Vào nội dung chính
PHÁP - CHÍNH TRỊ

Pháp : Tiền lệ bộ trưởng từ chức vì sức ép truyền thông

Có hai cái tên nổi bật trên trang nhất báo Pháp ra ngày 17/07/2019, đều là tên mang dáng dấp quý tộc : François de Rugy, bộ trưởng Môi Trường Pháp vừa phải từ chức sau những cáo buộc lạm dụng chức quyền để lãng phí của công, và Ursula von der Leyen, bộ trưởng Quốc Phòng Đức mới được bầu làm nữ chủ tịch đầu tiên của Ủy Ban Châu Âu.

Ông François de Rugy từ chức bộ trưởng Môi Trường Pháp ngày 16/07/2019.
Ông François de Rugy từ chức bộ trưởng Môi Trường Pháp ngày 16/07/2019. REUTERS/Charles Platiau
Quảng cáo

Một cái tên thứ ba cũng được nhắc đến trên các báo dù không chiếm vị trí đầu ở trang nhất : đó là tổng thống Mỹ Donald Trump, với những phát ngôn bị đánh giá là kỳ thị chủng tộc.

Tựa chính trang nhất của hai tờ báo, Libération, thiên tả, và Le Figaro, thiên hữu, đã dành cho sự kiện bộ trưởng Môi Trường Pháp đã phải rời bỏ chức vụ trước sức ép của dư luận.

Libération: De Rugy, một quyết định từ chức bất ngờ

Cũng có dư luận quan ngại về vụ từ chức bên trên một bức ảnh chụp ông François de Rugy đang đi xuống bực thềm điện Elysée, đầu hơi cúi xuống, Libération đã chạy một hàng tựa khá tàn nhẫn : « Rugy từ chức : Khai vị, món chính, tráng miệng », ám chỉ đến một trong những lý do đã khiến vị bộ trưởng Pháp phải từ chức : những bữa tiệc quá xa hoa mà ông đã tổ chức.

Libération giải thích ngay : « Sau một tuần lễ với những tiết lộ dồn dập về lối sống xa hoa của ông, François de Rugy, hôm thứ Ba (16/07/2019) đã tuyên bố rời khỏi bộ Chuyển Đổi Sinh Thái ».

Ở trang trong, Libération tiếp tục khai thác ý tưởng ẩm thực, với bài viết mang tựa đề : « Từ tôm hùm đến bữa tiệc nhỏ chia tay », kể lại phản ứng, chủ yếu là ngạc nhiên, của nhiều người trước quyết định của ông de Rugy, vì lẽ hành pháp đã cho biết là sẽ chờ có kết quả điều tra chính thức rồi mới quyết định số phận của vị bộ trưởng.

Tuy nhiên, đối với Libération, ngạc nhiên không nhất thiết là nhẹ nhõm. Một thành viên đảng Cộng Hòa Tiến Bước đang cầm quyền tỏ ý tiếc là ông de Rugy đã « khuất phục trước áp lực truyền thông ». Theo nhân vật này, không lẽ cứ có bài báo tố cáo là phải từ chức hay sao? Một dân biểu khác lo ngại về nguy cơ « chưa kịp tự bảo vệ là đã bị xem là có tội ». Người thứ ba mỉa mai : « Quy tắc mới trong nền dân chủ là từ chức khi một bài viết được tờ Mediapart công bố ! Quả là chán ! ».

Le Figaro: De Rugy từ chức để tránh khủng hoảng chính trị

Le Figaro cũng dành tựa lớn trang nhất cho vụ de Rugy, nhưng cho rằng « Ông Rugy từ chức để tránh gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị ».

Theo tờ báo cánh hữu : « Một năm sau vụ Benalla, bên hành pháp của nước Pháp hy vọng sẽ tránh được một mùa hè chết người khác ». Le Figaro nêu bật sự kiện là giới thân cận của tổng thống Macron lần này nhấn mạnh trên sự khác biệt trong phản ứng so với vụ Benalla vào năm ngoái : « Phản ứng xúc động của dư luận đã lập tức được coi trọng, và đã có phản ứng rất nhanh theo một phương cách xử lý lành mạnh và có trách nhiệm ».

