Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp cấm tiêu hủy hàng tồn kho để chống lãng phí

Đăng ngày:

Hồi đầu năm 2016, Quốc Hội Pháp thông qua luật chống lãng phí thực phẩm, không cho phép các cửa hàng thực phẩm vứt bỏ hàng không bán được, buộc họ phải liên hệ với các hiệp hội từ thiện để thanh lý thực phẩm trước khi hàng hết hạn sử dụng. Nay chính quyền Pháp lại tiếp tục cuộc chiến chống lãng phí, tạo điều kiện phát triển nền kinh tế xã hội và đoàn kết.

Biểu ngữ tố cáo  tập Amazon "phá hoại công việc làm và khí hậu", kêu gọi  "Amazon chấm dứt phát triển, chấm dứt sản xuất dư thừa". Ảnh ngày 2/07/2019, ở Clichy, Paris.
Biểu ngữ tố cáo tập Amazon "phá hoại công việc làm và khí hậu", kêu gọi "Amazon chấm dứt phát triển, chấm dứt sản xuất dư thừa". Ảnh ngày 2/07/2019, ở Clichy, Paris. Philippe Lopez/AFP
Quảng cáo

Ngày 04/06/2019, thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo sẽ đệ trình lên Quốc Hội vào tháng 07 dự luật cấm tiêu hủy hàng hóa tồn kho nếu đó là những mặt hàng không phải là thực phẩm, từ hàng điện tử gia dụng, sản phẩm vệ sinh nhà cửa, cho đến mỹ phẩm, quần áo …Theo dự luật, nếu không bán hết hàng, các doanh nghiệp hoặc phải cho, tặng sản phẩm cho các hiệp hội để giúp đỡ những người khó khăn, hoặc phải tháo dời sản phẩm để tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe gọi việc các doanh nghiệp tiêu hủy, vứt bỏ các sản phẩm tồn kho cho dù chúng vẫn còn mới nguyên là « sự lãng phí quá đáng ». Nếu được thông qua, dự luật sẽ có hiệu lực muộn nhất là vào cuối năm 2021, hoặc năm 2023 đối với một số mặt hàng đặc biệt, và như vậy, Pháp sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách chống lãng phí này. Thủ tướng Pháp phát biểu : « Ý định của chúng tôi không phải là bắt buộc hay áp đặt cho các doanh nghiệp, mà là làm thế nào để nền kinh tế bước vào một giai đoạn mới ».

800 triệu euro hàng tồn kho bị tiêu hủy hàng năm

Chính quyền Pháp ước tính giá trị hàng tồn kho bị tiêu hủy hàng năm lên đến 800 triệu euro, trong đó có 180 triệu euro hàng mỹ phẩm và các sản phẩm vệ sinh, 49 triệu euro hàng dệt may và giày dép, 10 triệu euro hàng điện tử gia dụng. Còn theo một báo cáo hồi năm 2014, Hiệp hội cho tặng hiện vật - Agence du don en nature - ADN đánh giá là 630 triệu euro hàng hóa không bán được đã bị tiêu hủy. Hàng còn mới nhưng bị tồn kho mà các doanh nghiệp đem cho, tặng chỉ đạt tổng cộng 140 triệu euro.

Ngày 14/01/2019, chương trình « Capital » của kênh truyền hình M6 đã tiết lộ kết quả một cuộc điều tra theo đótập đoàn Amazontại Pháp đã tiêu hủy hàng triệu sản phẩm còn mới nguyên. Phóng viên Guillaume Cahour đã bí mật quay được các vụ tiêu hủy rất nhiều mặt hàng như bỉm, máy pha cà phê, ti vi, đồ chơi … tại các kho hàng của Amazon. Theo Le Monde, CGT ước tính, trong năm 2018, Amazon đã tiêu hủy 3,2 triệu sản phẩm. Còn bà Alma Dufour, phát ngôn viên của Hiệp hội bảo vệ môi trường, sinh thái Những người bạn của Trái đất - Les Amis de la Terre, dự báo tổng số hàng hóa mới nguyên mà tập đoàn Amazon tiêu hủy tại Pháp trong năm 2019 có thể sẽ lên tới 6 triệu sản phẩm.

