Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Những lá bài « lạ lùng » tại bảo tàng Issy-les-Moulineaux

Đăng ngày:

Mùa hè đến rồi ! Đây cũng là lúc giở các hộp bài cũ kỹ cất trong các góc tủ, ngách ngăn kéo, để vui thú cùng gia đình và bạn bè một ván bài ta-rô, một ván tú lơ khơ, hay xì dách gì đó. Nhưng bạn có biết rằng những chất bài (cơ, rô, chuồn/tép/nhép và bích) và hai lá joker (phăng teo) cũng như các mặt hình là đến từ đâu hay không ?

Bảo tàng các trò chơi đánh bài của Pháp, Issy-les-Moulineaux.
Bảo tàng các trò chơi đánh bài của Pháp, Issy-les-Moulineaux. RFI/Tiếng Việt
Quảng cáo

Không gian kiến trúc hiện đại, cách thức trình bày mô phạm, bảo tàng các trò đánh bài của Pháp nằm tại Issy-les-Moulineaux, ngoại ô phía Tây Paris. Đây là một trong những bảo tàng hiếm hoi trên thế giới về lịch sử các quân bài. Ông Gwenael Beuchet, phụ trách bảo quản di sản, cho RFI Tiếng Việt biết bảo tàng được thành lập từ một phát hiện rất tình cờ:

« Ý tưởng thành lập bảo tàng bắt nguồn từ phát hiện của một cựu quản thủ bảo tàng, tên là Agnès Barbier. Bà tìm thấy trong sở lưu trữ một kho cất giữ các bộ bài do một nhà sưu tập sống tại Issy , ông Louis Chardonneret trao tặng. Trong số này, tuy không nhiều, người ta tìm thấy một vài bộ bài khá hấp dẫn. Đặc biệt là bản khắc in bài theo mẫu vẽ Paris đầu thế kỷ XVI.

Trên bản khắc này, chúng tôi thấy có hình vẽ các quân bài chữ đã được đặt tên. Trong các quân bài của Pháp hiện nay, điểm đặc biệt là các quân bài chữ như Già (R/K tùy theo tiếng Pháp hay tiếng Anh), Đầm (D/Q) và Bồi (V/J) đều có một cái tên.

Sau đó, một cuộc triển lãm đã được tổ chức năm 1986. Và chính quyền thành phố, sau cuộc triển lãm này, đã quyết định thành lập một bảo tàng về bộ bài chơi vào năm 1989. Và bảo tàng được khánh thành vào tháng 12/1997. »

Trò tiêu khiển, đối tượng sáng tác

Hơn 15.000 hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, trong đó có khoảng gần 9.000 trò đánh bài, cùng với nhiều hiện vật khác, triển lãm của bảo tàng Issy-les-Moulineaux cùng với sự kết hợp của Thư viện Quốc gia BnF, được chia thành hai không gian chính.

Bài chơi, nguồn cảm hứng cho sáng tác nghệ thuật.
Bài chơi, nguồn cảm hứng cho sáng tác nghệ thuật. RFI/Tiếng Việt

Phần không gian thứ nhất dành để giới thiệu các bộ bài « biến tấu » (dùng cho mục đích sư phạm, quảng cáo, tuyên truyền...), các trò chơi tập thể như trò Người Sói hay trò Bảy gia đình hay những bộ bài nghệ sĩ... Tại đây, người xem không chỉ được chiêm ngưỡng những lá bài do nhiều nghệ sĩ tên tuổi thực hiện, mà còn được ngắm những vật dụng có hoa văn trang trí là những lá bài, vài bộ trang phục lấy cảm hứng từ những mẫu vẽ các lá bài, chẳng hạn như bộ trang phục tuyệt đẹp được thiết kế riêng cho dàn múa ballet Nga…

Sáng tạo nghệ thuật đã có ngay từ những ngày đầu xuất hiện trò chơi. Đó có thể là do những bộ bài này được thực hiện theo yêu cầu của giới quý tộc hay giới tiểu tư sản, những người có điều kiện tài chính. Một trong những báu vật của bảo tàng là một lá bài được vẽ bằng tay rất khéo có từ những năm 1450. Có thể nói, « đó là một món đồ chơi hấp dẫn đến mức làm cho nhiều nghệ sĩ để ý tới. Họ biến đổi các gương mặt, các chữ số để tạo ra những bộ bài độc đáo ».