Đối với Le Figaro, « có thể nghĩ rằng quyết định từ chức của ông Rugy, nếu không được phủ tổng thống chỉ đạo, thì ít ra đã được khuyến khích mạnh mẽ ».

Về phần mình, dù không chạy tựa lớn, nhưng nhật báo Công Giáo La Croix đã dành bài xã luận trên trang nhất cho vụ từ chức của vị bộ trưởng với tựa đề « Thời gian để thụ lý hồ sơ ». Tờ báo ghi nhận rằng ông François de Rugy đã tự nhận mình là « nạn nhân của một vụ hành hình bằng truyền thông » đã khiến ông « không đảm nhận được một cách bình thản và hiệu quả nhiệm vụ mà tổng thống và thủ tướng giao phó ». La Croix cho biết thêm là ông đã kiện báo mạng Mediapart về tội phỉ báng.

Ursula von der Leyen: Một nữ chủ tịch đầu tiên cho châu Âu

Cái tên thứ hai nổi bật trên trên trang nhất của báo chí Pháp ra ngày hôm nay mang âm hưởng Đức : Ursula von der Leyen, vị nữ bộ trưởng Quốc Phòng Đức vừa được bầu làm chủ tịch định chế đầy quyền lực của Liên Âu là Ủy Ban Châu Âu.

Nhật báo kinh tế Les Echos đã dành vị trí trang trọng nhất ở trang nhất cho sự kiện này, với bức ảnh chụp bà Ursula von der Leyen, vẻ mặt tươi cười, dáng dấp quý phái, bên dưới hàng tựa lớn : « Một nữ chủ tịch đầu tiên cho châu Âu ».

Les Echos ghi nhận rằng bà von der Leyen là phụ nữ đầu tiên được bầu lên đứng đầu Ủy Ban Châu Âu, đồng thời là người Đức đầu tiên nắm chức vụ này từ năm chục năm nay.

Khó khăn đối với bà, theo tờ báo, là bà chỉ được một đa số khít khao ở Nghị Viện Châu Âu ủng hộ.

Về chương trình hành động của bà, Les Echos đặc biệt lưu ý là bà von der Leyen muốn cho thông qua một « green deal », một chương trình bảo vệ môi trường.

Nhật báo La Croix cũng nhìn thấy là bà « Ursula Von der Leyen đắc cử trong gang tấc ». Thế nhưng tờ báo không khỏi trầm trồ trước tài hùng biện của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tương lai, trong bài phát biểu trước các nghị sĩ châu Âu :

« Một dòng ngữ lưu nhịp nhàng và được chế ngự từ đầu đến cuối, một vẻ mặt nghiêm túc và chu đáo vào mọi lúc, một vài giai thoại cá nhân, rất nhiều đề xuất mang tính đồng thuận (thậm chí có nguy cơ bị buộc tội là nhút nhát), tất cả bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Anh ».

Tờ Libération cũng bị mê hoặc. Theo tờ báo, bà Ursula Von der Leyen đã có một diễn văn rõ ràng, hùng hồn, sinh động, đầy tính nhân bản, có chỗ rất xúc động như khi bà gợi đến chương trình cho châu Âu hay thảm cảnh của những người di dân nhập cư…

Tờ báo nói tiếp : Ursula von der Leyen, với dáng vẻ thanh lịch tuyệt hảo, đã cho thấy là bà tràn đầy năng lượng, tươi mát, tránh dùng ngôn ngữ cúng cụ thường thấy ở các nhà lãnh đạo châu Âu.

Theo tờ báo, sự tương phản đã nổi rõ giữa nữ chủ tịch tương lai và người tiền nhiệm của bà, ông Jean-Claude Juncker, một con người « già trước tuổi ».