Sau khi kênh M6 phát phóng sự điều tra, một thanh niên 27 tuổi tên là Alexandre Briolais đã quyết định tung lên mạng internet đơn kiến nghị « Hãy ngưng tiêu hủy ồ ạt hàng tồn kho », thu thập chữ ký của người ủng hộ nhằm gây áp lực buộc tập đoàn ngưng hành động lãng phí nói trên. Kết quả thật đáng bất ngờ, chỉ trong vòng 1 tháng, Alexandre Briolais đã thu được tới 116.000 chữ ký và kiến nghị đã được gửi đến quốc vụ khanh đặc trách chuyển đổi năng lượng của Pháp, Brune Poirson, lãnh đạo tập đoàn Amazon, Jeff Bezos, và Nghị Viện Châu Âu. Về phía chính phủ Pháp, ngay sau khi phóng sự về Amazon được phát, quốc vụ khanh đặc trách chuyển đổi năng lượng Brune Poirson tuyên bố chính quyền Pháp sẽ sớm cho thông qua dự luật cấm tiêu hủy hàng tồn kho.

Giảm lãng phí, tăng chia sẻ

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận là trên thực tế, từ nhiều năm nay, tại Pháp, nhiều tổ chức, hiệp hội đã được các siêu thị, cửa hàng tặng hàng tồn kho, chẳng hạn Hiệp hội cho tặng hiện vật ADN. Được thành lập vào năm 2009, đến năm 2018, ADN tạo dựng được mạng lưới gồm 130 doanh nghiệp đối tác, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như L'Oréal, P&G, Seb, Leroy Merlin, Petit Bateau, Bioderma và nhiều hãng chuyên hàng dệt may như Celio, H&M, Camaieu … Chỉ riêng trong năm 2018, hãng thời trang may mặc dành cho nam giới Celio đã tặng lại cho Hiệp hội cho tặng hiện vật ADN 70.000 chiếc quần áo và phụ kiện.

Thách thức hiện nay của ADN là thuyết phục được thêm nhiều nhất có thể các doanh nghiệp cho tặng hàng tồn kho, để chung tay làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Phương châm của Hiệp hội cho tặng hiện vật ADN là « giảm lãng phí, tăng chia sẻ ». Đối tác của ADN còn có 800 hiệp hội trợ giúp người nghèo. Theo số liệu đăng tải trên trang web của ADN, năm 2018 Hiệp hội cho tặng hiện vật đã phân phối lại được cho các hiệp hội từ thiện 3 triệu sản phẩm, tương đương 1.000 tấn hàng.

Còn tổ chức Emmaüs là hội do tu sĩ Pierre sáng lập năm 1954 để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Về thực chất, không như nhiều người nhầm tưởng, Emmaüs không phải là một tổ chức từ thiện chuyên quyên góp và tặng tiền, thức ăn, vật dụng cho người trong cảnh thiếu thốn mà mục tiêu chính của hiệp hội là đã giúp đỡ những người nghèo khó bằng cách tạo công ăn việc làm cho họ, để họ có thu nhập và chỗ đứng trong xã hội. Emmaüs cũng được phép nhận hiện vật từ các doanh nghiệp, nhưng sau đó họ chỉ được quyền bán các sản phẩm này trong hệ thống cửa hàng giá rẻ của Emmaüs rồi sử dụng số tiền thu được để góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội chính của tổ chức.

Rào cản đối với các doanh nghiệp

Bà Vélérie Fayard, phó chủ tịch tổ chức Emmaüs, cho biết, mặc dù trong những năm qua lượng hàng hóa tồn kho doanh nghiệp cho tặng các hiệp hội để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn đã tăng đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, bà Valérie Fayard giải thích :

« Có rất nhiều yếu tố. Thứ nhất là các doanh nghiệp không muốn sản phẩm của họ được lưu thông theo kiểu như ở « chợ đen » với giá bán thấp hơn hẳn, chẳng hạn như tại các cửa hàng của Emmaüs. Các doanh nghiệp kinh doanh hàng cao cấp không muốn sản phẩm còn mới nguyên, vốn được bán với giá rất cao trong chuỗi cửa hàng của họ nay lại được bán trong cửa hàng của Emmaüs.

