Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Bảo tàng khuôn đúc Saint-Louis: Nơi phơi bày mọi nỗi đau đớn của da thịt

Đăng ngày:

Bệnh giang mai, bệnh ghẻ, các bệnh nấm da, hay ung thư hắc tố…, người xưa phải hứng chịu nỗi đau da thịt từ những chứng bệnh đó như thế nào? Mời các bạn cùng RFI Tiếng Việt tuần này tham quan bảo tàng « độc nhất vô nhị » tại Paris cũng như trên thế giới : Bảo tàng khuôn đúc bệnh viện Saint-Louis.

Phòng trưng bày các mẫu khuôn đúc khoa Da liễu, bệnh viện Saint - Louis, Paris.
Phòng trưng bày các mẫu khuôn đúc khoa Da liễu, bệnh viện Saint - Louis, Paris. © F.Marin, P.Simon /Musée des moulages, Hôpital Saint-Louis, AP
Quảng cáo

Cấm trẻ em dưới 12 tuổi. Những ai nhậy cảm xin miễn vào”. Đây là lời cảnh báo dành cho khách tham quan. Nhưng một khi xem xong bạn có thể tự hào là đã vượt qua một thách thức lớn. Đến xem bảo tàng khuôn đúc Saint-Louis chẳng khác gì bạn đang xem một đoạn phim « kinh dị », lấy bối cảnh xã hội Pháp thế kỷ XIX. Và sức mạnh gợi cảm ở đây đôi khi vượt quá mức của những bộ phim hư cấu nhất.

Khuôn đúc : Một công cụ giảng dạy « cấp tiến »

Những gương mặt sần sùi mụn cóc, mụn mủ đen, méo mó dị dạng, những làn da bị nấm, nổi mề đay, những cánh tay bị teo, cẳng chân bị hoại tử, cho đến cả những bộ phận sinh dục lở loét hay bám đầy khối u bướu rỉ mủ… Tổng cộng gần 5000 « báu vật vô giá » được cất giữ cẩn thận trong những chiếc tủ kính, sắp thứ tự theo từng bệnh lý và theo mẫu chữ cái từ A như Acné (chứng mụn trứng cá) cho đến Z như Zona. Mỗi khuôn đúc ghi rõ tên người chế tạo, năm tháng hoàn thành và tên bác sĩ chịu trách nhiệm.

Theo giải thích của bà Sylvie Dorison, quản thủ thư viện – bảo tàng với RFI Tiếng Việt, mục tiêu duy nhất của bảo tàng thời kỳ đó là nhằm phục vụ cho việc giảng dạy.

« Ở đây thật sự có một thiện ý mang tính sư phạm. Người ta muốn là khi một sinh viên vẫn còn chưa biết rõ về ngành da liễu thì họ có thể tìm thấy và đi thẳng đến bệnh lý mà họ quan tâm để nghiên cứu. Tất cả các mẫu đúc ở đây chỉ nhằm một mục đích duy nhất là phục vụ cho việc giảng dậy các bệnh về da, vào thời điểm chưa có nhiều giáo trình hấp dẫn cho các giáo sư ngành học này ».

Đến thăm bảo tàng, người xem còn hiểu được lịch sử phát triển của chuyên khoa da liễu nói riêng và y học nói chung tại Pháp từ từ cuối thế kỷ XVIII cho đến giữa thế kỷ XX. Việc đưa hình ảnh và tạo khuôn mẫu các bệnh lý cho thấy có một tiếp cận mới « giải phẫu học – lâm sàng » trong cách giảng dậy và đào tạo bác sĩ của bệnh viện. Theo đó, phương pháp chẩn đoán bệnh xem trọng việc tiếp xúc với thân thể của bệnh nhân, nghĩa là phải sờ nắn, quan sát, nhận dạng mầu sắc và hình dạng của các chấn thương.

Đầu thế kỷ XIX, phương pháp giảng dậy chủ yếu dựa vào tranh mầu nước hay tranh sơn dầu. Tại đây người xem còn thấy nhiều bức vẽ mầu nước, tranh sơn dầu hay một số ảnh chụp trắng đen được ông Jean – Louis Alibert, trưởng khoa Da liễu trong những năm đầu thế kỷ XIX dùng để giảng dạy.

