy cho biết thêm là tất cả đồng nghiệp trong công ty đều lo sợ trước tình trạng « khủng bố trắng ». « Khủng bố trắng » là cụm từ mà dân chúng Hồng Kông thường dùng để chỉ việc giật dây nhằm tạo ra bầu không khí sợ hãi trong cộng đồng. Nhiều phi công và thành viên phi hành đoàn xin ẩn danh cho biết họ liên tục bị đe dọa, như tố giác chính trị, bị các nhân viên Trung Quốc kiểm soát điện thoại.

Một nhân viên chi nhánh Cathay Dragon nói với Reuters : « Chúng tôi thực sự sợ nói về chính trị. Những người thân Bắc Kinh đã lập ra một nhóm Telegram, để công bố trên đó những thông tin cá nhân của chúng tôi, như địa chỉ, số điện thoại, nếu như họ thấy chúng tôi ủng hộ phong trào phản kháng, trên các mạng xã hội ».

Liên hiệp các nghiệp đoàn Hồng Kông kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt « khủng bố trắng » tại Cathay Pacific.

Litva yêu cầu Amazon ngừng bán hàng với hình « Búa Liềm »

Chính quyền Litva, nước Cộng hòa Baltic thuộc Liên Xô cũ hôm 22/08 kêu gọi Amazon ngừng bản các sản phẩm mang biểu tượng « Búa Liềm » của chính quyền Xô Viết, với lý do xúc phạm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản toàn trị.

Cha đẻ của nền độc lập Litva năm 1990, ông Vytautas Landsbergis, 86 tuổi, đã gửi thư ngỏ đến Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, ngay trước dịp 80 năm ngày Đức Quốc Xã và Liên Xô thông qua thỏa thuận cho phép chính quyền Xô Viết xâm chiếm quốc gia Baltic này. Ngoại trưởng Litva, Linas Linkevicius, cũng cho biết đã gửi thư yêu cầu tập đoàn này không bán các sản phẩm mang biểu tượng « Búa Liềm » thời Xô Viết, một biểu tượng mà đối với Litva là đồng nghĩa với chế độ toàn trị tàn bạo Xô Viết, đồng lõa với chế độ Đức Quốc Xã.

Ngoại trưởng Litva nhắc lại là : cách đây 80 năm, ngày 23/08/1939 khởi đầu cho cuộc Thế chiến 2, với hiệp ước tội ác mà Hitler và Stalin đã ký kết. Năm 1940, quân đội Liên Xô xâm chiếm các quốc gia Baltic, trong đó có Litva, thể theo thỏa thuận mang tên Ribbentrop-Molotov.

Biểu tượng Búa Liềm trên cờ Liên Xô trước đây.
Biểu tượng Búa Liềm trên cờ Liên Xô trước đây. @ flickr

Litva gia nhập khối NATO năm 2004. Quan hệ giữa Nga và quốc gia nhỏ bé Litva, với 2,8 triệu dân, thường xuyên căng thẳng, đặc biệt sau khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014. Đầu năm nay, tư pháp Litva kết án vắng mặt 10 năm tù thống chế Nga Dmitri Izov, cựu bộ trưởng Quốc Phòng thời Liên Xô, vì các tội ác chiến tranh và chống nhân loại. Tháng 1/1991, quân đội Nga tấn công một đám đông bảo vệ trụ sở chính quyền Litva ở thủ đô Vilnius, khiến 14 người chết và hơn 700 người bị thương. Matxcơva rút cục công nhận Litva độc lập tháng 9/1991.

Israel lên tiếng, sau Tweet bôi nhọ người Do Thái của Trump

Donald Trump lại gây sóng gió. Lần này là với Israel. Hôm thứ Ba, 20/08, trên Twitter, tổng thống Mỹ khẳng định người Do Thái nào bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ là « ngây thơ », hoặc « không trung thành với cộng đồng Do Thái và đất nước Do Thái ». Những phát biểu lấy lòng một bộ phận cử tri Mỹ gốc Do Thái, gây chia rẽ nói trên ngay lập tức bị nhiều tổ chức của người Do Thái tại Mỹ lên án.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Jerusalem, 23/05/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Jerusalem, 23/05/2017. REUTERS/Ronen Zvulun/File Photo

Theo các nhà quan sát, trong lịch sử, việc tố cáo người Do Thái không trung thành đã đổ dầu vào lửa nhiều cuộc truy bức, diệt chủng, những lập luận kiểu như trên thường xuyên được giới bài Do Thái sử dụng. Không khí căng thẳng đến mức tổng thống Israel phải lên tiếng. Thông tín viên Guilhem Delteil tường trình từ Jerusalem :