Trong những trường hợp này, doanh nghiệp nghĩ rằng nếu họ cho, tặng một sản phẩm còn mới nguyên cho một hiệp hội và hiệp hội này bán sản phẩm để thu tiền phục vụ cho dự án xã hội của hiệp hội và giúp đỡ những người không có điều kiện, thì điều đó sẽ làm giảm giá trị sản phẩm của hãng và họ không muốn như vậy.

Đây là trở ngại đầu tiên. Trở ngại này liên quan đến hình ảnh của doanh nghiệp. Điều cần thiết là trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp kinh doanh hàng cao cấp, bắt đầu hiểu ra rằng, việc cho tặng sản phẩm để Emmaüs bày bán trong chuỗi cửa hàng của chúng tôi có thể có tác dụng tích cực tới hình ảnh của doanh nghiệp. Công chúng sẽ thấy là việc doanh nghiệp cho tặng hiện vật cho Emmaüs là đóng góp tích cực cho xã hội và về mặt lý tưởng xã hội ».

Vì lo ngại là việc cho tặng hàng hóa cho các hiệp hội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu, nên một số doanh nghiệp chọn tiêu hủy hàng tồn kho, một số khác, dù có cho tặng hiện vật cho các hiệp hội, nhưng vẫn ra điều kiện là tổ chức Emmaüs không được tiết lộ tên của doanh nghiệp. Khi RFI Việt ngữ hỏi tên một số doanh nghiệp đối tác của Emmaüs, phó giám đốc tổ chức này trả lời:

« Về điều này, rất tiếc là tôi không thể nói cho chị biết được. Mặc dù không phải là tất cả, nhưng thường thì các doanh nghiệp không muốn chúng tôi nói về điều này. Chẳng hạn chúng tôi có một đối tác lớn là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh đồ nội thất tặng cho chúng tôi tất cả hàng tồn kho của họ, một lượng hàng rất lớn, nhưng họ không muốn điều này được công bố, chỉ vì một lý do rất đơn giản: nếu mọi người biết được là thường xuyên có nhãn hàng nào hay sản phẩm nào của hãng được bày bán trong các cửa hàng của Emmaüs, thì khách hàng sẽ tìm đến Emmaüs trước khi đến cửa hàng chính hãng.

Không phải là tất cả mọi doanh nghiệp đều thế, nhưng một số hãng yêu cầu là chúng tôi không công bố tên đối tác, và đây là một điều khoản trong hợp đồng mà chúng tôi ký với họ. Vì thế, tôi không thể nói cho chị biết được».

Thuế VAT cũng là một rào cản khách quan khác đối với các doanh nghiệp. Phó giám đốc tổ chức Emmaüs giải thích cụ thể :

« Rào cản thứ hai là về thuế khóa. Điều này hơi thiên về chuyên môn, nhưng thực tế đúng là như vậy, tức là khi một doanh nghiệp cho, tặng hàng cho một hiệp hội, thì doanh nghiệp phải đóng thuế giá trị gia tăng, trong khi họ không bán sản phẩm này. Chính vấn đề thuế này kìm hãm doanh nghiệp cho tặng hiện vật. Chúng tôi đang thảo luận với bộ Môi Trường và các cơ quan thuế nhằm gỡ bỏ thuế VAT nói trên, để các doanh nghiệp khi cho tặng hàng hóa cho các hiệp hội hoạt động vì lợi ích xã hội thì sẽ được miễn thuế VAT. Đây là một vấn đề về chuyên môn nhưng thực sự là một rào cản cho các doanh nghiệp ».

Hy vọng với dự luật mới, lượng hàng mới tồn kho bị các doanh nghiệp tiêu hủy tại Pháp trong tương lai sẽ giảm nhanh chóng, còn các hiệp hội từ thiện sẽ nhận thêm được nhiều hiện vật để giúp đỡ những người trong hoàn cảnh khó khăn, tránh lãng phí cho xã hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.