Thế nhưng, theo ông Charles Lailler, một trong số những người kế nhiệm ông Alibert sau này, dùng tranh vẽ chưa chưa đủ đáp ứng nhu cầu của các bác sĩ khoa Da liễu, vốn dĩ đòi hỏi một độ chính xác cao những hiểu biết các chấn thương về da.

« Ông mong muốn cung cấp một giáo trình mới cho sinh viên. Nhưng các tranh mầu nước không mấy gì thích hợp với nhu cầu này. Hơn nữa, tranh mầu nước lại khá đắt đỏ, vượt quá tầm tay của nhiều sinh viên để có thể có được một bộ tranh vẽ mầu nước. Ông Lailler muốn tìm kiếm một giáo trình mới phù hợp hơn cho các nhà nghiên cứu các bệnh lý về da. Ở đây còn có một ý niệm về phổ cập hóa việc giảng dậy. Ông thật sự muốn rằng việc đào tạo phải được mở rộng cho nhiều người hơn ».

Từ « trái cây thạch cao » đến « khuôn đúc bằng sáp »

Charles Lailler muốn rằng giáo trình giảng dậy phải phản ảnh thực tế nhiều hơn. Ông dò tìm, mò mẫm cho đến một ngày ông bị mê hoặc trước tính hiện thực của những món đồ trái cây bằng thạch cao do nghệ nhân Jules Baretta chế tạo. Và thế là Charles Lailler đã đề nghị ông Baretta đem tài năng của mình về phục vụ cho việc giảng dậy y khoa. Về làm việc cho bệnh viện năm 1863, nhưng phải mất đến hai năm sau, năm 1865, ông Baretta mới cho xuất xưởng mẫu khuôn đúc đầu tiên. Bà Sylvie Dorison nhắc lại:

« Hai năm đó cho phép ông thâm nhập vào ngành da liễu bởi vì ông phải quan sát và học cách phân biệt thế nào là một bọng nước, một nốt sần, một mụn mủ, nốt mẩn đỏ… những sắc thái bệnh lý mà một người mới tập tễnh như ông không phải dễ nhận biết và phải học hỏi thêm. Để rồi sau đó, ông phải tái hiện lại một cách trung thực nhất. »

Đây cũng là hai năm để ông Jules Baretta cách tân và hoàn thiện kỹ thuật đúc khuôn bằng sáp. Việc đổ khuôn được thực hiện trực tiếp trên các bệnh nhân còn sống, theo sự sàng lọc của các bác sĩ tùy theo độ rõ nét hay « quy mô » của các chấn thương về da. Bà Sylvie Dorison lưu ý vào thời kỳ này, ý niệm về quyền của người bệnh là chưa có:

« Trong những năm của thế kỷ XIX, ý niệm về các quyền của người bệnh vẫn chưa có. Ý nghĩ này chỉ chớm nở từ những năm 1875 – 1880. Sự đồng thuận của người bệnh thật sự là một ý tưởng mới sau này. Vào thời đó, người ta không hỏi ý kiến người bệnh. Họ phải làm những gì bác sĩ yêu cầu, họ tuân thủ mệnh lệnh của giới y khoa và quả thật ý tưởng này chưa hề có ».

Giai thoại kể rằng để cho thời gian trôi mau và xoa dịu nỗi đau của người bệnh, trong quá trình lấy khuôn, ông Jules Baretta đã chơi đàn piano. Bởi vì quy trình lấy khuôn gồm 3 bước và kéo dài trong vòng hơn một tiếng rưỡi.

« Nói một cách ngắn gọn, kỹ thuật lấy khuôn gồm có ba bước. Sau khi bảo vệ phần chấn thương, người lấy khuôn sẽ đổ lớp thạch cao lỏng sao cho lớp chất lỏng có thể vừa khít với tất cả các phần lồi của vết thương. Khi phần thạch cao đã khô, người ta gỡ chúng ra rồi người ta đổ sáp nóng vào bên trong phần thạch cao. Một khi sáp khô, họ tách rời sáp với thạch cao.

Bước cuối cùng bao gồm việc bơm phẩm mầu, đó là những phẩm mầu tự nhiên, được ông bơm ít một giống như là trong kỹ thuật xâm hình. Ông hoàn thiện khuôn mẫu sao cho giống y như thật phần chấn thương của người bệnh ».