« Tổng thống Israel thường ít bày tỏ ý kiến hơn là thủ tướng vào các cuộc tranh cãi trong công luận. Tuy nhiên, lần này ông Reuven Rivlin không lưỡng lự bày tỏ lập trường về một số chủ đề, mà đối với ông là mang tính hệ trọng với đất nước. Và cho dù ông cũng là thành viên của đảng Likoud, giống như thủ tướng Benyamin Netanyahu, nguyên thủ Israel thường xuyên thể hiện ông có quan điểm khác với người đứng đầu chính phủ. Đây lại là một trường hợp nữa.

Trong lúc thủ tướng và chính phủ Israel hoàn toàn im lặng sau các phát biểu của Donald Trump, thì nguyên thủ Israel tối thứ Tư đã gọi điện cho chủ tịch Hạ Viện Mỹ, nữ chính trị gia Dân Chủ Nancy Pelosi, đối thủ chính trị của tổng thống Trump. Trao đổi với lãnh đạo Hạ Viện Mỹ, tổng thống Israel khẳng định ‘‘quan hệ giữa Nhà nước Israel và Hoa Kỳ là một quan hệ giữa hai quốc gia dựa trên các giá trị mà hai bên cùng chia sẻ, chứ không phụ thuộc vào một đảng phái nào’’.

Đối với giới lãnh đạo Israel, sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa Kỳ đối với quốc gia này là yếu tố quyết định bảo đảm tương lai của Israel. Như vậy, sẽ không có vấn đề tổng thống Israel để mặc cho ông Donald Trump, trong cuộc tìm kiếm phiếu bầu của cộng đồng gốc Do Thái tại Mỹ, biến Israel thành một con bài chính trị.

Sáng hôm nay (22/08), một bài xã luận trên nhật báo Yedioth Aharonoth nhận định : ‘‘Ông Trump là một người bạn tốt của thủ tướng Netanyahu nhưng ông ta ít là, rất ít là một người bạn tốt của Israel và nhiều người Do Thái’’ ».

Pháp: Liên hoan quốc tế sân khấu đường phố Aurillac

Từ ngày 21 đến 24/08/2019, tại Aurillac, một thị xã nhỏ với 60.000 dân ở tỉnh Cantal, miền trung nước Pháp, diễn ra Liên hoan sân khấu đường phố quốc tế lần thứ 34 mang tên Aurillac. Liên hoan Aurillac, thu hút hơn 100.000 du khách, được coi là liên hoan sân khấu đường phố lớn nhất châu Âu. Liên hoan Aurillac rất đa dạng, với hơn 1.000 trình diễn các loại một ngày, hoàn toàn miễn phí với công chúng, đóng góp tùy tâm. Năm nay có gần 700 đoàn diễn đến từ khắp nơi trên thế giới.

Đoàn sân khấu đường phố "Freres Troubouch" biểu diễn tại Liên hoan quốc tế Aurillac, ngày 23/08/2019.
Đoàn sân khấu đường phố "Freres Troubouch" biểu diễn tại Liên hoan quốc tế Aurillac, ngày 23/08/2019. Thierry Zoccolan / AFP

Trả lời đài Pháp TV5 Monde, tân giám đốc Liên hoan Frédéric Remy hào hứng cho biết : Điểm nổi bật của cộng đồng Aurillac, trong bốn ngày tụ hợp chớp nhoáng rồi chia tay này, là trạng thái tâm thức sống động, phóng khoáng, tình người lan tỏa, cùng tinh thần nghiêm khắc sáng tạo không bao giờ lặp lại mình. Nhiều nghệ sĩ Pháp, nhân dịp khai mạc Liên hoan, tiếp tục đưa ra thông điệp chính trị nhắm vào những bất bình đẳng nam - nữ vẫn còn tồn tại ngay chính trong môi trường nghệ thuật. Phóng sự của đặc phái viên RFI Amélie Beaucour tại Aurillac :

« Nhân vật chính đã đến, với dáng vẻ chiến thắng, ngự trên một chiếc thuyền bơm hơi, được mang đi bởi một nhóm người ‘‘Áo Vàng’’ (trang phục được coi là biểu tượng cho phong trào phản kháng làm rung chuyển nước Pháp trong nhiều tuần lễ cuối năm 2018). Người kỵ sĩ mang giáp phục đến đây để thét vang lên những thông điệp lên án các bất công của thời đại, đặc biệt là chống lại những bất công mà những nữ nghệ sĩ cùng hội cùng thuyền phải gánh chịu.