Le Figaro cũng lưu ý đến « những lời hay ý đẹp » của vị chủ tịch tương lai, đã trích lời cha mình « Châu Âu giống như một cặp vợ chồng lâu năm. Tình yêu không mạnh mẽ như ngày đầu, nhưng sâu lắng hơn ».

Donald Trump và chiến lược nói nặng

Cái tên thứ ba được rất nhiều tờ báo Pháp hôm nay nhắc đến là tổng thống Mỹ Donald Trump, với những lời lẽ mang nặng tính chất kỳ thị chủng tộc của ông.

Libération chạy một hàng tựa nhỏ trang nhất về sự kiện mà tờ báo gọi là « Donald Trump trong một hành động chệch hướng có kiểm soát », trong lúc Le Monde đã dành cho tổng thống Mỹ bài xã luận mang tựa đề « Donald Trump hay chính sách khích động thường trực ».

Theo Le Monde, cách phòng thủ tốt nhất là tấn công, đó là điều ai cũng biết. Donald Trump đã liên tục áp dụng nguyên tắc này và vừa chứng tỏ điều đó. Sau một tuần lễ bị hai thất bại - Bộ trưởng Lao Động của ông bị buộc phải từ chức, trong lúc dự án của ông muốn liên kết điều tra dân số với quốc tịch bị hủy bỏ sau quyết định từ chối của Tòa Án Tối Cao - tổng thống Mỹ Hoa Kỳ đã phản công. Kể từ ngày 14 tháng 7, ông đã đưa ra một loạt phát biểu mang tính chất thóa mạ và bài ngoại đối với bốn nữ dân biểu đảng Dân Chủ, những người rất năng nổ trong việc bảo vệ quyền của người di cư (...).

Báo La Croix thì nhìn thấy là những lời lẽ của ông Trump đã gây bối rối cho cả đảng Cộng Hòa.

Cá nhân người Pháp yêu đời nhưng tập thể người Pháp bi quan

Xin kết thúc bài điểm báo hôm nay bằng một nghịch lý Pháp được nhật báo Les Echos nêu bật : Cá nhân người Pháp thuộc diện rất lạc quan, nhưng trên bình diện tập thể, Pháp lại là một trong những quốc gia bi quan nhất thế giới.

Les Echos nêu bật kết quả của nhiều cuộc điều tra dư luận về suy nghĩ của người Pháp về bản thân và về đất nước.

Về nước Pháp nói chung, Les Echos ghi nhận :

- Chỉ có 20% người Pháp nghĩ rằng đất nước đang đi đúng hướng, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân 42% của thế giới. Điều đó khiến Pháp trở thành quốc gia tiêu cực nhất về chỉ số này trong số 30 nước.

- 70% người dân Pháp dự trù là tình hình đất nước sẽ xấu đi trong những năm tới, điều này khiến Pháp trở thành quốc gia bi quan nhất trong số bốn chục nước được Viện Ipsos điều tra theo đơn đặt hàng của Fondapol.

- 45% người Pháp cảm thấy rằng mức sống của mình đã xấu đi trong những năm gần đây, so với mức trung bình 29% đối với các nước láng giềng châu Âu.

- Chỉ có 12% người Pháp lạc quan cho tương lai của các thế hệ tương lai trong lúc đến 48% cho rằng rất khó để một người trẻ leo lên nấc thang xã hội.

Theo các kết quả trên, nước Pháp quả đúng là một trong những quốc gia bi quan nhất trên thế giới.

Thế nhưng nếu xét trên bình diện cá nhân, tình hình khác hẳn.

- 70% người Pháp dưới 35 tuổi lạc quan về tương lai của họ.

- 60% người Pháp đồng ý rằng chất lượng cuộc sống ở Pháp tốt hơn ở các nước láng giềng.

- 72% người Pháp nói rằng họ hài lòng với cuộc sống của họ, căn cứ vào các tiêu chí chất lượng quan hệ xã hội, cuộc sống gia đình, có sức khỏe tốt và có thời giờ rảnh rỗi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.