Công cụ cảnh báo giới quân nhân

Năm 1865, những mẫu khuôn đúc đầu tiên ra đời và ngay lập tức đã làm hài lòng các giáo sư – bác sĩ. Một tòa nhà trưng bày mẫu đúc được khánh thành năm 1885. Tiếng lành đồn xa, năm 1889, Hội nghị Khoa học Quốc tế về ngành Da liễu đầu tiên đã được tổ chức ở bệnh viện Saint-Louis, ngay tại gian phòng trưng bày các mẫu khuôn đúc. Giới chuyên gia ngành Da liễu có dịp chứng kiến tài năng của ông Baretta.

« Thế là sau đó, có đôi lần người ta có đề nghị ông Baretta làm một ít khuôn đúc và như vậy, ông Baretta đã có thể xuất khẩu một vài mẫu vật ra nước ngoài. Vì vậy mà tại một số nước người ta có thể nhìn thấy vài tác phẩm bằng sáp của ông. »

Rồi chiến tranh xảy ra trong suốt nửa đầu thế kỷ XX. Kỹ nghệ chụp ảnh bắt đầu có những tiến bộ. Số lượng khuôn đúc giảm dần và việc lấy mẫu khuôn bệnh lý không còn mang tính quan trọng như thời kỳ đầu. Dù vậy, trong suốt hai cuộc chiến, các mẫu đúc không hề bị suy suyễn và còn được dùng như là một công cụ hỗ trợ cảnh báo y tế giới quân nhân.

« Những mẫu đúc dành để nói về bệnh giang mai còn được đem cho các quân nhân xem như là một công cụ hỗ trợ phòng ngừa các chứng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Ở đây luôn có một khía cạnh sư phạm chứ không hẳn chỉ có khoa học. Đây thật sự có tính chất phòng ngừa y tế ».

Ngoài việc phả nánh lịch sử bệnh viện, lịch sử khoa da liễu, những chiếc khuôn sáp còn là tấm gương phản chiếu một giai đoạn xã hội Pháp. Trong số gần 5000 mẫu vật, có đến 1200 khuôn, tức chiếm đến ¼ bộ sưu tập dành để nói đến các di chứng của bệnh giang mai trong mọi trạng thái ở ba giai đoạn.

Con số này phần nào phản ảnh tầm mức của sự tàn phá của chứng bệnh này từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Bà Sylvie Dorison lưu ý, phần đông các bệnh nhân của bệnh viện thời kỳ này là những thành phần dân cư bình dân:

« Bởi vì, vào thời kỳ đó, người ta còn chưa biết rõ chứng bệnh giang mai. Người ta chưa hiểu cơ chế lây truyền bệnh. Không những đàn ông, phụ nữ đều bị mắc bệnh mà cả trẻ con nữa. Khi người mẹ mắc bệnh, rủi ro truyền bệnh từ mẹ sang con rất lớn. Và trẻ nhỏ được sinh ra với những dị tật nguy hiểm.

Và trước khi có thuốc penicilline, không có một liều thuốc chữa trị nào hết. Ở thế kỷ XIX, quả thật đây là một vấn đề lớn. Chính vì vậy mà trong suốt cuộc chiến 1939 – 1945, tất cả những mẫu khuôn đúc bệnh giang mai đã được sử dụng để cảnh báo giới quân nhân. »

Khoa học nhưng không kém phần nghệ thuật. Muôn hình vạn trạng. Mỗi một khuôn đúc là một kiểu triệu chứng bệnh lý khác nhau được tái hiện y như thật. Gần 5.000 mẫu vật là 5.000 kiểu nỗi đau thể xác. Bàn tay khéo léo không chỉ của riêng ông Baretta mà còn của nhiều nghệ nhân khác sau ông cũng như là những người khác trên thế giới đã thổi hồn cho những mẫu khuôn sáp. Người xem không khỏi xót xa cho những thân phận con người trước những căn bệnh hiểm nghèo. Sau chuyến viếng thăm, người ta không khỏi tự hỏi : Làm thế nào người xưa chịu đựng nỗi những tổn thương và đau đớn của thể xác « khủng khiếp » đến như vậy ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.