Anh nói : ‘‘Tôi tin rằng tân giám đốc Liên hoan phải là một phụ nữ, đúng vậy hay không ? Không phải vậy ! Lại là một gã đàn ông ! Anh ta thậm chí cũng không phải là một người đồng tính, mà lại là một kẻ da trắng có định hướng tính dục trùng với giới tính bẩm sinh (cisgender). Chúng ta còn chờ đợi gì nữa ! Đã hai triệu năm nay như vậy rồi, liệu có phải đợi thêm ba chục năm nữa hay không…. ?!’’.

Frédéric Rémy, tân giám đốc nghệ thuật của Liên hoan, hiểu rõ vấn đề này, ông tìm cách đảo ngược tình thế : ‘‘Trong chương trình chính thức, hiện nay chúng tôi gần như đạt được tình trạng nam nữ ngang nhau. Điều rất căn bản là chúng ta đến đây để chào đón và ủng hộ các nghệ sĩ. Điều cơ bản là ý thức rõ được chuyện này’’.

Trong số các nghệ sĩ có mặt hàng đầu trong chương trình chính thức, có Édith Amsellem, đoàn diễn Erd’O. Đối với cô, những bất bình đẳng đã ăn sâu vào loại hình sân khấu đường phố.

Édith Amsellem tâm sự : ‘‘Tôi có ấn tượng là vị trí của phụ nữ khó được khẳng định hơn rất nhiều trong các hoạt động ngoài trời, và khi mà công chúng là đàn ông’’. Vở diễn của Édith Amsellem, mang tên ‘‘Tôi sợ khi màn đêm buông xuống’’ (lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Cô bé quàng khăn đỏ), vẽ nên chân dung bốn người phụ nữ. Bốn nhân vật phức tạp, được xây dựng công phu, khác hẳn với nhiều vai mang tính khuôn mẫu, mà nữ diễn viên sân khấu đường phố vẫn còn thường trình diễn, kiểu như ‘‘người mẹ đảm đang’’ hay ‘‘cô nàng đỏm dáng’’ ».

Ghi chú

1 - Một tuyên bố gây chú ý khác là của Liên minh Business for Inclusive Growth (B4IG). Liên minh B4IG chính thức ra mắt tại phủ tổng thống Pháp hôm thứ Sáu 23/08, trước ngày khai mạc thượng đỉnh G7. B4IG bao gồm 34 tập đoàn đa quốc gia, với hơn 1.000 tỉ đô la doanh thu hàng năm, sử dụng 3,5 triệu nhân viên tại 35.000 cộng đồng ở 72 nước, gần như trong đủ mọi ngành nghề. Đại diện của liên minh là Emmanuel Faber, tổng giám đốc tập đoàn Pháp Danone. Lo ngại tầng lớp trung lưu, « nền tảng của kinh tế thị trường », bị sói mòn, là ám ảnh của tổng giám đốc Danone. Mục tiêu số một của Liên minh B4IG là thu hẹp bất bình đẳng, nghèo đòi, tình trạng bị loại trừ, thúc đẩy việc tôn trọng quyền của người lao động ở tất cả các cấp độ của dây chuyền sản xuất, tìm kiếm các giải pháp mới, các mô hình doanh nghiệp có tính cách tân ở quy mô nhỏ, với sự phối hợp giữa Nhà nước với tư nhân, thúc đẩy các cơ chế tài trợ mới với sự tham gia của doanh nghiệp - chính quyền - các tổ chức thiện nguyện. Liên minh B4IG được coi là sáng kiến đầu tiên loại này trên quy mô quốc tế, do các doanh nghiệp dẫn dắt, trong sự phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE). Sáng kiến được khởi sự từ cuối năm ngoái.

2. Tại Pháp, vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vừa có một bước tiến mới cũng được nhiều nhà quan sát đánh giá là rất quan trọng, với sự ra đời của luật Pacte, được ban hành cuối tháng 5/2019. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp, điểm đặc biệt được chú ý trong luật này là việc sửa đổi điều 1833 luật Dân Sự, để đặt trách nhiệm xã hội và môi trường vào trọng tâm mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Thay đổi được đánh giá là cách mạng, xét về mặt biểu tượng. Thay đổi này được một số người hy vọng là bước đi đầu tiên hướng đến việc xây dựng một chủ nghĩa tư bản biết tự đặt mình trước các trách nhiệm xã hội và môi trường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.