Đặc biệt, sự sáng tạo dồi dào đã tạo nên nét đặc trưng cho các bộ bài trong thế kỷ XIX. Người xem có thể nhận thấy có hai cách sử dụng không ngờ đến : Thứ nhất là những lá bài hình lõa thể trong suốt chỉ có thể nhìn thấy dưới ánh đèn thật sáng và thứ hai là những lá bài để cười hay giải trí. Có thể nói, với giới nghệ sĩ, bộ bài chơi không chỉ là vật dụng tiêu khiển nữa, mà còn là một đối tượng nghệ thuật.

Nguồn gốc Trung Hoa ?

Không gian thứ hai dành để nói về các kiểu loại bài trên thế giới, quy trình sản xuất, các vật dụng đi kèm với trò chơi, và nhất là lịch sử xuất hiện các trò đánh bài. Theo ông Gwenael Beuchet, châu Âu và châu Á vẫn là những chiếc nôi lớn của các trò chơi này: « Những chiếc nôi chính của trò đánh bài chủ yếu là châu Âu và châu Á. Ở châu Á, có những nước chính như Iran, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản... Đây là những cơ sở chính có truyền thống lâu đời sáng tạo ra các trò đánh bài mà chúng tôi giới thiệu ở đây ».

Bản khắc bằng đá bài Ta-rô.
Bản khắc bằng đá bài Ta-rô. RFI/Tiếng Việt

Theo khảo cứu từ những văn bản cổ, tại châu Âu, trò đánh bài được nhắc đến lần đầu từ nửa cuối thế kỷ XIV.

« Những bộ bài đầu tiên có lẽ xuất hiện tại châu Âu trong những năm 1360 – 1370. Nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm được một bằng chứng cụ thể nào có từ thời kỳ này. Chúng tôi chỉ thấy đề cập đến trong các văn bản cổ. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy là trò chơi này xuất hiện lần đầu, đúng hơn là được đề cập đến tại Tây Ban Nha, Ý rồi sau đó được phổ biến nhanh chóng ra toàn châu Âu, như Thụy Sỹ, Pháp, Đức hay Anh Quốc ».

Có một câu hỏi luôn được đặt ra và cho đến giờ các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng : Trò chơi này thật sự bắt nguồn từ đâu ? Về điểm này, ông Gwenael Beuchet cho biết giới nghiên cứu hiện vẫn còn rất mù mờ: « Bản thân những bộ bài này người ta cũng không rõ bắt nguồn từ đâu. Nhưng có một số tác giả thời kỳ đó có nói về những bộ bài đến từ các xứ sở Hồi Giáo, chủ yếu là từ đế chế Mameluk, trải rộng từ Ai Cập đến Syria. Những trò đánh bài này rất có thể đến châu Âu, qua những con đường giao thương với Venise, Vienna hay Barcelona ».

Cờ mạt chược Trung Quốc.
Cờ mạt chược Trung Quốc. RFI/Tiếng Việt

Nhưng cũng những giả thuyết cho rằng nguồn gốc của trò chơi này là đến từ Trung Quốc: « Sớm hơn nữa có lẽ đến từ Trung Quốc, nhưng rủi thay chúng tôi lại thiếu các bằng chứng xác thực. Hiện tại, những bộ bài cổ mà chúng tôi có được, trong bộ sưu tập các bộ bài trên thế giới, tất cả những bộ xưa nhất đều được tìm thấy ở châu Âu ».

Những mẫu bài độc đáo

Bất kể nguồn gốc có là từ đâu, nhưng khi đến châu Âu những trò chơi này đã bị biến đổi về mẫu vẽ và quy tắc chơi sao cho phù hợp với văn hóa từng quốc gia, thậm chí từng vùng miền ở mỗi nước mà trò chơi này đi qua. Tại châu Âu, người ta tìm thấy nhiều biến thể khác nhau, tập trung xung quanh ba ngữ hệ chính với những biểu tượng hình mẫu đặc trưng.

Bài theo ngữ hệ Đức có các chất: Chuông, Cơ, Lá, Tua.
Bài theo ngữ hệ Đức có các chất: Chuông, Cơ, Lá, Tua. RFI/Tiếng Việt

Xuất hiện đầu tiên hết là ngữ hệ Latinh có các chất : Cây gậy, đồng tiền, thanh gươm và chiếc cốc (Tây Ban Nha, Ý). Tiếp đến là ngữ hệ Đức với các chất : chuông, cơ, lá, tua (một số vùng ở Đức, ở Ý, Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia). Cuối cùng là ngữ hệ Pháp mà các chất như cơ, rô, chuồn/tép/nhép, bích vốn dĩ rất quen thuộc với người Việt Nam (Pháp, Bỉ, Hà Lan, các nước nói tiếng Anh, các nước Bắc Âu, một số địa phương ở Đức và Ý...).

Hình chân dung trên các lá bài có ý nghĩa gì ? Bài Tây biểu tượng cho sự khác biệt về xã hội với thời kỳ Trung Cổ, đứng đầu là quân Vua (Già trong cách gọi của người Việt Nam), quân Hậu (Đầm) và Hiệp sĩ (Bồi). Điều đáng chú ý là có những cái tên gắn liền với các hình chân dung. Đó là những gương mặt dũng sĩ (nam hay nữ), được trích từ các tập sách nhân vật anh hùng trong các tiểu thuyết thời Trung Cổ.

Bộ khắc hình người theo mẫu vẽ Anh - Mỹ.
Bộ khắc hình người theo mẫu vẽ Anh - Mỹ. RFI/Tiếng Việt

Về điểm này, ông Gwenael Beuchet cho rằng ý nghĩa của các gương mặt trên các lá bài cũng không rõ ràng : « Những hình người trên các bộ bài Pháp phần đông mang tên các nhân vật như Charles, Alexandre, Cesar, Hector… chủ yếu đến từ các tiểu thuyết trung đại. Những nhân vật này được cho là trích từ bộ sưu tập các nhân vật anh hùng, những người hiệp sĩ. Nhưng có đến 12 gương mặt, rồi còn có cả quân Hậu nữa, và người ta không có đủ hình ảnh các dũng sĩ trên các lá bài. Do vậy, đây có lẽ chỉ là một nguồn cảm hứng, nhưng điều này cũng chưa đủ giải thích hết tất cả. »

Rồi theo thời gian, những cái tên trên lá bài cũng thay đổi, hòa trộn giữa các nền văn hóa cho đến khi ra đời một mẫu mới vào thế kỷ XV gọi là mẫu Paris thịnh hành chủ yếu ở Paris và các vùng miền bắc nước Pháp. Và đến thế kỷ XIX, dưới triều đại Napoleon III, mẫu Paris trở thành mẫu chung phát hành ra toàn quốc và xuất khẩu ra nước ngoài. « Trước khi đến Việt Nam, bộ bài Pháp xuất khẩu sang Anh Quốc ở đó họ cũng chơi bộ bài có các chất cơ, rô, chuồn, bích, hay như sang Bỉ, Hà Lan, phía bắc nước Đức, các nước Bắc Âu, rồi Nga nữa. Sau đó nữa thì ra toàn thế giới. »

Bộ bài 100 thi sĩ của Nhật Bản.
Bộ bài 100 thi sĩ của Nhật Bản. RFI/Tiếng Việt

Không chỉ là trò tiêu khiển, bài để chơi còn là những công cụ tuyên truyền. Trong suốt cuộc Cách Mạng Pháp, các quân bài Vua, Hậu  không còn vương miện, thay vào đó là những chiếc mũ đỏ phơ-ri-gi (xứ Phơ-ri-gi, tiểu Á, nhưng là biểu tượng của cách mạng Pháp).

Ngoài những bộ bài cổ của Pháp, người xem còn được khám phá nhiều bộ bài kỳ lạ chẳng giống như những gì được thấy như hiện nay, tùy theo từng vùng địa lý. Chẳng hạn như bài chơi của Tây Ban Nha, lá Đầm được thay bằng hình Kỵ sĩ. Ở Ấn Độ là những lá bài thẻ hình tròn. Người Nhật Bản còn độc đáo hơn là đánh bài bằng thi ca. Bộ bài 100 thi sĩ bao gồm 200 lá, được trưng bày cùng với chiếc hộp bằng gỗ sơn thếp vàng trông rất thanh lịch.

Thời bình có những bộ bài thời bình. Đến thời chiến, bộ bài cũng được tỉa gọt gọn gàng, nhưng không kém phần xinh xắn để có thể song hành cùng người lính trong mỗi chiến dịch !

Một bộ bài bằng gỗ do một người lính khắc vẽ trong cuộc Thế Chiến lần II.
Một bộ bài bằng gỗ do một người lính khắc vẽ trong cuộc Thế Chiến lần II. RFI/Tiếng Việt

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.